CN III MC C: Cơ hội cuối cùng để hoán cải

 

Cơ hội cuối cùng để hoán cải

Xh 3,1-8a.13-15; Cr 10,1-6.10-12; Lc 13,1-9

Lm. Jude Siciliano, O.P.
(Anh em học viện Đaminh chuyển ngữ)

 

Kính thưa quý vị,

CN III MC C: Cơ hội cuối cùng để hoán cảiTrong khóa học nói trước công chúng, các học viên thường được hướng dẫn để khởi đầu bài nói chuyện của mình bằng một câu chuyện thú vị gây chú ý. Một khi gây được sự chú ý của người nghe, họ có thể đề cập đến những điểm nhấn trong bài nói chuyện của mình. Tương tự như thế, người giảng thuyết nên biết một trong những cách thức khởi đầu bài giảng là đề cập đến một tình huống mà người nghe có thể nhận ra ngay tình huống của mình, hoặc là họ biết người nào đó đang gặp tình trạng như thế. Mục đích của việc dẫn nhập này là để thu hút người nghe và chuẩn bị cho họ lắng nghe Lời Chúa nói với cuộc sống của họ. Trong trình thuật Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu, một nhà giảng thuyết, đã khéo léo đề cập đến kiến thức của người nghe về những sự kiện hiện tại và liền sau đó Ngài nói cho họ biết một thông điệp quan trọng.

Đức Giêsu nói về một số người bị Philatô giết chết trong khi họ đang dâng tế vật trong Đền thờ. Quý vị có thể tưởng tượng ra cảnh người ta bị giết đang cầu nguyện! Chắc chắn những người nghe chuyện tàn sát này đã bị sốc. Mặc dù không có các phương tiện truyền thông hiện đại, nhưng tin tức về sự kiện này có vẻ như đã được lan truyền bởi vì Đức Giêsu đã nhắc đến sự kiện này để giảng dạy lời của Ngài cho những người tụ tập chung quanh.

Một tin buồn khác dường như cũng được nhiều người biết đến, vì thế Đức Giêsu đã đề cập đến sự kiện này để minh họa cho điều Ngài muốn nói. Ở Silôác hình như cũng có một tòa tháp đã bị sụp đổ và khiến cho 18 người bị thiệt mạng. Người ta đã bàn tán nhiều về những sự kiện bi thảm này, một tin tức gây xôn xao. Tuy xảy ra ở những thời điểm khác nhau, nhưng hai sự kiện này lại có vẻ như mới xảy ra ngày hôm qua: một bạo chúa giết chết các công dân của chính quốc gia mình; một công trình xây dựng không đúng quy cách khiến bức tường sụp đổ đè chết những người đang đi lại ở bên dưới.

Hai sự kiện nghe giống nhau và các thắc mắc họ nêu lên cũng vậy. Tại sao những điều này lại xảy ra với những người ấy? Những người đương thời với Đức Giêsu và một số người thời nay có thể đưa ra kết luận rằng Thiên Chúa đã trừng phạt những kẻ tội lỗi. Khi một ai đó gặp bi kịch thì dễ có khuynh hướng đặt câu hỏi: “Tôi đã làm gì mà Thiên Chúa lại trừng phạt tôi như thế?”

Những người nghe Đức Giêsu giảng đều đã nghe về sự tàn bạo của Philatô và sự sụp đổ của tòa tháp. Đức Giêsu, một người giảng thuyết tuyệt vời, đã dùng những sự kiện này như những ví dụ để giảng dạy cho họ. Những sự kiện kịch tính này nhắc nhở mọi người rằng cuộc sống chẳng có gì là chắc chắn cả; chẳng có gì đảm bảo rằng sẽ không có bất kỳ điều xấu nào xảy đến với mình cách bất ngờ. “này, quý vị sẽ chẳng bao giờ biết đâu”. Bởi chưng, cuộc sống quá mong manh, Đức Giêsu giúp mọi người duyệt xét lại đời sống cũng như thực hiện những thay đổi thích đáng. Đức Giêsu nói rằng tất cả chúng ta đều là những tội nhân hay có những hành vi không xứng hợp cần phải thay đổi “ngay bây giờ” – không được “chậm trễ”.

Cái chết là một cách khiến chúng ta phải lưu ý. Chúng ta đã thấy những người mắc bệnh hiểm nghèo, hoặc những người đã chết và đã dùng những giây phút cuối cùng quý báu để sửa chữa những sai lầm: một phụ nữ liên lạc và làm hòa với người anh trai của mình sau nhiều năm tuyệt giao; một thương gia thay đổi ý định của mình để hoàn trả lại mọi người những gì ông ta đã lừa dối họ; một số người đã bỏ nhà thờ trong một thời gian dài, nay lại xin cha ban Bí tích Hòa giải và sau đó là Xức dầu; một người cha lạnh nhạt và khắt khe với hai người con trai của mình nay lại gọi chúng lại để ngỏ lời xin lỗi và bày tỏ niềm tự hào về chúng. Đôi khi, cũng giống như trường hợp tai nạn ở Silôác, cái chết bất ngờ xảy đến. Nhưng, Đức Giêsu nói, nếu còn có thời gian, chúng ta tận dụng ân huệ này để hàn gắn những rạn nứt và xin được tha thứ. Mùa chay là một lời nhắc nhở sửa đổi và hôm nay Đức Giêsu nói với chúng ta ngay bây giờ là thời gian để làm điều đó.

Đức Giêsu đưa ra ví dụ về cây vả không có trái. Tính từ khi trồng thì cây vả mất khoảng ba năm sẽ cho trái. Thế rồi, nếu cây vả không có trái thì một người làm vườn khôn ngoan và thực dụng sẽ chặt nó đi và thay bằng cây khác. Lẽ thường, người làm vườn là những người kiên nhẫn vì họ chờ cho cây trồng của họ đến mùa thu hoạch. Tuy nhiên, lòng kiên nhẫn của người làm vườn cũng có giới hạn, như chúng ta có thể nghe thấy giọng nói của người làm vườn: “Đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái … chặt nó đi.”

Cây vả là một biểu tượng của Israel (Mk 4,4) và những người nghe Đức Giêsu nói cũng hiểu được sự liên tưởng này. Thiên Chúa vẫn tiếp tục ban phát rộng rãi tình yêu và dưỡng nuôi Israel, dù trải qua một lịch sử dài đằng đẵng dân này vẫn luôn khước từ hay thờ ơ. Rõ ràng từ thời các ngôn sứ, Thiên Chúa đã muốn cho Israel trở nên một dấu chỉ của tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa giữa muôn dân tộc. Nói cách khác, Thiên Chúa đã mong đợi tìm thấy trái trên cây vả.

Xin đừng chỉ giới hạn kỳ vọng này vào dân Israel. Thiên Chúa mong muốn mỗi chúng ta và Hội thánh phải trổ sinh hoa trái trong việc phục vụ Chúa: đem lại những thành quả của sự phục vụ trong yêu thương, trao hiến chính bản thân mình để xoa dịu nỗi đau của ta nhân và làm vơi đi gánh nặng của họ. Cây mà đã được Đức Giêsu trồng đòi buộc phải sinh hoa kết trái như Đức Giêsu đã biểu lộ trong đời sống của Ngài qua lời nói và hành động.

Mùa chay là thời điểm thích hợp để suy xét xem liệu chúng ta có chậm trễ đưa ra những thay đổi quan trọng trong đời sống của mình hay không. Dụ ngôn cây vả không sinh trái gợi lên một dấu chỉ của niềm hy vọng. Cây vả được cho một năm hồng ân nữa; thêm một cơ hội, với sự chăm sóc chu đáo và tận tình hơn hầu có thể đơm bông kết trái. Tuy nhiên, vẫn còn đó một lời cảnh báo khắc nghiệt là nếu không sinh hoa trái thì nó sẽ bị chặt đi. Mùa Chay nhắc nhở về lòng nhân hậu của Thiên Chúa luôn dành cho chúng ta và ta có đủ thời gian để đón nhận lòng nhân hậu ấy, và tiếp đó phải thực hiện những đổi mới quan trọng để sắp xếp lại cuộc đời của chúng ta. Tuy vậy, nếu chúng ta không hành động trong thời hạn được trao này thì sẽ phải lãnh một hậu quả bi thảm. Ngày cuối cùng sẽ ập đến bất ngờ với bất kỳ ai trong chúng ta.

Nhưng chúng ta không chỉ dựa vào sức mình để nỗ lực thực hiện những thay đổi này. Cây vả nhận được lòng thương xót, thời gian và sự chăm sóc đầy tình yêu thương. Thiên Chúa chăm chút cho chúng ta để ta trổ sinh được nhiều hoa trái. Đức Giêsu mời gọi mọi người đón nhận sức mạnh ân sủng từ Thiên Chúa. Đó là một ân huệ nhưng không; chúng ta chẳng có thể làm gì để có được ơn ấy. Hãy nhớ lại tình trạng của cây vả; nó đã không có trái. Điều đòi hỏi chúng ta là đón nhận ân sủng được ban tặng và tiếp đó là sinh sôi hoa lợi đúng như mong đợi.

Nguyên nhân gây nên nỗi đau thương cho những người hành hương Giêrusalem hay các nạn nhân tại Silôác không phải là do tội của họ. Những người Kitô hữu cần lên tiếng và hành động chống lại các bạo chúa bất công, hoặc dùng quyền lực chính trị để chống lại các công dân của họ. Tương tự như thế, “các tai nạn” như các tòa nhà và cầu trên xa lộ bị sụp đổ đôi khi là hậu quả của việc đốt cháy giai đoạn trong quy trình xây dựng. Các Kitô hữu làm việc trong các ngành công nghiệp xây dựng, giao thông vận tải, y tế, sản xuất, thực phẩm.v.v… cần phải tận tâm trong công việc ngõ hầu bảo vệ người tiêu dùng và khách du lịch khỏi “tai nạn”. Kitô giáo là một tôn giáo hằng ngày, mọi người hành đạo trong khung cảnh sống bình dị qua việc lao động nghiêm túc và công minh.

Tuy tập trung vào bài đọc Tin mừng, nhưng chúng ta cũng không bỏ qua Bài đọc I: một đoạn văn trích từ Kinh Thánh Hípri. Đó là một lời tuyên bố quan trọng về Thiên Chúa và những gì Người thực hiện cho chúng ta.

Bài đọc I khởi đầu, cũng giống như “các đoạn văn nói về lời mời gọi”, với việc Thiên Chúa đi bước trước. Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu và thánh thiện đã kêu gọi ông Môsê. Ngôn ngữ biểu tượng đã truyền đạt thật hay: một bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây ấy lại không bị thiêu rụi; có tiếng gọi ông Môsê và truyền cho ông cởi dép ra, “vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh”. Thiên Chúa mời gọi Môsê phải có lòng tôn kính và khiêm nhường; một lời nhắc nhở về tính siêu việt của Thiên Chúa. Sau đó, Thiên Chúa đã làm, như những gì Thiên Chúa vẫn luôn thực hiện trong Kinh Thánh, để biểu lộ sự quan tâm của Người đối với những ai đang chịu áp bức. “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập…”

Bài đọc này dẫn chúng ta đến trình thuật Tin Mừng. Như Thiên Chúa đã tỏ lòng từ bi với những người khổ cực và Đức Giêsu đã hiện thực hóa lòng trắc ẩn ấy qua đời sống của Người thế nào, thì chúng ta, cũng như cây vả, được mong đợi phải sinh hoa kết trái bằng lòng từ bi và công bình trong chính cuộc sống của chúng ta như vậy.  

 

Trả lời