CN II Vọng C: Tôi đã thực sự tỏ lòng sám hối…

 

Tôi đã thực sự tỏ lòng sám hối…  

 

CN II Vọng C: Tôi đã thực sự tỏ lòng sám hối…Lịch Phụng Vụ hôm nay (09/12/2012) bước vào Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng. Bầu không khí của Lễ Giáng Sinh mỗi ngày một thêm rộn ràng. Thật vậy, nơi các xóm đạo, người ta bắt đầu tất bật giăng đèn, làm hang đá.

Nói tới việc làm hang đá, có thể nói, không nơi nào nhộp nhịp cho bằng nơi xóm đạo Bình An, Bình An Thượng v.v… Nơi đây, như một truyền thống đẹp, hễ đến lễ Giáng Sinh, nhà nhà, người người làm hang đá, làm hang đá trong tư thất chưa đủ, họ còn làm hang đá suốt dọc hai bên đường.

Ngoài những hang đá, những gì có liên quan đến Giáng Sinh đều được họ đem ra trưng bày, như cây thông Noel, như hình nhân người tuyết và đặc biệt là hình ảnh “ông già Noel”.

Ông già Noel là ai? Xin thưa, theo truyền thống cho rằng, ông già Noel được nói đến trong dịp lễ Giáng Sinh chính là hiện thân của thánh Nicola một vị thánh được Giáo Hội Công Giáo kính nhớ vào ngày 6 tháng 12 hằng năm. Ngài là giám mục tại Myra, một hải cảng trong vùng Lycea của Tiểu Á (ngày nay là Demre, Thổ Nhĩ Kỳ).

Thánh Nicôla là một người biết thương người nghèo và dành cả đời mình để phục vụ Thiên Chúa. Chuyện kể rằng, một lần, gặp ba cô gái trẻ không có người cầu hôn vì cha họ quá nghèo, thánh Nicôla liền lấy ba túi vàng và bí mật bỏ vào phòng ba cô gái nọ. Nhờ đó, họ lấy được chồng và sống rất hạnh phúc.

Thánh Nicôla còn được ca tụng là người rất yêu thương trẻ em. Ngài là người luôn mang quà đến cho trẻ em vào các dịp lễ Giáng Sinh.

Là vậy, nhưng, thánh Nicola không thể chiếm chỗ của một người, trong dịp lễ Giáng Sinh, hay nói đúng hơn, trong Mùa Vọng, người đó chính là ông Gioan, người mà chúng ta, hôm nay, quen gọi là Gioan Tiền Hô.

**

Vâng, kể từ khi nguyên tổ Adam và Eva phạm tội, con người mất hết ơn lành. Thiên Chúa trục xuất con người ra khỏi vườn Eden kèm theo bản án đời đời kiếp kiếp “người là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3, …19)

Thế nhưng, dẫu cho con người đã phạm tội. Thiên Chúa không vì thế mà bỏ rơi con người. Thiên Chúa vẫn luôn là “Đấng từ bi và nhân hậu: Người đại lượng và chan chứa tình thương… Người không nỡ với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lỗi của ta.” (Tv 102, 8-10). 

Sự đại lượng và lòng chan chứa tình thương của Thiên Chúa được biết đến qua những lời giao ước với các tổ phụ, từ ông Ap-ra-ham cho đến ông Môse, cuối cùng với các ngôn sứ và đã được loan báo rằng : “Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1, 23).

Và khi thời kỳ đã mãn, ông Gioan Tiền Hô, chính là người được Thiên Chúa sai đi loan báo lời giao ước đó cho muôn dân.

***    

Vâng, Gioan-Tiền-Hô có một vai trò nổi bật trong lịch sử cứu độ. Dưới sự quan phòng của Thiên Chúa, mặc dù mẹ của ông “tuy già rồi” quá tuổi sinh con, nhưng Thiên Chúa đã nhận lời cầu xin của cha ông là Dacaria, đã cho ông ra đời một cách đặc biệt.

Khi ông Gioan được tám ngày, chịu phép cắt bì và đặt tên, thì Dacaria, cha của ông, được tràn đầy Thánh Thần  và nói : “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng tối cao, con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1,76).

Quả đúng như lời Dacaria nói, ông Gioan, sau những ngày sống trong hoang địa, khi có lời Thiên Chúa phán, ông liền đi khắp vùng sông Giodan với lời rao giảng kêu gọi người ta “chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3, 3).

Nghe tiềng đồn về ông, người Do Thái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi ông rằng “Ông là ai?” ông Gioan đã trả lời rõ, rằng “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa…” và rằng “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. (Ga 1, …26-27).

Đúng, ông Gioan không phải là ngôn sứ, cũng không phải là Êlia. Sứ vụ Thiên Chúa giao cho ông chính là kêu gọi mọi người “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng…”

Kết thúc lời kêu gọi, ông nhấn mạnh rằng “Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3, 6)

****

Thánh Nicôla, theo truyền thống được cho là “Ông già Noel”, ngoài ra ngài còn được gọi bằng một cái tên là “Thánh Ních vui vẻ”. Vâng, quả là thật vui vẻ khi chân dung Ngài được nhìn qua biểu tượng ông già Noel với trang phục đỏ thắm, dí dỏm với chùm râu bạc, ngồi chễm chệ trên chiếc xe trượt tuyết, có bảy con tuần lộc kéo, với một lô quà đem phát tặng cho trẻ em.

Thế nhưng, ngày nay, thật đáng tiếc “Ông già Noel” ngày càng bị xã hội thương mại hóa, “trần tục hóa” làm hoen ố tấm gương quảng đại của vị giám mục Nicola thánh thiện.

Nhắc tới chuyện này, bởi ngày nay, Lễ Giáng Sinh cũng đang dần bị con người “trần tục hóa”. Thật vậy, sự thật là thật sự có một “nhúm người” đang muốn đánh đồng lễ Giáng Sinh như một ngày “lễ hội… lễ hội dân gian”. 

Nhưng điều đó cũng chưa phải là đáng ngại. Điều đáng ngại, đó là, chính chúng ta, chính cách chúng ta “dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi…” sẽ nói lên rằng, chúng ta có “trần tục hóa” lễ Giáng Sinh hay không?

Trở lại câu chuyện ông Gioan Tiền Hô.

Vâng, có bao giờ chúng ta tự hỏi, ông Gioan Tiền Hô sẽ nghĩ gì khi chúng ta “dọn sẵn… cho Đức Chúa” một cái hang đá thật vĩ đại, với một rừng ngôi sao, cờ phướn bay phất phới được điểm xuyết một dàn đèn nhấp nháy lên đến vài chục… chục triệu đồng! 

Phải chăng, ngài “Tiền Hô” sẽ quay phim chụp hình rồi upload lên You Tube với lời “còm” theo điệu nhạc hip hop “good… good… good… very good”!

Hay phải chăng, ngài Gioan sẽ cho rằng, một hang đá đơn sơ, giản dị, cũng đủ để chúng ta biểu lộ “đức tin tông truyền”! 

Đúng vậy, hang Belem xưa nghèo nàn tăm tối, thế nhưng vẫn chẳng có gì ngăn trở việc đem đến cho mọi người “ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Vì thế, đừng quên, trước hết và trên hết, hãy nghĩ đến “Hang đá Belem tâm hồn” của chúng ta.

Bởi, đó chính là nơi chúng ta phải “dọn sẵn con đường cho Đức Chúa… để Người đến”. Đó chính là nơi chúng ta phải sửa đổi những quanh-co-dối-trá trong tâm hồn. Đó chính là nơi chúng ta phải lấp những hố-sâu-tham-lam, những hố-sâu-hận-thù, những hố-sâu-chia-rẽ, những hố-sâu-đam-mê-dục-vọng.

Và cuối cùng, đó chính là nơi chúng ta phải “san cho phẳng” những-ngọn-núi-kiêu-ngạo, những đỉnh-đồi-kiêu căng…

Ngày xưa, hang Belem chỉ cần một ngôi sao lấp lánh, thế mà vẫn có thể “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

Cũng vậy, đối với chúng ta hôm nay. Nếu hôm nay, Hang đá Belem tâm hồn của chúng ta có một ngôi sao mang tên “sám hối”, nó sẽ không chỉ mang đến cho chúng ta “ơn tha tội (và) ơn cứu độ của Thiên Chúa” mà còn giúp chúng ta có thể “đứng vững trước mặt Con Người” trong ngày quang lâm.

Hãy nghe lại một lần nữa lời thánh Luca chép về những gì Gioan Tiền Hô đã thực hiện. Vâng, thánh Luca chép rằng “Ông liền đi khắp vùng ven sông Giodan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3, 3).

Vâng, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã “chịu phép rửa” nhưng, hãy tự hỏi lòng mình rằng, “tôi đã thực sự tỏ lòng sám hối?”

Petrus.tran

 

Trả lời