Cn 5 chay : Người gọi ta ra khỏi huyệt

 

Người gọi ta ra khỏi huyệt và nơi chết chóc
Ga: 11: 1-45

Lm. Jude Siciliano, OP
Chuyển ngữ Anh Em HV Đaminh Gò Vấp

Cn 5 chay : Người gọi ta ra khỏi huyệtBối cảnh trong bài đọc một, trích sách ngôn sứ Êzêkien rất quan trọng và việc nhìn ra sự sắp xếp của nó sẽ giúp chúng ta nghe và áp dụng sứ điệp của ngôn sứ vào hoàn cảnh thực tại của chúng ta. Ngay trước bài đọc hôm nay, ngôn sứ Êzêkien thấy một thung lũng đầy những xương khô. Ông nói với dân Dothái trong cuộc lưu đày ở Babilon. Cảnh ngộ của họ thật bi thương; tình trạng bị tù đày của họ giống như thung lũng đầy xương khô, thịt của họ đã bị kền kền và những con chim săn mồi rỉa hết. Ngay cả mồ mả để chôn họ cũng không có, chỉ còn xương rải rác bạc trắng dưới ánh nắng mặt trời. Tình trạng của họ được tóm lại trong một câu ngay trước bài đọc hôm nay: “Xương cốt chúng tôi đã khô, hy vọng của chúng tôi đã tiêu tan và chúng tôi đã rồi đời” (37,11).

Ngôn sứ Êzêkien không chỉ nói đến sự đáng thương của từng cá nhân; ông còn nói về sự thê lương của cả một dân tộc trong cuộc lưu đày. Họ không chỉ bị bắt làm nô lệ, nhưng còn diễn tả tình trạng của họ như một sự trừng phạt của Thiên Chúa vì sự bất trung trong quá khứ của họ. Họ không thể tìm lý chứng biện hộ cho mình; không thể tìm cách biện hộ với Thiên Chúa để xin Người đến giải thoát họ.

Nhưng Thiên Chúa sẽ giải thoát họ, không vì công trạng hay lời biện hộ dõng dạc và hùng hồn của họ, nhưng vì Thiên Chúa luôn khoan dung. Các xương một lần nữa sẽ mọc thịt và dân sẽ lại được sống nhờ thần khí của Thiên Chúa. Ngôn sứ Êzêkien mô tả sự kiện này bằng thuật ngữ, một cuộc sáng tạo mới. Đầu tiên, Thiên Chúa sẽ ban cho họ sự sống thể lý và sau đó: “Ta sẽ đặt Thần Khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh”.

Tiếp đến, hình ảnh ám dụ này chuyển sang ngôn ngữ Xuất hành – đó là hồi tưởng lại việc Thiên Chúa dẫn dân ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, băng qua sa mạc và đặt họ vào đất hứa: “Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất của các ngươi. Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta làm. Đó là sấm ngôn của Đức Chúa”. Rõ ràng, Thiên Chúa quan tâm đến việc cứu dân, không chỉ đưa họ ra khỏi sự giam hãm thể lý, nhưng còn khôi phục sự sống thần linh cho họ: “Ta sẽ đặt Thần Khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh”.

Trong khi bài đọc trích sách Ngôn sứ Êzêkien hôm nay và bài đọc Tin mừng về sự sống lại của Lazarô, cùng với lời hứa của họ về sự tha thứ và đời sống mới, mang đến cho chúng ta nguồn an ủi vào giữa Mùa Chay này, chúng ta không nên nhanh chóng cá nhân hoá sự điệp của họ. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng ngôn sứ Êzêkien đã ghi nhận một cộng đồng bị sụp đổ và bị bắt làm nô lệ, chứ không chỉ là những cá nhân riêng lẻ. Có lẽ, với ý tưởng đó, chúng ta cũng có thể nhận ra câu chuyện anh Lazarô vượt xa sự sống lại của một người chết trong mồ. Đó là một lời hứa về sự sống lại của chúng ta vào ngày sau hết. Cả hai bài đọc này đều nói đến một cộng đồng bị sụp đổ.

Trong một bài giảng gần đây, một linh mục đã dùng một bài đọc kinh thánh trong thánh lễ ngày thường để áp vào những bê bối tình dục trong giáo hội. Ngài dùng vụ bế bối này như một ví dụ căn bản cho bài giảng. Sau đó, giáo dân đến gặp ngài và nói: “Chưa có ai từng công khai nói về sự bê bối cho cộng đồng giáo xứ của chúng ta. Đó như là một con voi trong phòng mà chúng ta phớt lờ xem như không có”.

Ngôn sứ Êzêkien nhìn thấy một thung lung đầy xương người chết và Thiên Chúa hỏi ông: “Liệu các xương này có hồi sinh được không?” (37,3). Giáo hội chúng ta đã bị những vụ bế bối làm sứt mẻ. Theo một loạt những báo cáo thuộc toà án có tính phê bình cao đã cho biết sự lạm dụng do các linh mục gây ra và được các vị lãnh đạo Giáo hội che đậy, thế nên Hồng Y O’Malley của Boston với tư cách là sứ thần Toà thánh đã viếng thăm Giáo hội Ai len. Ngài đã hứa với Hội đồng linh mục công giáo và giáo dân ở đó rằng ngài sẽ “ chuyển tới Đức Giáo Hoàng sự đánh giá trung thực trong bản báo cáo mật được đệ trình cuối năm nay”. Sự đánh giá của Hồng y đệ trình lên Đức Giáo Hoàng Bênêđictô sẽ là “Giáo hội công giáo ở Ai len đang trên bờ vực sụp đổ do những vụ bế bối của hàng giáo sỹ.” (tác giả Michael Kelly, mục “The Tablet,” tạp chí giáo phận Brooklyn, ngày 26 tháng 3, trang 1). Nếu quí vị biết được rằng Giáo hội công giáo Ai len có một truyền thống lâu đời và vẻ vang, hẳn là chẳng bao giờ quí vị nghĩ sẽ nghe một sự đánh giá như thế.

Ngày nay, có nhiều xương khô và không sự sống nằm rải trong thung lũng của Giáo hội chúng ta. Trong thánh lễ này, chúng ta hãy khẩn nài Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá khôi phục sự chết và những phần bị thương tổn của chúng ta và dẫn đưa chúng ta đến sự sống mới. Xin Người ban Thần Khí xuống trên chúng ta, như hôm nay Người hứa thực hiện qua ngôn sứ Êzêkien: “Hỡi dân Ta, Ta sẽ đặt Thần Khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh…”. Chúng ta cũng nài xin Chúa cho chúng ta trỗi dậy khỏi huyệt mả của sự ngã lòng và tuyệt vọng với hơi thở của sự sống mới.

Ngôn sứ Êzêkien chuẩn bị cho chúng ta quay trở lại với câu chuyện anh Lazarô. Anh Lazarô là một cá nhân, nhưng anh cũng là biểu tượng của cộng động Kitô hữu. Vì những ai nghe Lời Chúa đều được mời gọi ra khỏi huyệt để đến với sự sống mới. Lazarô cũng là biểu tượng của cơn khủng hoảng gần đây trong Giáo hội, với những xương người chết rải quanh chúng ta, mà chúng ta thấy khắp mọi nơi. Chúng ta hy vọng điều Đức Giêsu kể cho các môn đệ nghe về anh Lazarô cũng sẽ xảy ra cho chúng ta trong Giáo hội: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh”. Hoặc, Thiên Chúa sẽ thực hiện điều Thiên Chúa đã hứa với ngôn sứ Êzêkien: “Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các người và sẽ đưa các người lên khỏi huyệt…”. Đó chính là điều mà Giáo hội cần thực sự cần và chờ đợi trong Phục Sinh này: nhờ Đức Kitô và quyền năng phục sinh của Người, chúng ta sẽ ra khỏi mồ của sự bê bối, để đến với sự sống mới của sự phục vụ và loan báo Tin mừng.

Qua bài Tin mừng này, thánh Gioan đã cho thấy những “dấu” mà Đức Giêsu đã thực hiện – “những dấu” này sẽ cho chúng ta biết Người là ai. Câu chuyện anh Lazarô là một “dấu chỉ” khác liên quan đến Gioan. Có lẽ chúng ta hình dung ra một đời sống mới và phục sinh như điều gì đó sẽ chỉ xảy ra sau khi chúng ta chết. Nhưng khi chúng ta đọc Tin mừng Gioan, chúng ta nhận ra mọi điều Đức Giêsu hứa, hiện vẫn còn giá trị cho chúng ta. Chúng ta hãy lấy đoạn đối thoại với cô Mátta làm ví dụ, những gì Đức Giêsu dành cho chúng ta luôn ở “thì hiện tại”.

Lúc đầu, cô Mátta trách Đức Giêsu vì đã trì hoãn đến với gia đình đang trong cảnh đau buồn của cô: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết”. Khi này khi khác, có ai đã không nài xin Chúa giúp trong hoàn cảnh tuyệt vọng và nhận được sự đáp trả tức thời? Vào những lúc như vậy, chúng ta có cảm giác như mình có được chỗ dựa vững chắc! Như xảy ra trong một trình thuật khác của tin mừng Gioan, Đức Giêsu hứa với Mátta trong lúc trò chuyện. Như chúng ta thấy trong những cuộc đối thoại trước trong Tin mừng Gioan vào Mùa chay này, mỗi khi có một cuộc đối thoại với Đức Giêsu thì đều dẫn đến niềm tin sâu xa hơn “chẳng hạn, cuộc đối thoại với người phụ nữ Samaria, với anh mù bẩm sinh và bây giờ với cô Mátta).

Đức Giêsu bảo cô Mátta rằng em cô sẽ sống lại. Cô nghĩ rằng Đức Giêsu ám chỉ sự phục sinh “vào ngày sau hết”. Nhưng sứ điệp thánh Gioan muốn chuyển tải là Đức Giêsu ban tặng cho chúng ta sự sống hiện tại, không chỉ vào thời gian sau hết. Đức Giêsu muốn ám chỉ chính Người hôm nay với một khẳng định khác “Ta là” (Ta là sự sống lại và là sự sống”. Đức Giêsu, trong Tin mừng Gioan, là chính thì hiện tại. Người không phải “Ta đã là” – hay chỉ là “Ta sẽ là”. Người là “Ta là!”.

Xem ra hôm nay việc anh Lazarô sống lại chỉ là chuyện phụ thôi. Cuộc tranh luận với cô Mátta và sau đó là việc anh Lazarô sống lại nhằm nhấn mạnh và minh chứng cho việc Đức Giêsu nói về chính mình: “Ta là sự sống lại và là sự sống”. Trong Giáo hội của chúng ta và trong đời sống cá nhân, chúng ta cần điều Đức Giêsu đang hứa. Chúng ta cần Người là sự sống lại – đó là Người nói và gọi chúng ta ra khỏi huyệt và khỏi nơi chết chóc của chúng ta.

 

Trả lời