Cn 4 Chay : Hãy Sống Như Con Cái Sự Sáng

 

Hãy Sống Như Con Cái Sự Sáng
Ga 9, 1-41

Lm. Jude Siciliano, OP
Anh Em Nhà Học Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ

Cn 4 Chay : Hãy Sống Như Con Cái Sự SángThưa quý vị,

Từ xa xưa Giáo hội đã chọn ba bài tường thuật thú vị từ Tin Mừng Gioan để đọc trong các Chúa nhật thứ ba, thứ tư và thứ năm Mùa Chay. (Chúng xuất hiện trong các bài đọc năm A này). Hôm nay, chúng ta đọc bài thứ hai,trích từ chương 9, tường thuật việc chữa lành người mù bẩm sinh.

Các bài đọc trích từ Tin Mừng Gioan được chọn vì trong suốt mùa này bởi vì chúng ta có những anh chị em đang chuẩn bị lãnh nhận Phép Rửa và những đoạn văn cũng thích hợp cho anh chị em tân tòng sẽ được rửa tội vào đêm Vọng Phục Sinh. Tuy nhiên, các bài đọc còn giúp tất cả chúng ta suy ngẫm về căn tính của mình là những Kitô hữu đã được thanh tẩy trong thế giới này.

Khi lắng nghe các bài tường thuật, chúng ta sẽ để ý thấy chúng dài hơn các đoạn văn theo Tin Mừng Matthêu, Maccô và Lucca thường đọc trong các Chúa Nhật. (Tôi có thể dùng các bản văn dài hơn và chứ không phải bài ngắn hơn như đã chọn. Tác giả Gioan đã viết những đoạn tường thuật đầy sức thuyết phục và sẽ không công bằng nếu chia nhỏ bài tường thuật vì lợi ích trước mắt). Trong các trình thuật đầy đủ hơn này, thánh Gioan mời chúng ta vừa quan sát xem người ta đến với niềm tin thế nào, vừa cùng với họ lớn lên trong sự nhận biết thâm sâu rằng đối với chúng ta Đức Giêsu là ai. Như nói ở cuối Tin Mừng, thánh Gioan đã viết như thế là để “anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Messia, con Thiên Chúa để nhờ tin mà anh em có sự sống nhờ danh Người”. Hôm nay, qua câu chuyện về người mù bẩm sinh, một lần nữa chúng ta có dịp gặp gỡ riêng tư với Đức Giêsu và cảm nghiệm sự hiểu biết sâu xa về Người ngay giây phút này trong cuộc đời chúng ta.

Trong trình thuật, phép lạ chữa lành người mù diễn ra cách nhanh chóng. Đức Giêsu tiến tới, bôi vào mắt anh mù thứ bùn làm từ nước miếng nhổ xuống đất và bảo anh đi rửa ở hồ Silôác. Anh làm theo và nhìn thấy được. Nhưng đó chỉ mới là khởi đầu. Trong Kinh thánh, cái thấy của thể lý là biểu tượng cho cái thấy của tinh thần – là đức tin. Như thư gửi cộng đoàn Êphêxô hôm nay diễn tả, “anh em là những người mù, nhưng giờ được sáng mắt trong Thiên Chúa”. Qua cái chết, Đức Giêsu đã tiêu diệt các quyền lực của tử thần. Đức tin đã mở mắt chúng ta; bây giờ chúng ta nhìn thấy và được mời gọi để “sống như con cái sự sáng…”.

Chúng ta để trong suốt câu chuyện xem đức tin của người mù tiến triển ra sao. Nó là manh mối giúp đào sâu đức tin của mỗi chúng ta. Người mù đã được chữa lành là hình ảnh cho thời điểm chúng ta mới tin. Không thể thấy rõ ràng ngay được. Cái nhìn mới của anh phải triển nở và sau khi được soi sáng trong nước thanh tẩy, cái nhìn của chúng ta cũng phải như thế.

Hảy để ý cuộc trao đổi giữa Đức Giêsu và các môn đệ ở đầu câu chuyện. Các ông hỏi Người, “Thưa Thầy, ai đã phạm tội, người này hay cha mẹ anh ta?” Vào thời đó dân chúng cho rằng những thứ bệnh tật hay bất cứ đau khổ gì cũng là hậu quả của tội. Người ta hay đưa ra kết luận như thế khi bệnh tật hay những thảm kịch đến với họ. Họ nói đại loại như: “có thể tôi đã làm sai điều gì đó nên Chúa mới phạt tôi”. Thật khó mà phấn đấu vượt qua những lúc khó khăn, ít nhiều lúc đó cũng nghĩ rằng Thiên Chúa là nguyên cớ của những đau khổ nơi chúng ta. Với phép lạ của Người, đặc biệt câu chuyện hôm nay, Đức Giêsu cho thấy Thiên Chúa liên luỵ với chúng ta trong những khó khăn, những ưu phiền và niềm khát khao hạnh phúc. Sự soi sáng của Tin Mừng hôm nay chất vấn chúng ta, “quý vị có thấy không? Quý vị có tin rằng nếu gặp thấy Đức Giêsu trong niềm tin, thì quý vị cũng có thể nhận thấy bàn tay chữa lành Chúa chạm đến quý vị?”

Thánh Gioan đưa vào câu chuyện những hình ảnh và cách diễn tả quen thuộc của Kitô giáo giúp chúng ta “thấy” Đức Giêsu là ai. Chẳng hạn hành động Đức Giêsu bôi bùn lên mắt người mù và kế đó, việc rửa sạch ở hồ, làm sáng mắt anh – tất cả muốn ám chỉ Phép Thánh Tẩy.

Khi anh mù được sáng mắt, những người đi theo Đức Giêsu lập tức kiểm chứng lòng tin của anh. Thánh Gioan miêu tả tiến trình thử thách mà người thanh niên trải qua. Bắt đầu là những người đến xem; sau đó, các Pharisiêu chất vấn anh (bọn họ đe doạ trục xuất anh khỏi hội đường); cuối cùng gặp lại Đức Giêsu và Người hỏi anh câu cuối cùng và quan trọng nhất: “Anh có tin vào Con Người không?” Người thanh niên trả lời: “Thưa Ngài, tôi tin”. Đó là lời tuyên xưng đức tin quan trọng như chúng ta có được trong Giao Ước Mới.

Khi còn trẻ, hay mới theo đạo, không ai trong chúng ta nương theo đời sống đức tin chúng ta được nhận lãnh. Cuộc sống đưa ra quá nhiều thử thách và chúng ta được hỏi đi hỏi lại trong suốt thời gian bị thử thách : “Anh có tin vào Con Người chăng?” Những lúc bị chất vấn, chúng ta trả lời như người thanh niên đã đáp lại khi Đức Giêsu đặt câu hỏi tương tự, “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?” Chúng ta gặp Đức Giêsu một lần nữa ở mỗi chặng đường quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.

Khi chúng ta trưởng thành, Đức Giêsu khơi lên hơn cho chúng ta những đức tính phong phú và mới mẻ. Đôi lúc chúng ta cần Người chỉ lối cho những quyết định khó khăn mang tính sống còn. Những lúc khác, chúng ta trở về với Người để chữa lành những khoảnh khắc đổ vỡ của chúng ta. Sau thời gian lầm đường lạc lối chúng ta quay về với Người và nài xin ơn tha thứ. Đối diện với những bất công, chúng ta cần sức mạnh của Người để làm điều ngay chính; khi bệnh hoạn hay tuổi già sức yếu, chúng ta cần Người ban sức mạnh để bước tiếp hành trình… Hơn một lần chúng ta từng hỏi, “Đấng đó là ai, thưa Ngài? (hay, Ngài là ai vậy?) để tôi tin?” Câu trả lời trong chúng ta gặp gỡ với Người là “Anh đã nhìn thấy Đấng ấy và người đang nói với anh đây”. Tại một thời điểm mới trong hành trình đức tin, chúng ta có thể tuyên xưng, như anh mù đã tuyên xưng lúc gặp lại Đức Kitô, “Thưa Ngài, tôi tin.” Đó là một hành vi đức tin quan trọng mà chúng ta có thể thực hiện.

Có lạ không khi mà cha mẹ của người mù bối rối trước tình trạng mới và được chữa lành của anh? Thánh Gioan nói với chúng ta rằng, họ sợ giới cầm quyền có thể trục xuất họ khỏi hội đường. Nhưng họ cũng phải nhận biết rằng điều gì đó phi thường đã xảy ra cho con của họ và giờ đây anh ta có thể tự mình nói về điều đó – ngay cả với những chuyên gia, các nhà cầm quyền tôn giáo. Có những lúc chúng ta không thể cậy nhờ nơi người khác để tìm ra những lời giải đáp hay khuôn mẫu về Đức Giêsu. Khi trưởng thành, chúng ta đón nhận sự chỉ dẫn của đức tin, tuy nhiên, những thách thức trước mắt chúng ta là phải được chuẩn bị để nói gì về cảm nghiệm đức tin của chúng ta – vì đó là điều độc đáo và không ai có thể giống chúng ta.

Chúng ta đã nhận được ánh sáng, chúng ta được rửa sạch ở giếng rửa tội và vì thế chúng ta có sẵn sàng chia sẻ về những gì đã xảy đến cho chúng ta – như anh mù đã làm. Chúng ta phải sẵn sàng để giải thích đơn giản và cụ thể về Đức Giêsu đối với chúng ta và niềm tin vào Người đã làm nên những khác biệt gì cho cuộc sống của chúng ta. Khi anh mù xác nhận người đã chữa lành với các lãnh đạo tôn giáo, thì lời giải đáp của anh đã khiến anh trở thành kẻ dị hợm trước mắt họ và “họ trục xuất anh”. Có những hậu quả dành cho việc can đảm làm chứng về Đức Giêsu là ai và những gì Người thực hiện cho chúng ta.

Người thanh niên khởi đi từ cảnh mù loà, nhờ Đức Giêsu, anh bắt đầu thấy. Khi anh bị chất vấn và thử thách, câu trả lời của anh về Đức Giêsu ngày càng trở nên sâu sắc và sáng suốt hơn. Trước tiên, anh ám chỉ tới “người gọi là Giêsu”. Rồi anh nói với những người Pharisêu, “Ông ấy là ngôn sứ”. Sau đó, anh nói với họ rằng Đức Giêsu chắc chắn đến từ Thiên Chúa và cuối cùng anh tuyên xưng niềm tin trọn vẹn vào chính Đức Giêsu. Anh đi từng bước, từ đêm tối qua ánh sáng, khi anh gặp thách thức và chống đối.

Theo thánh Gioan, tin vào Đức Giêsu dường như không đơn giản. Niềm tin ấy không chỉ là đưa ra một tín điều. Những gì chúng ta tuyên xưng vào Đức Giêsu, thì phải được thực hiện trong cuộc sống của mình. Khi bị nhạo báng, nghi ngờ và chống đối chúng ta không được phản lại điều chúng ta tin – không có sức mạnh hay quyền lực to lớn nào ngăn cản được chúng ta.

Chúng ta không kiếm được niềm tin. Chúng ta không thể làm nó lớn lên. Nhưng trình thuật nói với chúng ta rằng không chịu thử thách thì có thể niềm tin bị đe doạ và yếu đi. Ngược lại, trong sự nỗ lực thực sự, Đức Kitô tìm kiếm chúng ta để thêm sức và củng cố niềm tin của chúng ta vào Người. Người đã làm điều đó cho anh mù và cả cho chúng ta nữa.

Một lời về bài đọc thứ nhất, xét từ những biểu dấu hiệu bên ngoài, Đavít khó được chọn lãnh đạo dân Israel của Đức Chúa. Ông không nổi bật nhất trong số anh em ông; là đứa con út, nhỏ nhất trong gia đình, đang chăm sóc đàn cừu mà cha ông không nghĩ cần phải gọi về; vậy mà, ngôn sứ Samuel có thể nhận ra ông. Tuy nhiên, Đức Chúa chọn người yếu đuối và nhỏ bé để khiến chúng ta bẽ mặt và nhắc chúng ta chỉ nơi Chúa mới là nguồn sức mạnh, quyền năng và ân sủng. Đức Chúa thấu suốt tận đáy lòng Đavít và thấy ông sẵn sàng tuân phục đường lối và sức mạnh của Đức Chúa. Vì vậy, bất cứ ai cũng không có thể nào nhầm lẫn được rằng sức mạnh của Đavít đến từ Đức Chúa.

 

Trả lời