CN 32 C: Để cho Lời Chúa được vang xa

Để cho Lời Chúa được vang xa

2Mcb 7,1-2.9-14; Tv 17; 2Tx 2,16–3,5; Lc 20,27-38

Lm. Jude Siciliano, O.P.

 

Kính thưa quý vị,

CN 32 C: Để cho Lời Chúa được vang xaTrong thế giới cổ đại của người Sêmít và ở một vài nơi khác, người ta vẫn tin rằng lời phát biểu là một điều gì đó sống động và có sức mạnh riêng. Vì ít người biết đọc biết viết, nên lời phát biểu đó giữ vai trò quan trọng.

Khi một từ được viết ra giấy là nó mang lấy một sức sống trải dài tới tương lai. Đối với cha ông chúng ta, những lời phát biểu cũng giống như thế; một khi được nói ra, tự thân những lời đó mang lấy một sức sống riêng. Khi người ta hẹn ước với nhau, chẳng hạn trong hôn nhân, thì những giao kèo và khế ước, vốn là những ngôn từ ở hiện tại, đều hướng đến tương lai. Những lời chúc phúc và nguyền rủa cũng tương tự như vậy, đó là những lời một khi được nói ra, mang lấy một thực tại của riêng chúng. Quý vị còn nhớ ông Giacóp đã lừa gạt cha mình là Isaác để nhận lấy phúc lành, mà lẽ ra phúc lành đó thuộc về người anh của ông là Êsau như thế nào không? Dẫu cho ông Giacóp có được phúc lành từ trò mánh lới đi nữa, thì ông Isaác cũng không thể đòi lại phúc lành đó. Phúc lành mà người cha ban cho ông Êsau là một lời chúc phúc khác và thua kém hơn (St 27).

Trong suốt Cựu ước và cả Tân ước, sức mạnh của lời là chủ đề then chốt. Lời Thiên Chúa thường được mô tả như đang hiện diện, hay đang trở thành hiện thực. Lời của Thiên Chúa mà các ngôn sứ đón nhận là sự vươn xa như chính Thiên Chúa vậy. Lời được nói ra thế nào thì lời cũng thi hành như vậy, bởi vì lời đó có sự hiện diện sống động của Thiên Chúa. Thực tại mà lời đề cập đến sẽ trở nên hiện hữu. Chẳng hạn, ngôn sứ Isaia tuyên bố rằng lời giống như mưa với tuyết, nó sẽ hoàn thành nhiệm vụ được sai đi (Is 55,10 tt). Từ những dòng đầu tiên trong Kinh Thánh, ta thấy sức mạnh sinh động và sáng tạo của lời Thiên Chúa đã được biểu lộ. Thiên Chúa phán và công trình tạo dựng được khởi sự (St 1). Lời các ngôn sứ trong những bản văn Hípri được Tin Mừng trong Tân ước tiếp nối.

Những câu mở đầu trong thư thứ hai gửi tín hữu Thêxalônica là một lời chúc lành thật dễ thương, mà chúng ta có thể dùng để cầu chúc cho nhau và cho người khác. Lời đó cũng biểu lộ sự trìu mến và lắng lo mà tác giả dành cho giáo đoàn ở Thêxalônica.

Phần thứ hai nơi bản văn này đề cập những điều được nói ở trên về sức mạnh của lời. Vì những điều thánh Phaolô nói với chúng ta trong bài đọc hôm nay, nên tôi bắt đầu bằng một cái nhìn khái quát về lời.

Thánh Phaolô dạy rằng đức tin có được là nhờ nghe giảng, và khi lời được công bố thì mới có nghe giảng (Rm 10,17). Điều nổi bật nơi bài đọc hôm nay là lời cầu nguyện của thánh Phaolô: “Để lời Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh, như đã thấy nơi anh em”. Ngài đã dùng một hình ảnh thể thao để nói về Tin Mừng. Ngài không nhắm vào những người sẽ phổ biến lời; nhưng ngài cầu nguyện rằng ước chi Tin Mừng, lời sống động của Thiên Chúa, sẽ mau chóng lan ra khắp thế giới. Chúng ta, những nhà giảng thuyết và những thầy dạy, sẽ an lòng biết bao khi biết được hoa trái của công việc chúng ta làm không phải chỉ lệ thuộc vào những nỗ lực của mình!

Xin được nói vắn gọn về nguồn gốc của tác phẩm và tác giả: thư thứ hai gửi giáo đoàn Thêxalônica được viết trong thời kỳ bách hại của Domitian. Lý do viết thư này là nhằm khuyến khích độc giả giữ vững đức tin. Người ta vẫn còn nghi ngờ không biết thánh Phaolô có phải là tác giả hay không, tương tự như đối với các thư gửi giáo đoàn Êphêxô và Côlôxô. Trong thế giới Hy Lạp – Rôma, người ta thường gán một tác phẩm cho một tác giả khác, hay thậm chí là một tác giả đã qua đời. Mặc dù thánh Phaolô có thể không viết thư thứ hai gửi giáo đoàn Thêxalônica, nhưng việc khẳng định ngài là tác giả đã nại đến thẩm quyền và truyền thống giảng dạy của ngài.

Thư thứ hai gửi giáo đoàn Thêxalônica chứa đựng sự khôn ngoan về mặt tin thần. Điều này giúp chúng ta nhìn vào đức tin của các Kitô hữu tiên khởi; một đức tin gặp nhiều thử thách vì bị bách hại. Hầu như Giáo hội ngày nay không phải trải qua kiểu bách hại như thế. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không gặp những khó khăn từ: những vụ bê bối của hàng giáo sĩ, việc đóng cửa các nhà thờ giáo xứ, khủng hoảng tài chính, những bất bình trong Giáo hội gia tăng, số linh mục và tu sĩ nam nữ giảm sút, những khác biệt về phụng vụ… Trong đức tin, chúng ta có thể được gợi hứng bởi những người biết sống tiết độ trong thời đại của mình, và chúng ta được trở nên mạnh sức nhờ mẫu gương kiên trì và can đảm của họ. Sau hết, Thánh Thần luôn nâng đỡ họ, cũng chính là Thánh Thần hằng ở với chúng ta.

Thánh Phaolô không thất vọng, nhưng thay vào đó, ngài cầu nguyện rằng: “Ước chi lời Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh”. Lời cầu nguyện đó nói về việc vươn xa và phổ biến mau chóng của Tin Mừng. Thánh Phaolô hy vọng Thiên Chúa sẽ làm cho họ có khả năng thực thi những điều Tin Mừng đòi hỏi. Ngài nhấn mạnh đến sự tín thác nơi lời cầu nguyện cho cộng đoàn đang phải đau khổ, và lời cầu nguyện cho sứ vụ của cộng đoàn là phổ biến Tin Mừng.

Thánh Phaolô từng cầu nguyện cho các tín hữu Thêxalônica, giờ đây ngài muốn họ cầu nguyện cho ngài. Đó không phải là cầu nguyện cho sức khỏe thể lý của ngài, nhưng cầu nguyện cho việc phổ biến Tin Mừng. Những nhà giảng thuyết như chúng ta có thể học lấy từ yêu cầu của thánh Phaolô khi nhờ mọi người cầu nguyện cho việc rao giảng của ngài. Đây đúng là một lời thỉnh cầu khiêm tốn của nhà giảng thuyết tài năng, mang lấy trách nhiệm phải phổ biến Tin Mừng cho các cộng đoàn dân ngoại vượt ra khỏi dân tộc Israel!

Noi gương thánh Phaolô, chúng ta có thể cầu nguyện cho các nhà giảng thuyết hôm nay qua Lời nguyện Tín hữu trong buổi cử hành phụng vụ này. Hẳn rằng, các nhà giảng thuyết đó bao gồm cả hàng giáo sĩ và hàng giáo dân: các linh mục, phó tế, hội đồng mục vụ giáo xứ, những vị thủ lãnh các nhóm Kinh Thánh, các giáo lý viên… Xin hãy nhớ đến các bậc phụ huynh nữa, và những người được mời gọi để chia sẻ niềm tin cho người khác, tất cả chúng ta đều là nhà giảng thuyết! Cùng với thánh Phaolô, chúng ta cầu nguyện để “Lời Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh”.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.


Trả lời