Cn 31 a : Tất cả chúng ta là anh em

 

Cn 31 a : Tất cả chúng ta là anh em với nhau
Mt 23: 1-12

Lm. Jude Siciliano, OP
Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò-Vấp

Cn 31 a : Tất cả chúng ta là anh emHôm nay, anh em có muốn bỏ qua bài đọc một trong sách Malakhi hay không? Chắc hẳn tác giả đang lo lắng và dường như đang trình bày một Đấng mà chúng ta đã biết từ trước: “Thiên Chúa của Cựu Ước,” nổi bật với sự giận dữ và đe dọa. Chúng ta không thể thay thế bằng một trong những bài đọc trong Chúa Nhật tuần trước của ngôn sứ Isaia hay sao? Những bài đọc này nói về các cuộc lưu đày thời Babylon, đồng thời đoan hứa rằng Thiên Chúa không quên dân Người, Người sẽ chăm sóc họ và sẽ dẫn đưa họ trên những con đường bằng phẳng để cho họ trở về quê cha đất tổ và được hưởng sự tự do.

Thiên Chúa đã hoàn tất những lời hứa đó. Cyrô, vua Ba Tư, đã trả tự do cho dân Do Thái và còn giúp họ tái thiết Đền thờ (Chúa Nhật XXIX, Is 45:1, 4-6). Đền thờ thì được tái thiết và cung hiến– nhưng dân thì không. Ngôn sứ Malakhi rất đau buồn vì có nhiều bất ổn trong dân chúng, các gia đình thì tan rã và hàng Tư tế cũng như Lêvi không hề có một động thái nào để giúp dân chúng biết thật lòng phụng thờ Thiên Chúa. Khó khăn vẫn còn đó. Đời sống cộng đồng trở nên phóng túng và “hưởng thụ”, trong tình thế đó, ngôn sứ Malakhi cảnh báo rằng những đặc ân của giới giáo sĩ trở thành một tai họa.

Ngôn sứ Malakhi thẳng thắn quy trách việc sụp đổ của cộng đồng là do các tư tế đã không dẫn dắt và không làm gương lành cho dân chúng, nhất là trong đời sống phụng vụ của dân chúng. Xét cho cùng, những người được chọn để lãnh đạo nghĩa là được chọn để nên gương mẫu đức tin cho cộng đồng qua đời sống và lời giảng dạy của họ. Vì họ không làm gương, nên ngôn sứ Malakhi cảnh báo rằng nếu họ không thay đổi lối sống thì sẽ gánh lấy hậu quả.

Ngày nay áp dụng như thế nào? Có nên thanh trừ hết hay không? Những người giữ vai trò lãnh đạo Giáo hội như chúng ta cần phải kiểm điểm lối sống, cung cách thờ phượng, sức khỏe tinh thần và sự hài hòa giữa lời giảng dạy cũng như gương mẫu của chính mình. Ai trong chúng ta chưa từng thất bại trong việc thực hiện điều mà Thiên Chúa muốn nơi chúng ta ? Một số người rõ ràng thất bại. Khi chúng ta cử hành phụng vụ cuối tuần này, hãy chắc chắn đặt cả chúng ta trong nghi thức sám hối mở đầu khi đọc: “Xin Chúa thương xót chúng con, xin Chúa Kitô thương xót chúng con, xin Chúa thương xót chúng con”. Chúng ta không chỉ dâng lên lời nguyện đó vì mình, nhưng còn cho tất cả những ai không chu toàn việc lãnh đạo cũng như trong đời sống gương mẫu và gây ra cho Giáo hội nỗi đau và gương mù gương xấu.

Đức Giêsu, như trong truyền thống của ngôn sứ Malakhi và những vị ngôn sứ khác, nhắm những lời chỉ trích vào giới lãnh đạo tôn giáo, các kinh sư và các Pharisêu. Bởi vì họ am hiểu tất cả những gì thuộc về tôn giáo, nên Đức Giêsu nói với đám đông và các môn đệ rằng: “Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ”. Đức Giêsu hướng dẫn dân chúng hãy làm theo những gì các vị lãnh đạo giảng dạy vì dân chúng đa số ít học, vì thế họ phải nhờ vào các kinh sư và những người Pharisêu để được hướng dẫn về Lề luật (sách Toral). Rồi, Đức Giêsu nói, “… còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo”. Những thực hành của giới lãnh đạo tôn giáo này không hề có lòng trắc ẩn. Họ nói quan tâm đến người nghèo, nhưng chính họ lại không “đụng ngón tay” vào để lấy đi những gánh nặng mà họ đã chất lên vai người khác.”

Những người lãnh đạo tôn giáo này làm việc tốt cốt chỉ để phô trương. Họ biến tôn giáo trở thành việc trình diễn hơn là một cách sống tình yêu với Thiên Chúa và học biết yêu thương người thân cận. Họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài để khiến người khác chú ý đến lòng đạo đức của họ. Trong đám tiệc, họ thích ngồi vào những hàng ghế danh dự.

Giờ thì Đức Giêsu quay sang đám đông và các môn đệ và nói: “Phần anh em…” Cuộc sống của họ được rập khuôn theo một Đấng là “Cha trên trời” và một Thầy là “Đức Kitô”. Đức Giêsu thậm chí không thèm ngỏ lời trực tiếp các kinh sư và Pharisêu. Phải chăng vì họ được bao bọc quá kỹ bằng những phô diễn tôn giáo, những tiện nghi và công luận đến nỗi họ không thể nghe được những gì Đức Giêsu nói với họ. Nếu họ nghe lời Người, họ đã thay đổi lối sống của họ rồi.

Tất nhiên, vẫn có những nhà lãnh đạo tôn giáo gương mẫu và chân thành. Như Đức Giêsu, họ cũng đòi những kẻ đạo đức giả phải hành động hợp với lời nói của mình. Không chỉ một mình Đức Giêsu phê phán thái độ giả hình và ngộ nhận của các kinh sư hay Pharisêu. Nhưng, dù họ có tốt lành như thế nào chăng nữa, tất cả giới đạo tôn giáo cũng phải cho thấy sự chân thành trong những hành động tôn giáo của họ. Ai trong chúng ta lại không thấy lúng túng khi nhận ra Đức Giêsu không chỉ đang nói với những thừa tác viên chính thức của Giáo hội, mà còn nói với tất cả chúng ta, những người có trách nhiệm hướng dẫn và giảng dạy bằng việc làm gương về những gì mà chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính?

Không ai dám nói rằng những điều Đức Giêsu mong đợi nơi chúng ta thì dễ dàng thực hiện. Quả thật không dễ chút nào khi Người nói, như ở tuần trước, về việc yêu Chúa và yêu người thân cận hết mình (Mt 22, 34-40). Lời nhắc nhở của thánh Phaolô gởi các tín hữu Thêxalônica đã đánh động tôi, “anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu”. Ở đây có sự khác biệt giữa việc bỏ qua lề luật cũng như quy tắc ứng xử thích hợp và những gì Đức Giêsu nói: Ân sủng vốn có trong việc lắng nghe Lời Chúa. Điều mà Đức Giêsu hướng dẫn chúng ta làm, Người cũng giúp chúng ta thực hiện qua việc chúng ta biết lắng nghe Lời và ghi tạc vào lòng. Như hôm nay thánh Phaolô nói với chúng ta, chúng ta đã nhận “…Không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy”.

Tại sao thánh Mátthêu cần lặp lại bản cáo trạng của Đức Giêsu chống lại các kinh sư và những người Pharisêu? Chắc hẳn các chức sắc và giới lãnh đạo Giáo hội trong thời của người cũng rơi vào cùng một tình trạng và cách cư xử như vậy. Lòng mộ mến giả tạo và cách cư xử giả hình của những người được ủy thác để lãnh đạo dân Chúa không chỉ xảy ra trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Tất cả chúng ta trong thừa tác vụ cộng đồng, đặc biệt những người có chức thánh, có nguy cơ rơi vào chính lối cư xử mà Đức Giêsu phê phán trong bài Tin Mừng hôm nay.

Những cám dỗ luôn luôn còn đó. Ngoài sự kính trọng đối với những chức vị tôn giáo trong Giáo hội, người dân có khuynh hướng nghe theo khi họ đến để thỉnh ý kiến của chúng ta. Cũng vậy, trong lối cư xử thân mật và kính trọng, họ cho chúng ta “những chỗ danh dự trong đám tiệc.” Tôi không biết quí vị như thế nào, nhưng lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay thực sự làm tôi bối rối. Khi tôi tham dự các phụng vụ tại nhà thờ, tôi được hướng dẫn vào hàng ghế đầu hoặc được đưa lên cung thánh. Tôi cũng được phép chính thức giảng dạy và nói năng đầy quyền uy. (Lý do, tôi cũng viết những lời chia sẻ này cho những người giảng thuyết, giáo hữu!) “Xin Chúa thương xót chúng con, xin Chúa Kitô thương xót chúng con, xin Chúa thương xót chúng con!

Giả sử một số người trong chúng ta được mời gọi để lãnh đạo. Nhưng Đức Giêsu nghiêm nghị nhắc nhở chúng ta hãy nhớ rằng, cốt lõi của đời sống chúng ta, như những phần tử được rửa tội của Giáo hội, chúng ta là anh chị em với nhau; bất luận trong cộng đoàn chúng ta mang danh nghĩa nào. Thánh Mátthêu cũng phải nhắc nhở những Kitô hữu của ngài về điều đó, và chúng ta cũng cần được nhắc nhở luôn như vậy. Chúng ta chẳng phải cũng là những con người yếu đuối, mỏng dòn như các kinh sư và những người Pharisêu đó sao? Như ở chỗ khác, Đức Giêsu nói: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe !”

Trả lời