Cn 3 Chay C : Sám Hối và Hoán Cải…

 

Cn 3 Chay C : Sám Hối và Hoán Cải…

 

Cn 3 Chay C : Sám Hối và Hoán Cải...Bốn mươi ngày trước Lễ Phục sinh – truyền thống Giáo Hội gọi đó là “Mùa Chay”. Mùa chay không chỉ là chay tịnh. Nhưng còn là lúc nhắc nhở chúng ta hướng về một thực tại đó là “Mầu Nhiệm Vượt Qua”. Về cái chết hy tế và sự sống lại của Đức Giêsu Kitô, mang lại ơn cứu độ cho muôn người.

Giáo hội khởi đầu mùa chay bắt đầu bằng thứ tư “Lễ Tro”với tâm tình ăn năn sám hối. “Tro” là cách người xưa sử dụng để bày tỏ lòng ăn năn sám hối. Ngày nay người ta dùng dấu hiệu thập giá bằng tro xức trên trán. Nhưng quan trọng hơn đó là phải thật lòng hoán cải.   

Một số Thánh Vịnh mang nội dung sám hối. Nổi bật nhất đó là Thánh vịnh năm mươi mốt. Thánh Vịnh này ghi lại lời cầu nguyện sám hối của Vua David sau khi ông phạm tội. Hãy nghe ông ta trải lòng mình : “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lòng hải hà xóa tội con đã phạm. (Tv 51, 1).

Trình thuật Tin Mừng Luca 13, 1-9 cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự sám hối là như thế nào. Hai thảm kịch đã xảy ra. “Những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết (khi) họ đang dâng lễ tế”. Và : “mười tám người bị tháp Si-lô-ac đổ xuống đè chết” (Lc 13, 2…4). Từ hai biến cố thảm thương này; dưới con mắt trần thế – phải chăng họ là những người tội lỗi ? 

Thưa không ! Đức Giêsu đã để lại một câu trả lời. Một câu trả lời khiến cho toàn thể cử tọa đã  phải “tẽn tò” nín lặng : “Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”. (Lc 13, 5).

Vâng, ngay từ khi bắt đầu xuất hiện công khai loan báo Tin Mừng. Điều được Đức Giêsu luôn luôn nhấn mạnh chính là sự sám hối : “Anh em hãy sám hối” (Mt 4, …17). 

một chút tâm tình…

Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng; mình sống ăn-ngay-ở-lành không làm gì nên tội vì thế cần “quái” gì phải sám hối ăn năn. Vâng, theo tiêu chuẩn con người; chúng ta có thể là người vô tội. Nhưng trước mặt Thiên Chúa thánh khiết – mọi người đều là tội nhân. Thánh Thần Chúa qua miệng lưỡi tông đồ Phao lô đã nói rằng : “Vì mọi người đều đã phạm tội. mất hết sự vinh hiển của Thiên Chúa” (Roma 3, 23).

Lời nguyện sám hối của Vua David diễn tả rõ nét thân phận “phàm nhân” đầy tội lụy : “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi. Đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51, 7). Phải chăng đó chính là tội “nguyên tổ”; bản chất tội lỗi di truyền !!! Không khó để chúng ta hiểu rằng : Nguồn nước dơ bẩn dẫn đến một dòng sông dơ bẩn.

Chính vì ý thức được tình trạng tội lỗi – David đã cất tiếng nài xin : “Xin rửa con sạch hết lỗi lầm. Tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51, 4).

một phút suy tư.

Dụ ngôn cây vả “sau ba năm” không đơm hoa kết trái; phải chăng nó gợi lên hình ảnh cây-vả-tâm-linh của chúng ta. Làm thế nào để cây-vả-tâm-linh của chúng ta đơm hoa kết trái !!! 

Phải chăng là hãy “vun xới” nó bằng Lời Chúa ! Và phải chăng là “bón phân cho nó” bằng chính Mình Máu Thánh Ngài ? 

Câu trả lời thuộc về mỗi chúng ta. Mỗi cây-vả-của-tôi… mỗi cây-vả-của-anh… mỗi cây-vả-của-từng-Kitô hữu.

Hãy mau mau mà “vun xới và bón phân” cho nó để : “may ra sang năm nó có trái, nếu không thì…” Vâng, nếu-không-thì chính Đức Giêsu trong ngày Ngài trở lại : “sẽ chặt nó đi” và : “quăng chúng vào lò lửa”. (Mt 13,42).

Saigon – mùa chay 2010
petrus.tran

 

 

Trả lời