Cn 28 Tn : Niềm tin sẽ cứu chúng ta

 

NIỀM TIN SẼ CỨU CHÚNG TA
Luca 17:11-19

Lm. Jude Siciliano, OP
(Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò Vấp)

Cn 28 Tn : Niềm tin sẽ cứu chúng taBài đọc 1 hôm nay trích trong Sách Các Vua quyển thứ hai, đây chỉ là một phần câu chuyện về ông Na-a-man, người bị mắc bệnh phong hủi. (thật đáng tiếc khi chúng ta không được nghe toàn bộ câu chuyện này. Tôi chắc chắn nếu chỉ nghe phần trích đọc trong ngày hôm nay, người nghe sẽ cảm thấy mù mờ, khó hiểu – “Thế đầu đuôi câu chuyện là như thế nào?”).

Ông Na-a-man là thuộc hạ thân cận của một ông vua ngoại quốc, nghe biết ngôn sứ Ê-li-sa, người Ít-ra-en có khả năng chữa bệnh phi thường. Cùng với đoàn tuỳ tùng, ông đã đến xin ngôn sứ cứu chữa. Ngôn sứ Ê-li-sa nói với ông hãy đi tắm bảy lần ở sông Giođan.

Thoạt nhiên, ông cảm thấy bực bội khi phải hạ mình đi tắm ở sông Giođan – một con sông rất bình thường, ông nói rằng, ở Syria chúng tôi chẳng có những con sông tốt hơn con sông này sao ! Nhưng các tôi tớ đã khuyên ông hay thử làm theo lời dặn của vị ngôn sứ xem, cho nên ông đã làm theo lời chỉ dẫn của ngôn sứ Êlisa. Bài đọc một hôm nay chỉ tường thuật cho chúng ta biết phần cuối câu chuyện, phần kết quả – bệnh phong hủi của ông Na-a-man đã được chữa lành. Tuy nhiên không phải người phong hủi nào cũng được ngôn sứ Êlisa cứu chữa đâu.

Na-a-man là một vị anh hùng trong quân đội của vua A-ram (nay thuộc Sy-ri-a), là kẻ thù của dân Ít-ra-en. Ông đã đánh bại dân Ít-ra-en và làm nhục họ trong chiến trận. Hãy tưởng tượng xem, câu chuyện này đã khiến cho những người bại trận Ít-ra-en kinh ngạc như thế nào; một kẻ xâm lược ngoại bang lại được Thiên Chúa Ít-ra-en chữa lành! Tuy nhiên, họ cảm thấy phấn khởi khi nghe câu trả lời của ông Na-a-man về việc chữa lành này. Lời đó nghe chừng như là lời tuyên xưng cua một người Ít-ra-en trung tín: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ít-ra-en”. Quả đó là một sự đền đáp xứng đáng cho niềm tin của chính vị lãnh đạo quân đội này, kẻ đã đánh bại nước Ít-ra-en nhỏ bé! Hoá ra ông Na-a-man còn cảm thấy một sự chữa lành sâu xa hơn nhiều so với việc được chữa lành thân xác. “Hành vi dìm mình xuống nước” trong dòng sông Gio-đan và kết quả được lành bệnh đã giúp mở con mắt đức tin cho ông Na-a-man. “Hình ảnh dìm mình xuống nước” – chẳng phải là dấu chỉ chúng ta đã làm khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, nguồn gốc của sự thanh sạch tâm hồn và thể xác đó sao?

Thiên Chúa đã hành động một cách lạ lùng nơi cuộc đời một kẻ ngoại giáo, hơn nữa còn là kẻ thù của dân Người. Thiên Chúa đã đi bước trước để người ta có cơ hội nhận ra và nhận biết các dấu chỉ của Người như ông Na-a-man đã nhận biết; hoặc người ta sẽ làm lơ và bỏ qua coi đó như là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Chúng ta không thể đóng khung hoạt động của Thiên Chúa trong bất cứ một tôn giáo hay theo một cách thức tôn thờ nào. Thiên Chúa mà Kinh thánh mô tả hoạt động bên ngoài mọi khuôn khổ khiến chúng ta phải sửng sốt mà thán phục và ca ngợi Người. Chúng ta thấy Thiên Chúa cao cả biết chừng nào, còn chúng ta lại quá nhỏ bé và hẹp hòi, nhiều lần chúng ta đến với Thiên Chúa chỉ để xin những đặc quyền đặc lợi, bởi chúng ta vẫn còn thuộc về một thứ tôn giáo phàm tục hay một thứ tôn giáo khác với thứ tôn giáo Thiên Chúa muốn mặc khải cho chúng ta.

Có thể chúng ta đã hiểu lý do tại sao bài đọc một được chọn đọc vào ngày hôm nay; nó dẫn đưa chúng ta đến với bài Tin mừng. Chuyện người phong hủi dường như được nhắc đến nhiều trong các câu chuyện Tin mừng. Bởi vì, những tác hại mà bệnh phong hủi để lại trên khuôn mặt hoặc tay chân của người mắc bệnh là khủng khiếp biết chừng nào, lúc đầu những người mắc bệnh này bị bỏ rơi và rồi họ bị loại ra khỏi đời sống của cộng đồng. Họ bị đuổi ra khỏi thành thị và làng mạc, họ phải sống cuộc đời chốn chui chốn nhủi. Không biết tục lệ này có từ bao giờ mà bất cứ một vết trầy xước nào trên da cũng sẽ bị liệt vào bệnh phong và nạn nhân phải chịu cảnh sống cô lập. Người ta không những coi bệnh phong hủi là bệnh dễ lây lan, mà còn cho rằng căn bệnh này là một hình phạt đối với những người tội lỗi. Vì thế, bất cứ ai đi ngang qua người mắc bệnh phong hủi, đều bị coi là đã nhiễm uế (mắc tội). Sự đau khổ của người phong hủi tăng lên gấp đôi khi: họ bị trục xuất khỏi xã hội và bị dán nhãn tội nhân.

Giả như một người bị mắc bệnh phong hủi, một căn bệnh thuộc về thể lý và họ phải chịu hậu quả là sống cách ly khỏi xã hội, thì điều đó khiến họ khao khát được chữa trị đến mức nào. Nhưng việc chữa khỏi bệnh phong hủi mà bài đọc một và bài Tin mừng hôm này kể, chỉ là một sự chữa lành bên ngoài. Chúng ta cần một sự chữa lành nơi thẳm sâu tâm hồn; sự chữa lành này không chỉ cần thiết đối với những người bệnh phong hôm nay, mà còn cần thiết đối với mỗi người chúng ta nữa.

Câu chuyện Tin mừng hôm nay kể, những người phong hủi tìm gặp Đức Giêsu ngay trên con đường dẫn vào thành phố. Quý vị có hình dung thấy họ đang túm tụm với nhau, đứng cách xa Đức Giêsu và những khách bộ hành cùng đi với Ngài không? Tại sao họ phải đứng cách xa như vậy, để rồi phải la thật to lên: “Lạy Thầy Giêsu! Xin dủ lòng thương chúng tôi!” Đức Giêsu không những thấy một khoảng cách về mặt địa lý, nhưng Ngài còn thấy khoảng cách về mặt tinh thần nơi tâm hồn họ. Phải chăng, ngoài bệnh phong hủi ra họ còn đang tự trách mình về một tội lỗi nào đó liên quan đến căn bệnh này của họ? Có phải họ đã chấp nhận quan niệm chung cho rằng căn bệnh của họ là dấu chỉ Thiên Chúa chừng phạt không ? Cho nên, họ cảm thấy bị ức chế và bị Thiên Chúa bỏ rơi không?

Có thể chúng ta không đồng tình với việc cho rằng những người mắc chứng bệnh làm dị dạng thân xác hay sắp chết là bị Thiên Chúa trừng phạt, thế các bạn có chú ý đến thái độ người ta nói chuyện và đối xử với những người bệnh phong này không? Họ đã la to lên khi nói chuyện với những người phong hủi này; họ nói lòng vòng và coi những người bệnh phong này như nhân vật thứ ba, tức là xem họ không hề hiện hữu, đang khi họ vẫn đang sống sờ sờ đó. Dường như sự yếu đuối làm cho người ta suy nghĩ kém chín chắn và trưởng thành. Có phải bất cứ ai đã từng bị phân biệt đối xử giống như những người phong hủi khi xưa, cũng sẽ tự hỏi tại sao Thiên Chúa lại trừng phạt họ? Họ có cảm thấy mình là những người vô gia cư qua những gì đang xảy ra chung quanh cuộc sống họ không?

Đức Giêsu nhìn thấy những người phong hủi và nghe thấy tiếng kêu cứu của họ. Ngài đề nghị họ hãy đến trình diện với các vị tư tế, bởi đó là cách giúp họ được xác nhận lành bệnh và được trở lại với đời sống cộng đồng. Vì thế họ đã đi đến các vị tư tế.

Câu chuyện có những yếu tố bất thường. Làm thế nào một người phong hủi Sa-ma-ri-a lại sống giữa những người phong hủi Do thái. Họ đã xung khắc với nhau cả hàng trăm năm khiến phải xây lên một bức tường cao để ngăn cản sự xung khắc này. Phải chăng nỗi đau chung đã liên kết họ lại với nhau? Cho dù thực tế có là gì đi nữa, đâu là điều khác biệt khiến họ đang cùng nhau chia sẻ cảnh ngộ đau khổ này? Người ta vẫn từng nói, “Tất cả chúng ta đều khóc ra nước mắt”. Bất cứ điều gì, dù trong bối cảnh, tình trạng kinh tế, nền giáo dục, hay thuộc đất nước nào đi nữa.., chúng ta đều nhận thấy một thực tế là chúng ta đang liên đới với nhau bởi vì ai trong chúng ta khóc mà chẳng có nước mắt – và chúng ta cũng cần được “chữa sạch” chứ?

Những người phong hủi trong bài Tin mừng hôm nay không được chữa lành ngay lập tức. Họ vẫn còn mắc bệnh khi rời Đức Giêsu. Chúng ta biết họ chỉ được sạch khi đang trên đường đến trình diện các tư tế. Điều gì đã xảy ra khi họ ở cách xa Đức Giêsu như vậy; họ đâu nhìn thấy Ngài. Tôi tự hỏi không biết họ có thắc mắc điều gì đang xảy ra với họ không? Họ có tin rằng Thiên Chúa đã chữa lành cho họ không? Còn những vị tư tế trong Đền thờ chỉ là người chứng nhận họ sạch bệnh, để họ có thể trở về sống như một con người bình thường không? Tất nhhiên, đã có người nhận ra điều đó. Anh biết điều gì đã xảy cho anh; anh biết Đức Giêsu chính là tác nhân chữa lành căn bệnh của anh. Sự hiểu biết và nhận thức này dẫn đưa anh trở lại với Đức Giêsu.

Chúng ta có thể kết luận gì từ câu chuyện? Có lẽ chúng ta cũng nhận thấy mình cần được chữa lành, không chỉ trong đời sống thể xác, nhưng còn trong đời sống tinh thần và thiêng liêng nữa. Việc chữa lành này không diễn ra trong chốc lát, nhưng đi với chúng ta suốt cả cuộc đời. Tương tự như những người phong hủi hôm nay, trong cuộc hành trình, chúng ta không thấy Đức Giêsu hiện điện với mình – chúng ta không thấy Ngài bằng con mắt trần tục. Nhưng trong niềm tin Ngài cho chúng ta biết Ngài đang ở đó bên cạnh chúng ta và sẽ chữa lành cho chúng ta. Ngài đang dõi theo từng bước đường chúng ta đi. Với sự giúp đỡ rất đắc lực từ phía gia đình, bạn bè, các chuyên gia, thầy cô giáo, … Họ sẽ từng bước giúp chúng ta nhận ra sự chữa lành và đổi mới này, phải chăng đó là con đường mà hầu hết chúng ta sẽ phải đi tới?

Đức Giêsu nói với người phong hủi và cũng là để nói với từng người chúng ta: niềm tin sẽ cứu chúng ta. Niềm tin sẽ thấy điều mà con mắt không thể thấy. Trong cuộc hành trình của mình, chúng ta sẽ nhận được những dấu chỉ cho biết Ngài đang hiện diện với chúng ta, và Ngài sẽ chữa lành cho chúng ta. Một số người muốn thấy những sự kiện phi thường xảy ra. Họ cầu nguyện để xin chữa lành một nỗi đau khổ nào đó – bệnh tật, xin sự tha thứ, xin được gia tăng trong đời sống thiêng liêng, hay được sáng suốt, thông minh. Tất cả những lời cầu xin này chỉ duy mình Thiên Chúa mới có thể đáp ứng. Và họ muốn những sự việc ấy xảy ra cách bất ngờ, tỏ tường nhưng kỳ lạ.

Hầu hết chúng ta không nhận được những chữa lành hiển nhiên và ngay lập tức đâu, điều đó chẳng có gì là ngạc nhiên cả. Nhưng cũng giống như những người phong hủi của bài Tin mừng hôm nay, chúng ta se cầu xin Chúa ban cho chúng ta những điều cần thiết trong suốt cuộc đời của mình. Chúng ta cứ tiếp tục cùng nhau thực hiện cuộc hành trình của mình, và trên cuộc hành trình ấy, giống như người Sa-ma-ri- a hôm nay, chúng ta cũng sẽ nhận ra những thay đổi nơi cuộc đời của mình. Chúng ta sẽ lớn lên trong sự khôn ngoan và niềm tin; những tổn thương trong quá khứ đã được chữa lành,…Chúng ta không còn là con người như trước đây nữa, chúng ta biết mình đã được đổi mới. Chúng ta đang trưởng thành hơn theo từng bước đi của cuộc đời; chúng ta đang trong tiến trình tiến lên. Nhưng khi lên đường, chúng ta hãy đặt tin tưởng vào điều Đức Giêsu nói hôm nay: “Đứng dậy về đi, niềm tin của anh đã cứu chữa anh.”

Ngay từ lúc khởi đầu cuộc hành trình của mình, chúng ta đã đón nhận được ân sủng chữa lành của Thiên Chúa. Vì vậy, mỗi tuần chúng ta hãy trở lại đây, trong tâm tình tôn thờ và cảm tạ Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch mọi ân sủng. Lúc đầu Lễ, chúng ta đã dừng lại trong giây lát để nhìn nhận thân phận yếu đuối của mình mà cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa và của anh chị em. Giờ đây, chúng hãy lại một lần nữa xác nhận rằng điều chúng ta cần là lòng thương xót của Chúa và của anh chị em mình. Chúng ta sẽ được chữa lành khi chúng ta đang cùng nhau đi trên con đường ấy.

 

Trả lời