Cn 28 năm C : Tâm tình tạ ơn…

Tâm tình tạ ơn…


Cn 28 năm C : Tâm tình tạ ơn…“Con hủi… đồ hủi” là một từ ngữ thể hiện hàm ý khinh miệt, ghê sợ  chỉ người bệnh hủi và nghe có vẻ hơi lạ với nhiều người. Nhưng khi nói bằng từ ngữ “bệnh phong hủi” chắc hẳn ai cũng có thể mường tượng ra căn bệnh đó.

Người bị bệnh phong hủi da thịt thường phát nhọt và lở loét. Khi chuyển nặng vết thương lỏm vào da thịt. Trên khuôn mặt, lông mày rụng kèm theo là mắt lộ ra, thanh quản bị lở nên giọng nói trở nên khàn khàn. Tình trạng mất cảm giác xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể do dây thần kinh bị nhiễm trùng. Các bắp thịt tiêu dần đi, gân cốt co làm cho hai bàn tay co lại. Ở mức độ nặng ngón tay và ngón chân rụng.

Xã hội thời xa xưa thường xa lánh và kỳ thị những người mắc bệnh phong hủi. Đã có thời người bệnh phong phải chịu  nhiều luật lệ khắt khe như thả trôi sông, chôn sống, bỏ vào rừng cho thú dữ ăn thịt. Vì thế khi một ai đó mắc bệnh, chỉ có nước bỏ làng ra đi, ở lại cũng không ai chứa chấp, không ai quan hệ…

………………

Irael thời Cựu Ước cũng có luật lệ riêng cho những người bệnh phong hủi. Những luật lệ đó cũng không kém phần khắc nghiệt. Khắc nghiệt ngay từ “khâu chẩn bệnh”… Nếu một người bị nhọt, lác, đốm, ung, phỏng, lang ben, sói đầu v.v… mà các vết thương đó “cứ loang ra” trên cơ thể… “Tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế: đó là bệnh phong”(Lêvi 13,7).

Một đạo luật đã được các Tư tế đặt ra : “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: “Ô uế! Ô uế!” .Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại”(Lêvi 13, 45-46).

Nói chung, đối với xã hội thời xa xưa; cả ở phương Tây lẫn phương Đông… người bệnh phong hủi bị ghẻ lạnh, kỳ thị và xa lánh…

Ấy vậy mà !!! Vâng, vậy mà !!! Có một người đã làm thay đổi một định kiến thâm căn cố đế như thế… Người đó chính là Đức Giêsu Kitô.

……………..

Chuyện là thế này. Khi còn tại thế; trong một dịp Đức Giêsu lên Giêrusalem. “Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi…”. Theo luật định họ “phải ở riêng ra”; phải la lớn lên rằng : “Ô uế ! Ô uế !” để mọi người tránh xa.

Thế nhưng, có lẽ vì nghe đồn rằng; cách đây không lâu;  Đức Giêsu đã cứu chữa một người cũng mắc bịnh phong như họ bằng cách “Giơ tay đụng vào anh ta… Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi” (Lc 5,13). Chính vì nghe được tin đồn đó, nên hôm nay, khi biết Đức Giêsu “đi qua biên giới giữa hai làng Samari và Galilê”… Đạp-lên-luật-lệ; họ đi đến “đón gặp Người”.

Dù còn ở xa, họ không ngần ngại lớn tiếng kêu : “Lạy Thầy Giêsu, xin rủ lòng thương chúng tôi” (Lc 17,13).

Có thể hình dung ra hình hài ghê tởm với tiếng kêu gào của họ thảm thiết đến mức nào. Và cũng có thể hình dung ra hình ảnh một Đức Giêsu động lòng thương xót họ ra sao.

Ngài không sợ lây bệnh. Vì thế; thay vì sai các môn đệ lớn tiếng mắng mỏ họ rằng “đồ hủi ! tránh xa ra !!!”. Đức Giêsu với ánh mắt cảm thông và trìu mến. Ngài không giơ-tay-đụng-vào-họ và cũng không truyền họ phải “đi tắm bảy lần trong sông Giodan” như trường hợp ngôn sứ  Elise; đã trị bệnh phong cho “tướng chỉ huy quân đội của vua Aram là ông Naaman” (2V5,1…10) bằng lệnh truyền đó…

Vâng, chỉ với một lệnh truyền rất phù hợp với truyền thống : “Hãy đi trình diện với các tư tế”. Và thật bất ngờ. Câu chuyện được kể tiếp rằng : “Đang khi đi thì họ được sạch” (Lc 17,14)…

Một chút tâm tình…

Rất nhiều lần, sau mỗi phép lạ chữa lành. Thường thì người được chữa lành lẫn người chứng kiến đều khen ngợi Đức Giêsu và “Tôn Vinh Thiên Chúa”. Câu chuyện Đức Giêsu chữa người bại liệt là một ví dụ điển hình.

Thật vậy, ngay sau khi được Đức Giêsu chữa lành; anh bại liệt “vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa”. Chẳng những thế; những người chứng kiến sự kiện vô tiền khoáng hậu đó cũng đều “sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa”(Lc 5,25-26).

Thật đáng tiếc ! “Mười người phong hủi” sau khi được chữa lành, chỉ có một người “thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 17,15).

“Thế thì chín người kia đâu ?”… Chắc họ còn phải “trình diện tư tế” theo đúng luật. Chắc họ còn phải gặp tư tế để : ‘làm lễ tạ tội và… cử hành lễ xá tội (để được) thanh tẩy khỏi sự ô uế, sau đó sẽ sát lễ vật toàn thiêu… Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho nó và nó sẽ thanh sạch” (Lv 14, 19…20).

Trách rằng “chín người” trong bọn họ “vô ơn” ư !!! Họ “vâng lời” Đức Giêsu mà đi “trình diện tư tế” kia mà !!!

Thế nhưng, chính… chính việc đi trình-diện-tư-tế nên hành động đó tố cáo rằng họ là kẻ vô ơn…

Thật vậy, là người Do Thái, họ rành “sáu câu” về Kinh Thánh. Họ thuộc nằm lòng luật “Lêvi” dành cho người bị phong hủi. Thế mà họ quên hoặc chưa bao giờ đọc sách “Các Vua” !!!

Sách các vua kể lại rằng : khi bị “ép” phải chữa bệnh phong cho quan Naaman. Vua Israel “xé áo mình ra và nói : Ta đâu có phải là vị thần cầm quyền sinh tử, mà ông ấy lại sai người này đến nhờ ta chữa hắn khỏi bệnh phung hủi” (2V 5, …7).

Đối với quan niệm Do Thái xưa; chữa lành khỏi bệnh phong được coi như là sự Phục Sinh từ cõi chết… Và  người ta chỉ có thể chờ mong Thiên Chúa làm điều đó.

“Thần cầm quyền sinh tử” là ai nếu không phải là Thiên Chúa !!!

Nếu… nếu “chín người kia” hiểu được điều đó và quay lại tôn vinh Thiên Chúa trước mặt Đức Giêsu trước khi gặp tư tế “tái khám” căn bệnh phong của mình… Vâng, họ đã không mắc nợ Ngài “một lời tạ ơn” !!!

Trở lại anh chàng “Samari” được cho là “người ngoại bang” nhưng lại nhận ra Đức Giêsu chính là “thần cầm quyền sinh tử”. Tuy trình thuật Luca không viết ra; nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng; anh chàng phong hủi này trên đường quay trở lại tìm “Đức Giêsu mà tạ ơn”; chắc hẳn anh ta vừa đi vừa ca rằng : “Chúa ơi ! Chúa ơi ! con người không đạo…  Nhưng tin Chúa giúp đời thương đau…” (trích đoạn nhạc phẩm : Trời chưa muốn sáng – cố tác giả Trần Thiện Thanh).

John Hery Jowett đã viết: “Lòng tin mà thiếu niềm tri ân là một lòng tin không có nghị lực. Tất cả những nhân đức bị tách biệt khỏi lòng biết ơn đều trở nên tàn tật khập khiễng trên con đường thiêng liêng”.(nguồn internet).

Tông đồ Phao lô cũng có lời khuyên: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu.” (1Tx 5, 16-18).

Một phút suy tư…

“Thế thì chín người kia đâu ?” Vâng, là một Kitô hữu; phải chăng câu hỏi này cũng rất phù hợp đối với chúng ta hôm nay ???

Được “rửa tội” khi vừa tròn tháng tuổi; có khác nào chúng ta được sạch khỏi “bệnh phong tổ tông”… Cớ sao khi trưởng thành cũng là lúc ý thức được hồng ân làm con Thiên Chúa; thay vì “quay trở lại ngôi thánh đường” tôn vinh Đức Chúa Trời; chúng ta lại “trình diện satan và những sự cám dỗ của nó”!!!

Tại sao chúng ta sợ “vi khuẩn bệnh than”… Sợ vi khuẩn Hansen… Sợ phong cùi thể xác… Thế mà lại không sợ “vi khuẩn dâm bôn… vi khuẩn phóng đãng, thờ quấy, vi khuẩn hận thù, bất hòa, ghen tuông, tranh chấp, tị hiềm, chia rẻ, bè phái, ganh tị, say sưa v.v…” là những loại vi khuẩn dẫn đến “phong cùi tâm linh” !!!

Hãy để cho tâm hồn lắng đọng và hãy tự hỏi rằng : những vi khuẩn kể trên có đang cư ngụ; đang đục khoét tâm hồn chúng ta khống ?

Nếu có… vâng, nếu có thì hãy đến với Đức Giêsu. Ngài vẫn đang có mặt nơi biên-giới-giữa “ngôi thánh đường” và “Gierusalem Thiên Quốc”. Ngài vẫn mời gọi chúng ta “Hãy đi trình diện tư tế”. Không phải tư tế theo “phẩm trật Aharon”, không phải “tư tế do Lề Luật quy định cha truyền con nối, nhưng do sức mạnh của một đời sống bất diệt” (Dt 7,16).

Vị tư tế đó chính là các Linh Mục mà chúng ta quen gọi một cách thân thương là “Quý Cha”…

Với “Dapsone-Giải tội”… với “Rifarmpin và Clofazimine-Hòa giải”… Vâng, với quyền thay mặt Đức Giêsu Kitô ban “Bí Tích Giao Hòa”; vị “Tư tế-Linh Mục” đó sẽ chữa sạch bệnh-phong-tâm-hồn chúng ta.

Chúng ta đã sẵn sàng “gặp các vị tư tế Linh Mục” để được cứu chữa ??? Chúng ta đã sẵn sàng để đón nhận lời Đức Giêsu nói – qua các Linh Mục – rằng : “Lòng tin của anh đã cứu chữa (bệnh phong tâm hồn) anh” !!!

Nếu chúng ta đã sẵn sàng… Hãy cùng nhau quay-trở-lại-ngôi-thánh-đường-và-lớn-tiếng “Tạ Ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta”. Vâng, vì điều đó “Thật là chính đáng”…

Petrus.tran

Trả lời