CN 26 C: Làm gì để lấp đầy hố ngăn cách?

Làm gì để lấp đầy hố ngăn cách?

Am 6,1.4-7; Tv 146; 1 Tm 6,11-16; Lc 16,19-31

Lm. Jude Siciliano, O.P.

Kính thưa quí vị,

CN 26 C: Làm gì để lấp đầy hố ngăn cách?Dịp lễ kỷ niệm 50 năm vào tháng Ba ở Washington vừa qua đã khơi lại biết bao kỷ niệm. Một vài phim tài liệu được trình chiếu trên truyền hình và trong suốt tuần lễ kỷ niệm này người ta đã phỏng vấn những nhà lỗi lạc từ phong trào dân quyền. Ngài John Lewis, nhân vật cuối cùng của nhóm tổ chức nguyên thủy đã được đài BBC phỏng phấn. Dĩ nhiên, chủ điểm là về Tiến sĩ Martin Luther King và bài phát biểu của ông “Tôi có một giấc mơ” (I have a dream). Một số câu chuyện về Tiến sĩ King thể hiện chính khía cạnh con người. Rõ ràng, ông sợ bạo lực, sợ đơn độc, không muốn những khoảng trống bị đóng kín hay bị khóa chặt lại. Thậm chí có lần ông nghĩ đến việc ra khỏi thành phố khi nhiều điều như thể đang vây bủa và đe dọa ông.

Vào năm 1963 các bộ trưởng da trắng ở Birmingham, lúc đó đã tiên liệu về cuộc biểu tình, nói với ông King rằng đây không phải là thời điểm thuận tiện để biểu tình. Có nhiều điều đang tiến triển, họ bảo ông: “Hãy kiên nhẫn, có nhiều thứ đang diễn tiến tốt hơn đấy”. Thế rồi khi bị bắt và đơn độc trong nhà tù Birmingham và cảm thấy thất vọng về hoạt động của mình, Tiến sĩ King nói rằng đây là thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời ông. Ngay cả những người da trắng trước đây ủng hộ ông, giờ họ lại không hậu thuẫn cho ông nữa. Bạn bè của Tiến sĩ King đã mang cho ông giấy và bút chì và tại phòng giam của nhà tù Birmingham, ông đã viết thư cho các bộ trưởng da trắng.

Nhập đề Tiến sĩ giới thiệu rằng ông đã viết thư để ủng hộ những con người tầm thường chịu đau khổ vì “không có quyền công dân”, và đồng thời gởi tới cho những ai đang quan tâm vấn đề nhức nhối này. Ông nói tiếp rằng không phải là thời gian không rõ ràng… vì không phải cứ ngồi đó chờ đợi nhiều thứ thay đổi thì tự động chúng trở nên tốt hơn đâu. Trên thực tế, những người không bị đau khổ thì có nhiều thời gian và có thể kiên nhẫn được, bởi lẽ:

Tôi nhận thấy rằng những người ác ý đã sử dụng thời gian hiệu quả hơn nhiều so với những người thiện ý. Trong thế hệ này, chúng ta sẽ phải hối hận không chỉ vì lời lẽ chua cay và hành động đầy căm thù của những người xấu xa, mà còn phải hối hận vì sự im lặng đáng sợ của những người tử tế. Chúng ta phải thừa nhận rằng sự tiến triển của nhân loại không bao giờ quay tròn trên những bánh xe cố định. Nó diễn ra ngang qua những nỗ lực không mệt mỏi và luôn sẵn sàng làm việc cách bền bỉ, hầu trở thành những cộng tác viên với Thiên Chúa, và nếu thiếu đi thời gian làm việc gian khổ này, thì tự nó trở thành đồng minh của lực lượng làm đình trệ sự phát triển của xã hội.

Từ phòng giam ở Birmingham, Tiến sĩ King đã cố gắng vươn ra để lấp đầy hố ngăn cách với phía bên kia. Để làm được việc “lấp đầy hố ngăn cách” thật không hề đơn giản, vì xã hội chúng ta nắm giữ hố ngăn cách và làm cho nó thêm sâu rộng qua những chính sách kinh tế, những cuộc bầu cử chính trị, hùng biện, thành kiến, v.v… Thêm nữa, chúng ta thường sống ở những nơi bị tách biệt khỏi người khác.

Tôi đã nghe nói đến những ngôi trường có một phòng học ở một vài vùng nông thôn do ngân sách giáo dục bị giới hạn. Tác động một phía của những trường như vậy là chúng phá đổ những rào cản nhân tạo tồn tại theo độ tuổi. Thông thường, những trẻ em lớn hơn được tách ra có thể chăm sóc cho những em nhỏ hơn bằng cách dạy học, cài khuy áo, chơi với chúng trong giờ giải lao, v.v… Một giáo viên đã đưa ra ví dụ về một cậu bé khó trị đã có những xung đột ở nhà. Cậu bé được giao cho chăm sóc một cậu bé nhỏ hơn và người giáo viên đã nói rằng cậu bé bướng bỉnh đó chăm sóc rất tốt, đây là “Một trong những gương chăm sóc tốt nhất tôi thấy được trong đám trẻ”.

Để lấp hố ngăn cách thật sự không đơn giản chút nào. Chúng ta có rất nhiều những kế hoạch, chương trình bận rộn và không có thời gian, hoặc cho dù chúng ta làm, chúng ta cũng không chắc chắn mình nên làm gì. Sau khi chiếu một đoạn phim về những nhà tù cho các thanh thiếu niên ở một lớp giáo dục tôn giáo thuộc giáo xứ vùng ngoại ô xem, và sau đó thảo luận với các em về những vấn đề nghèo đói, tôi hỏi xem các em có biết trẻ em nghèo khổ nào không? Chúng trả lời “Không biết”. Đó không phải là lỗi của chúng, vì thế giới của chúng tách chúng khỏi người khác và, với thời gian, chúng lại càng tách biệt xa hơn nữa. Thời gian này, các nhà kinh tế cho biết hố ngăn cách giữa “người giàu” và “người nghèo” càng rộng thêm.

Tại sao chúng ta lại muốn lấp đầy hố ngăn cách, đang khi các chương trình, kế hoạch của chúng ta lại quá bận rộn, cuộc sống chúng ta cũng đã được lập trình như thế rồi? Bởi vì, như dụ ngôn hôm nay cho thấy có những người ở phía bên kia. Điều bất ngờ trong dụ ngôn này là ông nhà giàu không làm gì sai trái, ông ta cũng không hành động gì xấu xa gây nên tội cả. Có lần, một người trong nhóm suy tư về dụ ngôn đã nói: “Chắc hẳn câu chuyện này phải có điều gì đó bị lược đi”.

Không, chúng ta có mọi yếu tố trong câu chuyện mà Đức Giêsu muốn chúng ta nghe. Không có hành động ác ý nào nhắm đến anh Ladarô, người đáng thương đó cả. Có chăng lỗi của ông nhà giàu là do ông ta đã không thấy và giúp đỡ người đó ở ngay cửa nhà mình. Cuộc sống và cung cách của ông nhà giàu đã quen với việc đi lướt qua người nghèo khó kia. Ông ta đã không lấp đầy hố ngăn cách.

Dụ ngôn này mô tả điều gì đó về cuộc sống mai hậu. Nó không phải là sự mô tả theo nghĩa đen về sự sắp xếp đồ đạc, cũng không phải về nhiệt độ trong đám cháy. Chúng ta vẫn biết rằng con người sẽ ở đó và Thiên Chúa cũng sẽ ở đó. Dụ ngôn là một câu chuyện sống động có ý thức tỉnh và nhắc nhớ chúng ta rằng những gì chúng ta làm, hay không làm hôm nay, tạo ra một khác biệt và mang tầm quan trọng nền tảng cho mai sau.

Nếu ông nhà giàu ở vào thời đại chúng ta thì đám tang của ông ta sẽ như thế nào? Có lẽ nó sẽ diễn ra trong một ngôi thánh đường rất đẹp, với những nhà kinh doanh khả kính và đông đảo bạn bè hộ tang bên quan tài. Một vị giáo sỹ nào đó ca ngợi về đời sống đáng kính của ông nhà giàu này và nói những điều tốt đẹp về ông ta. Sẽ có một bữa trưa thịnh soạn để bạn bè cùng với gia đình diễn tả rằng họ thương nhớ ông ta biết bao. Còn anh nhà nghèo kia thì sẽ đi đến một nơi dành cho những người nghèo, một phần mộ bình thường ở đâu đó.

Dụ ngôn nói rằng chúng ta nên nhìn vượt ra khỏi phần mộ. Ở đó, Đức Giêsu nói, mọi thứ sẽ hoàn toàn đảo ngược. Quá trễ cho ông nhà giàu, thế nên ông nói với ông Ápraham: “Xin sai một ai đó đến cảnh báo các anh em của con”. Thực ra, ông Ápraham trả lời: “Không cần đâu, giống như anh, họ có đời sống của họ. Điều đó đủ để thức tỉnh họ rồi”.

Còn vài tháng nữa mới đến Giáng Sinh, nhưng câu chuyện này nghe có chút giống “Bài hát Giáng Sinh” (Christmas Carol) của Charles Dickens. Jacob Marley quay lại kể cho Ebenezer Scrooge, qua những giấc mơ, điều có thể xảy ra trong tương lai nếu anh ta không thay đổi lối sống. Scrooge tỉnh dậy và nhận ra những điều này vẫn chưa xảy ra và anh ta có thời gian để thay đổi cuộc sống.

Dụ ngôn cũng giống như thế; nó thực sự là dụ ngôn của lòng khoan dung. Dù cho âm thanh chói tai, nhưng nó vẫn phát ra: “Hãy tỉnh dậy!” Nó giống như âm thanh chói tai của máy dò khói báo động cho chúng ta thức dậy khi nhà chúng ta đang cháy. Nó là một âm thanh khủng khiếp, nhưng lại cứu sống chúng ta. Tương lai được mô tả trong dụ ngôn vẫn chưa xảy ra. Như Tiến sĩ Martin Luther King viết trong phòng giam để lấp đầy hố ngăn cách; ông viết thay cho những con người tầm thường gởi tới những người lỗi lạc, nhắc họ rằng: “Hãy tỉnh dậy!”

Mỗi khi chúng ta qui tụ trong Thánh Thể là Thiên Chúa đang lấp đầy hố ngăn cách để thức tỉnh chúng ta điều gì là quan trọng. Như anh nhà nghèo, chúng ta có thể đang xin chỉ một mẩu bánh ở bàn Thiên Chúa, nhưng Người trao ban cho chúng ta quà tặng quí giá nhất, hơn tất cả những gì chúng ta cần. Thời giáo hội sơ khai, khi viết về hình thức thờ phượng Kitô giáo, các sử gia và những nhà văn ngoại giáo đã thấy chướng tai gai mắt bởi những gì họ nhìn thấy. Họ thấy những điều không đúng sự thật trong xã hội của họ và mâu thuẫn với kinh nghiệm của họ. Trong Thánh Thể, giàu và nghèo, nô lệ hay tự do, đàn ông và đàn bà, cùng ăn chung một bàn. Đó là một cú sốc cho sự nhạy cảm của họ.

Thánh Thể, bánh được bẻ ra và chia sẻ tại bàn này, lấp đầy hố ngăn cách, không chỉ giữa Thiên Chúa và chúng ta, nhưng còn lấp đầy hố ngăn cách tồn tại giữa chúng ta qui tụ quanh bàn thờ. Dụ ngôn là một lời mời gọi hãy thay đổi và hãy hành động để làm cho thế giới tương ứng với những giá trị được diễn tả trong nó. Vậy, chúng ta đã sẵn sàng cho sự biến đổi này chưa? Chúng ta cầu xin cho mình không lướt qua anh Ladarô trong nhà, nơi hàng xóm, ở cộng đoàn và trong thế giới chúng ta.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.

 

 

Trả lời