Cn 26 a : Hôm nay con hãy đi làm vườn nho


Hôm nay con hãy đi làm vườn nho
Mt 21: 28-32

Lm. Jude Siciliano, OP
Chuyển ngữ:: Anh em HV Đaminh Gò-Vấp

Cn 26 a : Hôm nay con hãy đi làm vườn nhoChắc chắn ai trong chúng ta cũng có thể kể về những người làm chúng ta thất vọng. Họ hứa với chúng ta nhưng chẳng bao giờ thực hiện điều đã hứa. Chúng ta tin tưởng họ, nhưng cuối cùng họ lại thất hứa. Chẳng hạn người bạn đời hứa yêu ta “cho đến chết” – và rồi chính người ấy rút lại lời hứa của mình bằng chính hành động phản bội hoặc rõ ràng hoặc lén lút, mỗi ngày.

Thậm chí chúng ta có thể  kể ra tất cả  những lần ta bị  người khác thất hứa từ  thời còn nhỏ đến nay – những lời hứa “nếu không làm được tôi sẽ chết” chẳng bao giờ thành ấy cứ đầy cả ra. Hoặc sau này, có lúc trong đời, ta sẽ mất đi một người thân yêu, và những người tỉnh táo ngoài cuộc vỗ về chúng ta với những lời đầy cảm thông: “Nếu có bất cứ điều gì tôi có thể làm được, thì đừng ngại gọi cho tôi nhé. Tôi sẽ đến ngay.” Sau đó, dường như họ bốc hơi vào không khí, để chúng ta ở lại loay hoay trong nỗi cô đơn, buồn khổ với một đời sống vừa đột ngột đổi thay. Họ đã hứa “tôi sẽ giúp bạn” nhưng rồi lại lặn mất tăm hơi.

Cũng có đó những thất vọng mà chúng ta phải đối mặt thường ngày. Chúng ta có thể đã hết sức cố gắng sắp xếp trong lịch trình dày đặc của mình một cuộc hẹn với một người, nhưng rồi họ lại không đến. Hoặc là, ta đi phỏng vấn xin việc, họ nói sẽ gọi điện thoại lại nhưng rồi điều đó chẳng bao giờ xảy ra. Cả trong đời sống gia đình lẫn xã hội đang có đó những tình bạn khiến ta thất vọng, những thất tín tầm thường, những bí mật và chuyện đàm tiếu. Những lần thất hứa như thế ảnh hưởng sâu sắc đến chúng ta, đến nỗi chúng ta phải tìm cách khoắc lên mình bộ áo giáp bảo vệ mình khỏi những tổn thương sau này. Chúng ta chuẩn bị cho mình như thế để khỏi quá ngạc nhiên khi nhận được những lời Vâng Dạ, nhưng rồi chỉ nhận được một chữ KHÔNG to tướng.

Khi chúng ta rơi vào tình trạng như thế, hãy thừa nhận những cách mà chính chúng ta đã không giữ lời, để tránh va chạm hay xung đột mà chúng ta nói Vâng Dạ nửa vời với ai đó hoặc về điều mà chúng ta chẳng bao giờ muốn thực hiện. Chúng ta đã tự hạ giá mình để rồi người ta không thể mong gì nhiều nơi chúng ta; chúng ta không thể khiến người khác luôn tin tưởng. Chúng ta giống đứa con đã nhận lời cha nhưng chẳng bao giờ giữ lời. Chúng ta nói Vâng nhưng rồi lại thành ra là Không.

Dù chúng ta có là người bị hứa lèo hay là kẻ thất hứa hoặc hứa cho qua chuyện, thì chúng ta vẫn cần được Lời Chúa hôm nay chữa lành và thúc đẩy. Sự hiện diện của chúng ta trong Tiệc Thánh Thể này nói lên tiếng Vâng của chúng ta; không chỉ là cầu nguyện hay tham dự vào nghi lễ, nhưng còn là biểu hiện sự dấn thân mỗi ngày trong đời sống chúng ta.

Ví dụ, khi chúng ta đón nhận Thánh Thể và thưa “Amen” là chúng ta cam kết trở thành môn đệ của Đức Giêsu và bắt chước Ngài sống phục vụ và hiến thân cho tha nhân. Liệu lòng chúng ta có thực sự dành cho Đấng mời gọi: “Hãy theo Tôi” hay không? Liệu lời thưa Vâng của chúng ta trong Thánh lễ này có làm cho sự sống của Ngài được hiển hiện trong đời sống chúng ta hay không? Hay là lời thưa Vâng của chúng ta trong Thánh lễ lại hóa ra tiếng Không trong cuộc đời?

Bài Tin mừng hôm nay bắt đầu cho hàng loại những cuộc  xung đột giữa Đức Giêsu với những kẻ chống đối Ngài. Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem nơi Ngài xua đuổi những người buôn bán và đổi tiền khiến giới lãnh đạo Dothái giáo lúc bấy giờ tức giận. Các trưởng lão và tư tế đã đến đặt vấn đề với Đức Giêsu (Mt 21,23). Dụ ngôn của Đức Giêsu quả là một thách thức đối với họ. Ngài luôn phải đối diện với những người biệt phái luôn nói Vâng với Thiên Chúa bằng thái độ tuân giữ nghiêm ngặt luật đạo và thực hành các nghi lễ. Ngài tố cáo họ đã chất những gánh nặng lên vai người khác trong khi chính họ lại không thèm động đến dù chỉ bằng một ngón tay. Thế nên Đức Giêsu gọi những người Pharisêu và kinh sư là những kẻ giả hình. Họ là những người thưa Vâng với Thiên Chúa nhưng trong thái độ và hành động của mình lại nói Không với những gì Thiên Chúa muốn họ thực hiện.

Người con thứ nhất có hoàn thành bổn phận mà cha nó yêu cầu hay không? Dụ ngôn hôm nay thật lạ vì chúng ta không cho ta biết điều đó. Điều Đức Giêsu muốn nói không phải là mức thành công mỹ mãn cho bằng nhắm đến sự sẵn lòng đáp lại lời mời gọi phục vụ. Có lẽ ước muốn phục vụ của chúng ta là những gì Thiên Chúa mong chờ và chính ước muốn đó và những cố gắng của chúng ta tạo ra một khoảng trống cho Thiên Chúa bước vào và khỏa lấp mọi thiếu hụt.

Bài trích sách Êdêkien quay về ý niệm trong Cựu Ước. Vị ngôn sứ và những người cùng thời đang bị lưu đày, khóc thương cho sự sụp đổ của quê hương mình. Ai phải chịu trách nhiệm cho việc họ bị thảm bại dưới tay quân Babylon? Trước hết sự trừng phạt dành cho tội lỗi do những sai lầm của cha ông họ – “đời cha ăn nho xanh, đời con phải ê răng” (Ez 18,2; Xh 34,7). Vì cha ông họ đã quay lưng lại với Thiên Chúa nên những người ở nơi lưu đầy cho rằng đó là lý do họ bị trừng phạt.

Nhưng như chúng ta nghe trong bài  đọc hôm nay, Êdêkien nhấn mạnh đến trách nhiệm của mỗi cá  nhân đối với kết cục của cuộc đời mình. Con người không thể tự nhủ: cầu nguyện đi; chay tịnh trong những ngày thánh; bỏ tiền thau,… Điều đó không tự nhiên giúp chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Điều đó cũng không đủ để trở thành Kitô hữu, hay để nói như Phaolô, “Đức Giêsu là Chúa!” Chúng ta phải hiện thực lời thưa Vâng bằng cách loan báo niềm hy vọng cho những ai thất vọng; cho kẻ đói ăn; giải phóng những ai bị áp bức; chữa lành kẻ yếu đau và mang lại ánh sáng cho kẻ mù lòa.

Thư Philipphê ch o chúng ta một mẫu gương về  một người con thứ hai thưa rằng: “Vâng, con sẽ đi”. Ngài đã đi và hoàn tất sứ vụ mà Thiên Chúa trao cho. Bài đọc bao gồm một bài thánh ca của các Kitô hữu xưa mà thánh Phaolô đưa vào trong lá thư của mình. Đức Giêsu sẵn lòng phục vụ Thiên Chúa đến nỗi Ngài không giữ lại bất kỳ một địa vị nào mà lẽ ra Ngài xứng đáng có. Ngài không chỉ hạ cố trở thành con người, nhưng trong sự vâng phục, Ngài chấp nhận chết trên thập giá.

Thánh Phaolô dùng hình ảnh Đức Giêsu như khuôn mẫu cho chúng ta, những người một lần nữa thưa Vâng với Thiên Chúa trong Thánh lễ này. Với lòng khiêm nhường, chúng ta không đặt sở thích của mình lên trên hết nhưng kiên quyết thưa lời Vâng với Thiên Chúa. Nghĩa là chúng ta hiến trọn con người mình cho Chúa để phục vụ người khác.

Những người tốt dường như không thấy cần phải đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu hầu thay đổi cuộc đời mình và bước theo Ngài. Nhưng, theo như những gì hôm nay Ngài nói hôm nay, những kẻ tội lỗi như: “những người thu thuế và các cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”. Hai sự đáp trả với Đức Giêsu có thể đặt ra trước chúng ta hôm nay. Hãy để cho sự hiện diện của chúng ta trong phụng vụ trở thành dấu chỉ cho khao khát của chúng ta trong việc canh tân cam kết trở thành môn đệ của Đức Giêsu, không chỉ bằng lời nói, nhưng cả trong hành động nữa.

Khi nhìn lại những ngày tháng qua và nhận ra lối sống của mình, với những suy nghĩ và hành động cho thấy chúng ta chỉ là những người môn đệ thờ ơ, thì chúng ta cần một cơ hội thứ hai như dụ ngôn này mang lại chúng ta. Chúng ta muốn thay đổi quan điểm, hối cải và làm những điều tốt mà chúng ta biết mình được mời gọi thực hiện – và làm với lời xin Vâng chân thành như Tin mừng đòi buộc chúng ta.

 

Trả lời