Cn 24 a : Tha thứ như Chúa đã tha thứ.

 

 

Tha thứ như Chúa đã tha thứ.

 

Cn 24 a : Tha thứ như Chúa đã tha thứ.Sống trên đời, ai trong chúng ta, lại không hơn một lần, bị một ai đó, gây tổn thương hoặc có những cử chỉ khiếm nhã, khiến cho chúng ta phải đau buồn khổ sở. Không ai là không từng bị người khác xúc phạm, gây tổn hại vật chất lẫn tinh thần, bằng cách này hay cách khác.

Phản ứng tự nhiên của chúng ta là tức giận. Đôi khi oán hận. Chúng ta có muôn vàn lý do chính đáng để trả đũa, để báo thù, để “ăn miếng trả miếng” với những kẻ đã gây tổn thương cho chúng ta.

Và điều hiển nhiên là khi phải trải qua những tổn thương và mất mát, chúng ta  có nhiều lý do hơn nữa để trì hoãn sự tha thứ.

Tuy  nhiên, Mahatma Gandhi đã nói “Sẽ không thể sống được nếu thiếu sự tha thứ. Tha thứ cần thiết cho con người như khí trời”.

……

Trong ba năm cùng Thầy Giêsu ra đi rao giảng Tin Mừng. Các môn đệ cũng đã được nghe nhiều lời giáo huấn của Đức Giêsu nói về sự tha thứ.

So với những lời dạy dỗ của người xưa có tính tiêu cực, những lời giáo huấn của Đức Giêsu luôn mang chiều hướng tích cực, đầy tình yêu thương và long bao dung.

Luật người xưa dạy rằng : “Chớ giết người, ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa”. Với lời giáo huấn của Đức Giêsu, chỉ cần “giận anh em mình…” cũng đủ để đưa ra tòa rồi.

Về việc báo thù. Đây là một điều hết sức tế nhị. Bởi vì nó đã được ghi khắc trong tâm khảm con người cả ngàn năm qua, rằng : “mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng”(Xh 21,24).

Thế nhưng, không vì thế mà Đức Giêsu nhu nhược trước lời giáo huấn của mình. Ngài đã khảng khái nói trước công chúng rằng : “Đừng chống cự kẻ ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ mà bên trái ra nữa”.

Không ai có thể có những lời giáo huấn đầy tình yêu thương như Đức Giêsu đã truyền dạy rằng “Hãy yêu thương kẻ thù”. Không ai có thể đưa ra được lời dạy dỗ mang nặng lòng bao dung và sự thứ tha như Đức Giêsu đã dạy dỗ, rằng “hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em”(Lc 6,28)…

Nghe là vậy. Nhưng tông đồ Phêrô vẫn không khỏi “bức xúc” trước việc “anh em con cứ xúc phạm đến con”. Vì thế, một hôm, thánh nhân đã đến gặp Đức Giêsu mà hỏi : “Con phải tha đến mấy lần ? Có phải bảy lần không ?”.

Chắc hẳn, câu trả lời của Đức Giêsu đã làm cho tông đồ Phêrô ngẩn người ra. Chắc hẳn tâm hồn Phêrô bị tác động mạnh khi nghe câu trả lời của Thầy mình : “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 22).

Một chút tâm tình…

Tha thứ không phải là hai chữ chỉ để nói, chỉ để viết trên sách vở. Tha thứ phải được hành động cụ thể qua việc làm như Chúa Giêsu đã làm.

“Lạy Cha, xin hãy tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Đó… đó chính là lời tóm gọn cho tất cả mọi lời giáo huấn của Đức Giêsu về sự tha thứ.

“Tha thứ”. Vâng, đây là một lệnh truyền, một đòi hỏi cho những ai muốn trở thành môn đệ của Đức Giêsu.

Lòng thương xót và sự tha thứ là chân lý duy nhất của Thiên Chúa.

Vương quốc của Thiên Chúa không thể dung nạp những kẻ được Người “chạnh lòng thương và tha thứ” nhưng lại hành xử “độc ác… không thương xót đồng bạn như chính Người đã thương xót”.

Thánh Phaolô có nói : “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người”.

Nền tảng cho sự hòa giải là gì ? Phải chăng chính là sự tha thứ !

Đúng vậy, thánh Phaolô nói tiếp rằng : “Người không còn chấp tội nhân loại nữa”(2Cor 5, 19).

Qua “dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót”, Có thể kết luận rằng, Đức Giêsu muốn gửi đến một thông điệp cho mọi người rằng “phải tha thứ như Chúa đã tha thứ”.

Vâng, “phải tha thứ như Chúa đã tha thứ”.

Một phút suy tư…

“Phải tha thứ như Chúa đã tha thứ”.

Tha thứ quả là một thách đố lớn nhất của con người trong mối tương giao với tha nhân. Thế nhưng, không phải vì thế mà không thể thực hiện được.

Cadao Việt Nam có câu “yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho vừa”.

Thánh Phaolô cũng đã nói : “Đức ái thì nhẫn nhục… không nóng giận, không nuôi hận thù… Đức ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả (1Cor 13, 4-7).

Có tình yêu thương sẽ có sự tha thứ.

Thời đệ nhị thế chiến. Corrie Ten Boom và em gái của bà là Betsie đã bị lính Đức bắt vì tội che dấu những người Do thái. Hai người đã bị đưa đến trại tập trung của Đức quốc xã. Với sự hành hạ dã man, Betsie em bà đã chết thật đau đớn và tàn nhẫn…

Bà Corrie sống sót trở về. Năm 1947 bà chia sẻ đức tin của mình trong một nhà thờ ở Munich. Bà nói về ơn tha tội mà Thiên Chúa đã ban cho bà. Bà nói về việc mình tha thứ cho người khác.

Ngay sau đó, một trong số những người đã nghe bà chia sẻ, tìm đến gặp bà. Bà Corrie thảng thốt nhận ra người đó chính là một trong những tên lính Đức đã hành hạ bà và người em gái Betsie.

Anh ta chạy lại thưa với bà: Tôi đã trở thành Kitô hữu, đã nhận biết tội lỗi của mình. Anh ta liền quì xuống dang rộng hai tay xin bà tha thứ.

Lúc đó, tâm hồn bà Corrie đã phải chiến đấu mãnh liệt với những cảm xúc giữa lòng hận thù và sự tha thứ, giữa những căm phẫn trong lòng và những lời dạy của Đức Giêsu: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.”  (Mt 5, 44)

Có lẽ suốt cuộc đời, chưa bao giờ bà phải đối diện với một tình huống khó xử đến thế ! Nhưng Corrie nhớ lại lời Đức Giêsu “Nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình…”(Mt 18,…35).

Bà biết mình phải tha thứ. Bà lặng lẽ cầu nguyện: “Lạy Chúa ! Xin giúp con. Không có tình yêu Chúa, con không thể thực hiện sự tha thứ này.” Chuyện được kể tiếp rằng : Rồi bà dơ tay đỡ kẻ thù đứng dậy.(nguồn : internet)

Sự tha thứ chính là động lực làm cho quên đi hận thù.

Một khi quên đi hận thù… Vâng, chắc hẳn rằng, chẳng ai còn cần thiết đến gặp kẻ thù để đòi cho được  “mắt đền mắt, răng đền răng”…

Một khi đã quên đi hận thù… Vâng, sẽ được ích gì khi đòi kẻ thù “mạng đền mạng”. Hơn nữa, khi đã không còn hận thù  “giết người đi thì ta ở với ai” !?

Không tha thứ, như lời cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn-Văn-Thuận đã nói : “Tôi không đáng được gọi là Kitô hữu”.

Không tha thứ ! Vâng. Sẽ thật ngượng ngùng mỗi khi chúng ta nguyện rằng “Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”(Mt 6,12).

Petrus.tran.

 

Trả lời