Cn 23 C : Theo đức Giêsu, giá nào phải trả ?

 

Theo đức Giêsu, giá nào phải trả?

Kn 9,13-18; Tv 90; Plm 9-10.12-27; Lc 14,25-33

Lm. Jude Siciliano, O.P.

 

Kính thưa quý vị,

Cn 23 C : Theo đức Giêsu, giá nào phải trả ?Một điều thật kỳ lạ, đó là không ai đứng dậy và bước ra khỏi nhà thờ khi nghe bài đọc Tin mừng ngày hôm nay. Có thể một số thanh thiếu niên ở đây đã bất đồng với cha mẹ hoặc anh chị em ruột của mình, sau khi nghe Đức Giêsu khuyên họ là hãy ghét cha mẹ và anh chị em mình. Với những người còn lại trong chúng ta đây, lời nói mở đầu của Đức Giêsu hẳn có vẻ là chướng tai gai mắt. Dù có thuận tai lắm đi nữa thì một số người ở đây có lẽ cũng chỉ biết nhún vai và nói với nhau rằng: “Tôi không dám làm theo đâu!”

Tuần trước, trong cuộc gặp gỡ tại nhà của một thủ lãnh nhóm Pharisêu với các bạn bè của ông này, Đức Giêsu đã nói ngay tại bàn ăn là đừng mời gia đình hay bạn bè đến dùng tiệc, nhưng thay vào đó “hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù”. Vâng, chúng ta có thể miễn bắt bẻ Người vì lời giáo huấn mạnh mẽ ấy, xét cho cùng thì Đức Giêsu đang nói với người Pharisêu và các bạn hữu của Người. Nhưng ngày hôm nay, Đức Giêsu đang diễn thuyết trước đám đông là những kẻ đã đi theo Người. Với những người này, Đức Giêsu nói về việc “ghét” các thành viên trong gia đình. Người tiếp lời rằng: những ai theo Người phải từ bỏ hết những gì mình có. Thời nay, điều kiện đó không phải là cách tốt để gia tăng số lượng vào danh sách những người mộ mến và đệ tử của quý vị! Vậy, điều gì đang xảy ra ở đây?

Đức Giêsu là một người Xêmít (Semite) nói tiếng Aram. Một số người dịch từ “ghét” là “yêu ít hơn”. Lối dùng ngôn ngữ diễn tả điều gì đó trong những thái cực đối lập mạnh mẽ là cách thức làm cho một chủ điểm được nổi bật lên. Vì thế, liệu chúng ta có “hiểu được chủ điểm này không?” Dường như Đức Giêsu đang nói rằng, nếu chúng ta đón nhận lời mời gọi của Người và đi theo, thì chúng ta sẽ phải chịu nhiều tổn thất. Thậm chí là ta có thể bị gia đình và bạn bè từ chối. Những ai quy hướng về Đức Giêsu và những đường lối của Người thì sẽ phải chấp nhận quay lưng lại với gia đình. Nếu những người thân của chúng ta tán thành lối sống hay các giá trị trái ngược với Đức Giêsu, thì việc quy hướng về Đức Giêsu có vẻ như là “ghét” gia đình mình.

Trong thế giới Địa Trung Hải của Đức Giêsu, thành viên trong gia đình xác định chính danh tính của họ. Ai rời bỏ gia đình sẽ bị coi như là không tồn tại. Vì thế, ai chọn theo Đức Giêsu thì sẽ tách ly khỏi gia đình, đồng thời người đó đánh mất sự xác định danh tính của mình từ những thành viên trong gia tộc. Theo đó, ai chấp nhận lời mời gọi bước theo Đức Giêsu thì sẽ tự đưa mình vào một kiểu gia đình mới, gia đình của những người môn đệ, chứ không phải là những người thân thuộc theo huyết tộc. Điều này không có nghĩa là mọi Kitô hữu đều phải khăn gói lên đường rời xa gia đình, nhưng chỉ một số người có thể làm như thế mà thôi. Vậy, danh tính của họ sẽ như thế nào khi không còn gia đình nữa? Người đó sẽ có một danh tính mới cũng giống hệt như một Kitô hữu được chịu phép rửa tội vậy, khi ấy họ thuộc về một gia đình mới và được gọi bằng một họ tên mới, đó là: “Kitô hữu”.

Thánh Luca cho chúng ta biết rằng lúc đó Đức Giêsu đang nói với đám đông. Lúc này Đức Giêsu không nói những điều ấy với các môn đệ đã được kêu gọi đi theo Người. Thay vào đó, Người nói với những ai đang có ý định muốn đi theo Người. Trước đây đã có một người dự tính theo Đức Giêsu như thế và anh ta quả quyết rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo” (Lc 9,57). Đức Giêsu đã trả lời với người có vẻ đầy nhiệt tình đó bằng một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58). Một lời nhắc nhở đúng nghĩa về những gì sẽ xảy ra đối với những ai chọn theo Đấng “không có chỗ tựa đầu”. Cái giá mà các môn đệ phải chịu là bị tách rời khỏi thế giới và lối sống của họ trước đó. Đức Giêsu đòi hỏi một lòng trung thành tuyệt đối với Người. Bất cứ điều gì trong lòng mình, hay những gì mà ta vẫn yêu thích, những điều đó có thể gây ra sự rạn nứt lòng trung thành thì ta phải loại bỏ ra bên ngoài để bước theo Đức Giêsu.

Trong hai dụ ngôn nêu ra, Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta phải cân nhắc những giá phải trả cũng như đề ra những chiến lược để đi theo Người. Trong xã hội nông nghiệp, người ta sẽ xây dựng cây tháp để bảo vệ mùa màng hay vườn nho tránh khỏi thú vật hoặc kẻ trộm xâm phạm tới. Ở đây, dụ ngôn chiến tranh / hòa bình thay đổi gương mặt từ một người nông dân đến hình ảnh một vì vua đứng đầu quân đội. Hình ảnh xã hội đó thật hoàn hảo. Bất kể là người nông dân hay vua chúa, chúng ta cũng phải xem xét một cách cẩn thận nếu chúng ta muốn đáp trả những đòi hỏi của Đức Giêsu về vai trò làm môn đệ, đó là một sự đầu tư triệt để cho bản thân mình. Vậy, đâu là những tiềm lực của chúng ta và chúng ta sẵn sàng cống hiến bao nhiêu cho đầu tư, hoặc từ bỏ, để tiếp bước theo Người?

Phải chăng điều này không tương tự như kế hoạch người ta phải làm khi muốn đầu tư vào nền giáo dục đại học hoặc mua một căn nhà? Họ phải đặt ra câu hỏi: chúng ta cần có bao nhiêu tiền? Nếu mua một căn nhà thì liệu chúng ta có đủ khả năng để thanh toán thế chấp mà vẫn có đủ thực phẩm, bảo hiểm y tế, bảo trì, tiền mua xe,… Nếu tôi đi học ở trường đại học này thì liệu khoản vay nợ của tôi có khiến tôi phải chìm ngập trong nợ nần trong nhiều năm sau khi tôi đã tốt nghiệp hay không? Sau cùng tôi có nên đi học đại học chăng? Tôi muốn làm công việc gì bây giờ và trong tương lai gần sẽ như thế nào đây?

Đức Giêsu đã lấy những ví dụ minh họa từ chính cuộc sống của Người: tháp canh của người nông dân, một vì vua với quân đội của mình lâm vào trận chiến. Còn chúng ta, chúng ta sẽ lấy nhiều ví dụ khác nhau từ những thử thách của cuộc sống, nhưng ta vẫn hiểu được điểm nhấn của Đức Giêsu. Vậy, chúng ta đã cân nhắc lời Đức Kitô mời gọi chúng ta bước theo Người bao gồm những điều gì chưa? Liệu chúng ta có tính toán về các chi phí cá nhân khi việc đầu tư cho bản thân đòi buộc chăng? Chúng ta có sẵn sàng sử dụng sức mạnh và nguồn lực của mình để hoàn trọn những lời mình đã tuyên hứa với Đức Kitô hay không?

Thậm chí còn nhiều hơn thế nữa về điểm này, chúng ta đã nghe những thách thức thẳng thừng của Đức Giêsu: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”. Cái giá phải trả là thế đó! Phải sẵn sàng vác lấy thập giá, một phương tiện của hy sinh và cái chết; sẵn sàng chấp nhận đau thương và mất mát trong cuộc sống của mình để đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu ngõ hầu trở nên người môn đệ.

Ai trong chúng ta chưa một lần lỗi lầm, vấp ngã, hay thậm chí là thất vọng ê chề trong ơn gọi làm người môn đệ? Chúng ta đã chọn sự thoải mái hơn là sự hy sinh. Chúng ta đã từng nín lặng vào lúc phải lên tiếng. Chúng ta ưa thích sự giải trí hơn là học hỏi thêm về đức tin. Chúng ta đã ở ngoài rìa của cộng đoàn giáo xứ đang khi đúng ra ta phải dành thời gian và nguồn lực để xây dựng cộng đoàn ấy phát triển. Chúng ta lại để cho những người khác phục vụ mình trong những chức năng phụng vụ, thay vì ta phải tham gia trong vai trò là người thực thi tác vụ đọc sách, phục vụ, thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa, ca viên, người tiếp tân.v.v… Liệu tôi có làm phương hại đến ơn gọi của tôi khi bước theo Đức Kitô và những hy sinh mà lời mời gọi ấy đòi hỏi hay không?

Xét cách này hay cách khác, chúng ta đã làm tổn thương với tư cách làm người môn đệ. Đó là lý do vì sao chúng ta bắt đầu Thánh lễ với nghi thức sám hối, trong đó chúng ta thừa nhận những sai lỗi của mình. Chúng ta có thể nói như ông Phêrô: “Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. Song, điều quan trọng không phải là tội lỗi của chúng ta; mà quan trọng ở lòng thương xót của Thiên Chúa, như chúng ta hằng cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con”. Chúng ta nỗ lực với hết sức bình sinh của mình, và khi chúng ta không thể, thay vì phải xấu hổ thẹn thùng, ta hãy hội họp với nhau như một cộng đoàn mà phó dâng tất cả với sự tin tưởng nơi lòng thương xót của Thiên Chúa.

Hôm nay, chúng ta nghe Đức Giêsu đưa ra ba yêu cầu cho chúng ta là các môn đệ của Người. Ta phải sẵn sàng chịu rủi ro trong mối quan hệ gia đình, thực hiện sự tự từ chối và sẵn lòng từ bỏ hết những gì mình có. Cái giá mà người môn đệ phải trả là rất đắt và không phải là những điều tình cờ ngẫu nhiên. Theo Đức Kitô không hề là một điều dễ dàng chút nào. Nhưng chúng ta không đơn độc một mình. Khi ta vấp ngã, Đức Kitô luôn ở bên cạnh sẵn sàng đáp ứng lời kêu cầu của chúng ta: “Lạy Chúa, xin thương xót con”.

Cũng chẳng phải là chỉ một mình chúng ta đơn độc khi nỗ lực thực hiện những sự hy sinh lớn lao trong danh thánh Giêsu. Thay vào đó, (điều này đặc biệt đúng trong Tin mừng theo thánh Luca) Đức Giêsu ban tặng cho chúng ta Chúa Thánh Thần, Đấng luôn sẵn sàng hướng dẫn ta ngày càng nhiều để đáp trả trọn vẹn hơn với lời kêu gọi, mà mỗi người chúng ta đã lãnh nhận trong ngày chịu phép rửa tội rằng: “Hãy theo Ta”.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.

Trả lời