Cn 21 a : Còn anh em bảo Thầy là ai ?

Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?

Lm. Jude Siciliano, OP.
Anh em nhà học Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ.

Cn 21 a : Còn anh em bảo Thầy là ai ?Thưa quý vị,

Tôi thiết nghĩ những cái tên như Shépna và Êliakim ở ngay trên cửa miệng của những ai cử hành phụng vụ hôm nay. Hầu hết mọi người khi nghe thấy thông điệp của Isaia thì khiến họ và có thể cả chúng ta nữa đều thắc mắc “Tất cả những sự  ấy là gì?”

Shépna và Êliakim được vua Hêzêkia (thế kỷ 8 TCN) chỉ định để thương thảo với quân Assyri đang đe dọa Giêrusalem. Nhưng có điều gì đó trục trặc (22,15-18) và Sépna, một người đầy quyền lực, một tể tướng triều đình, bị khỏi đuổi khỏi địa vị. Thiên Chúa cho Êliakim quyền trên vương quốc Giuđa. Vai trò của ông là để đảm bảo rằng Giuđa sẽ tồn vong và mang lại một hình ảnh của Đấng Thiên Sai để dân nhận biết lòng trung tín của Thiên Chúa. Những vị lãnh đạo của dân Israel phải chịu trách nhiệm cả về mặt chính trị lẫn tôn giáo, và vì thế Êliakim được trao cho “chìa khóa nhà Đavít”. Bài đọc này, đặc biệt là việc đề cập đến chìa khóa quyền lực và sự ủy thác, dẫn chúng ta đến với bài Tin mừng.

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Tôi từng nghe câu hỏi này được dùng như một điểm nhấn trong các cuộc hội thảo trong đạo, các buổi tĩnh tâm và trong những tác  phẩm thiêng liêng. Câu hỏi ấy không chỉ dành cho Phêrô, mà cũng dành cho mỗi chúng ta nữa. Chúng ta không thể bỏ mặc niềm tin của mình, vì niềm tin ấy không đơn thuần là việc chúng ta nhận được từ cha mẹ và cứ tự nhiên như thế theo ta suốt đời. “Sao anh lại có một vết bớt ở trên cánh tay?” “Khi sinh ra tôi đã có nó rồi”. “Làm thế nào anh trở là một người Công giáo/Kitô hữu?” “Vì cha mẹ tôi là người Công giáo nên tôi cũng thế.” Sai! Hai câu hỏi trên không thể trả lời bằng cùng một cách thức như nhau.

Thoạt tiên, Simon là tâm điểm của bài đọc hôm nay. Đức Giêsu đặt cho ông một tên mới: ông là Phêrô nghĩa là Đá. Cũng như Êliakim trong bài đọc một, Phêrô được trao quyền và được ủy thác một bổn phận. Lời tuyên xưng của Phêrô diễn ra sau những chỉ dạy của Đức Giêsu dành cho các môn đệ (14,13-16,30). Nơi Phêrô, Đức Giêsu tìm thấy điều mà Người cần nơi các môn đệ: một người gắn bó với Người bằng niềm tin, sẵn sàng sống theo những gì Đức Giêsu dạy dỗ.

Đức Giêsu đã trao quyền cho Phêrô, quyền để phục vụ chứ không phải đê thống trị. Người sẽ nhắc nhở Phêrô về lời mời gọi ấy khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ và người đầu tiên Người rửa là Phêrô. Chỉ sau khi Đức Giêsu chịu khổ nạn, chết và phục sinh thì Phêrô mới nhận ra vai trò thích hợp của mình – điều mà lúc đầu Phêrô không chấp nhận (16,21-27, bài Tin mừng tuần tới). Sau này, ngài sẽ nhắc nhở chúng ta (I Pr 4,10) “ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác”. Thiên Chúa chọn để trao cho Êliakim “chìa khóa nhà Đavít”. Trong Tin mừng, Đức Giêsu trao cho Phêrô “chìa khóa Nước Trời”. Thiên Chúa tìm kiếm những gia bộc có trách nhiệm và trung tín để lãnh đạo dân Chúa.

Ơn gọi của Phêrô là nền tảng trong cộng đoàn nguyên thủy của các Tông đồ. Người Công giáo chúng ta thấy vai trò của Phêrô cần được tiếp tục truyền lại cho thế hệ sau. Như Phêrô và các môn đệ đầu tiên, một Giáo hội có tổ chức mang lại những thành quả to lớn nhưng cũng gây ra nhiều sai lầm trầm trọng trong lịch sử. Như niềm tin của Phêrô chao đảo trước thử thách của cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu, thì những yếu đuối của con người cũng xảy ra trong một Giáo hội có tổ chức. Giáo hội của chúng ta sẽ tiếp tục bộc lộ những yếu đuối của con người, nhưng các phần tử thánh thiện của Giáo hội vẫn sẽ là một dấu chỉ Bí tích về sự hiện diện của Đức Giêsu giữa chúng ta. Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa chọn thực hiện với chúng ta và qua chúng ta, bất kể những vấp ngã của chúng ta – cho dù những vấp ngã ấy đáng buồn thay lại xảy ra ở mọi cấp độ của Giáo hội.

Một số người có thể nói rằng Giáo hội không lưu giữ nhưng còn tỏa sáng về sự vĩ đại, là dấu chỉ Thiên Chúa hiện hữu luôn mãi giữa chúng ta. Chúng ta có thể cùng hiệp với thánh Phaolô trong lời ca ngợi về sự hiện diện không ngừng của Thiên Chúa giữa chúng ta: “Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời ! A-men.”

Một khoảnh khắc nào đó trong đời sẽ đặt vấn đề với chúng ta: “Anh/chị bảo Đức Giêsu là ai?” Có thể đó là giây phút thử thách khi chúng ta phải chọn lựa giữa đúng và sai, giữa thiện và ác. Có thể là thời chuyển tiếp khi chúng ta rời nhà để sống tự lập. Cha mẹ sẽ không có ở đó để giúp chúng ta chọn lựa; chúng ta phải tự quyết định cho mình. Dựa vào cái gì và dựa vào ai để chúng ta có thể đưa ra những chọn lựa đó? Chúng ta phải biến niềm tin mà chúng ta nhận lãnh từ cha mẹ và giáo hội thành đức tin của riêng mình. Chỉ được ghi vào sổ rửa tội của giáo xứ thôi thì chưa đủ. Khi chúng ta thực sự trả lời câu hỏi:“ Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” với chính xác tín của mình và minh chứng câu trả lời ấy bằng hành động thiết thực, thì chúng ta mới biết được Đức Giêsu là ai, không phải như một bổn phận hay thói quen, nhưng bằng chính sự xác tín mà Đức Giêsu mong chờ nơi các môn đệ của Người.

Với những gì mà thánh Matthêu dạy chúng ta biết về Đức Giêsu trong những tuần này, chúng ta có thể trả lời cho câu hỏi Đức Giêsu đặt ra với Phêrô: Thầy là Đấng luôn bên cạnh những người bị tổn thương và bị bỏ rơi. Thầy là Đấng hoàn trọn mong chờ của các ngôn sứ về một vương quốc hòa bình và công chính, là Thầy Dạy đầy quyền năng. Thầy là Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng con người. Những lời đáp trả đầy tin tưởng như thế, khi đi kèm với những bằng chứng tương ứng, nghĩa là đức tin của chúng ta có tác động đến cuộc sống thường ngày của mình, chứ không chỉ dừng lại ở những lời huyên thuyên trong những buổi cử hành phụng vụ hay các buổi hội thảo.

Lời đáp của Phêrô chắc hẳn phải đến từ niềm mong mỏi đấng Messia. Niềm chờ mong đấng Messia mang cả hai chiều kích tôn giáo và chính trị; Đấng mà sau cùng có thể giải thoát Israel khỏi ách đô hộ. Khi ấy, Phêrô chỉ thấy lờ mờ về căn tính đích thực của Đức Giêsu. Chúa Nhật tới, trong đoạn Tin mừng ngay sau bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giêsu tiên báo về cuộc khổ nạn và cái chết của Người – và Phêrô không thể làm gì được. Chính người mà hôm nay Đức Giêsu gọi là “đá tảng” thì Người lại ra lệnh “Hỡi Satan, hãy tránh ra sau Thầy…” Thánh Phêrô có đức tin, nhưng chỉ là ở giai đoạn đầu và cần phải đào sâu hơn nữa, cần phải được gạn lọc và canh tân sự tín thác vào Chúa.

Như Phêrô, chúng ta là những kẻ đi theo Đức Giêsu. Như Phêrô, lắm lúc chúng ta hiểu sâu xa, nhưng đôi khi lại thiếu lòng tin. Điều mà Đức Giêsu thấy nơi Phêrô thì cũng thấy nơi chúng ta – là vật liệu xây dựng có thể hình thành nên người tín hữu để phục vụ cho vương quốc của Người. Đức Giêsu không tìm thấy nơi các thầy Pharisêu một niềm tin và sự dễ dạy như thế, nhưng Người thấy điều đó nơi Phêrô và các môn đệ thuộc đủ mọi thành phần của Người. Các ngài và cả chúng ta nữa được mời gọi để loan truyền Tin mừng cho thế giới.

Chính đức tin có thể giúp chúng ta nói “không” với những quyến rũ và quyền lực vì Đức Giêsu đã trao chính mạng sống Người cho chúng ta. Chúng ta chấp nhận Người là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúng ta đặt niềm hy vọng nơi lời hứa của Người: thế giới đã loại trừ Người và sinh sản ra ma quỷ sẽ thất bại. Sự thiện hảo của Người sẽ hiển trị.

Khi Phêrô bị thử thách, ông đã vấp phạm. Điều đó thật khích lệ cho chúng ta, vì Đức Giêsu đã không bỏ rơi ông, thì Người cũng sẽ không bỏ mặc chúng ta khi chúng ta là kẻ sai lỗi. Ân sủng của Thiên Chúa giúp chúng ta vượt thắng những ngăn trở trong cương vị tông đồ mà chúng ta phải đối diện mỗi ngày. Thiên Chúa hành động bằng những cách thức không thể hiểu thấu được; Thiên Chúa dùng những yếu đuối để hoàn thành kế hoạch mà Chúa dành cho nhân loại. Khi làm như thế, chúng ta biết được Thiên Chúa chính là nguồn mạch mọi thành công trong việc chúng ta mở rộng Nước Chúa. Vì thế, chúng ta hãy dâng lời tạ ơn trong Thánh lễ này.

 

Trả lời