Cn 2 A : Đức Giêsu… chiên con hiến tế.

Cn 2 A : Đức Giêsu… chiên con hiến tế.


Cn 2 A : Đức Giêsu… chiên con hiến tế.Mở đầu thư gửi tín hữu Do Thái; tác giả đã viết rằng : “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này; Thiên Chúa phán dạy qua Thánh Tử” (Dt 1, 1-2).

Thật vậy, ngay thuở ban đầu, dầu cho nguyên tổ Adam và Eva đã  phạm tội bất trung và bị trục xuất ra khỏi vườn Eden với án phạt là sự chết; thế nhưng Thiên Chúa không vì thế mà ruồng bỏ con người. Thiên Chúa vẫn đi bước trước. Ngài luôn là “ Ðấng từ bi và nhân hậu. Người chậm giận và giàu tình thương.  Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên”. (Tv 145:8-9).

Từ một dân được tuyển chọn là Israel; lòng nhân hậu và từ bi của Thiên Chúa  được bày tỏ qua miệng ngôn sứ : “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23).

Và đang khi toàn dân Israel ngóng chờ Đấng Cứu Thế; thì tại Belem ; lời ngôn sứ loan báo đã thành sự thật. Thánh Tử  đã sinh ra với muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa. Thánh Tử đó chính là Đức Giêsu.

……

Sau ba mươi năm sống ẩn dật tại làng quê Nazareth . Thánh Tử Giêsu rời Galile và đến sông Giodan. Sông Giodan vốn luôn ồn ào náo nhiệt

bởi khách thập phương nay lại càng náo nhiệt hơn nữa khi mọi người thấy Đức Giêsu xuất hiện.

Những năm tháng qua; giấc mơ có một Đấng Cứu Thế đến giải thoát dân Người đã nung nấu toàn thể cộng đồng Israel . Hình ảnh ông Gioan đứng bên sông Giodan; giản dị trong trang phục và mạnh mẽ với những lời kêu gọi sám hối đã khiến cho một số thành phần trong dân chúng nghĩ rằng; ông là Đấng Kitô hay ít ra cũng là một ngôn sứ nào đó.

Thế nhưng, tất cả luồng suy nghĩ đó đều bị ông Gioan phủ nhận. Và để phủ nhận những suy đoán thiếu căn cứ của một số người. Ông Gioan đã làm chứng rằng; ông đã nghe rõ lời Đấng sai ông đi làm phép rửa trong nước bảo ông “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1,33).

Không ! Sứ vụ của ông chỉ là kẻ dọn đường; như lời ông nói. Và rằng; vai trò của ông chỉ là giới thiệu “Người đến sau ông..”. Sự kiện từng đoàn người “rồng rắn” đến xin ông làm phép rửa không đủ yếu tố để khẳng định rằng ông chính là “Đấng xóa bỏ tội trần gian”.

Ai ! ai sẽ là người làm-phép-rửa-trong-Thánh-Thần !? Phải chăng đó là một ẩn số ! Thưa không. Người đó chính là Đức Giêsu. Là người đang tiến về phía ông. Chính ông đã  “Thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người”.

Vâng, hôm đó; trước đám đông cử tọa; ông khẳng định : “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”.(Ga 1,34).

Một chút tâm tình…

Trình thuật Tin Mừng kể lại rằng : “Ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói : Đây là Chiên Thiên Chúa”.

Có là nghịch nhĩ không ! Người-là-Đấng-Thiên-Chúa-tuyển-chọn… Là Thánh Tử Con Trời… Lẽ ra phải dàn chào cả trung đội. Phải bồng súng đứng nghiêm. Phải bắn cả chục phát đại bác. Phải cờ xí ngập trời. Phải treo la liệt những băng-đờ-rôn hoan hô… Phải là những lời “welcome” muôn năm vạn tuế v.v…!!!

Thế mà ông Gioan chỉ dùng vọn vẹn có năm chữ để tung hô Con Trời : Đây-là-Chiên-Thiên-Chúa !

Thật ra chỉ cần năm chữ đó cũng đủ để nói lên sứ mạng của Đức Giêsu là gì.

Trở về với lịch sử cứu độ. Giáo lý cựu ước dạy rằng : “Nếu một người vô ý phạm tội, làm một trong những điều mà ĐỨC CHÚA cấm làm… thì vì tội đã phạm, nó sẽ đưa đến một con dê (hoặc chiên) làm lễ tiến. Nó sẽ đặt tay trên đầu lễ vật tạ tội và sát tế lễ vật tạ tội ở nơi sát tế lễ vật toàn thiêu. Tư tế sẽ dùng ngón tay lấy máu con vật và bôi lên các góc cong của bàn thờ dâng lễ toàn thiêu, rồi đổ tất cả máu còn lại xuống chân bàn thờ…. Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội như thế cho người ấy, và người ấy sẽ được tha. (Lê-vi 4, 27-32).

Vâng, tung hô Đức Giêsu như thế. Gọi Ngài là Chiên-Thiên-Chúa; ông Gioan muốn nói lên sứ mạng của Giêsu Con Trời. Người chính là Chiên-Con-Mới; đến thế gian; để hiến thân chịu chết và đổ máu mình rửa sạch tội lỗi thế gian.

Tác giả thư Do Thái cũng đã viết rằng : “Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con. (Dt 10, 4-7).

Thánh Phaolô cũng đã xác tín như thế khi nói rằng : “Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (I Corinto 5,7).

Vâng, sứ mạng của Chiên-Thiên-Chúa chính là “xóa bỏ tội trần gian”.

Một phút suy tư…

Khi đã tin Chúa và lãnh nhận Bí tích thánh tẩy; chúng ta trở thành chi thể trong nhiệm thể là Đức Kitô; và được hiệp thông nên một với Chúa Giêsu qua Bí tích Thánh Thể.

Chính nhờ ân sủng đó; chúng ta được thông dự vào chức tư tế của Chúa Giêsu. Hãy ý thức rằng; nhờ đó chúng ta cũng được mời gọi trở nên Chiên-của-Thiên-Chúa.

Khi đã trở thành Chiên-của-Thiên-Chúa chính là lúc chúng ta cùng “hiến tế” với Chiên-Con-của-Người là Đức Giêsu. Đây là một sứ vụ không thể từ chối của những ai đã là Kitô hữu.

Chỉ khi hiến tế cuộc đời ta vì Nước Trời, tội lỗi trần gian mới có thể được xóa bỏ…

Thật vậy, chính khi thực-sự-hiến-tế đời mình cho đức ái; là lúc chúng ta xóa-bỏ-tội tham lam và ích kỷ. Chính khi thực sự hiến tế đời mình cho lời thề “hứa yêu nhau chung sống trọn đời”; là lúc chúng ta xóa-bỏ-tội bất trung bội phản. Chính khi thực sự hiến tế đời mình cho lời khấn hứa khiết tịnh vì Nước Trời; là lúc chúng ta xóa-bỏ-tội-bất-trung-bội-tín. Chính khi thực sự hiến tế đời mình cho đức vâng lời; là lúc chúng ta xóa-bỏ-tội-kiêu căng ngạo mạn.

Hãy nhớ rằng “hiến tế” đồng nghĩa với “chết đi”. Thế nhưng, hãy vui lên; bởi vì Thánh Phanxico Assisi đã xác tín rằng : “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

petrus.tran


Trả lời