Cn 19 C : Ôi ! Chúa ơi ! Con hổng dè

 

Cn 19 C : Ôi ! Chúa ơi ! Con hổng dè…

 

Cn 19 C : Ôi ! Chúa ơi ! Con hổng dèSuốt hơn tuần qua, truyền thông mạng không ngừng đưa tin về một tai nạn đã xảy ra vào tối 2/8/2013. Một con tàu khách mang số hiệu H29-BP chở 30 người của Công ty sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam trên đường từ Gò Công Đông (Tiền Giang) về Vũng Tàu dự đám cưới, khi đi qua sông Soài Rạp thuộc Cồn Ngựa, Cồn Thu (Cần Giờ) thì gặp sóng lớn nên bị nhấn chìm. Sau những giờ vật lộn với tử thần và sau khi những tàu cứu hộ xuất hiện, 21 người được cứu sống và 9 người đã tử vong.

Tiếp xúc với những nạn nhân sống sót cũng như  thân nhân của những người đã chết, tất cả mọi người đều có chung một cảm nghĩ rằng, quả  là một tai nạn thảm khốc không ai ngờ tới. Vâng, thật không ngờ! không ngờ một đám cưới lại trở thành chín đám tang…

Nhớ lại hơn mười năm về trước, cái ngày định mệnh 11/09/2001, có ai ngờ tại New york – Hoa Kỳ, cả thế giới đã chứng kiến một vụ khủng bố khiến cho khoảng 3000 người chết tức tưởi. Và cách đây không lâu, rạng sáng ngày 24/02/2013, có ai ngờ nhà ông Lê Minh Phương , một chuyên viên khói lửa và thường được những người đồng nghiệp gọi là “Phương khói lửa” đã xảy ra một vụ nổ khiến hơn chục mạng người tiêu vong… Đúng là “có ai học được chữ ngờ!”

“Chữ ngờ – không ngờ”. Vâng, nhắc lại những biến cố đau thương nêu trên không phải là để gợi lại nỗi đau buồn nơi thân nhân của những người đã chết nhưng là để nhắc lại một lời cảnh báo của Đức Giêsu, lời cảnh báo về một sự kiện cũng sẽ bất ngờ xảy ra, sự kiện ngày “Con Người sẽ đến”.

**

Trong ba năm ra đi loan báo Tin Mừng. Đức Giêsu không chỉ cho các môn đệ biết vai trò và sứ mạng của Ngài “đến thế gian… là để thế gian nhờ (Ngài) mà được cứu độ”, nhưng Ngài còn cho các ông biết đến một sự kiện sẽ xảy ra, sự kiện sẽ có một ngày “Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến. Người sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy, tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời khác” (Mt 24, 30-31).

Vâng, một hôm, sau khi dạy cho các môn đệ bài học về cái giá phải trả cho những ai thu tích của cải mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, Đức Giêsu đã có những lời dạy dỗ chân tình với các môn đệ, rằng “Vì kho tàng anh em ỏ đâu, thì lòng anh  em ở đó”.

Có thể nói rằng, lời dạy dỗ nêu trên như một chiếc chìa khóa, chiếc chìa khóa mở cửa lòng các môn đệ hầu cho các ông nhận rõ thông điệp Đức Giêsu muốn gửi tiếp đến các ông, thông điệp rằng: “Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.

Thế nào là sự sẵn sàng! Thưa, sự sẵn sàng Đức Giêsu cho là tốt nhất, đó là hình ảnh một người “thắt lưng cho gọn và thắp đèn cho sẵn”.

“Thắt lưng”, vâng, một hình ảnh gợi cho người ta nghĩ đến một người chiến binh nai nịt gọn gàng, sẵn sàng chiến đấu, một hình ảnh không người Do Thái nào lại không hơn một lần trải nghiệm. 

Còn “thắp đèn” thì sao! Rất có thể, khi nói lên điều này,  Đức Giêsu muốn các môn đệ hãy nhớ lại dụ ngôn “mười cô trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể”. Nói tắt một lời “thắt lưng cho gọn và thắp đèn cho sẵn” là biểu hiện của sự “sẵn sàng”.

Và để nhấn mạnh yếu tố “không ngờ”, Đức Giêsu đã đưa ra một câu chuyện rất gần gũi với cuộc sống thường nhật của các ông, đó là câu chuyện “những người đợi chủ đi ăn cưới về”. Xen vào câu chuyện này, là chuyện “mất trộm”.

Vâng, có thể nói rằng, đây là câu chuyện 2 trong 1, và qua câu chuyện này, lời cảnh báo của Đức Giêsu càng thêm nổi bật.

Thật vậy, câu chuyện người đợi chủ và chuyện mất trộm, tuy hai nhưng là một, chung một tính chất, tính chất “không ngờ”. Theo phong tục Do Thái, tiệc cưới thường kéo dài trong bảy ngày và thậm chí có thể kéo dài hai tuần, vì thế, chuyện “canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về” đúng là chuyện “không ngờ”. 

Còn chuyện mất trộm ư! Cũng vậy, có nhà nào mất trộm mà gia chủ lại không than thở “tôi thật không ngờ”!

Cho nên, để cho tính chất bất ngờ không còn bất ngờ, để cho yếu tố “không ngờ” không còn “không ngờ” Đức Giêsu đã có lời dạy các môn đệ rằng: “Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay”.

Và để có thể làm tốt vai trò “người đợi chủ”, Đức Giêsu đã thêm một lời khuyên: “Tỉnh thức và hãy sẵn sàng”.

***

Khi nghe Đức Giêsu nói xong câu chuyện này, thánh Phêrô liền hỏi: “Lạy Chúa! Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” (Lc 12, 41).

Tại sao ông Phêrô lại có câu hỏi như thế ! Thưa, có thể là vì ông nghĩ rằng, Đức Giêsu thường dùng dụ ngôn để giảng dạy cho dân chúng, còn với các ông, Ngài luôn nói thẳng, nói trực tiếp mà không cần ẩn dụ.

Thì đây,  câu chuyện về một người “quản gia trung tín, khôn ngoan” đã làm trọn bổn phận “mà ông chủ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc”… trước khi ông chủ về, chính là câu trả lời cho Phêrô.

Nói cách khác, dù Đức Giêsu không trả lời trực tiếp cho tông đồ Phêrô, nhưng chắc hẳn ai trong chúng ta cũng hiểu rằng Ngài nói “dụ ngôn này” cho-tất-cả-mọi- người-kể-cả-chúng-ta-hôm-nay.

Đúng, Chúa Giêsu nói cho-tất-cả-mọi-người-kể-cả-chúng-ta-hôm-nay. Tất cả chúng ta đều là “người quản gia… mà ông chủ đặt lên coi sóc”.

Chính vì thế, trước một xã hội duy vật vô thần như hôm nay, mỗi chúng ta phải là “người quản gia” của niềm tin và lòng thương xót.

Trước một xã hội chìm đắm trong bóng tối của tội lỗi, mỗi chúng ta phải là “người  quản gia” biết thắp sáng lên ngọn đèn đức tin của mình trước bàn dân thiên hạ hơn là ngồi đó nguyền rủa bóng tối.

Trước một xã hội đầy gian xảo, dối trá và lừa lọc, mỗi chúng ta phải là “người quản gia” luôn tỉnh thức không mê ngủ trước cám dỗ của lợi lộc, của tiền bạc, của danh vọng, những thứ chỉ là phù vân, chóng qua. Nói cách khác, chúng ta phải là “người quản gia trung tín” lề luật của Chúa và “khôn ngoan” trước những cám dỗ của thế gian.

Đừng nghĩ rằng, đó là nhiệm vụ bất khả thi. “Đức tin” vâng, tác giả thư Do Thái khẳng định rằng “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng”.

Vì thế, đừng sợ. Để có thể trở nên “người quản gia trung tín khôn ngoan”, tạ ơn Chúa, tông đồ Phao lô đã có một lời khuyên  “Hãy sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ”. 

Hãy nhớ rằng, “Sống tiết độ” đó chính là chúng ta đã nhận được hoa quả của “Thần Khí” (Gl 6, 22). Có Thần Khí Chúa, chúng ta sẽ biết đâu là  “ý chủ – ý Chúa” và đâu là ý thế gian.

Chắc hẳn, chẳng ai trong chúng ta dại đến độ khi biết được ý chủ – ý Chúa “mà không chuẩn bị sẵn sàng hoặc không làm theo ý chủ-ý Chúa”. 

Hãy tin rằng, một khi làm theo “ý chủ-ý Chúa” thì dẫu cho ngay đêm nay “Con Người đến” chúng ta cũng sẽ không phải lo sợ mà thốt lên “ Ôi! Chúa ơi! Con hổng dè..”

Petrus.tran.

 

Trả lời