Cn 19 C : Hãy sẵn sàng và trung thành

 

Cn 19 C : Hãy sẵn sàng và trung thành

Kn 18: 6-9; Dt 11: 1-2, 8-19; Lc 12: 32-48

Lm. Jude Siciliano, OP.

Cn 19 C : Hãy sẵn sàng và trung thànhTuần rồi chúng ta đã nghe về dụ ngôn người khờ dại giàu có, ông ta đã phá kho thóc của mình để xây những kho thóc khác lớn hơn nhằm chuẩn bị cho mùa gặt bội thu. Đức Giêsu gọi ông và những người như ông là kẻ khờ dại, vì họ “thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,21).

Hôm nay chúng ta trở lại nói chuyện về tiền bạc và của cải. Đức Giêsu hướng dẫn chúng ta cách thức sở hữu “một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời,” kho tàng đó không bị hủy diệt và hư nát được. “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí.” Sự quan tâm của Đức Giêsu đến người nghèo khổ và kẻ bị áp bức diễn ra xuyên suốt Tin mừng theo thánh Luca. Trong bài diễn văn khai mạc tại hội đường Giêrusalem (4,14), Đức Giêsu trích dẫn từ sách ngôn sứ Isaia và công bố rằng tôi được sai đến “để loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18). Quyền năng chữa bệnh của Người đã cứu giúp người nghèo khổ, kẻ bị áp bức và những ai bị xã hội xa lánh, đó là những người phong hủi, người phụ nữ bị băng huyết, người phụ nữ ngoại tình, kẻ chết, v.v…

Những phép lạ và lời giảng dạy của Đức Giêsu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của người nghèo đối với các môn đệ. Như hôm nay chúng ta đọc thấy rằng, những người theo Đức Giêsu được tách ra khỏi tài sản, “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí.” Người chọn các môn đệ từ những người nghèo và những kẻ vô gia cư, rồi sai họ đi làm sứ vụ, không tùy thuộc vào gia tài của chính họ, nhưng vẫn bảo đảm rằng Chúa Cha đã ban cho họ nước trời. Không giống như người khờ dại giàu có trong Tin mừng tuần trước, những ai theo Đức Giêsu đều thực sự “giàu có trước mặt Thiên Chúa.”

Đức Giêsu nhắc nhở các môn đệ Người rằng quan tâm đến của cải là khép kín chúng ta lại trước lời mời gọi của Thiên Chúa. “Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.” Khi những người giàu có gia nhập vào giáo hội sơ khai, họ đã chia sẻ gia tài của mình để giúp đỡ người nghèo khổ. Đức Giêsu dạy rằng những người giàu có mà gắn bó với của cải nhưng lại xa lánh những người nghèo khó xung quanh họ thì sẽ không ngồi dự trong bữa tiệc cánh chung, chỉ có người nghèo khổ và kẻ bị bỏ rơi mới ngồi dự tiệc đó mà thôi (Lc 14,16-24).

Dụ ngôn ngày hôm nay tập trung vào việc trở lại của Đức Giêsu, cũng như đòi hỏi lòng trung thành và sự sẵn sàng của chúng ta như chúng ta hằng mong đợi. Tất nhiên có vài yếu tố thất thường đối với vấn đề này (điều mà dụ ngôn nào cũng có), vì dụ ngôn đã đưa ra manh mối cho lời giải thích và ngụ ý. Ông chủ đang đi dự đám cưới về. Theo quan điểm về phong tục cưới hỏi thời bấy giờ, ông chủ sẽ trở về cùng với cô dâu. Điều này đã làm cho những hành động của ông chủ càng trở nên ngạc nhiên hơn. Phong tục có nghĩa là cử hành lễ mừng, bữa tiệc tùy thuộc vào việc đôi tân hôn đến. Các đầy tớ sẽ phải được chuẩn bị chu đáo, không chỉ việc ăn nhanh mà còn phải lo tổ chức mừng lớn.

Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ đừng sợ vì những nhu cầu của họ nằm trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Vì thế, Người chuyển qua hối thúc cảnh giác, phục vụ trung thành, chuẩn bị cho việc Người đến như mong đợi và tiếp theo đó là quy tụ lại, theo cách nhìn của dụ ngôn này, tiệc cưới cùng với Thiên Chúa.

Chúng ta có nhiều quan tâm hàng ngày đến việc phục vụ. Cho đến bây giờ người ta không bảo chúng ta là phải gắn bó với của cải, và cũng chẳng cho ta hay là phải phụ thuộc vào của cải để được bảo đảm. Chúng ta không thể nắm giữ bất cứ điều gì mà làm hài lòng mình, vì chúng ta chỉ biết qua kinh nghiệm, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Khi thế giới xoay chuyển trên chúng ta, điều gì sẽ giữ chúng ta không bị chao đảo? Nếu chúng ta đặt quyền ưu tiên và lưu tâm đến đường lối bất ngờ của Đức Giêsu trong cuộc đời mình, thì chúng ta có thể tự tin rằng Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta những gì ta cần. “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.” Dường như “đoàn chiên bé nhỏ” của thánh Luca đang sợ hãi và cần được bảo đảm, đồng thời nhắc nhở rằng sự an toàn của họ ở nơi Thiên Chúa. Chúng ta cũng đồng cảnh ngộ như thế.

Nhân đây thánh Luca cũng viết rõ rằng thời gian chung cuộc không đến ngay tức khắc. Trước đó thánh Máccô đã tiên đoán việc trở lại nhanh chóng của Đức Giêsu. Thánh Luca phải nói giảm nhẹ đi về niềm mong chờ cao điểm đó, và vì thế thánh sử tuyên bố khá rõ ràng: Chúng ta không biết khi nào thời sau hết sẽ đến (Lc 19,11). Theo thánh Luca, bây giờ chúng ta đang sống trong thời kỳ của giáo hội, như dụ ngôn ngày hôm nay, giáo hội đang trong thời kỳ mong chờ cao điểm. Lúc bấy giờ Đức Giêsu quan tâm đến việc các môn đệ sống như thế nào, vì một cộng đoàn đang mong đợi Đức Giêsu.

Chúng ta là ai trong giáo hội này ? Chúng ta là những người trải qua những thay đổi bên trong của giáo hội, và tất nhiên chúng ta đang trải qua những hậu quả của thay đổi đó bằng việc chứng kiến hiện tại và tương lai đang đến trong nước Thiên Chúa. Trong Tin mừng và sách Công vụ, thánh Luca trình bày rõ ràng những điều ám chỉ về giáo hội. Thánh sử viết Tin mừng sau ngày Lễ Ngũ Tuần, cùng với sự tiến triển hiểu biết của chính cộng đoàn như; khởi nguồn nơi Đức Giêsu; hoàn tất về niềm hy vọng của dân Israel và cộng đoàn của thời cánh chung.

Giáo hội sẽ làm gì  khi chúng ta mong đợi việc trở lại của Đức Giêsu? Trong những dụ ngôn khác, thánh Luca cho thấy những quyền năng sống động và mạnh mẽ về Lời của Đức Giêsu (Lc 8,4-15). Nên lưu ý rằng Lời có khả năng làm cho các môn đệ trở thành thành viên hoặc có thể loại trừ họ. Cộng đoàn sẽ nghe đi và nghe lại những dụ ngôn như ngày hôm nay, và vì thế những gì chúng ta nghe được sẽ hình thành nên con người chúng ta. Lời sẽ được ủy thác cho cộng đoàn và chính Lời làm thay đổi cộng đoàn như chúng ta nghe rằng: “Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến“.

Thần khí đóng một phần quan trọng trong cả Tin mừng và sách Công vụ  của thánh sử Luca. Vì chúng ta được trao phó Lời và thử thách để sống và công bố Lời đó cho thế gian, nên chúng ta cần đến sự hướng dẫn của Thần khí. Nếu không có sự hiện diện thường hằng của Thần khí ở giữa chúng ta, thì chúng ta sẽ biết tỉnh thức như thế nào và làm sao để không đánh mất kiên nhẫn khi chờ đợi chú rễ trở lại?

Tỉnh thức và trung thành không phải trong chính chúng ta tạo ra được, đặc biệt trong những lúc khó khăn, khi đó việc từ bỏ dường như là một quá trình chúng ta đang nhắm tới. Người ta nói rằng: “cho thì có phúc hơn nhận.” Nhưng điều đó không đúng đối với Thiên Chúa. Thiên Chúa cho còn chúng ta thì nhận, ở đây nhận có phúc hơn chứ! Niềm tin và sự tỉnh thức là những ân huệ thuần khiết từ Thiên Chúa. Vì những ân huệ này, chúng ta cần có trách nhiệm và sẵn sàng trở thành người tôi tớ khi Đức Giêsu mời gọi chúng ta. Khi nhận lãnh những ơn huệ của Thiên Chúa, chúng ta phải biết sử dụng và tin cậy vào ân huệ đó theo sự phục vụ của mình.

Bài đọc hai cho thấy  cách thức Đức Giêsu hoàn thành lời hứa mà Thiên Chúa đã thiết lập với dân Hipri năm xưa. Theo thánh Luca, lời hứa đó được hoàn thành nơi Đức Giêsu, Đấng đã ban cho chúng ta Thần khí của Người. Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta hãy sẵn sàng chào đón Người và biết mở lòng ra với Người khi Người đến. Thần khí bắt đầu tiến trình đó bằng cách tạo ta một tấm lòng cởi mở và tỉnh thức trong chúng ta.

Dụ ngôn này làm chúng ta ngạc nhiên. Thông thường chúng ta nghĩ rằng những tôi tớ chờ đợi ông chủ và bà chủ trở về, nhưng khi ông chủ này đến, gõ cửa và thắt lưng rồi mời các tôi tớ vào bàn ăn mà phục vụ cho họ. Đức Giêsu nói rằng Đấng Mêsia đến để phục vụ chúng ta chứ không phải để được phục vụ. Trong bữa tiệc Thánh thể này, Đức Giêsu dâng hiến cho chúng ta của ăn và thức uống hảo hạng, đó chính là mình và máu Người. Chúng ta có thể nghe lời mời gọi của Người hãy ngồi xuống mà ăn, không phải vì chúng ta kiếm được nơi ăn chốn ở, nhưng vì đó là ân huệ tình yêu của Người dành cho chúng ta, một tình yêu vĩnh cửu.

Trước khi chúng ta cho hoặc phục vụ ở bàn ăn, thì trước hết chúng ta phải có khả năng đón nhận và cảm kích rằng cuối cùng rồi chúng ta cũng là người đón nhận. Vì thế, lòng tri ân là lời đáp trả xứng hợp của chúng ta tại bàn tiệc của Thiên Chúa. Kế đến, chúng ta cần mở đôi mắt và hai tai để ý thức rằng ai là người cần mời đến ăn và uống, hãy tìm sự che chở và an toàn tại bàn ăn, để rồi chúng ta phải trao ban lại cho họ.

Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Vò Vấp.

 

Trả lời