CN 19 B: Đức Giêsu, bánh hằng sống cho chúng ta



Đức Giêsu – bánh hằng sống cho chúng ta

1V 19,4-8; Ep 4,30-5,2; Ga 6,41-51

Lm. Jude Siciliano, OP

Họ viện Đaminh chuyển ngữ

 

Thưa quý vị,

CN 19 B: Đức Giêsu, bánh hằng sống cho chúng taNgôn sứ Êlia đang trong tình trạng chán chường. Chẳng phải cũng có lúc quý vị cũng thốt lên như ông sao: “Lạy Chúa, thế là đủ rồi!” Ông vừa hoan hỉ vì chiến thắng các ngôn của thần Baal (chương 18) trên núi Caramel, nhưng làm như thế là chọc giận Hoàng hậu Jezebel, người đã đưa các ngôn sứ của Baal vào Israel. Bà thề sẽ giết chết ông và Êlia đã phải trốn đi. Chúng ta thấy ông kiệt sức, cả thể xác lẫn tinh thần, trước những thử thách. Ông không còn thiết sống nữa.

Cuộc tàn sát gần đây ở Aurôna, Côlôrađô và ở nhiều nơi khác chỉ là một phần của toàn cảnh – hai cuộc chiến tranh, tình hình thất nghiệp triền miên, gia đình ly tán, hạn hán,…lắm khi cũng khiến chúng ta phải kêu lên Thiên Chúa như Êlia, “Lạy Chúa, thế là đủ rồi!” Có thể hầu hết những vấn nạn riêng của chúng ta có thể không tệ hại như của những người khác nhưng lắm lúc chúng vượt quá sự kiên nhẫn và sức chịu đựng cũng như lòng tin của chúng ta. Nên chúng ta cũng sẽ cùng với Êlia mà thốt lên: “Lạy Chúa, thế là đủ rồi!” Cũng như Êlia, những lời ta thốt lên không bị Thiên Chúa bỏ ngoài tai.

Không có những giải pháp tức thời hay câu trả lời lập tức cho những vấn nạn nghiêm trọng mà con người phải đối diện, nhưng câu chuyện của ngôn sứ Êlia cho ta niềm tin tưởng vào một Thiên Chúa giàu lòng khoan dung, Đấng không thờ ơ trước những cảnh ngộ của chúng ta và, như Thiên Chúa đã làm cho Êlia, Người sẽ giúp ta đứng vững với sự hiện diện thánh thiêng, tỏ ra trong nước và bánh mà Êlia nhận được. Vị ngôn sứ được ban sức mạnh khi ông kiệt sức và nhờ thế ông có thể tiếp tục vượt qua được sa mạc thử thách. Cuộc hành trình này rồi sẽ đưa ông về đâu? Sau cùng, ông nhận ra Thiên Chúa trong cơn gió thoảng và được trở nên mạnh mẽ mà quay lại đối diện với kẻ thù.

Chúng ta có thể thấy tại sao bài đọc này được chọn đọc hôm nay; nó chuẩn bị cho chúng ta lắng nghe Tin mừng. Bánh của Êlia nhắc chúng ta rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta Thánh Thể để làm của ăn trên hành trình của chúng ta. Cũng như Êlia, hành trình của chúng ta chưa hoàn tất và hiện nay có thể là giai đoạn khó khăn và chán nản. Như bánh ban cho Êlia, Thánh Thể cũng được ban cho chúng ta, lời Thiên Chúa hứa sẽ không bỏ rơi chúng ta cho tới cuối hành hành trình và chúng ta sẽ được nhìn thấy Chúa diện đối diện.

Những người Galilê mà Đức Giêsu đang giảng cho họ, đã thấy một dấu lạ cả thể – Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều để nuôi họ. Ấn tượng mạnh mẽ đó đã khiến họ quay lại với Đức Giêsu và khiến họ tin tưởng vào Người. Dấu đó cũng đã gợi lên một ký ức đức tin và nhắc họ nhớ rằng trong một hoang mạc khác, chính Thiên Chúa đã thấy dân Israel đang chạy trốn bị đói và Ngài đã cho họ ăn, mỗi ngày trong suốt 40 năm. Dấu chỉ Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều cho thấy rằng Thiên Chúa vẫn không ngừng đồng hành với họ, quan tâm đến sự đói khát của họ và một lần nữa cho họ ăn.

Manna trong sa mạc không thể cho họ sự sống đời đời. Khi dân ăn manna trong sa mạc, chỉ đủ cho một ngày, trừ hôm trước ngày sabát (Xh 16,16-25). Không còn gì sót lại. Nhưng khi Đức Giêsu cho đám đông dân chúng ăn, họ đã ăn no mà còn dư rất nhiều. Đức Giêsu ban cho thứ bánh có thể mang lại sự sống đời đời và bánh đó ở với chúng ta và không hủy hoại chúng ta.

Những kẻ nghe Đức Giêsu đã nhảy từ việc Đức Giêsu nói về niềm tin (đoạn kết của Tin mừng Chúa nhật trước 6,35) qua vấn nạn ít liên quan đến họ hơn – đó là khẳng định của Đức Giêsu “Tôi là bánh từ trời xuống”. Thực ra, điều này sẽ trở thành một vấn nạn rất riêng tư, nhưng ngay lúc đó họ có lẽ đã không nắm được mấu chốt vấn đề. Có vẻ như rất dễ đổi đề tài khi Đức Giêsu chuyển qua vấn đề liên quan đến cuộc sống của chúng ta.

Làm sao Người có thể là “bánh từ trời xuống” khi mà họ biết rõ song thân của Người? Làm thế nào một người có thể từ trời xuống, nhất là khi chúng ta biết cha mẹ của họ là ai? Các thính giả của Đức Giêsu đã “xầm xì”, cũng giống kiểu cha ông họ ngày xưa xầm xì trong sa mạc (bài đọc I của Chúa nhật tuần trước Xh 16,2-4;12-15). Việc khám phá nguồn gốc cũng như căn tính của Đức Giêsu chẳng ích gì. Cách chúng ta biết về Người, như các ngôn sứ của họ viết, “Tất cả họ đều được Thiên Chúa dạy dỗ”. Cây gia phả chẳng đưa chúng ta đến với Đức Giêsu, nhưng chính là niềm tin vào Lời Chúa mới giúp chúng ta đến với Đức Giêsu – chính Thiên Chúa kéo chúng ta đến với Người.

Đức Giêsu nhấn mạnh việc Người là ai bằng cách dùng một câu nói mở đầu: “Quả thật, quả thật, tôi bảo cho các ông biết…” Những gì Người nói thì hết sức ý nghĩa, vì những kẻ đến với Đức Giêsu bằng niềm tin “thì sẽ có được sự sống đời đời”. Một lần nữa thánh Gioan khẳng định sự sống này ở hiện tại. Bánh mà chúng ta ăn là “bánh hằng sống” có sự sống bên trong và ban sự sống cho những ai ăn bánh ấy.

Liệu những người ăn bánh mà Đức Giêsu hóa ra nhiều có hiểu ra được dấu chỉ được ban cho họ hay không? Đức Giêsu mang sự sống trong mình và, trong dấu chỉ của bánh, Đức Giêsu tỏ cho thấy chính Người là sự sống lại và là sự sống. Nếu chúng ta được nuôi bằng lời của Người thì chúng ta có sự sống và được thông hiệp với Người và Cha của Người. Nay Đức Giêsu nói đến cách Người có thể ban sự sống cho chúng ta – Người sẽ trao ban chính mình để cho “thế gian được sống”.

Một lần nữa hãy lưu ý, khi nói đến sự sống đời đời, thánh Gioan dùng thì hiện tại, chứ không phải cách nói về tương lai. Những ai tin vào Đức Giêsu thì có sự sống đời đời. Thuật ngữ này có nhiều nghĩa trong Tin mừng, nhưng trước hết nó mang nghĩa là sự sống hiệp thông với Thiên Chúa – bắt đầu ngay từ bây giờ. Đức Giêsu là “bánh hằng sống” của chúng ta, và Người nuôi chúng ta bằng giáo huấn của Người cũng như sự trao nộp chính sự sống của Người. Những kẻ ăn manna trng sa mạc đều đã chết (“Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết”); trong khi Đức Giêsu, bánh sự sống, giải thoát chúng ta khỏi nô lệ của sự chết. Cái chết đã không kết thúc cuộc sống của Người, nó cũng không thể kết thúc cuộc đời của chúng ta trong Người.

Bài Tin mừng hôm nay nói về bánh, nhưng chỉ có ba câu cuối là nói về bánh Thánh Thể. Những câu này sẽ chuyển tiếp từ giáo huấn hôm nay về đức tin vào Đức Giêsu đến “bánh hằng sống” là thân mình của Đức Giêsu trao ban cho thế gian được sống.

Đức Giêsu không chỉ mời gọi chúng ta chấp nhận giáo lý về đức tin, nhưng trước hết là đến trong tương quan với Người. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa, trong Đức Giêsu, đã chia sẻ đời sống của chúng ta và, kết quả là, chúng ta cũng được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa. Cuộc đời của Đức Giêsu cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa không để chúng ta phải đói khát và bị lạc lõng trong sa mạc, nhưng đã đến nuôi dưỡng chúng ta, ở cùng chúng ta và gia đình nhân loại. Trong Giêsu cuộc đời chúng ta có mục đích và hy vọng. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa không để chúng ta gục ngã, dẫu cho có lúc chúng ta cũng kêu than như Êlia: “Lạy Chúa, như thế là đủ rồi!”

Tin không có nghĩa là tách rời khỏi thực tại: Êlia đã đứng lên, đi “suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm” qua sa mạc và đối diện với kẻ thù. Đức Giêsu cũng phải đối diện nhiều; chúng ta nghe biết điều đó qua đoạn cuối bài Tin mừng hôm nay, khi Người nói: “và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.

Những ai tin rằng Đức Giêsu là bánh sự sống của chúng ta và đang sống trong tương quan với Người, cũng sẽ được mời gọi và được kiện cường hầu trao ban chính mình, cuộc sống của mình, để phục vụ tha nhân như Người đã làm. Những ai “ăn bánh từ trời xuống” được mời gọi trở nên niềm hy vọng trong một thế giới đang tuyệt vọng; cảm thông trong một thế giới khổ đau; trở yêu thương trong một thế giới lạnh giá; lời chân lý trong một thế giới của sự lọc lừa. Hay nói cách khác, để sống “sự sống đời đời” mà chúng ta đã lãnh nhận.



Trả lời