Cn 17 a : Đâu là giá trị thật cho cuộc sống !

 

Cn 17 a : Đâu là giá trị thật cho cuộc sống !

 

Cn 17 a : Đâu là giá trị thật cho cuộc sống !Ở đời, con người thường hay theo đuổi tìm kiếm những gì được cho là quý báu và giá trị. Có người quan niệm rằng, của cải tiền bạc chính là những thứ có giá trị và quý nhất trên đời này. Người khác cho rằng, tiền tài không chưa đủ, còn phải có danh vọng, địa vị, tiếng tăm trong xã hội. Như thi sĩ Nguyễn Công Trứ đã nói : “Đã mang tiếng đứng trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”. Một số khác lại cho rằng, sức khỏe, học vấn, bằng cấp v.v.. là những thứ giá trị và quý báu nhất cho cuộc sống của mình.

Và khi cho rằng, một điều gì đó quý báu và có giá trị, họ sẵn sàng bỏ hết công sức, tiền bạc, thời gian để theo đuổi, tìm kiếm.

Điển hình là, những ngày gần đây, cư dân mạng “sốt” lên về một bản tin trên internet, liên quan đến một người đàn ông tự cho rằng, mình đã tìm ra kho báu của Vua Hàm Nghi. Bản tin được viết tiếp rằng, người đàn ông đó đã phải bỏ ra gần 30 năm và tiêu tốn gần 2 tỷ đồng để đào tìm nơi cất giấu kho báu đó.

Có kho báu hay không ? Thực hư chưa có câu trả lời chắc chắn ! Nhưng có một điều chắc rằng, rất có thể, người đàn ông đó phải mất thêm nhiều thời gian ! Rất có thể, cuối cùng, rồi ông ta cũng chỉ ôm được một khối thất vọng, chán chường. Để rồi lại tiếp tục tìm kiếm !

Tìm kiếm một kho báu ! Tìm kiếm cái gì là “quý báu và giá trị” cho cuộc sống ! Vâng, đó cũng là điều Đức Giêsu luôn đề cập đến trong những ngày ra đi rao giảng Tin Mừng.

Ngay những ngày đầu của sứ vụ, Đức Giêsu đã lớn tiếng công bố : “Nước Trời đã đến gần”. Và Ngài không quên kêu gọi mọi người rằng “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Trời”.

Nước Trời ư ! Đó… đó mới chính là những gì quý báu và có giá trị cho cuộc sống. Qua hai dụ ngôn rất đời thường, Đức Giêsu đã cho mọi người biết “Nước Trời” giống như một “kho báu” và như “một viên ngọc quý”.

Tất nhiên, hai dụ ngôn trên không phải để dùng như một lời “quảng cáo” về một Nước Trời. Cũng không phải là kiểu “đồn thổi” như thời năm 1849 rằng thì là mà ở California có vàng, để rồi mọi người đổ xô về đó, tìm cơ hội làm giàu cho bản thân của mình.

Với những gì đã được trình bày trong hai dụ ngôn “kho báu và ngọc quý”, Đức Giêsu muốn gửi đến mọi người một thông điệp rằng, phải khôn ngoan chọn lựa, phải biết nhận ra cái gì là giá-trị-thật-cho-cuộc-sống.

Có thể nói tắt một lời, giá trị thật cho cuộc sống không chỉ là cái ăn, cái mặc, không chỉ là tiền bạc, danh vọng v.v… nhưng còn là sự vĩnh cửu ở Nước Trời, nơi có thể “tích trữ kho báu”, nơi mà “mối mọt không làm hư nát”. Và là nơi chẳng bao giờ phải “khóc lóc nghiến răng”.

Một chút tâm tình…

Qua hai dụ ngôn kho báu và viên ngọc. Có thể nhận thấy rằng,Thiên Chúa có nhiều phương cách khác nhau, để đem Nước Trời đến với mọi người.

Có những người nhận được Nước Trời như là một sự là “tình cờ”. Giống như người được mô tả trong dụ ngôn thứ nhất, anh ta đã “tình cờ gặp được kho báu”.

Vâng, “tình cờ” tôi được sinh ra trong một gia đình Công Giáo. Tình cờ tôi được cha mẹ đem tới nhà thờ rửa tội. Khi có trí khôn, tôi được học giáo lý về đức tin, về ơn cứu rỗi. Từ sự tình cờ ban đầu, giờ đây, tôi nhận ra giá trị của kho tàng Thiên Quốc.

Có những người, để nhận được Nước Trời, họ đã phải bỏ công, bỏ sức ra đi tìm kiếm. Đó là hình ảnh những người tân tòng, sau bao ngày tháng tìm hiểu Chúa, và nay từng bước, từng bước tiến lên cung thánh, lãnh nhận những “viên ngọc Bí Tích”.

Vâng, nó có khác nào hình ảnh cái người được mô tả trong dụ ngôn viên ngọc, để tìm thấy “ngọc đẹp”, anh ta đã phải mất nhiều ngày gian truân tìm kiếm.

Tình cờ gặp Nước Trời ư ! Nổ lưc tìm kiếm Nước Trời ư ! Không sao. Bởi tông đồ Phaolô tin rằng, dù đến với Chúa bằng phương cách nào, thì : “Mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28).

Chính khi “yêu mến Người”, mới có thể dẫn đến việc yêu mến Nước Trời. Khi đã “yêu mến Nước Trời”, tất nhiên sẽ nhận ra “Giá Trị Nước Trời”.

Vâng, dù là do tình cờ hay nỗ lực tìm kiếm, giá trị Nước Trời vẫn không thay đổi. Có thay đổi chăng là thay đổi cái “kho tàng cũ” để lấy “kho tàng mới” một kho tàng vĩnh cửu, đó chính là Nước Trời.

Một phút suy tư…

Chúng ta đã là một Kitô hữu !? Nếu chúng ta đã là một Kitô hữu thực sự. Vâng, hãy tin rằng, Thiên Chúa sẽ ban tặng kho tàng Nước Trời cho chúng ta.

Đừng bận tâm rằng, Chúa đã ban cho chúng ta kho tàng Nước Trời bằng cách nào ! Nhưng hãy tự hỏi lòng mình rằng, chúng ta đã đón nhận kho tàng đó như thế nào !

Phải chăng chúng ta đã đón nhận kho tàng Nước Trời bằng một sự ngờ vực về giá trị của nó ! Và phải chăng, chính vì thế mà chúng ta đặt kho tàng Nước Trời lên bàn cân để “cân” giá trị của nó có hơn giá trị của những kho tàng trần thế !?

Phải chăng những kho tàng trần thế đầy màu sắc quyến rũ của danh vọng, của địa vị và quyền lực, của đam mê và dục vọng, của cơm, áo, gạo, tiền v.v… nặng ký hơn, giá trị hơn kho tàng Nước Trời !?

Đón nhận kho tàng Nước Trời, phải chăng có vẻ như thiệt thòi hơn đón nhận kho tàng trần thế ! Phải chăng giá trị của “thật thà thường thua thiệt” nhẹ ký hơn cái giá trị của “lươn lẹo lại lên lương” !?

Phải chăng giá trị của “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” nhẹ ký hơn cái giá trị của “phóng đãng, dâm bôn, hận thù, bất hòa,, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái” !?

Đón nhận kho tàng Nước Trời có quá “lỗ” không ! Vâng, hãy nghe Đức Giêsu nói : “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào ích gì?” (Mt 13, 26)

Đúng vậy. Chúng ta có một linh hồn. Chúng ta còn là những con người của tâm linh. Chúng ta còn có một cuộc sống tâm linh. Những gì là nhà cửa, xe cộ, công ăn việc làm, những gì liên quan đến vật chất. Vâng, tất cả chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh cho cuộc sống. Giá trị tâm linh mới chính là cứu cánh cho cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta đến nhà thờ. Chúng ta tin nhận Đức Giêsu là Cứu Chúa đời ta. Chúng ta đón nhận và thực thi lời Ngài dạy. Vâng, đó chính là giá trị tâm linh của chúng ta. Một cái “giá” mà chúng ta có thể trả để mua “kho tàng Nước Trời”.

Đón nhận kho tàng Nước Trời có vẻ như bị “thiệt thòi” đôi chút. Nhưng đừng nản lòng, bởi vì sự thiệt thòi đó, như lời thánh Phaolô đã nói, làm sao có thể “so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3,8).

Petrus.tran

 

Trả lời