Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?

 

Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?

 

Còn anh em,  anh em bảo Thầy là ai?Ngôn ngữ Việt Nam có nhiều câu thành ngữ rất hay. Trong ngôn ngữ ngoại quốc cũng vậy và người ta gọi đó là “proverb”. Có một proverb tiếng Anh viết rằng: “Bad news travels fast”. Dịch thoáng qua ngôn ngữ Việt Nam, chúng ta có thể hiểu rằng: “tiếng lành đồn xa – tiếng xấu còn đồn xa hơn”. Có thể nói, câu thành ngữ này hoàn toàn đúng ở tất cả mọi quốc gia, mọi chủng tộc trên thế giới.

Khi nói tới “tiếng đồn” thì, những người nổi tiếng thường là đích ngắm cho những lời đồn đãi, khi có dịp tiện. Đương kim Giáo Hoàng Phan-xi-cô là một ví dụ điển hình. Thì đây, khi còn là Tổng Giám Mục của tổng giáo phận Buenos Aires, mấy ai biết rằng, vào ngày lễ thứ năm tuần thánh, trong nghi thức rửa chân, ngài đã rửa và hôn lên chân các bệnh nhân ở nơi tạm trú Hogar de Cristo. Thế nhưng, sau khi đã trở thành Giáo Hoàng Phanxicô đương nhiệm, thì, ôi thôi! tiếng đồn về việc ngài rửa và hôn chân trong ngày lễ tiệc ly tràn lan trên báo chí, trên web, trên blog, trên hè phố, nơi chợ búa, trong quán cà phê, nói tắt một lời, trên khắp toàn cầu. Cũng may, đây là tiếng đồn lành…

**

Đức Giêsu, khi còn tại thế, ngài cũng là đích ngắm cho những lời đồn đại của người đương thời. Thật vậy, trở về hơn hai ngàn năm xa trước đó, Kinh Thánh có ghi lại rằng: Sau ba mươi năm sống ẩn dật tại quê làng Na-da-rét, Đức Giê-su bắt đầu ra đi loan báo Tin Mừng. Sự xuất hiện của Đức Giêsu trước công chúng lập tức trở thành một sự kiện. Và sự kiện này đã được “đồn ra khắp xứ Xy-ri” (Mt 4, 24)

Công chúng đã đồn đãi gì về Đức Giê-su? Thưa, người ta đồn rằng “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền… Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền”.

Uy quyền đó không chỉ dừng nơi lời giảng dạy mà còn được Đức Giêsu thể hiện qua những phép lạ Ngài làm.

Đúng vậy, bất cứ ai ốm đau, bệnh hoạn tật nguyền, kể cả bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt v.v… đem đến Đức Giêsu, họ đều được Ngài chữa khỏi. Không ai có thể quên chuyện xảy ra ở “địa hạt Tia”. Hôm đó, Đức Giêsu đã chữa lành con gái một bà gốc Phê-ni-xi xứ Xyri khỏi bị quỷ ám” (Mc 7, 24). Rồi một anh “vừa điếc vừa ngọng… ở miền Thập tỉnh”. Thêm một “anh mù ở Bêt-sai-đa” (Mc 8, 22).

Và đúng như lời người xưa nói: tiếng lành đồn xa. Sau những phép lạ tỏ tường, một làn sóng những lời đồn đãi về một ông Giê-su bùng lên và lan tỏa. Từ Caphacnaum cho tới vùng Thập Tỉnh, từ Giêrusalem cho tới miền Giuđê và vùng bên kia sông Giodan, nói tắt một lời, là khắp Palestina, đâu đâu cũng nghe tiếng đồn về Đức Giê-su.

Những lời đồn đãi đó đã được Đức Giêsu chú ý đến. Chính vì thế trong một dịp  Thầy và trò “đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Philipphe”, Đức Giêsu đã có một thăm dò dư luận qua việc hỏi han các người môn đệ của Ngài. Hôm đó Ngài đã hỏi các môn đệ  rằng “Người ta nói Con Người là ai?” (Mt 16, …13).

“Con Người” là ai ư! Có lẽ, trong ba năm theo Thầy Giê-su, chưa có lúc nào bầu không khí trong nhóm các môn đệ lại sôi động như lúc này. Để trả lời cho câu hỏi Đức Giê-su đưa ra, một bản tường trình tổng hợp đã được các môn đệ liệt kê. Các ông tường trình rằng, “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”. (Mt 16, 14).

Khi những lời tường trình của các môn đệ chấm dứt, thay cho việc xác định hay phủ định, Đức Giê-su hướng mắt nhìn các ông, và Ngài gửi đến các ông một câu hỏi, một câu hỏi như để thẩm định lại nhận thức của chính các ông, nhận thức về Ngài sau những ngày tháng các ông đã tin và đã đi theo Ngài.  Câu hỏi rằng: “Còn anh em,  anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16, 15)

Thầy là ai ư! Vâng, khi câu hỏi được Đức Giê-su đặt ra, mười hai vị môn đệ đưa mắt nhìn nhau trong thinh lặng. Chỉ duy nhất một người môn đệ tên là Si-mon Phêrô, một Si-mon Phêrô như là đại diện cho nhóm mười hai, đã trả lời với Đức Giêsu rằng, “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. 

***

“Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Thật ra, không phải chỉ ông Si-mon Phêrô mới có lời tuyên xưng này. Tại Giêrusalem, dân chúng Israel cũng đã có những tranh luận về “Con Người” của Đức Giêsu. Có người coi Ngài như một vị ngôn sứ không hơn không kém. Nhưng cũng có người nói Ngài chính “là Đấng Kitô” (Ga 7, 41).

Tuy nhiên, giữa lời tuyên xưng của ông Si-mon Phê-rô và lời nhận định của một số người Do Thái tại Giê-su-sa-lem hoàn toàn khác. Với người Do Thái tại Giê-su-sa-lem, họ tuyên bố trong sự “nghi ngờ”. Thật vậy, chính một số người trong nhóm của họ đã tuyên bố; “Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao?” (Ga 7, 41).

Còn với ông Phê-rô, đó là một lời tuyên xưng, một lời tuyên xưng với tất cả niềm tin, tin thật vào “Con Người thật” của Đức Giê-su, một “Con Người” mà ông và những người bạn của ông đã dám “bỏ hết mọi sự và đi theo Ngài”.

Tại sao chúng ta có thể nhận định về ngài Phê-rô như thế? Thưa, đó là dựa vào lời nhận định của chính Đức Giê-su.

Đúng vậy, lời tuyên xưng của ông Phê-rô không phải là một thứ “thông tin”, không phải là dựa vào một lời “đồn đãi”, như những thông tin, những lời đồn đãi đời thường, trước một người nổi tiếng. Trái lại, lời tuyên xưng của ông đã được Đức Giêsu nhìn nhận là một lời tuyên xưng không phát xuất do “phàm nhân mặc khải” nhưng là do Cha của Ngài “Đấng ngự trên trời” đã mặc khải.

Vào một lần khác, chỉ vì “nuốt không trôi” mặc khải về bánh-hằng-sống, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Đức Giêsu. Si-mon Phêrô, lại là Phêrô, đã thay mặt nhóm mười hai, tuyên xưng niềm tin của mình trước Thầy Giêsu, rằng: “Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”(Ga 6, 69).

“Chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa – Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”… Vâng, Simon đã hai lần xác tín, hai lần tuyên xưng, chính vì thế, hôm đó, Đức Giêsu không ngần ngại gọi ông là Phê-rô, “là Tảng Đá”, một thứ “Tảng Đá” mà Ngài sẽ dùng để “xây Hội Thánh” của Ngài.

****

Bạn có tham gia “facebook” không? Nếu có, hãy tưởng tượng, Đức Giê-su có mở một trang facebook và trên timeline Ngài post dòng chữ “Còn anh em,  anh em bảo Thầy là ai?” cộng với lời kêu gọi các blogger Công Giáo trả lời. Bạn sẽ trả lời chứ!?

Vâng, bước vào thế kỷ 21, một thế kỷ với phương tiện truyền thông hiện đại như hôm nay. Chúng ta đã được nghe cả trăm, cả ngàn, cả triệu câu trả lời.

Nhưng thật là đáng tiếc, hằng trăm, hằng triệu câu trả lời đó, đã trả lời một cách méo mó, một cách vu vơ, một cách sai lạc, thậm chí một cách hỗn xược về Chúa Giêsu.

Không thiếu những bài viết hết sức văn vẻ “bảo rằng” Đức Giêsu chỉ là một nhân vật tưởng tượng của tôn giáo. Không thiếu những tên tự nhận mình là “đỉnh cao trí tuệ” phóng bút mô tả tôn giáo, nhất là Công Giáo, chỉ là “thứ thuốc phiện ru ngủ dân chúng” v.v… và v.v…

Chính vì thế, là một người môn đệ của Đức Ki-tô, chúng ta phải có trách nhiệm trả lời, không chỉ trả lời cho Thầy Chí Thánh Giê-su mà còn cho tất cả bàn dân thiên hạ.

Trả lời như thế nào ư!? Phải chăng là copy “nguyên con” câu của tông đồ Phê-rô xưa đã trả lời Đức Giê-su, rằng “Thầy là Đấng Kitô. Con Thiên Chúa hằng sống” rồi “paste” lên phần comment của chúng ta? Vâng, nếu đó là câu trả lời của chúng ta! Xin thưa, tông đồ Gia-cô-bê nói: “cả ma quỷ cũng tin như thế…” (Gc 2, …19)

Tạ ơn Chúa. Linh mục Jude Siciliano, OP, đứng trước nan đề nêu trên, ngài có lời khuyên rằng: “Vào những giai đoạn khác nhau trong đời, chúng ta cũng bị chất vấn những câu như thế và chúng ta phải trả lời chứ không chỉ dừng lại công thức tuyên xưng đức tin hay câu trả lời mà chúng ta học được từ các lớp giáo lý khi còn là trẻ con, nhưng phải là câu trả lời từ một đức tin trưởng thành được nuôi dưỡng bởi các bí tích, bài đọc, các cơ hội học hỏi trong giáo xứ, qua cầu nguyện, suy tư Lời Chúa – cũng như những gì chúng ta học được từ nỗ lực nhằm trả lời cho những thiếu thốn của con người và thế giới quanh ta”.

Đúng vậy, nếu câu trả lời của chúng ta chỉ là những câu tuyên xưng ngoài môi miệng thì, chẳng khác nào, như lời tông đồ Giacôbê nói “mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì” (Gc 2, 14)

Là một Ki-tô hữu, đương nhiên, chúng ta “có đức tin” vào Đức Giê-su Ki-tô. Có đức tin mà không hành động theo đức tin là bởi chúng ta chưa “Mặc lấy Đức Ki-tô”.

Thế nào là mặc-lấy-Đức-Ki-tô? Thưa, dĩ nhiên không phải là chúng ta sẽ theo lối ăn mặc xưa của Ngài nhưng là mặc lấy cung cách sống của Ngài. Nói rõ hơn, mặc lấy Đức Ki-tô, đó là mặc lấy cung cách yêu thương của Ngài, đó là mặc lấy cung cách nhân từ của Ngài, đó là mặc lấy cung cách tha thứ của Ngài.

Cung cách yêu thương của Đức Giê-su, đó là: “Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”… đó là “Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em”.

Cung cách nhân từ của Ngài, đó là “Đừng xét đoán… đừng lên án… “. Cung cách tha thứ của Ngài, đó là, phải tha đến “bảy mươi lần bảy” (x. Mt 18, …22).

Đừng quên, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng: “Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu: Người đại lượng và chan chứa tình thương, Người không nỡ với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lỗi của ta.” (x.Tv 102,  8-10).

Thế nên, để trả lời cho câu hỏi của Thầy Chí Thánh Giê-su cũng như cho bàn dân thiên hạ biết “Ngài là ai?” không gì tốt hơn là  chúng ta phải sống đúng cung cách yêu thương của Ngài, sống đúng cung cách nhân từ của Ngài, sống đúng cung cách tha thứ của Ngài.

Đây không phải là chuyện dễ thực hiện. Thế nhưng, với kinh nghiệm từng trải trên con đường loan báo cho bàn dân thiên hạ biết Đức Giê-su là ai, thánh Phao-lô chia sẻ rằng: “Có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (2 Tm 4, 17).”

Thưa Bạn… Bạn có thấy sống đúng cung cách sống của Đức Giê-su là điều khó thực hiện? Nếu chúng ta cảm thấy khó? Vậy, chúng ta hãy theo kinh nghiệm của thánh Phao-lô, cùng nhau nguyện rằng: Lạy Chúa Giê-su. Xin Ngài đứng bên cạnh chúng con, ban sức mạnh cho chúng con, để nhờ đó mà việc rao giảng của chúng con được hoàn thành và tất cả các dân ngoại được biết “Thầy là ai”.

Petrus.tran

Trả lời