Cn 06 B : Mang Chúa đến cho mọi người


Mang Chúa đến cho mọi người
Máccô 1: 40-45

Lm Jude Siciliano, OP
Chuyển ngữ:: Anh em HV Đaminh Gò-Vấp.

Cn 06 B : Mang Chúa đến cho mọi ngườiVào Thánh lễ cuối tuần ở tất cả những nơi mà tôi đến giảng, sau phần hiệp lễ, các thừa tác viên đưa Mình Thánh cho bệnh nhân tại nhà, tại bệnh viện hay nhà tù được mời tiến lên. Họ được trao cho một hộp đựng một hay nhiều Bánh Thánh. Một số người mang Thánh Thể cho người nghèo là người thân trong nhà hoặc bạn hữu, một số khác cần nhiều Mình Thánh hơn vì họ sẽ đi thăm những nhà hưu dưỡng hay những nhà tù trong khu vực.

Khi kết lễ, trước khi họ lên đường, những người tốt bụng này được chúc lành trước cộng đoàn. Thường thì vị linh mục ban phép lành sẽ nói vài lời với họ – những lời mà cộng đoàn có thể “nghe được”.

Gần  đầy, một linh mục đã nói với bốn thừa tác viên mà ngài vừa trao hộp đựng Thánh Thể cho, “Chúng tôi biết ơn các vị vì những gì  các vị đã làm thay chúng tôi. Một người bị ốm hay không có khả năng đến với chúng ta có thể khiến họ cảm thấy mình bị cách ly khỏi thế giới bên ngoài và tách biệt với cộng đoàn giáo xứ. Trong sự cô đơn của mình, họ có thể cảm thấy không chỉ bị cộng đoàn lãng quên mà thậm chí cả Chúa cũng quên họ. Các thừa tác viên như các vị nhắc cho họ biết chúng ta không quên họ và vẫn nhớ họ. Các vị mang sự hiện diện của Chúa Giêsu đến với họ không chỉ trong Thánh Thể, nhưng còn trong chính sự hiện diện của mình. Hãy nói với anh chị em của chúng ta rằng hôm nay chúng ta đã cầu nguyện cho họ và sẽ còn tiếp tục cầu nguyện cho họ nữa. Cũng vậy, hãy chia sẻ với họ Lời Chúa mà quý vị đã nghe khi chúng ta cử hành phụng vụ”. Rồi linh mục này chúc lành cho các thừa tác viên và sai họ đi nhân danh cộng đoàn giáo xứ.

Ngược với những gì tôi vừa mô tả, bài đọc trích sách Lêvi hôm nay có vẻ khó nghe, một cách thực hành khốc liệt thời sơ khai. Đó là phương cách áp dụng cho người phong cùi, nhưng đó là vì họ thiếu hiểu biết y khoa, tất cả những bệnh ngoài da đều cho là phong hủi. Người sơ khai sợ phải tiếp xúc với những người mang bệnh phong vì họ không có thuốc chữa trị. Vì thế, như luật Lêvi quy định, những người mắc bệnh phong phải “ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại”.

Dân Israel tin rằng họ đang sống trong tương quan với Thiên Chúa thánh thiêng của họ. Trong mối tương quan đó họ  cũng muốn chính họ được nên thánh. Đối với họ, thánh có nghĩa là không bị ô uế – cả tinh thần lẫn thể xác. Vì thế, họ loại trừ tất cả những ai mà họ cho là không thanh sạch ra khỏi cộng đoàn của mình. Một kiểu loại trừ như thế gây nên những ảnh hưởng nghiệt ngã trong thời xưa. Bị trục xuất ra khỏi cộng đồng thì cũng như là mang án tử.

Bị  loại trừ cũng có nghĩa là những người mắc bệnh phong hủi không được cử hành thờ phượng cùng với cộng đồng. Vì thế, họ không chỉ  bị xem là ô uế về thể xác mà  còn bị xem là ô uế cả tâm hồn. Họ chỉ như những xác chết biết đi. Họ cảm thấy bị xa cách con người và có thể cả Thiên Chúa.

Đó cũng là cách mà những người ốm đau hay bệnh tật cảm thấy. Tôi thấy hân hoan vì phụng vụ giáo xứ mà nơi đó tôi chứng kiến việc chúc lành và sai các thừa tác viên Thánh Thể ra đi. Một đàng họ mang Chúa Giêsu đến với bệnh nhân trong bí tích và đàng khác họ mang Chúa Giêsu đến trong chính bí tích của riêng họ, Chúa Giêsu hiện diện. Nhưng, nếu quý vị hỏi bất kỳ một nào trong số họ về những cảm nghiệm, thì câu trả lời sẽ là họ gặp Đức Giêsu ngay trong những người họ thăm viếng – Người được tìm thấy nơi Người hằng muốn hiện diện: giữa người nghèo, ốm đau, bị cầm tù, và bị xua đuổi. Chúng ta biết họ đúng vì giống như câu chuyện Tin mừng mà chúng ta được nghe hôm nay.

Thay vì giật lùi để tránh xa người phong hủi  đang tiến về phía mình, Đức Giêsu đã chạnh lòng thương anh và Người đã chạm đến anh. Người nối lại khoảng cách giữa sạch và không sạch, những người trong cộng đoàn “được kính trọng” và những người ở ngoài cộng đoàn “không được nể vì”. Khi Người làm thế, Người thực thi với quyền năng của Thiên Chúa. Đâu là Thiên Chúa mà Đức Giêsu mạc khải? Đó chính là Thiên Chúa của những người bị loại trừ và nghèo khó; Thiên Chúa, Đấng đến với những người đau ốm đau và bị loại trừ để họ được bình an vô sự mà trở về với gia đình và cộng đoàn.

Trong ánh sáng của Tin mừng hôm nay chúng ta có thể tự  hỏi: chúng ta cư xử thế nào đối với những người bệnh? Chúng ta có kính trọng những người bên lề xã hội? Chúng ta cho ai là “bình thường” và ai là “bất thường”? Liệu chúng ta có đối xử với công bằng với họ hay không? Tôi nghe những tranh luận chính trị gần đây dường như chế nhạo một vài nhóm sắc tộc cũng nhữ những người nghèo (đôi khi có vẻ như không tế nhị cho lắm). Họ cho rằng, đó là những người “lười biếng”, “ăn bám”, “gian lận an sinh xã hội”… Chúng ta có thể tìm ra thuốc trị bệnh phong thể lý, nhưng bệnh phong cùi xã hội và tinh thần vẫn còn đây đó. Và “bệnh phong” hiện đại không ít hơn những người bị xua đuổi mà chúng ta đọc thấy trong Sách Thánh.

Maccô  cho ta hay rằng Đức Giêsu “chạnh lòng thương” người bệnh phong. Từ gốc Hylạp mô tả một cảm xúc sâu sắc hơn. Động từ “splanchnizomai” có  nghĩa là “tận đáy lòng”. Hay nói cách khác, Đức Giêsu phản ứng một cách sâu sắc tự thấy cảm thương và chữa anh ta khỏi bệnh. Một bản dịch khác thì nói Đức Giêsu “cảm thấy bực bội”. Đức Giêsu bày tỏ lòng cảm thương với những ai đang chịu đau khổ và về những gì gây ra đau khổ ấy. Câu chuyện mời gọi chúng ta đừng đứng đàng xa hay tách biệt khỏi những người thiếu thốn – nhưng thúc bách chúng ta phải “bực bội” với những gì gây cho con người phải đau khổ và rồi chúng ta hành xử như Đức Giêsu đã làm, “bước ra” và giúp xoa dịu nỗi khổ đau.

Một  đề tài lập đi lập lại trong Tin mừng Maccô là  “Bí mật của Đấng Thiên Sai”. Hôm nay chúng ta bắt gặp đề tài này khi Đức Giêsu nói với người thanh niên được chữa lành, “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Còn gì có thể rõ hơn? Nhưng người thanh niên không nói về điều đã xảy ra cho anh. Dù anh không nói, thì sự chứng thực bằng phép lạ của Người có lẽ cũng được loan báo bằng chính tình trạng được chữa lành của anh.

Thiên Chúa đạ chạm đến chúng ta qua Bí tích Rửa tội. Chúng ta đã được và sẽ còn tiếp tục  được tẩy sạch bệnh phong cùi của tinh thần chúng ta là tội lỗi. Tội lỗi tách lìa chúng ta khỏi cộng đoàn và dồn chúng ta vào xó tường. Nhưng đã bao lần trên hành trình đời mình chúng ta đã tiến về phía Đức Giêsu, xin được làm cho sạch và đón nhận ơn tha thứ – để rồi được canh tân và quay trở về với cộng đoàn?

Không giống như người phong hủi được chữa lành kia, chúng ta được mời gọi loan báo điều đã xảy ra cho chúng ta qua sự gặp gỡ với Đức Giêsu trong Bí tích Rửa tội. Giống như các thừa tác viên trong cộng đoàn giáo xứ, chúng ta cũng ra đi đến với những người ốm đau, thiếu thốn và nhắc họ nhớ rằng cộng đoàn không quên họ. Chúng ta cũng có thể thăm những tù nhân, hay những người bệnh đang hấp hối – là những “người phong hủi” trong mắt nhiều người và bị tách ra khỏi cộng đoàn. Chúng ta có thể là những tình nguyện viên trong cộng đòan hay trong giáo xứ để cho số người nghèo đói ngày càng gia tăng được có cái ăn và giúp người bơ vơ tìm được chỗ ở. Hãy nghĩ đến những người bị xem là “phong hủi” cách nào đó trong cộng đoàn của chúng ta để rồi làm như Đức Giêsu đã làm, “đến với họ”.

Hai tuần nữa chúng ta sẽ bắt đầu bước vào Mùa Chay. Chúng ta có thể chọn từ bỏ bánh kẹo, thuốc lá hay bia rượu,… Nhưng chúng ta sẽ làm gì với khoản tiền tiết kiệm đó? “Hãy ra đi” đến với những người phong hủi gần nhất để giúp họ. 


Trả lời