Cn 05 B : Đức Giêsu đến là để phục vụ.

 

Đức Giêsu :  Đấng đến là để phục vụ


Cn 05 B : Đức Giêsu đến là để phục vụ.Chỉ còn vài tháng, khoảng đầu tháng 11.2012, Hoa Kỳ sẽ tiến hành cuộc bầu cử để chọn vị tổng thống thứ 45. Trong những ngày qua, hai chính đảng Công Hòa và Dân Chủ đang ráo riết chọn xem ai sẽ là ứng viên sáng giá nhất cho đảng của mình.

Riêng về các ứng viên, một làn sóng những cuộc tranh luận, những thách thức và nhất là những lời tuyên bố nặng ký để đánh bóng tên tuổi các ứng viên đã được loan truyền trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng. Ai cũng muốn gây ấn tượng qua những lời tuyên bố đó, hầu để thu hút cử tri bỏ phiếu cho mình.

…….

Hơn hai mươi thế kỷ trước. Sau ba mươi năm sống ẩn dật tại làng quê Nazareth , Đức Giêsu bắt đầu thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Trong ba năm rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu cũng đã có nhiều lời tuyên bố trước nhiều cử tọa khắp miền Palestina.  

Thế nhưng, những lời tuyên bố của Đức Giêsu không phải để đánh bóng tên tuổi của Ngài, hay để lấy phiếu của cử tri. Những lời tuyên bố của Đức Giêsu không ngoài mục đích kêu gọi mọi người hãy tin vào Thiên Chúa. Một Thiên Chúa “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

Có những lời tuyên bố mang tính cách cáo trách con người, như “hãy ăn năn và sám hối” hoặc “khốn cho các người… khốn cho các ngươi…”.  Nhưng cũng có những lời tuyên bố thấm đậm tình yêu thương. “Ta đến là để chiên được sống và được sống sung mãn”. Hoặc “Ta đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ”. 

Đức Giêsu đến là để phục vụ. Đúng vậy. Có thể nói, ba năm thi hành sứ vụ là ba năm Đức Giêsu phục vụ không ngơi nghỉ. Đến bất cứ nơi đâu, Đức Giêsu không chỉ dùng lời nói giảng dạy, không chỉ đưa ra những lời tuyên bố. Ngài còn hành động qua việc phục vụ con người.

Ngài đã phục vụ con người qua việc hóa bánh cho họ ăn. Ngài đã phục vụ con người qua việc chữa lành bệnh tật. Và  ngay cả những căn bệnh thầy thuốc không chữa trị được như là bị quỷ ám, Ngài cũng đã trừ khử một cách hết sức kỳ diệu.

Capharnaum. Vâng, có thể nói, đây là thành phố được hưởng nhiều sự ưu ái qua việc phục vụ của  Đức Giêsu. Nơi đây, Đức Giêsu đã có những bài giảng khiến nhiều người sửng sốt về lời giảng dạy của Ngài. Nơi đây, Đức Giêsu đã phục vụ con người không mệt mỏi. Ngài đã phục vụ con người từ buổi sáng khi hội đường bắt đầu nhóm họp cho đến chiều “khi mặt trời đã lặn” (Mc 1, 32).

Thật vậy, sự việc đó đã được chép lại như sau : Hôm đó, tại Capharnaum, sau khi đã chữa trị cho một người bị quỷ ám trong hội đường. Đức Giêsu cùng hai môn đệ tên là Gioan và Giacôbê “đi đến nhà hai ông Simôn và Anrê”. (Mc 1, 29).

Simôn và Anrê cũng là môn đệ của Đức Giêsu. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi Thầy Giêsu, sau một buổi thuyết giảng ở hội đường, nay trở về nhà của trò để nghỉ ngơi.

Than ôi! Cứ tưởng rằng Thầy và trò sẽ có vài giây phút thư giãn và nghỉ ngơi. Không ngờ, khi Đức Giêsu vào nhà, trước mặt Ngài là hình ảnh “bà mẹ vợ ông Simôn đang lên cơn sốt nằm trên giường”.

Thấy Đức Giêsu, thân nhân của ông Simôn không bỏ lỡ cơ hội, họ “nói cho Người biết tình trạng của bà”.

Trong thời chiến, người ta thường nói “hậu phương yểm trợ tiền tuyến”. Ôi! Nay “hậu phương”  đang bị “giặc sốt pháo kích” thì làm sao chàng chiến binh Simôn yêm tâm chiến đấu nơi tiền tuyến!

Trước nan đề đó, Đức Giêsu không thể không hành động.   

Câu chuyện được kể tiếp rằng “Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay…”. (Mc 1, 31). Chỉ một động tác đơn giản của Đức Giêsu, người ta thấy “bà mẹ vợ ông Simon” đi lại như chưa hề bị cơn sốt hành hạ. Bà ta lại còn lăng xăng lui tới “phục vụ các ngài”.

Đúng là tiếng đồn về một ông Giêsu đầy quyền năng quả đã không sai.

Buổi sáng, ông Giêsu trừ quỷ và chữa bệnh. Buồi chiều, cũng vậy. “Khi mặt trời đã lăn”. Người ta đã đem “mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người”. (Mc 1, 32)

Mặt trời đã lặn rồi ư!  Đức Giêsu vẫn tiếp tục chữa bệnh và trừ quỷ. Quỷ biết rõ Đức Giêsu là ai. Nhưng Đức Giêsu đã “không cho quỷ nói”. 

Vâng, Ngài không cho quỷ nói. Nhưng chúng ta vẫn có thể nói rằng : Đức Giêsu – Đấng đến là để phục vụ.

Một chút tâm tình…

Vâng, rất đúng khi gọi Đức Giêsu bằng danh hiệu “Đấng đến là để phục vụ”. Hay có thể nói, Ngài chính là con người của phục vụ.

Sự phục vụ của Ngài vượt ra khỏi không gian lẫn thời gian. Vượt lên cả những tục lệ cổ hủ. Và đặc biệt hơn cả, sự phục vụ của Ngài  “bất vụ lợi”.

Hãy nhìn xem. Sau khi đã cứu chữa bà mẹ vợ của ông Simôn và những kẻ ốm đau khác cũng như  trừ quỷ cho nhiều người. Đức Giêsu ra mệnh lệnh cho các môn đệ “hãy đi nơi khác , đến các làng xã chung quanh”. Vâng, cũng là để “rao giảng và trừ quỷ”.

Sẽ có người thắc mắc rằng, vẫn còn một số người “đang tìm Thầy đấy” sao Thầy không ở lại xem họ cần gì để mà “phục vụ” họ!

Thưa rằng, với tinh thần phục vụ bất vụ lợi,  Đức Giêsu không muốn tiếp họ, bởi rất có thể, biết đâu họ đến gặp Ngài, không phải để xin cứu chữa, mà là để “tạ lễ” Ngài bằng những bữa “yến tiệc” linh đình, điều mà hôm nay, nhiều phái đoàn từ thiện đã được tiếp đón như vậy và họ luôn rất muốn được như vậy. (Đúng không!)

Vâng, nếu ở lại để đón nhận sự đáp lễ, như thế thì sự phục vụ của Đức Giêsu còn đâu ý nghĩa “đến là để phục vụ”!

Chính vì mang tinh thần “đến là để phục vụ” và phục vụ “bất vụ lợi”. Đức Giêsu bất chấp những tục lệ cổ hủ. Ngài vẫn chữa bệnh cho bà mẹ vợ ông Simôn. Vì đây là một tình huống khó xử đối với Đức Giêsu. Khó xử bởi trong thời Đức Giêsu, việc đụng chạm đến người phụ nữ đang lên cơn sốt, vào ngày sabát, là điều không nên làm.

Thế nhưng, Đức Giêsu đã không để cho những “tục lệ” đó ảnh hưởng đến sứ mạng “cứu người” của Ngài.

Sau này, người ta đã thấy Đức Giêsu không ngừng lên án những tục lệ quái đản do con người đặt ra. Tục lệ “rửa tay trước khi ăn” chẳng hạn. Ngài đã phản ứng trước tục lệ đó bằng một lời nói hết sức thuyết phục “Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ô uế… Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế” (Mc 7, 20).

Tinh thần phục vụ bất-vụ-lợi của Đức Giêsu, sau này, đã ảnh hưởng sâu đậm lên thánh Phaolô. Để rồi thánh nhân đã cảm nhận rằng  “đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm”.

Thánh Phaolô còn nhấn mạnh rằng, phải “tự ý làm việc đó”. Bởi theo Ngài, nếu không làm, thì thật là “Khốn thân tôi!” (1Cor 9, …16).

Một phút suy tư…        

Giữa một xã hội vẫn còn đó biết bao người “đang lên cơn sốt”

SỐT bởi sự đau đớn thuộc thể xác, bởi những căn bệnh hiểm nghèo, bởi sự nghèo túng, bởi sự thất nghiệp, bởi kiếp không cửa không nhà…

SỐT bởi những ray rứt hận thù, bởi những tranh chấp, bởi những bất công…

SỐT bởi những nghi nan và thất vọng. Những nghi nan “Có Chúa không!”. Những thất vọng “Chúa đâu rồi!” v.v…

Ai… Ai sẽ là người đến với họ, an ủi họ, giúp đỡ họ?

Phải chăng là chính chúng ta?

Đúng vậy. Chính chúng ta…

Chúng ta phải là cánh tay nối dài của Chúa Giêsu. Như xưa kia Chúa đã làm cho bà mẹ vợ của ông Simôn thế nào, hôm nay chúng ta cũng phải làm như thế.  

Chúng ta phải “lại gần họ, cầm lấy tay họ mà đỡ dậy”.

Một cách cụ thể. Chúng ta phải trở thành tác nhân để Chúa dùng làm “khí cụ bình an của Chúa”. Chúng ta phải sẵn sàng để Chúa sai đi “tìm an ủi người hơn được người ủi an”. Chúng ta phải sẵn sàng  để Chúa sai đi “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”. Chúng ta phải ra đi “đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng” (*).

Thánh Phaolô nói, đó chính là “nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó”.

Nếu chúng ta thực hiện, dù chỉ thực hiện một phần nhỏ trong những phần Chúa giao phó, như thế “mới đáng Thiên Chúa thưởng công”.

Còn nếu chúng ta không thực hiện !

Vâng. Thật “khốn-thân-tôi !”. Vào ngày sau hết, ngày Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, “đâu là phần thưởng của tôi” trên Nước Trời ? (1Cor 9, 18)  

Petrus.tran

………

(*) Kinh hòa bình : Lm Kim Long.

Trả lời