Cn 01 mùa vọng B : Phải canh thức.

 

Cn I Mùa Vọng B : Phải canh thức

 

Cn 01 mùa vọng B : Phải canh thức.Theo truyền thống, lịch Phụng Vụ của một năm được khép lại bằng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua. Và năm Phụng Vụ mới luôn bắt đầu bằng Mùa Vọng.

Chúa Nhật hôm nay 27.11.2011. Giáo Hội Công Giáo bước vào Mùa Vọng.

Mùa Vọng dịch từ tiếng La tinh “Adventus”, có nghĩa là “đến”. Vọng là trông chờ, là mong đợi điều sắp đến. Vâng, mùa vọng là mùa trông chờ và mong đợi “Chúa đến”.

Hơn hai ngàn năm trước đó. Con người đã trông chờ và mong đợi để được nhìn thấy một “vì sao xuất hiện bên phương Đông” bởi vì đó là dấu chỉ báo tin có một “Đức Vua dân Do Thái mới sinh”(Mt 2,2). Vị Vua đó được đặt tên là Giêsu. Ngài chính là “Emmanuel , nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”(Mt 1,23).

Và điều đó đã trở thành hiện thực. Tại Belem miền Giu-đê, một tin mừng trọng đại, tin mừng cho toàn dân “Một Đấng Cứu Độ đã sinh ra. Người là Đấng Kitô Đức Chúa”. 

Vâng, quả là “Phước cho nhân loại Chúa ta ra đời”. Một nguồn ơn phước đã khiến cho muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen :  “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14).

Thế nhưng, với chúng ta hôm nay. Mùa Vọng không chỉ trông đợi cuộc cử hành ngày kỷ niệm Chúa Giêsu Kitô xuống thế làm người. Nhưng còn mong chờ ngày “Người lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”.

Sự trông đợi và mong chờ đó được dựa vào chính lời Đức Giêsu đã tâm tình cùng các môn đệ  trong bữa tiệc ly rằng : “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy… Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng, và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.” (Ga 16, 16…22).

“Ít lâu nữa” là bao lâu !

Trong một bài giáo huấn Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng “Ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (Mt 24, 35).

Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng đã mượn một câu chuyện rất đời thường như để giải tỏa nỗi ưu tư của các môn đệ.

Mở đầu câu chuyện Đức Giêsu nói “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến” (Mc 13, 33)

Chuyện được kể tiếp rằng : Có một người kia trẩy đi phương xa, để nhà lại và trao quyền cho các đầy tớ của mình. Mỗi người đầy tớ ông ta “chỉ định mỗi người một việc”. Riêng người giữ cửa, ông chủ ra lệnh “phải canh thức”.

Người chủ không cho đầy tớ biết khi nào ông ta sẽ trở về ngoài những mệnh lệnh cần thiết. Ông ta không cho biết sẽ trở về vào “lúc chập tối hay nửa đêm”. Ông ta cũng chẳng nói, tôi sẽ về “lúc gà gáy hay tảng sáng”…

Chuyện kể tới đây, không ai có thể phủ nhận, lời khuyên của Đức Giêsu rất chính đáng. Ngài nói “Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến”(Mc 13, 35).

“Phải canh thức”. Đó chính là lời khuyên được Đức Giêsu dùng để khép lại câu chuyện nêu trên.

Vâng, “phải canh thức” cũng chính là trọng tâm của Mùa Vọng mà hôm nay toàn thể Giáo Hội Công Giáo long trọng cử hành.

Một phút suy tư…

Gần cuối câu chuyện Đức Giêsu đã nói : “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là : phải canh thức” (Mc 13, 37)

Hết thảy mọi người là ai ! Phải chăng là có chúng ta hôm nay !

Đúng vậy. Được mời gọi  trở nên người Ki-tô hữu, chúng ta cũng được “Ông chủ Giêsu” giao phó “mỗi người một việc”.

Được giao phó làm “người giữ cửa Giáo Hội” hay được giao phó làm công việc của một giáo dân, không quan trọng. Được giao phó trách nhiệm làm quan hay làm dân, không quan trọng. Được giao phó trách nhiệm làm thầy hay làm trò, không quan trọng.

Điều quan trọng là, tất cả chúng ta đều phải trung tín trong công việc được giao phó. Bởi vì đó chính là kiểu canh thức hợp lòng Chúa Giêsu.

Phải trả lời làm sao với “Ông chủ Giêsu” khi được giao phó trách nhiệm là “người mục tử của Chúa” nhưng  lại “mơ ngủ” muốn mình trở thành “Hoàng tử của Công Chúa Bạch Tuyết” !

Phải trả lời làm sao với “Ông chủ Giêsu” khi được giao phó trách nhiệm “kỹ sư tâm hồn” nhưng lại biến thể thành “quỷ sư gạ tình đổi điểm” !?

Phải trả lời như thế nào với “Ông chủ Giêsu” khi được mang danh hiệu “lương y như từ mẫu” nhưng lại coi “lương tâm không bằng lương tháng” !?

Phải trả lời làm sao với “Ông chủ Giêsu” khi chúng ta lãnh trọng trách làm chồng, làm vợ. Tự nguyện “quỳ bên nhau trước Đấng Tối Cao, hứa yêu nhau chung  sống muôn đời” nhưng lại “mơ ngủ” muốn mình có một cuộc sống thoải mái “trăm thê ngàn thiếp” như vua Minh Mạng !

Có quá khó để chúng ta không “mơ ngủ” trong công việc được giao phó ! Có quá khó để chúng ta canh thức cho đến khi “Ông chủ Giê-su” đến !

Xin thưa, không quá khó. Nếu chúng ta tin rằng, mỗi công việc “Ông chủ Giêsu” giao phó chính là, như lời tông đồ Phao-lô nói, “ân huệ Thiên Chúa đã ban cho (chúng ta) nơi Đức Kitô Giêsu”…

Vâng, nếu chúng ta đón nhận công-việc-Chúa-giao-phó như là ân huệ Chúa ban, chắc chắn chúng ta sẽ không “mơ ngủ” mà hành xử công việc được giao một cách vô trách nhiệm.

Thánh Phaolô đã nói : “Trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người”. (1Cr 1, 5).

Một khi đã “được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người”. Vâng, có phần chắc lời cảnh báo “phải canh thức” của Chúa Giêsu sẽ “ăn sâu vững chắc vào lòng trí” chúng ta.

Chúng ta hãy nhẫn nại nghe thêm một lời khẳng định của thánh Phaolô “Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa”.

Hãy nhớ rằng, đến “Ngày của Chúa”. Vâng, Ngài sẽ xét đoán chúng ta về những gì chúng ta được giao phó. Ngài sẽ chất vấn chúng ta về những gì chúng ta đã làm.

Xưa kia, các trẻ mục đồng đã “thức đêm canh giữ” vì thế họ mới có thể nhìn thấy “vinh quang của Chúa chiếu tỏa”.

Vâng, chúng ta cũng “phải canh thức”. Nói cách khác, “mỗi người” phải chu toàn “một việc” đã được giao phó. Có như thế , khi  “ông chủ Giêsu đến” dù cho có “đến bất thần” chúng ta cũng không sợ gì. Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người sẽ kêu gọi chúng ta “đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1Cr 1, 9).

Thánh Phaolô đã xác tín như thế. Còn chúng ta.. Chúng ta cũng xác tín như thế !?

Nếu chúng ta xác tín như thế, quả thật, sự trông đợi và mong chờ của chúng ta về ngày Chúa đến lần thứ hai đã đi đúng quỹ đạo của nó.

Nếu chúng ta xác tín như thế, đừng chần chờ gì nữa, hãy mượn lời của ngôn sứ Isaia, để  làm một lời nguyện khẩn thiết dâng lên Thiên Chúa “Lạy ĐỨC CHÚA… Vì tình thương đối với tôi tớ…. Xin Ngài mau trở lại” (Is 63, 17).

Vâng, vì tình thương…

…Xin Ngài mau trở lại. Amen.

Petrus.tran.

Trả lời