Chúng tôi đã được thấy Chúa!

 

 

Chúng tôi đã được thấy Chúa!Vào ngày lễ Ngũ Tuần, sau khi các tông đồ “được tràn đầy ơn Thánh Thần”, ông Phê-rô đã có một bài truyền giảng gây “đau đớn trong lòng” rất nhiều cử tọa. Ông đã giảng rằng: “Thưa đồng bào Israel, xin nghe những lời sau đây. Đức Giê-su Na-da-rét là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mạng của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh  em. Chính anh em biết điều đó. Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh   em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết”(x.Cv 2, 22-24)

“Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại”. Vâng, thánh Phê-rô đã tin như thế. Thế nhưng, để có sự xác tín đó, không phải là một sớm một chiều. Các ông, đã có lần thấy Đức Giê-su hiện ra, thế mà vẫn tưởng đó là ma. Đặc biệt nhất là ông Tô-ma, ông đã tuyên bố: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”.

Mà, thật vậy, để tin vào sự kiện Đức Giêsu sống lại, đối với các vị tông đồ, khi đó, không dễ dàng chút nào. Không dễ bởi các ông vẫn đang ngụp lặn trong sự âu lo và sợ hãi.

Âu lo vì điều gì? Thưa, vì các thượng tế và các kỳ mục, họ đã mua chuộc nhóm lính tung tin đồn rằng “các môn đệ của ông Giêsu đã đến lấy trộm xác”. Tin đồn đó có khác gì sợi dây thòng lọng sẵn sàng xiết vào cổ các môn đệ bất cứ lúc nào.

Còn sợ hãi ai! Thưa, do bởi những lời tuyên truyền dối trá đó, các ông, ai nấy đều “sợ người Do Thái” (x.Ga 20,19).Trong bối cảnh đó, nơi các ông ở “các cửa đều đóng kín”.

Đã ba ngày trôi qua, tính từ hôm thứ sáu, ngày Đức Giêsu thọ nạn, cho đến hôm nay là “ngày thứ nhất trong tuần”… trời đã xế chiều. Hôm ấy, khi nhớ đến lời phán hứa của Thầy rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”, các ông không khỏi thở than: Ôi! Sao vẫn chưa thấy ứng nghiệm!

Thế rồi, đang lúc Phêrô và Gioan suy đi nghĩ lại về hiện tượng lúc buổi sáng ra mộ, chỉ thấy ngôi mộ trống. Còn các người môn đệ khác, vâng, (có lẽ) các ông mang khuôn mặt ngơ ngác của đàn gà con mất mẹ…

Thật bất ngờ, “Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em”. Sau lời chúc bình an của Thầy Giê-su, khung cảnh đìu hiu của gian phòng nơi các ông tụ tập được nhường chỗ cho sự vui mừng, các ông “vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20, 20).

Thầy đó ư! Lời Thầy đã ứng nghiệm rồi sao! Nhớ lại lời bà Maria Mác-đa-la cho biết “Tôi đã thấy Chúa” và đã “kể lại những gì Người đã nói với bà”, bây giờ các ông mới cảm thấy xấu hổ vì đã “cho là chuyện vớ vẩn” (x.Lc 24, 11).

Vâng. Chính Đức Giêsu chứ không là ai khác. “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn”. Bàn tay và cạnh sườn in đậm dấu tích của vết đinh và mũi đòng, chứng tích của cuộc khổ nạn mà Ngài đã phải trải qua.

Các ông như người chết sống lại. Mà quả thật, các ông sống cũng như chết. Sau cái chết của Thầy Giê-su, các ông mất hẳn sức sống, chỉ còn sợ hãi và lẩn trốn.

Và hôm nay, Đức Giê-su Phục Sinh đến, các ông đã được “tái sinh”, tái sinh qua việc Ngài “thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”, một sự tái sinh đúng nghĩa, đó là “tái sinh trong Thần Khí”, một sự tái sinh đủ mạnh để đón nhận niềm tin, tin rằng “Người đã sống lại thật”.

Tuy nhiên, có một điều thật đáng tiếc, Tôma, hôm đó, vì không có mặt, nên đã không tin sự kiện “Người đã sống lại thật”, mặc cho tất cả các môn đệ đều xác quyết rằng, “chúng tôi đã được thấy Chúa”.

Không tin cũng không sao, nhưng có “sao” là khi ông lớn tiếng thách thức rằng, “Nếu… nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin…”

Thế rồi, tám ngày sau, Tôma đã phải giật thót mình khi nhìn thấy Đức Giê-su. Cũng giống như lần trước, mặc cho, nơi các ông ở, “các cửa còn đóng kín”, Đức Giêsu hiện đến, Ngài đứng giữa các ông, cũng một lời chúc “Bình an cho anh em”, rồi Ngài bảo với ông Tôma rằng, “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy.” (Ga 20, 27).

Nghe thế, Tôma đứng sững như hình hài pho tượng, nghĩ đến những chữ “nếu… nếu tôi… nếu tôi…”, (có lẽ) lúc đó khuôn mặt ông ta hết sức ngượng ngùng.

Vâng, nếu hôm đó Tô-ma đừng thách thức, thì hôm nay ông đâu có phải ngượng khi nghe Đức Giê-su nói: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”.

Nhìn Thầy Giê-su, một Giê-su bằng xương bằng thịt, với tất cả dấu tích của cuộc khổ hình, sự hồ nghi đã biến khỏi tâm hồn của Tôma, thay vào đó là một tâm hồn tan vỡ, một tâm hồn mở ra, xác tín niềm tin của mình vào Đức Giê-su với lời tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (x.Ga 20, 28).

Hôm ấy, đáp lời tuyên xưng của Tô-ma, Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin”.

 

Đức Giê-su thật sự đã Phục Sinh. Các tông đồ chính là những kẻ “làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại”. Hơn hai ngàn năm qua, Đức Giê-su Phục Sinh, qua Bí Tích Thánh Thể, vẫn ở cùng chúng ta,  “mọi ngày cho đến tận thế”.

Chính vì thế, chỉ cần một cử động, cử động của đôi chân bước lên “bàn Tiệc Thánh”. Chỉ cần một cử động, mở rộng tâm hồn mình, đón nhận “Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô”, là chúng ta có thể “thấy Chúa Phục Sinh và gặp Chúa Phục Sinh”.

Và, như chúng ta được biết, Bí Tích Thánh Thể còn được gọi là Bí Tích Tình Yêu. Thế nên, khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể chúng ta còn được lãnh nhận “lòng thương xót” của Chúa Ki-tô, như chính Ngài đã nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em”. Và đó là lý do, hôm nay, toàn thể Giáo Hội long trọng “kính lòng thương xót Chúa”.

Khi nói về việc “kính lòng thương xót Chúa”, chị Faustina Kowalska, trong một thị kiến, đã được Đức Giê-su truyền dạy rằng: “Tình Thương của Người không có giới hạn và rộng mở cho cả những tội nhân khốn nạn nhất. Chúa ban các phương thế đặc biệt để họ có thể đáp lại Tình Thương của Người trong đời sống, và còn ban cho chị nhiều lời hứa dành cho những ai tín thác vào Tình Thương của Người và sống nhân ái với tha nhân.” (nguồn: internet)

Vâng, qua lời truyền dạy này, nó đã gợi cho chúng ta nhớ tới lời truyền dạy khi xưa của Đức Giê-su: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, anh  em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Hãy yêu thương nhau hay  sống nhân ái với tha nhân, phải chăng, đó chính là “thực thi đức mến”! Thưa, đúng vậy.

Hãy yêu thương nhau hay  sống nhân ái với tha nhân, đó chính là biết loại bỏ tính “ích kỷ, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, bất hòa”. Đó chính là sống bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm. Đó chính là biết “Đem yêu thương vào nơi oán thù. Đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp. Đem chân lý vào chốn lỗi lầm”.

Hãy yêu thương nhau hay sống nhân ái với tha nhân, còn là phải biết chạnh lòng thương xót  trước nỗi thống khổ của tha nhân: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc.

Cuối cùng, hãy yêu thương nhau hay sống nhân ái với tha nhân, đó chính là chúng ta phải là cánh tay nối dài của Đức Giê-su Ki-tô, một cánh tay đem “Bình An (đến) cho anh em”, như Đức Giê-su đã đem đến cho các môn đệ xưa. Nói tắt một lời, chúng ta phải là “khí cụ bình an của Chúa”.

Là một Ki-tô hữu, chúng ta phải là khí cụ bình an của Chúa, bởi chỉ nhờ đó chúng ta mới có thể đem “lòng thương xót của Chúa” đến với tha nhân, bởi chỉ nhờ đó lời chứng về Đức Giê-su Phục Sinh của chúng ta, mới là lời chứng sống động. Quan trọng hơn nữa, nhờ đó mà thiên hạ có thể nói, như bà Maria Mác-da-la xưa, đã nói:  “Tôi đã thấy Chúa”.

Vâng, có gì vui hơn, khi hôm nay, qua tôi và bạn, thiên hạ cùng đồng thanh cất tiếng nói: “chúng tôi đã được thấy Chúa”.

Petrus.tran

 

Trả lời