Chung thủy trong đời sống hôn nhân

 

Chung thủy trong đời sống hôn nhân

 

Trích Tin Mừng theo thánh Máccô 

Chung thủy trong đời sống hôn nhân“Khi ấy có mấy người Pharisêu đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng : “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không ?” Họ hỏi thế để thử Người. Người đáp : “Thế ông Môshê đã truyền dậy các ông điều gì ?” Họ trả lời : “Ông môshê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ”. Đức Giêsu nói với họ : “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môshê mới viết điều răn đó cho các ông. Lúc khởi đầu công trình tạo dưng, Thiên Chúa đã làm nên con nươi có nam có nữ; vì thế, người đàn ông đẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vơ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.

Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Ngươi về điều ấy. Người nói : “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.

Có lẽ không có cơ chế xã hội lại bị đe dọa nặng nề và đang rơi vào tình trạng tan nát như gia đình hiện nay, đặc biệt là các gia đình sống tại thành thị thuộc các nước Tây Âu. Thật vậy, kể từ sau thế chiến thứ hai tới nay nhất là từ thập niên 1960 trở đi, nạn ly dị, ly thân và chung sống ngoài hôn nhân ngày càng gia tăng. Tại các nước Bắc Âu tính trung bình có tới hai phần ba các cuộc hôn nhân kết thúc bằng cảnh “Anh đi đường anh tôi đi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi”. Và con cái, nếu họ có con, thường là các thành phần phải gánh chịu nhiều thiệt thòi hơn cả, hậu qủa của các thất bại trong cuộc tình duyên của cha mẹ chúng. So với các nước Tây Âu, bên Phi châu và Á châu số các cặp vợ chồng ly dị ly thân còn thấp, vì các áp lực và dị nghị của gia đình, hàng xóm láng giềng và xã hội. Tuy nhiên, với các luật lệ cho phép ly dị, phá thai, công nhận các cuộc hôn nhân của người đồng tính luyến ái, ngay càng được nhiều chính phủ chấp nhận, cơ chế gia đình ngày càng trở thành yếu ớt và ít được bênh đỡ hơn.

Vào thời ông Môshê tức từ hồi thế kỷ XIII trước công nguyên người Do thái đã được phép rẫy vợ, vì bất cứ lý do gì, và chỉ cần viết cho vợ một tờ giấy chứng, ít nhất đây là lập trường của một trường phái rabbi thời Chúa Giêsu. Và chỉ có nam giới mới có quyền bẻ gẫy hôn nhân. Hôn nhân không còn là chuyện nghiêm chỉnh trong đó nam nữ có phẩm giá và quyền lợi ngang hàng nhau, không còn có sự hiệp nhất vĩnh viễn như trong chương trình của Thiên Chúa thời khai nguyên vũ trụ và cơ chế gia đình nữa. Tình trạng này cũng bị các ngôn sứ cuoi cùng của thời Cựu ước tố cáo như ngôn sứ Malaki viết trong chương 2 : “Đây là điều thứ hai các ngươi phải làm là đổ đầy nước mắt lên bàn thờ Đức Chúa, vừa khóc lóc vừa rên siết, vì Người không còn đoái nhìn lễ vật, cũng không đoái nhận của lễ tay các ngươi hiến dâng nữa. Các ngươi nói : “Tại sao vậy ?” Bởi vì Đức Chúa là chứng nhân giữa ngươi và người đàn bà ngươi đã cưới trong tuổi thanh xuân. Chính ngươi đã phản bội nàng, mặc dầu nàng là bạn đường và là người vợ kết ước với ngươi. Chúa đã chẳng làm nên một hữu thể duy nhất có xác thịt và thần khí đó sao ? Vậy hữu thể duy nhất này tìm cái gì ? Một dòng dõi của Thiên Chúa. Các ngươi hãy coi chừng và chớ phản bội người đàn bà ngươi đã cưới trong tuổi thanh xuân. Quả thật, Ta ghét việc rẫy vợ – Đức Chúa Thiên Chúa Israel phán – và kẻ lấy thói bạo tàn làm áo che thân. – Đức Chúa các đạo binh phán – hãy coi chừng và chớ phản bội” (Ml 2,13-16).

Qua các hình ảnh và kiểu diễn tả biểu tượng, chương 2 sách Sáng thế cho thấy ơn gọi của con người, nam nữ, được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, và trong cơ chế gia đình tiên khởi theo chương trình của Thiên Chúa Tạo Hóa, là sống sự hiệp thông vĩnh cửu luôn mãi, như chính Thiên Chúa. Người nữ là người đồng hành, là một trợ giúp tương xứng với người nam, được Thiên Chúa tạo dựng bởi cùng một chất liệu. Họ giống nhau trong nguồn gốc bản thể nhưng là bản vị khác biệt.

Trong hôn nhân người nam khác người nữ về bản thể và về phái tính nhưng chính sự khác biệt đó là động lực hướng tới sự sống, hướng tới chỗ xây dựng một sự hiệp nhất mới phong phú hơn.

Chúa Giêsu đến để đem tất cả trở về sự tinh tuyền của thời tạo dựng. Ngài cũng làm điều đó đối với hôn nhân và tái lập luật lệ của thủơ ban đầu : Ban đầu thì không như vậy… Bởi vì trong cơ chế đầu tiên của gia đình chỉ có một người nam và một người nữ kết hiệp với nhau luôn mãi và ho làm thành một bản vị duy nhất, bản vị của tình yêu. Khi khẳng định “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”, Chúa Giêsu loại bỏ sự ly dị đối với người nam cũng như đối với người nữ. Và Chúa Giêsu còn đi xa hơn nữa khi khẳng định rằng ai ước muốn vợ người khác thì đã phạm tội ngoại tình trong tâm lòng rồi, mặc dù chưa có hành động phạm tội bên ngoài.Nghĩa là đối với Tin Mừng đây đã là một hình thức ly dị trong tâm lòng rồi.

Theo nghĩa này, thì đã có biết bao nhiêu cặp vợ chồng sống trong tình trạng ly di hết năm này sang năm khác rồi mà không biết. Khi giữa hai vợ chồng không còn có ước muốn tha thứ cho nhau, hòa giải với nhau nữa, khi hai người sống thờ ơ với nhau, thì trên thực tế họ đang sống tình trạng ly dị rồi, ly dị trong con tim. Đó là rẫy vợ rẫy chồng mà không có giấy ly dị!

Và họ đã lỗi pham giới răn của Chúa vì không còn là “một xương một thịt nữa”. Và các hậu qủa đớn đau của tình trạng ly dị ấy hằn sâu trên sự cô đơn, trống vắng của cả hai người, hằn sâu trên đôi mắt ngây thơ của con cái, và nhất là phá hủy tâm lý của chúng vì bắt buộc chúng phải sống thảm cảnh chọn lựa một trong hai người, mà chúng đều yêu mến. Khi đã xảy ra thảm cảnh ly dị rồi thì khó có thể làm được gì để hàn gắn nó, nhưng có thể làm được rất nhiều chuyện để vun trồng tình yêu hôn nhân và săn sóc hạnh phúc để đừng rơi vào thảm cảnh gia đình tan nát vì ly dị ly thân. Thật thế, cho tới khi nào vợ chồng còn chân thành, kiên nhẫn đối thoại với nhau, chia sẻ với nhau mọi sự, tin tưởng nơi nhau, quảng đại tha thứ các lỗi lầm cho nhau, hy sinh, và cùng nhau cầu nguyện, thì còn duy trì được tình yêu hôn nhân và hạnh phúc gia đình.

Trong năm dành cho các gia đình này chúng ta hãy cầu nguyện cho các người đã, đang, hay sắp bước vào cuộc sống hôn nhân và ơn gọi làm chồng vợ và làm cha mẹ, xin Chúa gìn giữ họ khỏi tình trạng ly dị trong tâm lòng.

(sưu tầm)

 

 

Trả lời