Chúng ta trong “top” năm cô khôn ngoan?

Chúng ta trong “top” năm cô khôn ngoan?

Chúng ta trong “top” năm cô khôn ngoan?Khoảng 10 giờ sáng ngày 25/10/2014 vừa qua, một tai nạn đã xảy ra trên quốc lộ 91, thuộc khóm Trung An, phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên (An Giang). Nạn nhân là một phụ nữ đang trên đường đến bệnh viện để sinh nở.

Nguồn tin của danviet.vn cho biết “Vào thời điểm trên, anh Nguyễn Văn Nam điều khiển xe gắn máy chở vợ là Nguyễn Thị Kim Ngọc đến bệnh viện để sinh con. Khi đến khóm Trung An, phường Mỹ Thới (cách bệnh viện khoảng 100m) thì, bất ngờ,  một xe ôtô do tài xế Đỗ Công Vũ điều khiển chạy cùng chiều đâm vào. Tai nạn  đã làm chị Ngọc chết tại chỗ, anh Nam bị nát một bàn chân, còn thai nhi bị lọt ra ngoài bụng mẹ.  Bé sơ sinh bị nạn may mắn sống sót và đã được chuyển  lên bệnh viện nhi của TP”.

Quả là một tai nạn thương tâm, và phải chi, phải chi anh Nam được nghe lời cảnh báo rằng, đừng bao giờ chở bà bầu bằng xe hai bánh, rất nguy hiểm, và rằng, hãy cho chị Ngọc đến bệnh viện bằng một chiếc taxi, thì đâu có tai nạn thương tâm như thế v.v… và v.v… Qua biến cố của gia đình anh Nam, có thể nói rằng, nó là tiếng chuông cảnh tỉnh cho mọi người, trong đó có chúng ta.

Vâng, biến cố đó cảnh tỉnh chúng ta rằng,  cuộc sống trong đời thường luôn có những bất ngờ. Điều bất ngờ lớn nhất người Ki-tô hữu sẽ phải đối diện, đó chính là sự kiện “ngày quang lâm của Đức Giê-su Ki-tô”, ngày mà chúng ta quen gọi là “ngày tận thế”.

Sự kiện này đã được Đức Giê-su công bố trong một lần lên Giê-ru-sa-lem, rằng: “Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến. Người sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy, tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời khác”(Mt 24, 30-31).  

Thường thì, khi đưa ra một thông điệp hay một lời loan báo, Đức Giê-su  dùng những ví dụ cụ thể hoặc những dụ ngôn rất đời thường để diễn giải cho mọi người.

Nếu, khi loan báo về chương trình cứu độ, Đức  Giê-su đã  so sánh rằng, như “ông Môse đã gương cao con rắn đồng trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được gương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.

Thì, khi nói đến ngày “Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến”, Đức Giêsu nói rằng, ngày đó sẽ xảy ra giống như một tên “kẻ trộm” bất ngờ xuất hiện. Không chỉ đưa ra lời cảnh báo, Ngài còn có lời khuyên rằng, “hãy canh thức và hãy sẵn sàng vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người đến”. 

Canh thức và sẵn sàng như thế nào? Thưa, Đức Giê-su đã diễn giải bằng một dụ ngôn. Dụ ngôn được mang tên “Mười trinh nữ” (x.Mt 25, 1 – 13)

Dụ ngôn được kể rằng: “Có mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể”. Vâng, thoạt nghe, có lẽ không ai trong chúng ta có thể hình dung được hình ảnh cái đám cưới ngộ nghĩnh này.

“Cầm đèn” để làm gì! Đám cưới vào ban đêm ư! Thưa đúng, đó là phong tục của người Do Thái thời đó, có những đám cưới tổ chúc vào ban đêm, vì thế phải có đèn. Có đèn chưa đủ, còn phải có dầu. Câu chuyện được kể tiếp rằng, “Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn”.

 Ơ! Tại sao lại có khôn, có dại ở đây? Thưa, là bởi, nhà gái không biết thời gian  chú rể sẽ đến, có thể là chập tối, có thể giữa đêm, hay hừng đông; vì thế tất cả mọi sự phải sẵn sàng, sẵn sàng không chỉ đèn mà còn cả dầu. Không mang theo dầu dự trữ, khi chú rể đến, hết dầu thì làm sao đây!

Chính vì thế, năm cô bị cho là dại vì đã “mang đèn mà không mang dầu theo”. Còn năm cô kia được cho là khôn nhờ đã “vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo”. Quả nhiên, bất ngờ “Nửa đêm có tiếng la lên : ‘Chú rể kia rồi, ra đón đi’. Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn”.

Than ôi! Năm cô dại chẳng khác gì có súng mà không có đạn. “Chú rể kia rồi ” nhưng khổ thay! “đèn của chúng em tắt mất rồi!”. Hết dầu!  Xin không được. Các cô vội vàng đi mua… Vâng, năm cô dại có khác gì là những kẻ không “sẵn sàng” cho một đêm “canh thức”, một đêm quan trọng của một đời người. Sách có câu “cẩn tắc vô ưu”. Nghĩa là cẩn thận thì không lo lắng về sau.

Đúng vậy. Năm cô được cho là khôn, nhờ cẩn thân mang theo chai dầu nên đã có một đêm “canh thức” rất an nhàn. Khi “chàng rể tới” các cô  đã “sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới”.

Rất nhẹ nhàng và rất đời thường. Chẳng có gì là ẩn ý trong dụ ngôn. Đức Giêsu khép lại câu chuyện bằng một lời nhắc nhở  “anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”. (Mt 25, 13).

Sử dụng dụ ngôn, như chúng ta được biết,  là cách Đức Giê-su dùng để diễn tả một thực tại. Thực tại mà Ngài muốn dạy cho chúng ta hôm nay, qua dụ ngôn “Mười trinh nữ” là: Đức Giê-su được ví như chàng rể, cô dâu và các phù dâu được ví như Giáo Hội và các tín hữu, ngày Đức Giê-su Quang Lâm được ví như ngày chàng rể đến đón dâu.

Ngày quang lâm của Đức Giê-su chắc chắn sẽ đến, không ai có thể biết ngày nào hay giờ nào, như Ngài đã nói: “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi.” (Mt 24, 36).

Tông đồ Phaolô, sau này, cũng đã nói với tín hữu ở Thê-xa-lô-ni-ca rằng “Thưa anh em,  về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em biết rõ : ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm”.  Và cùng một tâm tình như Đức Giêsu, thánh nhân cũng đã khuyên nhủ rằng “hãy tỉnh thức và sống tiết độ”(1Tx 5, …6).

Tại sao phải “sống tiết độ và tỉnh thức”? Thưa, như lời thánh Phê-rô nói, là vì “ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5, 8)

Đúng vậy, có thể nói rằng, chưa bao giờ chúng ta phải sống trong một xã hội đầy dẫy tiếng “sư tử gầm thét”, như hôm nay. Những con sư tử mang tên “danh vọng, tiền bạc, thờ quấy, hận thù, dâm bôn, chia rẽ, bè phái, say sưa chè chén” đang rảo quanh tìm mồi, là chính chúng ta, để mà cắn xé.

Cứ thử tưởng tượng, chúng ta sống không ‘tiết độ”, ăn uống không chừng mực, cứ say sưa chè chén, cứ kết bè với con sư tử mang những tên gọi nêu trên…  Vậy thì, ai… ai sẽ là người kính nể chúng ta! Và ai… ai là người làm danh Chúa bị ô uế!?.

Cứ thử tưởng tượng, chúng ta sống không tiết độ, cứ để nhu cầu bản năng: tham, sân, si ngự trị và nó kéo chúng ta vào việc thỏa mãn những khát vọng… hỏi làm sao chúng ta có thể theo đuổi tới cùng những lý tưởng cao đẹp, lý tưởng “tự ý không kết hôn vì Nước Trời”! (x.Mt 19, …12)

“Sống tiết độ”. Vâng, đây quả là một lời khuyên hết sức quan trọng. Quan trọng, bởi, tiết độ là một trong những hoa quả của “Thần Khí” (Gl 6, 22). Đời sống của Kitô hữu nếu không có “hoa quả của Thần Khí” thì chẳng khác gì “có đèn mà không có dầu”.

Một khi “có đèn mà không có dầu”, dẫu cho đã là một Kitô hữu, khi đến lúc “chàng rể Giêsu tới”, có phần chắc Ngài sẽ phán rằng “Tôi bảo thật, tôi không biết anh là ai”.

Trở về với bài dụ ngôn, hãy để một phút thinh lặng và  hãy tự hỏi mình rằng “tôi là ai trong mười trinh nữ?” Là “các cô dại mang đèn mà không mang dầu” ư! Vâng, có thể… rất có thể. Rất có thể chúng ta có “cây đèn mang nhãn hiệu Ki-tô hữu” nhưng lại thiếu dầu, dầu-Thánh-Kinh và dầu-Thánh Thể.

Dầu-Thánh-Thể… đó… đó chính là thứ thần lương giúp chúng ta “ở lại trong Chúa, và Chúa ở lại trong ta” (x. Ga 6, 56). Có Chúa ở trong ta, sử tử nào dám gầm thét cắn xé chúng ta! Còn dầu-Thánh-KInh ư! Vâng, đó chính là “Ngọn đèn soi ta bước” (x.Tv 119, 105).

Ở đâu sẽ cung cấp cho ta dầu-Thánh-Thể và dầu-Thánh-Kinh? Phải chăng là ở vũ trường? Ở những quán nhậu? Ở sòng bài? Ở những chốn đô hội?

Thưa, không phải. Nơi cung cấp cho ta dầu-Thánh-Thể và dầu-Thánh-Kinh chính là ở “Nhà Thờ”. Tại đây, trong Thánh Lễ, phần phụng vụ Lời Chúa sẽ cung cấp cho ta dầu-Thánh-kinh. Và nơi bàn Tiệc Thánh, chúng ta sẽ được  cung cấp dầu-Thánh-Thể.

Chính vì thế, đừng bao giờ chúng ta biến ngôi “Nhà Thờ” thành nơi buôn bán hay “thành sào huyệt của bọn cướp”.  

Thưa bạn, chúng ta lại cần thêm một phút nữa để tự hỏi lòng mình, rằng: Hôm nay, tôi đã có  Dầu-Thánh-Thể và Dầu-Thánh-Kinh trong gói hành trang cho cuộc hành trình đến với “Tiệc Cưới Nước Trời”?

Nếu có, hãy tin rằng, trước mặt chàng rể Giê-su, chúng ta sẽ “được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới”. Nếu có, hãy tự hào, dĩ nhiên là “tự hào trong Chúa” rằng, chúng ta đang ở trong top “năm cô khôn ngoan”

Petrus.tran

Trả lời