Chúng ta hãy đi…

 

Chúng ta hãy đi…Chúng ta đang sống trong những ngày cuối  của Mùa Phục Sinh. Và hôm nay, rất đặc biệt, toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể Lễ Chúa Thăng Thiên. Lễ Chúa Giê-su Thăng Thiên là một ngày đại lễ, một ngày mà toàn thể cộng đồng dân Chúa mừng vui tái xác tín rằng: Chúa Giê-su “…ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha”.

Mừng vui và tái xác tín niềm tin về một Đức Giê-su sống  lại và lên trời là điều phải đạo. Thế nhưng, nếu chỉ dừng ở đó e rằng chưa đủ. Vâng, chưa đủ là bởi, chúng ta còn phải thực thi một “Mệnh Lệnh”, một “Đại Mệnh Lệnh” mà Đức Giê-su đã truyền dạy cho các môn đệ (và nay là cho chúng ta), trước khi “được đưa lên trời”. “Đại Mệnh Lệnh” đó, đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

Theo lời thánh Mác-cô ghi lại, thì, sau sự kiện Phục Sinh của Đức Giêsu gây chấn động cả Giêrusalem, và sau nhiều lần “tỏ mình ra” cho các môn đệ, có thể nói, Đức Giê-su đã dần dần phục hồi lại niềm tin của các ông. Những chán chường, những thất vọng của các ông như bị đầy lùi và thay vào đó là  niềm vui mừng và hy vọng.

Niềm vui mừng và hy vọng của các môn đệ đó là Thầy Giêsu sẽ “khôi phục vương quốc Israel” trong nay mai. Hôm ấy, hôm Đức Giê-su hiện đến, các ông đã mừng vui và hỏi Ngài rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?”

Khôi phục vương quốc Israel ư! Dễ dàng thôi! Thế nhưng, đó không phải là sứ vụ của Đức Giê-su, như có lần Ngài đã nói: “Nước tôi không thuộc thế gian này”.

Bốn mươi ngày qua, kể từ khi sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu không ngừng hiện ra với các môn đệ. Và mỗi khi hiện ra với các ông, ngoài những sinh hoạt đời thường như ăn và uống, để chứng minh rằng, Ngài không phài là ma, nhưng đã thật sự sống lại, Đức Giêsu còn chú trọng đến những lời dạy dỗ cho các môn đệ. Một trong những điều dạy dỗ quan trọng, đó là, Ngài đã “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”.

Qua việc hiểu Kinh Thánh, các môn đệ sẽ hiểu đâu là sứ vụ chính yếu của Ngài. Sứ vụ của Ngài, đó là: Rao Giảng Tin Mừng Nước Trời.

Vâng, hôm đó,  Đức Giê-su đã công bố một mệnh lệnh mà  các môn đệ sẽ phải thực hiện, sau khi Ngài lên trời, mệnh lệnh đó là: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ, còn ai không tin sẽ bị kết án”.

Sau khi đưa ra mệnh lệnh, Tin Mừng thánh Mác-cô ghi vắn tắt rằng: “Chúa Giê-su được đưa lên trời” (x.Mc 16, 19). Thế nhưng, với sách Công vụ Tông Đồ, tác giả đã cho ta nhìn thấy một bức tranh hùng vĩ về sự “ra đi” của Đức Giê-su. Vâng, sách chép lại rằng: “Người được cất ngay trước mặt các ông, và có đám mây quyện lấy Người khiến các ông không còn thấy Người nữa”.

Và rồi, đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh, và nói: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (x.Cv 1, 11).

“Chúa Giê-su được đưa lên trời” và Ngài đã để lại một “Đại Mệnh Lệnh”

Trước tiên, hãy nói về sự “lên trời” của Chúa Giê-su. Vâng, khi nói Chúa Giê-su lên trời, đừng bao giờ chúng ta nghĩ rằng, Ngài “bay lên bầu trời” như những chiếc máy bay, bay vào không trung, hoặc  như những chiếc phi thuyền bay vào quỹ đạo không gian.

Nếu chúng ta có sự suy nghĩ như thế, những tà thuyết của thế gian sẽ làm lung lạc niềm tin của chúng ta.

“Lên trời”, theo quan điểm của Kinh Thánh, là đi vào sự hiệp thông tuyệt hảo và vĩnh cửu với Chúa Cha và được chia sẻ với Chúa Cha quyền năng và vinh quang. Trong Kinh Thánh, từ ngữ “trên trời” có nghĩa là chỉ nơi Thiên Chúa hiện diện.

Việc Đức Giêsu “được rước lên trời”, thánh Phao-lô nói, đó chính là “sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực mà Thiên Chúa đã biểu dương nơi Đức Kitô, khi làm cho Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời” (Ep 1, 20)

Một câu chuyện đã xưa cũ, nhưng nó vẫn còn có tính thời sự và có thể đem đến cho chúng ta một bài học về niềm tin, niềm tin “có Chúa trên trời”.

Chuyện là thế này: Năm 1968 đúng vào ngày lễ Giáng Sinh 24.12, chiếc phi thuyền Apolo 8 đã được phóng lên quỹ đạo mặt trăng, mang theo phi hành đoàn gồm ba phi hành gia là: Frank Borman, Jim Lowell và William Andress.

Ba phi hành gia đã được “lên trời”. Ở trên trời, họ không thấy Chúa đâu hết. Nhưng trước kỳ công của tạo hóa, từ trên quỹ đạo mặt trăng, họ đã gửi về trái đất những lời Kinh Thánh đầy xúc động: “Ban đầu, Đức Chúa Trời sáng tạo trời đất”.

Vâng, có thể nói, qua câu Kinh Thánh mà ba vị phi hành gia đó gửi về trái đất, nó chứng tỏ nơi họ có một sự trưởng thành trong niềm tin.

Với những người được ơn như thế, tông đồ Phao-lô nói rằng, họ đã được “Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho Thần Khí khôn ngoan để mạc khải cho (họ) nhận biết Người”? (x.Ep 1, 17)

Còn về “Đại Mệnh Lệnh” mà Đức Giê-su truyền dạy ư! Vâng, xưa, Nhóm Mười Một đã thi hành. Kết quả, chỉ một bài truyền giảng của tông đồ Phê-rô, “khoảng ba ngàn người theo đạo” (x.Cv 2, …41)

Thế còn chúng ta hôm nay? Vâng, thật đáng buồn vì đại đa số tín hữu Công Giáo cho rằng, việc thực thi Đại Mệnh Lệnh mà Đức Giê-su đã truyền dạy là việc của các Giám Mục, linh mục, tu sĩ.

Suy nghĩ như thế e rằng không đúng. Không đúng là bởi, xưa Đức Giê-su không chỉ sai Nhóm Mười Hai “đi rao giảng Nước Thiên Chúa”, Ngài còn “chỉ định bảy mươi hai người khác… cứ từng hai người một, vào tất cả các thành… và nói với mọi người: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”.

Nhóm Mười Hai, với hôm nay được hiểu họ là ai? Thưa, là các Giám Mục và giúp đỡ các ngài là những linh mục. Còn “nhóm bảy mươi hai”? Thưa, là chúng ta… chính chúng ta.

Chính chúng ta phải thực thi “Đại Mệnh Lệnh” mà Đức Giê-su đã giao phó. Chính chúng ta phải “đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”.

Nếu chúng ta chưa ghi tên mình vào một nhóm truyền giáo nào đó, thì hôm nay, hãy viết tên mình, ngay trước thánh giá Chúa Ki-tô, và hãy nhớ  “không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng THẦN KHÍ của Thiên Chúa hằng sống”. (2Cor 3, …3)

Viết tên mình “…bằng THẦN KHÍ của Thiên Chúa hằng sống”, chúng ta sẽ có được một sức mạnh phi thường, đó là thứ “sức mạnh của sự thật”, một thứ sự thật khiến Satan và bè lũ của chúng run sợ chạy trốn.

Viết tên mình “…bằng THẦN KHÍ của Thiên Chúa hằng sống”, chúng ta sẽ có được một sức mạnh phi thường, đó là thứ “sức mạnh của tình yêu thương”, một thứ tình yêu “người liều mạng sống vì người mình yêu”.

Viết tên mình “…bằng THẦN KHÍ của Thiên Chúa hằng sống”, chúng ta sẽ không còn sợ hãi vì mình “chẳng biết ăn nói”, ngược lại “nhờ Thần Khí thúc đẩy” chúng ta sẽ “nói theo lệnh của Thiên Chúa”. (2Pr 1, …23)

“Bằng THẦN KHÍ của Thiên Chúa hằng sống, nhờ Thần Khí thúc đẩy, và nói theo lệnh của Thiên Chúa”, có được những thứ “bửu bối” này, sứ mạng “đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” của chúng ta, có phần chắc, sẽ thu được kết quả mỹ mãn.

“Bằng THẦN KHÍ của Thiên Chúa hằng sống, nhờ Thần Khí thúc đẩy, và nói theo lệnh của Thiên Chúa”, có được những thứ “bửu bối” này, đó chính là dấu chỉ chúng ta “có Chúa cùng hoạt động” trong sứ vụ loan báo Tin Mừng của mình.

Mệnh lệnh của Đức Giê-su đã được ban ra. Vấn đề là chúng ta sẽ thực thi! Phải thực thi, đừng để Đức Giê-su hiện ra và nói “Hỡi những người (Saigon) sao còn đứng nhìn trời”!? Trái lại, chúng ta hãy lớn tiếng gọi bảo nhau rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng”.

Vâng, đừng chần chờ gì nữa, “Chúng ta hãy đi…”

Petrus.tran

 

Trả lời