Chúng ta “có tin thế không?”

 

Chúng ta “có tin thế không?”Giáo lý Ki-tô giáo dạy chúng ta rằng: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”. Đây không phải là niềm tin mơ hồ, nhưng là dựa vào những lời Đức Giê-su đã truyền dạy: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống”.

Đặt niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời sau, còn do dựa vào mặc khải, qua những phép lạ cho kẻ chết sống lại, mà Đức Giê-su đã thực hiện, trong những ngày Ngài còn tại thế.

Kinh Thánh có ghi lại những phép lạ này. Và, một trong những phép lạ đó, luôn được nói đến như là mẫu mực cho niềm tin nêu trên, đó là: phép lạ Đức Giê-su làm cho anh La-da-rô đã chết được bốn ngày, sống lại. Phép lạ vô tiền khoáng hậu này, được thánh sử Gio-an ghi lại như sau:

Biến cố này xảy ra tại làng Bêtania, nơi  gia đình ba chị em Mác-ta, Maria và La-za-rô sinh sống. Đây là một gia đình rất “tình thương mến thương” với Đức Giê-su.

Cuộc sống của họ tưởng chừng lúc nào cũng chỉ có niềm vui. Thế nhưng, buồn thay! sương mù và giá lạnh đã phủ trùm lên gia đình họ. La-za-rô, là em của Mác-ta, bị đau nặng.

La-za-ro mắc bịnh gì! Thưa, không thấy thánh sử Gio-an nói đến. Chỉ nghe ngài kể lại rằng, hai cô cho người tìm đến Đức Giê-su để báo tin: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng”.

Ơ hay! Đức Giê-su có là thầy thuốc đâu! Tìm lương y không tìm, lại đi tìm anh thợ mộc! Hay, phải chăng, tìm đến Đức Giê-su là do hai cô có nghe nói đến về những phép lạ Ngài đã cứu chữa những người đau ốm, bệnh hoạn, tật nguyền!

Vâng, có thể là như vậy. Với một người như cô Maria, (người cứ ngồi bên chân Đức Giê-su mà nghe lời Người dạy), há chẳng lẽ cô ta không biết rằng: “Chúa… thương chữa lành các bệnh tật ngươi”, sao! (x.Tv 103, …3).

Vâng, hôm ấy, dù đã nhận được tin báo, nhưng phải đến hai ngày sau, Đức Giê-su mới đến nhà hai chị em Mác-ta và Maria. Sự hiện diện của Ngài đã thổi bùng niềm hy vọng nơi cô Mác-ta.

Thật vậy, lúc đó, dầu cho La-za-rô  “đã chôn trong mồ bốn ngày rồi” nhưng cô Mác-ta vẫn đặt niềm tin và hy vọng vào Đức Giê-su. Cô nói: “Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, người cũng sẽ ban cho Thầy” . (Ga 11, …22).

Còn với cô Maria thì sao? Thưa, vừa thấy Đức Giê-su, trong tiếng khóc não nề, cô ta phủ phục dưới chân Ngài và nói: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết”. Trước nỗi thống khổ của hai chị em Mác-ta và Maria, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến. Chuyện kể rằng: “Người đi tới mộ”.

Hôm đó, nơi ngôi mộ, một ngôi mộ được mô tả là “nặng mùi rồi”, một phép lạ vô tiền khoáng hậu đã xảy ra. Hôm ấy, sau lời cầu nguyện với Thiên Chúa, Đức Giê-su kêu lớn tiếng:  “Anh Lazaro, hãy ra khỏi mồ!”. Kỳ diệu thay! Chuyện được kể tiếp rằng: “Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải và mặt còn phủ khăn”.  Sau đó, Đức Giê-su bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, và để anh ấy đi”. Vâng, La-za-rô đã thật sự sống lại.

Hôm ấy, Đức Giê-su đã cầu nguyện, rằng:  “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha hằng nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con”. Lời cầu nguyện của Đức Giê-su đã được “Cha” nhậm lời. Nhậm lời không chỉ để cho “anh La-za-rô sống lại”, nhưng còn là “vì dân chúng đứng quanh đây”.

La-za-rô đã sống lại thật, nhưng chỉ là sống lại ở “đời này”. Điều vĩ đại mà Đức Giê-su muốn đem lại cho “dân chúng đứng quanh đây”, đó là “sự sống lại và sống mãi ở đời sau”. Đem lại cho La-za-rô sự sống ở đời này chỉ là chuyện nhất thời, đem lại cho muôn dân sự sống lại, sống mãi ở đời sau mới chính là sứ vụ của Đức Giê-su Ki-tô.

Vâng, “dân chúng đứng quanh đây”, ngày xưa, là người Do Thái. Còn hôm nay, chính là chúng ta. Đức Giê-su của hôm nay, cũng muốn chúng ta “tin là Thiên Chúa đã sai Ngài đến thế gian”. Và, chúng ta hôm nay, cũng có thể là một anh La-za-rô. Chúng ta cũng có thể đang nằm trong một ngôi mộ, một huyệt mộ chất chứa đầy tội lỗi.

Và, Thiên Chúa của ngày xưa, cũng là Thiên Chúa của ngày nay, qua môi miệng ngôn sứ Ê-de-ki-en, Người  cũng hứa với chúng ta rằng: “Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các người, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt”. Thế nên, hãy bước ra khỏi “huyệt mộ tội lỗi” của mình. Đừng nằm lỳ trong đó, vì đó là một thảm họa.

Vâng, thật thảm họa, vì, nếu cứ nằm trong đó, dù chỉ là một giây, tâm hồn chúng ta sẽ bị “hoại tử” bởi một ngôi mộ đã nặng mùi, những thứ “mùi nặng tính xác thịt”,  đó là: “dâm bôn, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè  chén”.

Thưa bạn, những ai dính dấp vào những thứ “mùi nặng tính xác thịt” như thế, thánh Phao-lô nói: “sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa”. Không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa,  đừng mong nhận được “sự sống lại và sống mãi ở đời sau”. Mà, có ai trong chúng ta lại không mong nuốn nhận được “sự sống lại và sống mãi ở đời sau”!

Thế nên, hãy như anh  La-za-rô xưa, đứng lên, “ra khỏi mồ”.  Ra khỏi mồ, vâng, đó không phải là tín điều để ta phải tin, nhưng lại là khởi đầu của một niềm tin, một niềm tin mà người Ki-tô hữu vẫn tuyên xưng vào  lễ Chúa Nhật, rằng “tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”. Amen. Mác-ta xưa đã tin như thế. Còn chúng ta, chúng ta “có tin thế không?”

Petrus.tran

 

Trả lời