Chúa Thăng Thiên: Sao còn đứng nhìn trời?

Sao còn đứng nhìn trời?

Chúa Thăng Thiên: Sao còn đứng nhìn trời?Hôm nay, toàn thể Giáo Hội Công Giáo mừng Lễ Thăng Thiên. Thăng Thiên là gì? Thưa, có nghĩa là lên trời và đây là nói về Đức Giê-su, không ngoài ai khác, rằng: Ngài đã lên trời. 

Vâng, người tín hữu Công Giáo tin rằng, Đức Giêsu “…Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết…” Đây là niềm tin tông truyền, các tông đồ chính là chứng nhân.

Thật  vậy! Sau khi Đức Giêsu phục sinh và đã hiện ra nhiều lần, nhiều cách với các môn đệ, có thể nói rằng, các ông đã dần dần phục hồi lại niềm tin vào Thầy của mình. Những lúc “buồn buồn với chán chường”, cùng với những nỗi thất vọng của các ông như bị đẩy lùi và thay vào đó là một niềm tin tưởng. Nhóm mười một các môn đệ tin rằng rồi đây Thầy Giêsu sẽ “khôi phục vương quốc Israel ” trong nay mai. 

Thế nhưng, đó không phải là điều Đức Giê-su sẽ thực hiện. Bốn mươi ngày qua, kể từ khi sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu không ngừng hiện ra với các môn đệ. Và mỗi khi hiện ra với các ông, ngoài những việc làm như ăn và uống để chứng minh rằng Ngài không phải là ma, nhưng đã thật sự sống lại, Đức Giêsu còn chú trọng đến những lời dạy dỗ các môn đệ. Một trong những điều dạy dỗ quan trọng, đó là Đức Giêsu đã “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”.

Ngoài việc mở trí cho các môn đệ hiểu Kinh Thánh, Đức Giê-su không quên nhắc lại cho các ông nhớ đến “Đấng Bảo Trợ” mà các ông sẽ “nhận được”, đó chính là “sức mạnh của Thánh Thần khi người ngự xuống” trên các ông.

“Nhận được sức mạnh của Thánh Thần” Đức Giê-su nói tiếp “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất”

Hôm đó, Đức Giê-su, sau những lời dặn dò các môn đệ, “Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (Cv 1, 9).

**

Có bao giờ chúng ta tự hỏi: Tại sao, sau khi sống lại, Đức Giê-su lại lên trời! Sao Ngài không ở lại thế gian, với quyền phép và chứng cứ chết đi sống lại của mình, một chứng cứ đủ thuyết phục để mọi người tin theo?

Thưa, nếu câu hỏi này được gửi đến Đức Giê-su, có phần chắc Ngài sẽ nói: “tư tưởng của ngươi không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của phàm nhân”.

Vâng, Đức Giê-su lên trời, như Ngài đã nói trong bữa tiệc mừng Lễ Vượt Qua, là để: “có lợi cho anh em”. Cái “lợi” đó, Đức Giê-su nói tiếp rằng: “Nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em”.

Không chỉ có thế, Đức Giê-su còn cho các môn đệ biết rằng: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”. 

 Về điều này, các môn đệ đã được xác nhận sau khi Đức Giê-su “được cất lên ngay trước mắt các ông”.  Vâng, hôm đó, “Đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh mà nói: ‘Hỡi những người Ga-li-lê sao còn đứng nhìn trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1, 10-11)

***

Thánh Phao-lô khi nói tới biến cố Đức Giê-su lên trời, ngài chia sẻ rằng: “Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt bên hữu Người trên trời” (Ep 1, …19-20). Còn chúng ta, hôm nay, kính trọng thể lễ Chúa Giê-su thăng thiên, chúng ta nghĩ gì?

Vâng, tác giả bài suy niệm “Rồi Ngài sẽ trở lại”, chia sẻ rằng: “Mừng Mầu Nhiệm Chúa về trời, bạn bước vào một mùa vọng mới, mùa mong đợi Đức Ki-tô lại đến. Chúng ta, ‘những người Ga-li-lê’ ngày nay, không được phép cứ đứng nhìn trời mà không làm gì cả, nhưng hãy quay trở lại công trường của mình là cuộc sống trần thế này, sắn tay áo xây dựng nó xứng tầm với “thành đô Giê-ru-sa-lem mới” trong ngày Đức Ki-tô lại đến.” (nguồn: 5 phút Lời Chúa tháng 6/2014)

****

“… Sắn tay áo xây dựng nó” như thế nào? Thưa, chỉ cần thực hiện bốn chữ “Hãy đi và làm…”. Vâng, Đức Giê-su, trước khi về trời, Ngài đã truyền dạy rằng, “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy cho anh em”(Mt 28, 19). Đây là một lệnh truyền không dành riêng cho ai. Không nhất thiết phải là một giáo sĩ, một giám mục hay một linh mục mới có thể “hãy đi và làm”.  

Theo tông huấn Giáo hội tại Châu Á ở số 45, do Thánh Gioan Phaolo II viết, thì: “Như Công đồng Va-ti-can II đã chỉ rõ, ơn gọi của người giáo dân đặt họ ngay vào trong thế giới để thi hành những phận vụ đa dạng nhất, chính tại đây họ được mời gọi truyền bá Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô  (x. Hiến chế “Ánh sáng muôn dân”, 31).

Do ơn sủng và do tiếng gọi của bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, mọi giáo dân đều là nhà truyền giáo; và địa bàn truyền giáo của họ là cả một thế giới rộng lớn và phức tạp như : chính trị, kinh tế, công nghiệp, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và thể thao…

Tôi xin gửi lời cám ơn của toàn thể Giáo Hội đến họ, và tôi khuyên tất cả các giáo dân hãy nhận lấy vai trò riêng của mình trong đời sống và sứ mạng của Dân Chúa, là làm chứng cho Đức Ki-tô ở bất cứ nơi nào mình có mặt”. (nguồn: Tông Đồ Giáo Dân Thực Hành).

*****

“… Làm chứng cho Đức Ki-tô ở bất cứ nơi nào mình có mặt”. Vâng, không nhất thiết chúng ta phải có mặt ở Phi Châu, ở Trung Đông hay một nơi nào đó trên thế giới, trước nhất và quan trọng nhất, đó chính là trong gia đình chúng ta.

Ai trong chúng ta lại không biết rằng, gia đình là rường cột xã hội, là nền tảng cộng đồng, là chiếc nôi sự sống và là nhà giáo dục đầu tiên. Chính vì thế, hãy để trong tâm hồn ta một câu hỏi, hỏi rằng: “tôi có là một chứng nhân của Đức Giê-su ngay trong gia đình của tôi?”

Nói rõ hơn, tôi có dạy bảo con tôi tuân giữ mọi điều Chúa đã truyền dạy cho tôi? Tôi có dạy bảo con tôi rằng, Chúa đã phán “Được cả thế gian mà mất linh hồn thì nào ích gì?” Trong một xã hội cổ súy chủ nghĩa duy vật vô thần, tôi có dạy bảo con tôi rằng: Chúa Giê-su – Ngài chính là “Đường, là Sự Thật và là Sự Sống?”. Tôi có nói với người bạn trăm năm của tôi rằng, phá thai là vi phạm vào điều răn thứ năm mà Đức Chúa Trời đã truyền dạy? v.v…

Hãy tưởng tượng, nếu chúng ta, gia đình chúng ta cùng dạy bảo nhau “những điều Chúa đã truyền dạy” thì điều gì sẽ xảy ra!? Vâng, chắc chắn rằng, láng giềng chúng ta sẽ thân thiết, anh em chúng ta sẽ hòa thuận và vợ chồng chúng ta sẽ ý hợp tâm đầu.

Láng giềng thân thiết, anh em hòa thuận, vợ chồng ý hợp tâm đầu – Kinh Thánh nói – “cả ba điều này đều đẹp lòng Đức Chúa và người ta” (Hc 25, 1)

Một khi làm “đẹp lòng Đức Chúa và người ta”, vâng, đó chính là lúc chúng ta thực thi trọn vẹn lệnh truyền của Đức Giê-su năm xưa, rằng “Hãy đi và làm”. Và nếu… nếu chẳng may “hai người đàn ông mặc áo trắng” năm xưa có thấy những gì chúng ta làm, có phần chắc, hai vị này sẽ không nói với chúng ta, rằng: Hỡi các anh “sao còn đứng nhìn trời?”

Petrus.tran

Trả lời