Chúa sẽ đến viếng thăm ta…

 

 

Chúa sẽ đến viếng thăm ta…Thành kiến là gì? Thưa, theo Đào Duy Anh: “Thành kiến là ý kiến cố chấp không thể lay động được. Khi đã có ý kiến tốt hay xấu về một người hay một vật gì thì khó lòng có thể thay đổi. Thành kiến thay đổi sự thật của sự vật, không còn như nó có. Thành kiến đã bóp méo sự thật, giống như người đeo kính xanh thì vật gì cũng xanh, đeo kính đỏ thì vật gì cũng đỏ” (nguồn: internet)

Mà, thật vậy, định nghĩa của Đào Duy Anh rất đúng, đúng như câu chuyện ba anh em kết nghĩa vườn đào: Lưu Bị, Quan Vân Trường và Trương Phi, thời Tam Quốc.

Chuyện kể rằng:  Họ là ba dũng tướng, tự chiêu mộ nghĩa binh, thành lập một đạo quân đánh đông dẹp bắc, chiến thắng lừng lẫy trước giặc khăn vàng. Trong trận kịch chiến giữa dũng binh của Lưu Bị với đoàn quân của Trương Giốc. Quân của Giốc náo loạn bỏ chạy. Lưu Bị giải cứu được Đổng Trác. Khi về đến bản doanh, Trác hỏi ba anh em Lưu-Quan-Trương rằng “ba người hiện làm chức quan gì?”. Lưu Bị cho biết họ hiện còn là chức “chân trắng”. Tác giả La-Quán-Trung viết “Trác nghe qua, trở mặt khinh khỉnh, không thèm thi lễ tiếp đãi”.

Không có gì ngạc nhiên, bởi trước mắt Đổng Trác, Lưu Bị chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt và nhất là, nếu Đổng Trác biết Lưu Bị xuất thân chỉ là tên “làm nghề tết dép dệt chiếu” thì con mắt của ông ta chắc hẳn sẽ còn khinh khỉnh hơn nữa… Nói tới thành kiến, nhà bác học Einstein đã phải thốt lên: “Phá vỡ một thành kiến còn khó hơn phá vỡ một nguyên tử”.

Đúng vậy, thành kiến như một bóng ma, một bóng ma lượn lờ suốt chiều dài lịch sử con người. Nó luôn ở trong tư thế sẵn sàng xâm nhập bất cứ ai. Từ vua quan cho tới thứ dân. Từ người trí thức cho tới kẻ thất học.

Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài cũng đã từng là nạn nhân của bóng ma thành kiến. Bóng ma đó đến từ nhóm Phariseu đầy kiêu ngạo. Bóng ma đó đến từ nhóm Sa-đốc đầy tự mãn. Tệ hại nhất, bóng ma đó đến từ chính những người đồng hương đầy cứng lòng của Ngài. Sự kiện này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

Câu chuyện được kể lại rằng: Sau ba mươi năm sống ẩn dật tại quê nhà Nazareth, Đức Giêsu bắt đầu ra đi thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

Sự xuất hiện của Đức Giêsu lập tức được “đồn ra khắp xứ Xyri”. Người ta đồn rằng: “giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền”. Bất cứ nơi nào Ngài hiện diện, người ta đều thấy dân chúng lũ lượt kéo đến vây quanh. Dân chúng vây quanh vì Ngài chính là nguồn cậy trông của “mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền”. Thế nhưng, thật đáng tiếc về những gì đã xảy ra cho Đức Giêsu khi trở về Nazareth.

Hôm đó, từ bên kia Biển Hồ, nơi vùng đất của dân Ghêrasa, Đức Giêsu ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Ngài. Người ta thấy “có các môn đệ đi theo”. Phải chăng, Đức Giêsu trở về mái nhà xưa là để khoe khoang “thành tích” cải-tử-hoàn-sinh cho người con gái của  ông Gia-ia, mà Ngài vừa thực hiện? Hay Ngài muốn cho bà con dòng họ biết chiếc áo của Ngài đang mặc là “chiếc áo thần”, chỉ một cái chạm đã có thể chữa lành một người phụ nữ bị băng huyết mười hai năm?

Thưa, không phải vậy. Đức Giêsu trở về quê quán không phải là để “kê-khai-thành-tích” của mình trước thân bằng quyến thuộc, bà con hàng xóm. Ngài trở về với một mục đích rõ rệt, đó là tiếp tục công bố Tin Mừng Cứu Độ.

Thật vậy, hôm đó, khi ngày sabát đến, Đức Giêsu đến hội đường theo đúng luật dạy: “Ngươi phải nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh… ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi” (Xh 20, 9-10).

Tưởng chúng ta cũng nên biết  qua về chương trình một buổi  nhóm của người Do Thái. Vâng, buổi nhóm ở hội đường, ngoài việc cầu kinh còn có việc đọc Kinh Thánh. Kinh Thánh được đọc bằng tiếng Do Thái và sau đó được dịch và giảng nghĩa bằng tiếng Aram . Kế tiếp là một vài lời khuyên dạy dựa theo bài Kinh Thánh được đọc hôm đó. Khách lạ trong hội đường thường được mời để thực hiện công việc danh dự này.

Hôm ấy, Đức Giê-su là người đọc Kinh Thánh. Sau đó: “Người bắt đầu giảng dạy” (M 6, 2)

Nhưng than ôi! nếu ở những hội đường khác, lời giảng dạy của Đức Giêsu “được mọi người tôn vinh” (Lc 4, 15) thì ở quê nhà Nazareth, lời giảng dạy của Ngài chỉ để lại nơi cử tọa đôi chút “ngạc nhiên”, và từ chỗ ngạc nhiên, thánh sử Mác-cô cho biết “họ vấp ngã vì Người”.

Ô hay! Tại sao lại vấp ngã? Phải chăng vì Đức Giê-su giảng quá dở? Thưa, không phải vậy, trái lại, lời giảng dạy của Ngài khiến cho “nhiều người nghe phải ngạc nhiên” đến nỗi họ đã thốt lên rằng: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao?”

Kinh Thánh có chép rằng: “Ý kiến xấu làm cho suy nghĩ của họ đảo điên” (Hc 3, 24). Hôm đó, cử tọa vấp ngã chỉ vì tâm tư của họ trĩu nặng những ý nghĩ xấu xa về Đức Giê-su.

“Con vua thì lại làm vua. Con sãi nhà chùa thì quét lá đa”. Vâng, đây là một thành kiến, cứ tưởng chỉ có ở tâm tư người Việt chúng ta. Không, người Do Thái xưa, cũng thế.

Hôm đó,  nói theo ngôn ngữ @ ngày nay, toàn thể cử tọa lần lượt “ném đá” Đức Giê-su. Những hòn đá thành kiến này, vâng, nếu được phép nói như thế, không chỉ  giết chết đức tin, mà còn hủy hoại đức cậy và ngăn cản đức mến, nơi họ.

Thật vậy, hôm đó, đôi mắt của họ nhìn Đức Giê-su, không phải là một Giê-su đầy quyền năng, quyền năng trên bệnh tật, trên sự chết và trên cả quỷ thần, trái lại họ đã nhìn Ngài như thể chỉ là “bác thợ con bà Maria”.

Chính vì thế, Đức Giê-su “không thể làm được phép lạ nào tại đó”. Thật ra, Người có làm, nhưng “chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ”.

Hôm đó, Đức Giê-su đã phải thổn thức mà thốt lên rằng “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”. Cuối cùng, Ngài đã diễn tả nỗi thất vọng của mình qua một lời nhận xét ngắn gọn: “vì họ không tin”.

Câu chuyện “Đức Giê-su về thăm Nazareth” đã xảy ra hơn hai ngàn năm. Thế nhưng, có gì ngăn trở để chúng ta nghĩ rằng, có vẻ như câu chuyện này vẫn đang xảy ra trên cuộc đời mỗi chúng ta.

Vâng, có gì ngăn cản để nghĩ rằng, mỗi chúng ta cũng là một “Nazareth mới”  của Ngài. Có gì ngăn cản để nghĩ rằng, Đức Giê-su vẫn tiếp tụ trở về thăm viếng “Nazareth-tâm hồn” của mỗi chúng ta.

Thật vậy, mỗi lần chúng ta tham dự “Tiệc Thánh Thể”, đó chính là mỗi lần Đức Giê-su trở về thăm viếng “Nazareth-tâm hồn” của mỗi chúng ta. Thế nên, hãy tự hỏi, tôi có thái độ thế nào mỗi khi tiếp nhận “Thánh Thể Chúa Ki-tô”?

Phải chăng là tiếp nhận theo thói quen, mỗi tuần một lần? Phải chăng là tiếp nhận để người đồng đạo không chê trách ta? Phải chăng là tiếp nhận để không lỗi luật Hội Thánh dạy: “Mọi tín hữu, sau khi rước lễ lần đầu, buộc phải rước lễ ít nhất mỗi năm một lần”.(Giáo luật số 920,2).

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, nếu chúng ta “tiếp đón” Thánh Thể Chúa Ki-tô như thế, e rằng chẳng sinh ích lợi gì cho “Nazareth-tâm hồn” của chúng ta. Tiếp nhận như thế, có khác nào chúng ta “rẻ rúng” ân sủng của Thiên Chúa, ân sủng được chính Con Một Người hiện diện trong đời ta!

Vâng, xin kể chuyện Thomas More (1478-1525) quan tể tướng của vua Henri 8 nước Anh, như một câu trả lời.

“Thomas More tuy làm quan lớn trong triều đình, nhưng ông vẫn đi lễ và rước lễ hằng ngày. Việc này làm các quan trong triều bàn tán, họ nói: Một giáo dân như quan tể tướng, bận rộn với biết bao công việc, bao lo âu.. còn phải mất thời giờ đi lễ thường xuyên như thế.

Quan tể tướng trả lời ngay: Thế nhưng chính các vị đã chính xác nêu lên những lý do giải thích tại sao tôi cần phải thường xuyên đi lễ và rước lễ. Nếu tôi có nhiều lo âu, việc rước lễ đem lại cho tôi sự can đảm, nếu mỗi ngày tôi phải gặp bao cơ hội làm phiền lòng Thiên Chúa, mỗi ngày việc rước lễ cho tôi những sức lực mới để tôi chống trả tội lỗi. Nếu tôi cần sự khôn ngoan và hiểu biết để chu toàn những phận vụ khó khăn, tôi tìm đến với Chúa mỗi một ngày để gặp được ánh sáng và những lời khuyên”. (nguồn: internet)

Còn một hình thức khác nói lên việc Đức Giê-su về thăm “Nazareth-tâm hồn” của mỗi chúng ta. Đó là, thăm chúng ta trong phần Phụng Vụ Lời Chúa, qua các linh mục, Ngài vẫn đứng đó, “giảng dạy” cho chúng ta.

Chúng ta đón nhận lời giảng dạy của Ngài, và đem ra thực hành, hay chúng ta thờ ơ lãnh đạm, nghe mà như không nghe? Đừng quên, Đức Giê-su đã nói:  “Ai nghe những lời Thầy nói đây và đem thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá.” (x.Mt 7,24)

Cuối cùng, có một điều chắc chắn sẽ xảy ra. Một trăm phần trăm sẽ xảy ra, đó là: Đức Giê-su sẽ đến thăm, thăm mỗi người chúng ta vào ngày tận thế, đúng như lời Kinh Thánh nói: “Chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến” (x.Kh 22, 20). Thế nên, chúng ta phải luôn sẵn sàng,  bởi vì, chẳng bao lâu nữa “Chúa sẽ đến viếng thăm ta”.

Petrus.tran

 

Trả lời