Chúa nhật 31 B : Mến Chúa yêu người

 

Chúa nhật 31 B

Mến Chúa yêu người :
Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó


Chúa nhật 31 B : Mến Chúa yêu ngườiNhư là một truyền thống đẹp, hàng năm cứ đến ngày 01/11, Giáo Hội dành riêng ngày này kính trọng thể các thánh nam và nữ, là những người đã ly trần, đã để lại những gương mẫu đời sống thánh thiện và đã được Giáo Hội, dựa trên quyền năng tối thượng, tôn phong hiển thánh sau nhiều cuộc điều tra cẩn thận và tỷ mỉ về các nhân đức mà các ngài  đã thực thi khi còn tại thế.

Khi nói đến các thánh nam nữ, và khi đọc qua tiểu sử của các ngài, có lẽ nhiều người trong chúng ta không khỏi kinh ngạc, sửng sốt, thán phục trước đức tin, đức cậy, và đức mến mà các ngài đã thể hiện qua đời sống thường nhật, và có lẽ, chúng ta sẽ  không khỏi băn khoăn nhủ thầm rằng, ôi! sống đời chứng nhân như các ngài, quả là một nan đề đối với chúng ta, chỉ là những phàm nhân đầy yếu đuối.

Vâng, ai trong chúng ta lại không hơn một lần trăn trở làm thế nào để sống một đời sống chứng nhân đầy nhân đức như các ngài, để nhờ đó, mai sau cũng được hưởng phúc trên Thiên Đàng”!..

Thật ra, không chỉ chúng ta hôm nay mới có nỗi băn khoăn này, nhưng ngay từ thời Đức Giêsu còn tại thế, đã có không ít người cũng có nỗi băn khoăn, trăn trở như chúng ta.

Điều quan trọng là khi nhận thấy nỗi băn khoăn của mình, chúng ta có tìm đến Chúa như người kinh sư trong trích thuật Tin mừng Chúa Nhật hôm nay (Mc 12, 28-34). Vâng, trước nỗi băn khoăn về lẽ thật của lề luật,  ông ta đã tìm đến Đức Giêsu và đã được Ngài giải tỏa nỗi băn khoăn mà bao ngày qua ông ta trăn trở.

**

Câu chuyện xảy ra hôm Đức Giêsu đang ở Giêrusalem. Hôm đó, sau một cuộc tranh luận gay gắt giữa Đức Giêsu và những người thuộc nhóm Sađốc xoay quanh vấn đề người chết sống lại, có một người trong nhóm kinh sư đã mon men đến gặp Ngài.

Nói đến những người trong nhóm kinh sư, quả thật, mỗi khi tìm gặp Đức Giêsu, họ  không tranh luận thì cũng là để soi mói hầu tìm cớ chỉ trích Ngài.

Thế nhưng, ông kinh sư hôm nay, lạ thật! khi đến gặp Đức Giêsu, không một dấu hiệu nào cho thấy ông ta muốn tranh luận với Ngài. Chỉ là một câu hỏi được đặt ra, và qua câu hỏi này, có vẻ như ông ta muốn Đức Giêsu giải tỏa nỗi băn khoăn bao năm qua ông ta đã trăn trở.   

Là một kinh sư, ông ta luôn băn khoăn về việc Do Thái giáo có 613 điều luật. Học thuộc những điều luật này đã là khó, nói chi đến việc cắt nghĩa cho chính xác và tuân thủ vẹn toàn. Vì thế, trước một “rừng luật”, ông đã tự hỏi: đâu là luật quan trọng nhất? và đâu là “luật rừng”?

Vâng, với Do Thái giáo, giữ luật chính là thước đo lòng mến của con người đối với Thiên Chúa. Vì thế, hôm đó, “thấy Đức Giêsu đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: Trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” (Mc 12, …28).

Thật đáng thương cho ông ta, ông ta đã rơi vào quỹ đạo của những kẻ mà Đức Giêsu đã gọi là “kẻ giả hình” chỉ biết “ngồi trên tòa Môse mà giảng dạy… bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta”.   

Do Thái giáo dựa trên “mười điều răn” Thiên Chúa đã truyền cho Môse. Trải qua nhiều thế hệ, đúng là các ông kinh sư đã  “bó” thêm  613 điều luật đầy nặng nề lên vai người ta. Và tệ hại hơn nữa, 248 luật khuyên làm và 365 luật cấm làm đã không thể thống nhất đâu là điều răn quan trọng nhất.

Ôi! Thật đáng tiếc… đáng tiếc cho một rừng ông kinh sư đang “hầu việc Chúa” trong Đền Thờ. Các ông đã quên Lời Chúa được chép trong “đệ nhị luật và thứ luật” để rồi hôm nay các ông rối lên trong một mớ bòng boong của luật lệ.

Thiên Chúa là tình yêu, Đức Giêsu đã công bố điều này cho một người cũng thuộc tầng lớp thủ lảnh của người Do Thái, ông ta tên là Nicôđemô. Ngài đã nói rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17).   

“Không phải để lên án thế gian” thì có cần đặt ra tới 613 điều luật để mà trở nên cái ách nặng nề cho thế gian?

Vì thế, Đức Giêsu, với ánh mắt trìu mến, Ngài đã trả lời ông kinh sư rằng “Điều răn đứng đầu là: nghe đây! Hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của người, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”. Sau đó, Ngài nói tiếp rằng: “Điều răn thứ hai là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”    

Một phút tâm tình và suy tư…

Là một Kitô hữu, chúng ta nghĩ gì về hai điều răn Đức Giêsu đã nêu trên? Ôi! Phải chăng là hãy Tạ ơn Chúa?

Đúng vậy, hãy tạ ơn Chúa vì Ngài đã rút từ 613 điều luật thật khó “học thuộc lòng”  cũng như thật khó thực thi, để hôm nay chỉ còn có hai điều luật, một, đó là “mến Chúa”, hai, đó là “yêu người”.

Vâng, chỉ có năm chữ “mến Chúa và yêu người” quả là quá dễ học và dễ nhớ.  

Thế nhưng dễ nhớ và dễ học vẫn chưa phải là điều Đức Giêsu mong đợi. Điều Ngài mong  đợi, đó là, cấp độ “mến Chúa và yêu người” của chúng ta có đạt tới mức độ “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” hay không?

Thế nào là mến Chúa và yêu người  “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”? Phải chăng là “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù”? Và phải chăng là chỉ cần thực hiện đúng như lời người xưa dạy bảo “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân – Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”?

Kitô giáo là một tôn giáo được xây dựng trên nền tảng tình yêu thương. Và tình yêu thương của Kitô giáo luôn sẵn sàng dấn thân, dẫu biết rằng để thể hiện sự dấn thân đó sẽ phải “chết trong lòng một ít”, và sẽ phải  “cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu”.

Cho nên, mến Chúa và yêu người  “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” chính là  “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 43-44).

Mến Chúa và yêu người “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” chính là “tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7, 12).

Và cuối cùng, mến Chúa và yêu người “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” chính là dám “hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13)

Hãy nhớ rằng, tất cả những điều đó đã được Đức Giêsu truyền dạy trong những ngày còn tại thế.

Và nếu…  nếu chúng ta thực thi những lệnh truyền của Ngài, điều đó còn “quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” và hãy tin rằng, đó là lúc chúng ta “không còn xa Nước Thiên Chúa”.  

***

Thật ra, để thể hiện việc mến Chúa và yêu người “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” không nhất thiết chúng ta phải “hy sinh tính mạng” như trường hợp linh mục Maximiliano Kolbe tình nguyện chết thay cho một bạn tù.

Thật vậy, với Mẹ Têrêsa Calcutta,  để thể hiện việc này, rất giản dị, chỉ cần “làm một việc bình thường với một tình yêu phi thường”.

Với thánh Martin de Porres, vâng, cũng giản dị không kém, ngài đã “đối xử với mọi người bằng tất cả đức ái, một đức ái phát xuất từ con tim với một tâm hồn khiêm nhường”.  

Còn đối với chúng ta ư!  nếu con tim chúng ta coi việc “không làm điều bất chính” như kim chỉ nam cho cuộc sống hôn nhân, nếu chúng ta “không vênh vang, không tự đắc, không tìm tư lợi, không nóng giận…” với tha nhân, có thể nói, đó là lúc chúng ta đạt tới mức độ “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” trong việc mến Chúa yêu người.

“Mến Chúa và yêu người”, vâng, đừng quên, khi chấm dứt cuộc trò chuyện với ông kinh sư, Đức Giêsu đã kết luận rằng “Chẳng có điều răn khác lớn hơn các điều răn đó” (Mc 12, …31).

Petrus.tran

Trả lời