Chúa nhật 24B : Giêsu … Ngài Là ai ?

 

Giêsu … Ngài Là ai ?

Chúa nhật 24B : Giêsu … Ngài Là ai ?Cuộc đời của Đức Giêsu – sau một thời gian ngắn phải trốn chạy sự truy sát của bạo chúa Hêrôđê – cả gia đình Ngài trở về sống ẩn dật tại làng quê Nazareth. Suốt ba mươi năm trời đó; Đức Giêsu – có thể nói – không có một biểu hiện gì cho mọi người thấy rằng Ngài là ai !!! Có chăng là – “Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ”(Lc 2:42). Chính chuyến đi này – Đức Giêsu có một cuộc tranh luận nhỏ với các “thầy dạy trong Đền Thờ” và cũng chẳng có gì xôn xao ngoài việc Ngài đã để lại nơi lòng người đôi chút “ngạc nhiên” về :”trí thông minh và những lời đối đáp của Người”.(Lc 2:47). Cuộc sống của Ngài là một cuộc sống âm thầm, lặng lẽ, giản dị, khó nghèo nhưng luôn :”thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta”.(Lc 2:52).

Chỉ cho đến khi Đức Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai.. Vâng, kể từ đó – “Từ lúc Ngài đi khắp vùng Galilê… rao giảng Tin Mừng. Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xyri. Từ miền Galilê, vùng thập tỉnh, thành Giêrusalem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-dan”. Nếu nhìn bản đồ Israel thời đó; chúng ta không khỏi ngạc nhiên về việc bất chấp trở ngại đường xá xa xôi : ”dân chúng (vẫn) lũ lươt kéo đến đi theo Người”. (Mt 5:23-25).  Có thể nói rằng; bất cứ ai nghe Đức Giêsu rao giảng – người đó sẽ phải đặt một dấu hỏi lớn về Ngài ! Không hỏi sao được khi mà cách thức “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền”. Không hỏi sao được; khi mà các kinh sư thì dạy một thứ giáo-lý-phàm-nhân; còn Đức Giêsu – Ngài đã loan báo một thứ “Giáo Lý mới mẻ’’ và điều thuyết phục họ đó là :”người dạy lại có uy quyền”(Mc 1:27). Đó là chưa nói đến những phép lạ như hôm ở “địa hạt Tia – Đức Giêsu đã chữa lành con gái một bà gốc Phê-ni-xi xứ Xyri khỏi bị quỷ ám” (Mc 7:24). Rồi một anh “vừa điếc vừa ngọng… ở miền Thập tỉnh”. Thêm một “anh mù ở Bêt-sai-đa” (Mc 8:22). Tất cả những lời giảng dạy của Đức Giêsu cũng như những phép lạ nêu trên đã khiến cho mọi người càng lúc càng thắc mắc về Ngài. Thế là khắp toàn vùng – từ Thập tỉnh chạy dài xuống Bết-sai-đa nơi mà :”Đức Giêsu và các môn đệ rời (bỏ) để đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Philipphê”..(Mc 8:27) – một loạt các tin đồn bàn tán xôn xao về Ngài. Giêsu…Ngài là ai ?

Một chút tâm tình.

Xê-da-rê Phi-líp, vùng cực bắc xứ Palestin. Lãnh địa này không thuộc quyền của tiểu vương Hê-rô-đê, nhưng do em của ông là Phi-líp cai trị. Chính Phi-líp là người xây dựng thành Xê-da-rê. Và  để phân biệt với thành Xê-da-rê miền duyên hải nên thành này được gọi là Xê-da-rê Philipphê.

Hôm đó, Đức Giê-su đã dẫn các môn đệ đi sâu vào vùng đất lương dân này, lên tới thượng nguồn của sông Gio-đan. Cảnh vật bên sông rất thơ mộng, chính trong khung cảnh êm ả và bầu khí nên thơ này – giữaThầy và trò đã có một cuộc “điều-trần-bỏ-túi”. Đức Giêsu lên tiếng chất vấn các ông :”Người ta nói Thầy là ai ?”. Toàn thể “nội các” tranh nhau phát biểu :”(có người bảo)Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác thì cho là một ngôn sứ nào đó”. (Mc 8:28). Những tin đồn này xem chừng ra có vẻ vu vơ nhưng nó đã vô tình nói lên một niềm xác tín mà sau này chính Đức Giêsu đã công bố và hôm nay toàn thể Hội Thánh Công giáo đều tuyên xưng:”Tôi tin xác loài người sẽ sống lại”. Người Do Thái xưa chắc hẳn cũng đã tin như thế. Nếu không tin thì :”Tiểu Vương Hêrôđê (khi) nghe danh tiếng Đức Giêsu” chắc hẳn ông ta sẽ không thể nói về Ngài rằng :”Đó chính là ông Gioan Tẩy Giả; ông ta đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng như thế” (Mt 14:1-2).  Còn nói Đức Giêsu là một-ngôn-sứ-nào-đó !!! Cũng chẳng sai vì : “ngôn sứ là vị đại diện của Thiên Chúa trước mặt người đương thời và thông truyền lời mạc khải cứu độ của Người cho nhân loại.  Ngoài Đức Giêsu – vào thời điểm đó – ai sẽ là vị ngôn sứ hoàn hảo ấy !!!

Thế nhưng -sẽ là tốt hơn -nếu những người đương thời họ nhớ tới lời tiên tri của ngôn sứ Isaia và nối kết những phép lạ mà Đức Giêsu đã làm ở Tia, ở vùng thập tỉnh, ở Bêtsaiđa !!! Nếu họ nhớ tới lời tiên tri này : ”Hãy nói với những kẻ nhát gan:Can đảm lên, đừng sợ ! Thiên Chúa của anh em đây rồi. Chính Người đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù mở ra. Tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai. Miệng lưỡi người câm sẽ reo hò”. (Is 35:4-7a). Vâng, chắc hẳn họ sẽ có câu trả lời chính xác về Đức Giêsu !!!

Một phút suy tư.

GIÊSU… Ngài là ai ? Hơn 2000 năm trôi qua – câu hỏi này vẫn còn mang tính thời sự. Nó vẫn là câu hỏi mở cho mỗi chúng ta. Có lẽ sẽ có một rừng câu trả lời về Đức Giêsu. Thật vậy, đã có rất nhiều tác phẩm văn chương, âm nhạc cũng như trên màn ảnh – tất cả đều đặt vấn đề về Ngài. Chẳng hạn như nhà văn Aimatov trong tác phẩm “Đoạn đầu đài” đã nói lên những cảm nghĩ và trăn trở của mình về Đức Giêsu và về cây thập tự của Ngài. Mel Gibson với bộ phim “The passion of the Christ” đã gây nhức nhối trong lòng nhiều khán giả. Cũng không thể quên nhà văn Dan Brown với sự cộng tác đắc lực của đạo diễn Row Howard đã cho ra đời bộ phim “The Da Vinci code” gây nhiều phẫn nộ trong giới Kitô giáo.Tuy nhiên, hình ảnh Đức Giêsu – qua những tác phẩm trên dẫu có hay và lôi cuốn – vẫn chưa phải là Đức Giêsu đích thực của lịch sử, của lòng tin, của Tin Mừng.

Chuyện kể lại rằng :Trong một buổi cầu nguyện, một người đàn bà Mỹ với giọng Ðức còn nặng đã chia sẻ một câu chuyện sau:

Bà là một thiếu nữ Do Thái bị giam trong một trại tập trung Ðức Quốc Xã trong thời đệ nhị thế chiến. Câu chuyện của bà không khác bao nhiêu so với những nỗi đau khủng khiếp của những tù nhân trong các trại tập trung này. Sau nhiều tháng bị lạm dụng và đói khát, người thiếu nữ Do Thái chợt nhận thức được rằng, bao lâu còn chút sức khỏe cô phải tìm cách trốn thoát khỏi trại bằng mọi giá..

Vừa tốt nghiệp trung hoc, cô thấy nhiều phụ nữ chỉ hơn cô vài tuổi nhưng trông chẳng khác nào các cụ già. Ðêm đào thoát, cô đã qua được những chặng đầu rất thành công. Chặng gay go cuối cùng là phải leo qua hàng rào kẽm gai, nhưng cô chỉ còn cách hàng rào kẽm gai vài bước thì người lính trực đã phát giác ra cô. Anh chĩa súng vào người cô để cô dừng lại. Máu me đã chảy lai láng từ đầu gối cô, cô khóc sướt mướt khi biết rằng cô không còn chút hy vọng nào để trốn thoát. Nhưng trước sự ngạc nhiên của cô, cô nghe người lính Ðức Quốc xã gọi tên cô: Eli, có phải cô không?

Không thể tưởng tượng được, cô nhìn thẳng vào mặt người lính, nhận ra anh là Rodge, người bạn học rất thân của cô. Họ đã chia sẻ cho nhau biết bao nhiêu ước mơ và khát vọng. Nhưng giờ đây vì chiến tranh, hai người đang ở hai chiến tuyến đối nghịch nhau. Cô nài nỉ người lính Ðức Quốc Xã: “Rodge, anh giết tôi đi, tôi không còn một lý do nào để sống nữa, tôi đã mất tất cả hy vọng rồi”. Nhưng anh nói với cô:

– Eli, đừng nói thế, bao lâu mình biết mình đang sống cho ai thì đó là lý do để sống còn. Tôi sẽ giúp cô trốn thoát, tôi sẽ canh chừng cho đến khi cô leo qua hàng rào kẽm gai, nhưng cô có chịu hứa với tôi một điều không ?

Ngươì thiếu nữ nghi ngờ, nhưng nhìn thẳng vào mắt người thanh niên, cô hiểu rằng anh rất thành thực.  Anh nói với cô: – Xin cô hứa với tôi là khi cô được tự do, cô sẽ liên tục tự mình hỏi mình một câu hỏi cho đến khi có ai đó trả lời cho cô nghe. Câu hỏi đó là: – Tại sao Chúa Giêsu Kitô làm cho cuộc đời đáng sống?

– Cô hứa với tôi nghe Eli, Ngài là lý do duy nhất để chúng ta sống. Cô hãy hứa với tôi điều đó cho đến khi cô tìm được câu trả lời !

Cô gái hầu như la lớn:  “Vâng, tôi xin hứa”.

Nhưng khi cô vừa leo qua hàng rào kẽm gai, cô cảm thấy có lỗi, cô tự nghĩ lẽ ra mình không nên hứa bất cứ điều gì để thoát ra khỏi điạ ngục này. Khi cô vừa nhảy qua được bên bờ tự do, cô nghe được nhiều tiếng súng nổ, vừa chạy vừa nhìn lại cô cứ tưởng rằng người thanh niên đã đổi ý nên bắn theo cô. Nhưng không, cô thấy những người lính Ðức khác chạy đến chỗ của Rodge và khi biết rằng anh ta đã để cho cô đào thoát, họ đã nả súng vào người anh. Cô hiểu rằng, Rodge đã chết cho cô để cô được biết Chúa Giêsu. Từ đó cô không ngừng tự hỏi: Giêsu là ai mà có thể khiến cho người khác sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để cô được biết Ngài? (trích nguồn : thienthan.forumotion..com/).

Chắc hẳn mỗi chúng ta không quên – Đức Giêsu – cũng đã tự giới thiệu về mình rằng :” Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế, cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8:31).. Rogde đã có một câu trả lời hoàn hảo về Đức Giêsu. Phải chăng đó cũng chính là câu trả lời mà mỗi chúng ta nên ghi khắc trong con tim của mình.

Petrus.tran

Trả lời