Chúa nhật 01 mùa vọng năm B: Phải canh thức…

 

Chúa nhật 01 mùa vọng năm B: Phải canh thức…Kết thúc một năm phụng vụ, Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ Đức Giê-su Ki-tô là Vua. Và, sau thánh lễ này, năm phụng vụ mới được bắt đầu bằng Mùa Vọng. Mùa Vọng có bốn tuần, và tiếp sau đó là Đại Lễ kỷ niệm ngày Đức Giê-su xuống thế làm người.

Với bốn tuần quả là một thời gian lý tưởng cho sự chuẩn bị. Và, chúng ta sẽ chuẩn bị gì nhỉ! Phải chăng là chúng ta sẽ thiết kế một hang đá thật lộng lẫy với những dây đèn chớp tắt đầy màu sắc! Phải chăng là chúng ta sẽ dựng một cây thông cao một trăm mét! Phải chăng là chúng ta sẽ tổ chức những buổi tiệc nửa đêm đầm ấm với gia đình!

Đó… đó là những truyền thống khó thay đổi. Tuy nhiên, nếu chỉ là những sự chuẩn bị như thế, thì Mùa Vọng không còn ý nghĩa và chúng ta quá phí phạm thời gian. Mùa Vọng sẽ là đầy ý nghĩ khi chúng ta còn chuẩn bị cho mình một tâm tình mong chờ “Chúa đến”. Trông đợi và mong chờ một Giê-su – Ngài “sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”.

Sự trông đợi và mong chờ đó, không tự chúng ta nghĩ ra, nhưng được dựa vào chính lời Đức Giêsu đã tâm tình cùng các môn đệ  trong bữa tiệc ly, rằng: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy… Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng, và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.” (Ga 16, 16…22).

Vào ngày Đức Giê-su lên trời, lời tuyên phán đó được xác định một lần nữa trước các môn đệ, bởi những tiếng phán từ trời cao, rằng: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (x.Cv 1, 11).

Chớ có mệt mỏi và xao lãng cho việc “trông đợi và mong chờ” ngày Chúa đến. Xưa kia, khi còn tại thế, Đức Giê-su có lời truyền dạy rằng: “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không; chỉ có Chúa Cha biết mà thôi”. Và sau đó, Ngài có lời khuyên tiếp rằng: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến”.

“Phải tỉnh thức”. Hồi ấy, sau những lời khuyên, Đức Giêsu đã mượn một câu chuyện rất đời thường như để nói lên sự cần thiết cho việc phải tỉnh thức. Câu chuyện được ghi lại trong Tin Mừng Mac-cô với tựa đề “Phải tỉnh thức và sẵn sàng” (x.Mc 13, 33-37).

Vâng, Đức Giê-su đã kể rằng: “Cũng như người kia trẩy đi phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức”.

Kể tới đây, Đức Giê-su đưa ra ngay lời khuyến cáo: “Vậy, anh  em phải canh thức, vì anh  em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh  em phải canh thức, kẻo lỡ ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh  em đang ngủ”. Không phải một lần, mà là tới năm lần Đức Giê-su nhắc nhở: “Phải canh thức”. Rất rõ ràng và rất dễ hiểu, phải không, thưa quý vị!

Đức Giê-su không chỉ nhắc nhở cho các môn đệ, Ngài còn nhắc nhở cho mỗi chúng ta. Đây, lời Ngài đã nói:  “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức”. Nói “với hết thảy mọi người” chẳng phải là nói với mỗi chúng ta sao! Thế nên, có phần chắc, hôm nay Đức Giê-su cũng sẽ nói với chúng ta một điều gì đó. Có phần chắc, Ngài cũng sẽ “trao quyền”  và “chỉ định” mỗi chúng ta làm một việc nào đó.

Rất có thể Ngài trao cho chúng ta “quyền” làm Giám Mục, Linh Mục. Rất có thể Đức Giê-su trao cho chúng ta “quyền” làm cha hay làm mẹ. Rất có thể Ngài trao quyền cho chúng ta quyền làm thầy giáo, làm bác sĩ, làm y tá v.v…

Vì thế, hãy tự hỏi, nếu được trao quyền là “người mục tử”, chúng ta có tỉnh táo “canh thức”, canh thức trước những hiểm nguy của chủ nghĩa vô thần,  những hiểm nguy bởi những trào lưu  do thế tục cổ xúy, đại loại như trào lưu sống thử, trào lưu hôn nhân đồng tính v.v… hầu có thể cảnh báo cho “đàn chiên” mà ông chủ Giê-su đã giao phó!

Hay…  ta lại “say ngủ” trên danh vọng, trên chức vụ, mơ màng được nổi tiếng, nổi tiếng là người cai quản giáo xứ, với ngôi nhà thờ trị giá vài chục tỷ đồng? Hoặc, ta đang chìm đắm vào những lo toan, cho những chi phí “nội thất” của ngôi nhà thờ, đại loại như dàn âm thanh “khủng” vài trăm triệu đồng v.v… Để rồi “bộ nhớ” của ta không còn nhận ra   khuôn mặt độc đáo của Ông Chủ Giê-su, một khuôn mặt được cải trang qua thân phận những con người nghèo khổ, sống trong những căn nhà dột nát, những căn nhà ngập ngụa khi triều cường lên, nằm rải rác chung quanh ngôi nhà thờ “triệu đô” của ta?

Hãy tự hỏi, nếu được trao quyền “làm cha – làm mẹ”, chúng ta có tỉnh táo canh thức, canh thức trước những hiểm nguy của sự nóng nảy, của say sưa chè chén, của lối sống phóng túng v.v… hầu có thể nhận ra, những hiểm nguy này chính là tiền đề cho những xung đột, cho những cãi vã, cho những ghen tuông, để rồi cuối cùng là sự đổ vỡ… “đường anh anh đi, đường em em đi, tình nghĩa đôi ta chỉ có thế thôi”!?

Hãy tự hỏi, được trao quyền hoặc được chỉ định những công việc bình thường  giữa một xã hội đời thường, như: thầy thuốc, thầy giáo v.v… Ta có tỉnh táo canh thức, canh thức trước những cám dỗ của đồng tiền… “lương y không bằng lương tháng”,  “tiên học phí, hậu học văn” v.v… hầu có thể nhận ra, rằng: “lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào ích gì”!  Tất cả những điều nêu trên chỉ là giả thiết. Là một Ki-tô hữu, tất nhiên, không ai trong chúng ta muốn những “giả thiết” đó chính là “kết luận” trong cuộc đời mình.

Vâng, muốn những giả thiết nêu trên không phải là kết luận trong cuộc đời mình,  muốn chúng ta không “say ngủ” trong công việc được Ông Chủ Giê-su trao quyền, hãy…  hãy đặt trong tâm hồn chúng ta một niềm tin,  tin rằng, mỗi công việc Ông chủ Giêsu giao phó chính là, “ân huệ Người đã ban cho (chúng ta) nơi Đức Kitô Giêsu”(x.1Cr 1, …4)

Có được niềm tin như thế, có lý nào chúng ta “say ngủ”, có lý nào chúng ta hành xử công việc được trao quyền, được chỉ định một cách “mơ màng” vô trách nhiệm, phải không, thưa quý vị!

Thánh Phaolô đã nói : “Trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người”. (1Cr 1, 5). Suốt chiều dài lịch sử Ki-tô giáo, chưa có một ai, khi đã “được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người” mà lại “say ngủ”. Trái lại, có phần chắc, lời cảnh báo “phải canh thức” của Chúa Giêsu sẽ “ăn sâu vững chắc vào lòng trí” trong người đó.

Chúng ta hãy nhẫn nại nghe thêm một lời khẳng định của thánh Phaolô, ngài khẳng định rằng “Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa”.

Đúng vậy, có lý nào Đức Giê-su lại trách cứ khi chúng ta luôn “tỉnh thức” trước những cám dỗ của satan và thế gian này! Có lý nào Ngài không kêu gọi chúng ta “đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1Cr 1, 9).

Nếu chúng ta xác tín như thế, đừng chần chờ gì nữa, hãy mượn lời của ngôn sứ Isaia, như một lời nguyện của chúng ta, khẩn thiết dâng lên Thiên Chúa, rằng “Lạy ĐỨC CHÚA… Vì tình thương đối với tôi tớ…. Xin Ngài mau trở lại” (x.Is 63, 17).

Trông chờ và mong đợi ngày “Chúa trở lại”, trong tâm tình khát khao như thế,  cùng với ơn Chúa, có lẽ nào chúng ta lại quên lãng lời Đức Giê-su đã truyền dạy, nhỉ! Vâng, hãy ghi khắc lời Ngài truyền dạy, rằng: “Phải canh thức”.

Petrus.tran

 

 

Trả lời