Chúa đã sống lại thật rồi, Ha-lê-lui-a!

Chúa đã sống lại thật rồi, Ha-lê-lui-a!

Chúa đã sống lại thật rồi, Ha-lê-lui-a!“Chúa đã sống lại thật rồi, Ha-lê-lui-a. Kính dâng Người vinh quang và uy quyền. Đến muôn đời muôn thuở. Ha-lê-lui-a”. Vâng, đây là ca nhập lễ của ngày lễ Phục Sinh và đó cũng là điều mà chúng ta tuyên xưng vào mỗi Chúa Nhật, rằng “Người sống lại thật như lời Thánh Kinh”.

Thế nhưng, để tuyên xưng Đức Giêsu Phục Sinh, các môn đệ xưa, không giản dị như chúng ta đứng đó đọc Kinh Tin Kính. Trái lại, các ngài đã phải trải qua những thách thức, những chờ đợi, trong tâm trạng lo lắng và sợ hãi.

Thật vậy,  sau cái chết của Đức Giê-su vào hôm thứ Sáu trên đồi Gôn-gô-tha, những người môn đệ của Ngài đã sống trong tâm trạng buồn hiu hắt buồn.

Với Phêrô, có quá nhiều điều khiến cho con tim ông nhức nhối. Nghĩ về Giu-đa Iscariot, ông không thể quên được nụ hôn đầy nham hiểm của y. Nụ hôn… một cử chỉ biểu lộ tình yêu và tha thứ. Buồn thay! Y lại dùng làm tín hiệu để nhận diện kẻ bị bắt bớ. 

Nghĩ lại cú “hồi mã thương” của mình đã làm đứt tai phải của Mankhô, tên đầy tớ của vị thượng phẩm. Thế mà, không hiểu tại sao Thầy Giêsu lại “sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành”…

Rồi khi nghĩ đến bản thân, Phê-rô không khỏi bối rối và hối hận về việc ông đã “thề độc” trước một người tớ gái rằng, “Tôi thề là không có biết người các ông nói đó”. 

Còn Gio-an, ông đang để cho hồn mình chìm vào khung cảnh của Gôn-gô-tha, nơi Thầy Giê-su bị đóng đinh. Làm sao ông có thể quên được hình ảnh “một tên lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn” Người. Làm sao ông quên được hình ảnh kẻ qua người lại nhục mạ Thầy Giêsu. Làm sao Gioan quên được trọng trách Thầy Giêsu đã giao phó Mẹ Maria cho mình “Đây là mẹ của anh”. Và cuối cùng, làm sao ông quên được tiếng nói nghẹn ngào của Thầy Giêsu “Thế là đã hoàn tất”.

Đêm nay, đã là hai đêm… hai đêm đợi chờ…  Chẳng lẽ lời phán hứa của Thầy Giê-su, rằng: “ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31) là lời phán hứa hão huyền sao đây!? 

Khi bình minh của ngày thứ nhất trong tuần sắp đến… Khi Phê-rô và Gio-an gần như tuyệt vọng trong sự đợi chờ, thì, các ông nghe thấy  những tiếng chân chạy.  

Tiếng chân mỗi lúc một gần hơn. Thì ra, đó là một người phụ nữ. Người phụ nữ đó, với khuôn mặt đầy sự căng thẳng, tay chân run lẩy bẩy, lắp bắp nói với Si-mon Phê-rô: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” (Ga 20,1-2). 

Người phụ nữ này chính là bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Bà ta là người đã được Đức Giê-su trừ quỷ và chữa bệnh. Hôm đó, hôm Đức Giê-su bị bắt và bị giết chết, bà ta đã theo chân Người suốt con đường từ dinh Philato đến tận đỉnh đồi Gôn-gô-tha. Chính mắt bà chứng kiến cảnh hành hình và cái chết của Ngài. Bà không thể lầm nơi Đức Giê-su được chôn cất. Đó là gần nơi Đức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, trong mảnh vườn ấy có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai.

Hôm ông Giô-sếp, người A-ri-ma-thê, được tổng trấn Phi-la-tô cho phép nhận thi hài Đức Giê-su để chôn, “bà và một bà khác cũng tên là Maria…” thấy rõ ràng ông ta đã “lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá”. Sau đó “ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ rồi ra về” (x.Mt 27, …60)

Vậy mà hôm nay, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, khi đến mộ, bà Ma-ri-a Mác-đa-la “thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ”.

Sau khi nghe những lời kể của Maria Mác-đa-la, không một chút đắn đo, Phê-rô và Gio-an lập tức ra khỏi nhà.   

Ra khỏi nhà, “cả hai người cùng chạy”. Khi tới ngôi mộ, nơi Thầy Giê-su đã được mai táng, đúng y như lời kể của Maria, một cảnh tượng khác thường đã xảy ra. Các ông chỉ thấy “những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại…” (Ga 20,..7). 

Không hiểu tại sao những “băng vải tẩm thuốc thơm quấn thi hài Đức Giêsu” nay đã được “xếp riêng ra một nơi”…  Đức Giê-su đâu? Các ông không thấy, tuy nhiên, khi nhìn nhưng sự khác thường đó, Gio-an “đã tin”. Sau đó, chuyện kể tiếp rằng: “Các môn đệ lại trở về nhà”. (x.Ga 20, 10)

Khi trở về nhà, thật đáng tiếc, niềm tin của các ông trở nên “nửa tin nửa ngờ”. Thật vậy, sự “nghi ngờ” về việc Thầy Giêsu đã sống lại vẫn còn ẩn chứa trong tâm hồn các ông. Vì thế đã có lần khi Đức Giê-su hiện ra: “đứng giữa các ông… các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24, 36-37). 

Các môn đệ chỉ thật sự tin và tuyên xưng “Người từ cõi chết sống lại” là nhờ Đức Giê-su đã “hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” và “dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình”, và cuối cùng là “…mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh (rằng) Có lời Kinh Thánh chép : Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, phải nhân danh Người  mà rao giảng cho muôn dân”. (Lc 24,45).

Nhờ thế, tông đồ niên trưởng  Phêrô, sau này,  đã can đảm rao giảng về Đức Giêsu một cách mạnh mẽ, rằng: “Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10,40-41).

Dẫu sao cũng phải nhìn nhận rằng, chính niềm tin “đơn sơ” vào hiện tượng “tảng đá đã lăn khỏi mộ” và “ngôi mộ trống” nó như chiếc chìa khóa để  Phêrô cũng như các môn đệ khác, mở lòng ra, tin rằng, Đức  Giêsu “Người đã trỗi dậy từ cõi chết”.

Đức Giê-su Ki-tô từ trong cõi chết, Ngài đã Phục Sinh. Vâng, đó là điều mà hôm nay, khoảng hai tỷ người tin và đón nhận như là cứu cánh cho cuộc đời mình. Thế nhưng, thật đáng buồn là sự kiện “Đức Giêsu Kitô Phục Sinh” vẫn luôn là đề tài gây nhiều tranh luận trái chiều.

Thật vậy, không phải chỉ có các thượng tế và kỳ mục khi xưa đạp đổ niềm tin Đức Giêsu Phục Sinh bằng cách dùng thủ đoạn hối lộ “cho lính một số tiền lớn” để họ vu khống lên rằng, “các môn đệ (của Giêsu) đã đến lấy trộm xác”.

Hôm nay, vẫn còn không ít người, vẫn kiên trì dùng những thủ đoạn đó. Họ đưa ra những sự dối trá và lừa lọc rất thâm độc để tấn công Hội Thánh Chúa, đả phá sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô.

Mãnh liệt nhất là từ đầu thập niên 1990 đến nay, khắp nơi trên thế giới bùng lên phong trào chống Ki-tô giáo. Có hàng trăm cuốn sách, có hàng ngàn bài báo tấn công mọi mặt về niềm tin Đức Giê-su Phục Sinh nói riêng và về Giáo Hội nói chung.  

Triết gia người Đức, David Strauss, đã nêu lên vấn đề này trong tác phẩm “The life of Jesus critically examined” với lập luận cho rằng: Các tín hữu đầu tiên của Kitô giáo đã cố tìm mọi cách để gán cho Giêsu đủ thứ huyền thoại về một Đấng Cứu Thế mà mọi người mong đợi. Tác giả cuốn sách cố chứng minh rằng, Đức Giêsu của Kinh Thánh chỉ là một Giêsu của huyền thoại.

Việt nam cũng không kém cạnh gì. Những tác phẩm “ruồi trâu – ruồi bò” hồi thập niên 1970 cũng đã đóng góp tích cực cho sự đả phá Giáo Hội Công giáo.

Có lẽ, chúng ta không cần tranh luận gì về những điều mà họ đã viết. Tại sao? Thưa, bởi những gì họ đã viết đều có một điểm chung, đó là “sự dối trá và lừa lọc”. Mà “dối trá và lừa lọc” thì, như lời của Benjamin Franklin nói, đó chỉ là:  “hành động của kẻ ngu xuẩn không có đủ trí óc để trung thực.”

Vâng, là một Ki-tô hữu, để không bị sự dối trá và lừa lọc của thế gian làm ảnh hưởng đến niềm tin, không gì tốt hơn là hãy nghe chính Lời Chúa qua Thánh Kinh. Thánh Kinh không thể lừa dối chúng ta, bởi những gì đã được viết trong Thánh Kinh, nếu là sự lừa dối, tất nhiên không thể tồn tại đến hôm nay.

Abraham Lincoln có nói “ai đó có thể lừa dối một số người trong một lúc, và lừa dối hết mọi người trong vài lúc, nhưng không thể mãi mãi lừa dối được tất cả mọi người.”

Vì thế, thật phải đạo khi hôm nay, chúng ta hãy nghe lại lời Chúa Giêsu đã phán khi xưa, rằng, “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Ta, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 25-26)

Và cũng đừng quên, nơi bàn tiệc Thánh Thể, với niềm tin, chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu Phục Sinh, một Giêsu đã phán hứa rằng, “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54).

Trở lại câu chuyện Phêrô và Gioan. Ra tới mộ, hai ông chỉ thấy ngôi mộ trống. Không thấy “Vinh quang Phục Sinh” của Thầy Giêsu, nhưng hai ông đã tin. Nhắc lại điều này để chúng ta thấy rằng, niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh không phải là “thấy mới tin” nhưng là nhờ “tin mà thấy”.

Hôm nay, Chúa Nhật 05.04.2015, một lần nữa, chúng ta kỷ niệm mừng Chúa Giê-su Phục Sinh. Như đã nói ở trên, ngày nay vẫn còn không ít người, cách này cách khác, phủ nhận sự Phục Sinh của Đức Giê-su. Chính vì thế, hôm nay, không phải là các tông đồ, các giáo phụ, mà là chính chúng ta, chính chúng ta phải chứng minh cho thế giới biết rằng “Chúa đã sống lại thật rồi”.

Chứng minh bằng cách nào? Phải chăng là phải đổi lấy mạng sống mình như các thánh Tê-pha-nô, Phê-rô, Phao-lô xưa? Thưa, xét thấy nếu cần, thì cũng cần phải làm như thế. Tuy nhiên, thực tế nhất, chỉ cần chứng minh bằng chính đời sống của chúng ta.

Trong cuộc sống thường nhật, chỉ cần mỗi chúng ta biết “Đem yêu thương vào nơi oán thù. Đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp”, một cách gián tiếp, đó là cách chúng ta cho mọi người thấy, một Đức Giê-su chết, nay đã sống lại, qua con người chúng ta.

Trong cuộc sống, chỉ cần mỗi chúng ta biết “Tìm an ủi người hơn được người ủi an… Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu”, đó… đó chính là cách chúng ta chứng minh cho thế giới biết, một Đức Giê-su chết, nay đã sống lại, qua con người chúng ta.

Nếu chúng ta chấp nhận “hiến thân, quên mình” vì bạn hữu, vì tha nhân, một cách gián tiếp, chúng ta cho mọi người thấy, một Đức Giê-su chết, nay đã sống lại qua con người chúng ta.

Nói tắt một lời, là một Ki-tô hữu, nếu chúng ta biết kiện toàn những điều được nêu trên, hãy tin, ơn Chúa, một lúc nào đó, cũng sẽ có một ai đó, có thể là một người bạn của ta, hay một đồng nghiệp của ta, hoặc một người hàng xóm của ta, sẽ cùng ta đồng thanh cất tiếng tuyên xưng “Chúa đã sống lại thật rồi, Ha-lê-lui-a”.

Petrus.tran

Trả lời