Chớ sống theo thói đời…

 

Chớ sống theo thói đời…Thói quen là gì? Thưa, theo một số nhà tâm lý định nghĩa: “Thói quen là  những hành vi đã được hình thành và lập đi lập lại nhiều lần”. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Thói quen là bản năng thứ hai”. Và, đã là bản năng, thói quen trở thành một phần của cuộc sống. Là một phần của cuộc sống, thế nên mỗi chúng ta chắc hẳn ai cũng có một thói quen nhất định.

Thói quen nhất định đó có thể là: say sưa chè chén, hút thuốc lá,  chửi thề, ngồi lê đôi mách, nói xấu người khác v.v… Thói quen nhất định đó cũng có thể là “hứa cho nhiều rồi lại quên”, là nói một đàng làm một nẻo. Ngoài những thói quen “xấu” nêu trên, mỗi chúng ta cũng có thể có một thói quen “tốt” nào đó. Chẳng hạn như biết nói lên lời xin lỗi khi phạm lỗi. Hoặc biết cất lên lời cảm ơn khi một ai đó giúp đỡ chúng ta v.v…

Đức Giê-su khi còn tại thế, Ngài cũng có những thói quen nhất định của mình. Một thói quen của Đức Giê-su luôn được Kinh Thánh nhắc đến, đó là thói quen cầu nguyện. Sau thói quen cầu nguyện, Ngài còn một thói quen khác, một thói quen phải được xem là mẫu mực cho chúng ta hôm nay, đó là: “làm việc không mệt mỏi”. Vâng, trình thuật Tin Mừng thánh Mác-cô (1, 29-39) cho chúng ta thấy rõ nét Ngài đã làm việc như thế nào cho “một ngày trong đời” của mình.

Trình thuật được ghi như sau: Sau khi Đức Giê-su “ra khỏi hội đường Ca-pha-na-un, (Ngài) đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê”. Cùng đi  theo với Ngài còn “có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an” (x.Mc 1, 29). Cuộc viếng thăm này,  có thể nói, đã đem đến gia đình hai ông Si-mon và An-rê niềm vui lớn. Thế nhưng, thật đáng tiếc, đáng tiếc vì gia chủ là “bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt”. Sự kiện này khiến cho cả nhà băn khoăn. Có một vị khách quý đến nhà, nay gia chủ lại “nằm trên giường”. Ai… ai sẽ là người đứng ra tiếp khách đây!

Băn khoăn là vậy. Và, họ đã nói lên nỗi băn khoăn này với Đức Giê-su, để Ngài  “biết tình trạng của bà”.  Khi biết được tình trạng của bà mẹ vợ ông Si-môn, chuyện kể rằng: “Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy, cơn sốt dứt ngay”. Vừa dứt cơn sốt, ngạc nhiên thay! người ta thấy bà mẹ vợ ông Si-môn lập tức “phục vụ các ngài” (x.Mc 1, 31). Vâng, thật ngạc nhiên về việc làm của bà nhạc mẫu ông Si-môn. Chia sẻ về sự kiện này, Lm Charles E.Miller đã nói: “Ắt anh chị em nghĩ bà ít nhất cũng cần tĩnh dưỡng và nghỉ ngơi đôi chút, nhưng đấy không phải là cách xử sự của bà”.

Dưới cái nhìn của thói đời, ngài Charles chia sẻ tiếp, rằng: “Một số kẻ ngạo đời có lẽ hình dung bà qua biếm họa người phụ nữ đã được an bài với số phận phải phục vụ cánh đàn ông do ‘địa vị thấp kém hơn của các bà trong xã hội’. Chân lý ở đây là nhạc mẫu ông Si-môn là hình ảnh trung thực của chính Chúa Giê-su. Bà phản ảnh tinh thần quảng đại và vị tha của Con Thiên Chúa trong sứ vụ của Người”.

Đúng vậy. Hôm ấy, tinh thần quảng đại và vị tha của Đức Giê-su đã được thể hiện rõ nét khi “người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người” (x.Mc 1, 32). Hôm ấy, trước nỗi thống khổ của những kẻ “ốm đau, mắc đủ thứ bệnh tật…” Đức Giê-su đã đáp lại yêu cầu của họ. Vâng, Ngài đã giải thoát họ khỏi “ những tháng (ngày)vô vọng” và “những đêm (tối) đau khổ ê chề”.

Thật đáng kinh ngạc trước thói quen làm việc không mệt mỏi của Đức Giê-su. Theo trình thuật Tin Mừng thánh Mác-cô ghi lại; sau một ngày làm việc, và sáng sớm hôm sau, “…Lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó”. Đối với Đức Giê-su, Ngài không có chuyện nghỉ ngơi.  Sự yên tĩnh của một đêm đã đến lúc kết thúc. Và, khi ông Si-môn cùng các người bạn gặp Ngài, một mệnh lệnh đã được Ngài loan báo: “Chúng ta hãy đi nơi khác,đến các làng xã xung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”.

Đức Giê-su đã đi khắp miền Ga-li-lê, “rao giảng trong các hội đường của họ và trừ quỷ”. Một ngày trong đời của Đức Giê-su là thế đó. Thói quen của Ngài là: cầu nguyện, chữa lành mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền và loan báo Tin Mừng. Một ngày trong đời với những thói quen mà Đức Giê-su đã thực hiện, là như thế đó. Là như thế đó: là cầu nguyện, là yêu người và là loan báo Tin Mừng.

Vâng, là một Ki-tô hữu, là người môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta có xem đó như là “thói quen” cho một-ngày-trong-đời của mỗi chúng ta? Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, cầu nguyện rất là cần thiết cho đời sống của một Ki-tô hữu. Hãy nhớ rằng, việc cầu nguyện của ta không đem lại cho Thiên Chúa điều gì cả, trái lại, nó đem lại cho ta nhiều ơn ích.  Ơn ích đầu tiên, đó chính là “sự bình an”.

Tông đồ Phao-lô có sự trải nghiệm này, và ngài đã chia sẻ sự trải nghiệm này cho cộng đoàn Phi-lip-phê, rằng: “Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giải bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh  em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Giê-su Ki-tô”(x.Pl 4, 6-7)

Hãy nhìn xem, thế giới chúng ta đang sống, xã hội chúng ta đang sống chẳng phải là đang mất đi sự bình an, mất đi sự bình an bởi bạo quyền, bởi bạo lực, bởi dối trá, bởi lừa lọc, bởi gian xảo, đó sao!

Hãy nhìn xem, thế giới chúng ta đang sống, xã hội chúng ta đang sống chẳng phải là nói lên sự thật sẽ dẫn đến cái chết, ủng hộ sự thật sẽ bị cô lập, đó sao!

Satan và con cái chúng chẳng phải là đang điều khiển thế giới chúng ta đang sống, đó sao! Thật bất an khi phải nói lên điều này, rằng: có một tổ chức (không tiện nêu tên ở đây), một tổ chức chuyên gây bất ổn xã hội, chuyên gây chết chóc, chuyên cướp bóc và hãm hiếp phụ nữ, thế mà lại được satan và con cái của chúng ủng hộ cho việc trao giải Nobel hòa bình!!!

Nói lên điều này để làm gì? Thưa, để chúng ta, bắt đầu ngay hôm nay, hãy có “thói quen cầu nguyện”, mỗi ngày. Đừng quên, Đức Giê-su đã nói: “Giống (satan) này, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9, 29).

Việc cầu nguyện hướng về Thiên Chúa, chưa đủ. Còn phải hướng về tha nhân. Và, đó chính là thói quen của Đức Giê-su. Hãy nhớ, trong bữa tiệc ly, Đức Giê-su đã có lời truyền dạy, dạy rằng: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh  em. Mọi người sẽ nhận biết anh  em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh  em có lòng yêu thương nhau”. (x.Ga 13, 34-35)

Thưa, quý vị. Khi chúng ta “có lòng yêu thương nhau”, có phần chắc, chúng ta sẽ không ngần ngại… Vâng, chúng ta sẽ không ngần ngại: “Đem yêu thương vào nơi oán thù. Đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp. Đem chân lý vào chốn lỗi lầm”.

Khi chúng ta “đem” được những điều nêu trên, đến với tha nhân, chẳng phải là chúng ta đã thực hiện thói quen thứ ba, thói quen “ra đi rao giảng Tin Mừng” mà Đức Giê-su vẫn thực hiện mỗi ngày trong đời của mình, đó sao! Nói đến việc rao giảng Tin Mừng,  thánh Phao-lô chia sẻ: “Đó là một sự cần thiết bắt buột tôi phải làm” (x.1Cor 9, 16).

Với Lm Đa minh Nguyễn Đức Thông DCCT, ngài có lời nói: “Không rao giảng Tin Mừng, chúng ta chỉ là một Ki-tô hữu bại liệt”. Vâng, có lẽ không ai trong chúng ta, muốn mình là kẻ bại liệt, dù chỉ là  bại liệt trong một ngày. Không muốn bại liệt ư! Vậy thì, không gì tốt hơn là hãy xem thói quen của Đức Giê-su như là mẫu mực cho thói quen của chính mình.

Thói quen của Đức Giê-su, chúng ta biết rồi đó, đó là: “cầu nguyện và loan báo Tin Mừng”. Tưởng chúng ta cũng nên biết, thói quen của satan và con cái chúng, đó là: dối trá, lừa bịp, lộng ngôn, hận thù, ghen tuông, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, tranh chấp v.v… Thánh Phao-lô nói: “Những kẻ làm (theo thói quen của satan) sẽ không được thừa hưởng Nước Trời” (Gl 5, 21)

Là một Ki-tô hữu, chẳng phải là chúng ta muốn được thừa hưởng Nước Trời, đó sao! Thế nên, chớ… chớ bắt chược thói quen của chúng nó. Nói ngắn gọn: “Đừng sống theo thói đời”.

Petrus.tran

 

Trả lời