Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi…

 

Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi…Nói, mà không sợ sai, rằng: thế giới chúng ta đang sống, là một thế giới đầy bất an và bất ổn. Thật vậy, xem TV, báo chí hoặc truyền thông internet về tình hình chung trên thế giới, chúng ta thường được nghe (hoặc xem) những tin tức không tốt xảy ra khắp nơi, những tin tức về chiến tranh, hoặc nguy cơ xảy ra chiến tranh hiện diện khắp các lục địa.

Vâng, lò lửa chiến tranh ở Trung Đông, có thể nói rằng, chưa bao giờ rừng rực nóng, như hôm nay. Còn ở biển Đông và Hoa Đông ư! Thưa, cũng không kém cạnh gì. Các quốc gia ở đây (đặc biệt là Trung Quốc) không ngừng chạy đua vũ trang.

Ngoài chiến tranh ra, bão lụt, động đất, sóng thần, bệnh tật cũng là những nguyên cớ làm cho con người bất an.

Không ít người cho rằng, giờ đây, kể cả chuyện sống trong nhà riêng của mình cũng vẫn không thấy bình an. Thấy người khác mắc bệnh nan y, ta cũng lo ngại, và tự hỏi: không biết khi nào thì đến lượt mình.

Có nhiều tiền ư!  Đem gởi ngân hàng thì sợ ngân hàng phá sản, mà giữ tiền trong nhà thì lo bị trộm cướp. Người có mức lương trung bình không biết làm sao để vừa trả nợ tiền góp (như: mua nhà, mua xe), vừa để đủ tiền nuôi các con ăn học v.v… và v.v…

Trước viễn cảnh đó, có bao giờ chúng ta tự hỏi: Ở đâu mới thật sự có được sự an bình? Ở đâu mới thật sự đem đến cho ta sự bình an đích thật? Làm thế nào để tôi có sự bình an trong một thế giới đầy bất an và bất ổn?

Thưa, Lời Chúa, qua môi miệng vua David, đã cho chúng ta câu trả lời, rằng: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn”.

“Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn”. Đó… đó cũng là lời mời gọi của Đức Giê-su.

Thật vậy, trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su cũng đã gửi đến những ai có sự bất an lời mời gọi, rằng: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được nghỉ ngơi bồi dưỡng”.

Đến với Đức Giê-su, vị “Thủ Lãnh Bình An” – vị thủ lãnh mà ngôn sứ Isaia đã tiên báo rằng: “Người là Đấng Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn đời…” – Ngài  còn hứa sẽ cho họ “được sống và sống dồi dào”.

Riêng với nhóm Mười Một, (ông Giu-đa lúc đó đã bỏ đi), là những người được Đức Giê-su ưu ái gọi là “những người con bé nhỏ của Thầy”, khi thấy các ông sống trong sự bất an, lo âu về một tương lai “Thầy đi về cùng Chúa Cha”, Ngài cũng đã nói với họ những lời vấn an thấm đậm sự bình an.

Vâng, rất đặc biệt. Gọi là đặc biệt vì lời vấn an này khi được nghe, người nghe nó như thể cảm nhận được người nói ở ngay trong tâm hồn mình.

Hôm ấy, Đức Giê-su đã vấn an với các ông, rằng: “Thầy để lại bình an  cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (x.Ga 14, 27). Lời Đức Giê-su phán hứa với các môn đệ là như vậy. Và, các ông đã nhận được sự bình an từ nơi Ngài.

Bốn mươi ngày, sau khi Thầy Giê-su Phục Sinh, hồng phúc “bình an của Thầy”, thật sự ngự trị trong con người các môn đệ.

Chuyện được ghi lại, rằng: hôm đó, Đức Giê-su đã hiện đến và nói với các ông: “Bình an cho anh em. Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: anh em hãy nhận lấy Thánh Thần…” (x.Ga 20, 21).

Chính nhờ có sự bình an của Thầy,  cùng với tác động của Thánh Thần Chúa, các tông đồ đã không còn bối rối, khi: “quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác (như cắt bì), ngoài những điều (thật) cần thiết”.

Và, cũng như Thầy Giê-su đã chúc bình an cho các ông. Các ông cũng đã chúc những người tín hữu của mình, lời chúc “Chúc anh em an bình” (x.Cv 15, …29).

Với chúng ta thì sao? Theo những dữ kiện về cuộc sống hôm nay, (như đã nói ở trên), chúng ta cũng sẽ ước ao được đón nhận “Bình An của Chúa”, như các người môn đệ xưa?

Hay chúng ta cho rằng sự bình an này mơ hồ quá! Bình an Chúa ban “không theo kiểu thế gian”, thế là thế nào?

Vâng, nếu chúng ta để cho suy nghĩ của mình cuốn theo đường lối suy nghĩ của thế gian, thì đúng là khó có thể đón nhận sự bình an mà  Đức Giê-su đã ban.

Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn kỹ lại suốt chiều dài lịch sử con người, có mấy ai thực sự được bình an  khi chỉ dựa vào thế gian, mà không dựa vào Thiên Chúa?

Tiền bạc đem lại bình an ư! Thưa, không chắc.  Đừng quên, siêu sao điện ảnh Mỹ, Marylin Monroe, dầu đã có một cuộc sống vật chất quá dư thừa, nhưng cô ta vẫn còn thiếu một thứ. Sau khi cô ta tự tử, người ta tìm thấy bức thư tuyệt mạng của cô ta với dòng chữ ngắn: “Tôi không tìm thấy sự bình an”.

Quyền lực ư! Cũng không chắc. Chuyện các quan lớn đầy quyền lực chỉ một cái “choáng nhẹ” đã không thể điều hành đất nước, là chuyện “thường xảy ra ở huyện”.

Khi suy tư về điều này, một nhà truyền giáo có lời chia sẻ: “Trong khi phải đối diện với nỗi bất an thường xuyên của cuộc sống, một số người đã và đang tự dối mình, bằng cách tìm cảm giác an ninh (bình an) giả tạo để sống mỗi ngày. Một số người khác thì  trốn sự đe dọa của đời sống bằng cách núp đằng sau những sở hữu về tài sản, tiền của, cổ phần vv… Cuối cùng thì càng sở hữu nhiều, lo lắng lại càng gia tăng, chứ không giảm bớt. Cũng có một số người cố gắng xoa dịu nỗi bất an của đời sống bằng cách tìm quên qua rượu, ma túy, hay thú cờ bạc đỏ đen. Hậu quả là chỉ tác hại thêm cho sức khỏe, hoang phí tiền bạc, để rồi bất an càng thêm bất an.” (nguồn: internet)

Thế nên, đừng mong tìm kiếm được sự bình an nơi thế gian. Nó không khả thi, bởi vì: “(Thế gian) Chúng nó rịt vít thương cho con gái dân Ta cách sơ sài, nói rằng: Bình an, bình an! Mà không bình an chi hết” (x.Gr 8, 11).

Vâng, với những lý do được nêu ở trên, chúng ta không thể tìm được sự bình an thật trong thế gian này. Trái lại, chỉ trong Thiên Chúa mà thôi. Thế nên, đừng lo ngại… đừng lo ngại về điều  Đức Giê-su đã nói: “Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian”. Khi Đức Giê-su nói như thế, chúng ta cần hiểu rằng: Ngài muốn nói đến “Sự Bình An trong nghịch cảnh” .

Thế nào là bình-an-trong-nghịch-cảnh? Thưa, câu chuyện sau đây, chính là câu trả lời cho chúng ta.

Chuyện kể rằng: “Trong một cuộc triễn lãm tranh vẽ tại một thành phố nọ với chủ đề ‘bình an’, các họa sĩ khắp nơi đã gởi về hàng trăm bức tranh tham dự, những bức tranh diễn tả những cảnh bình an mà họ nghĩ ra.

Ban giám khảo được thành lập bởi những họa sĩ lừng danh. Sau nhiều ngày tuyển chọn, cuối cùng họ đã chọn ra được hai bức tranh tiêu biểu nhất.

Bức thứ nhất, người họa sĩ  vẽ cảnh mặt trời chiếu thẳng xuống mặt nước phẳng lặng trải dài bên những rặng cây xanh tươi tốt đứng yên chẳng chút lay động, trông thật an bình.

Bức thứ hai, được mô tả một cảnh bão tố, cây cối xơ xác, nằm la liệt trên đất, cảnh vật hoang tàn, bầu trời đen tối, sóng biển cuồn cuộn dâng lên đập mạnh vào tảng đá ven biển, nước bắn tung toé ầm ầm. Nhưng bên trong hốc đá, có một con chim mẹ nằm bên các chim con trong tổ, không chút sợ hãi gì.

Kết quả, bức tranh thứ hai được giải nhất. Được giải nhất vì ban giám khảo cho rằng: nội dung như thế mới lột tả hết ý nghĩa của sự bình an. Sự bình an giữa giông bão mới là bình an thật.

Vậy đó, bình an trong Chúa không theo kiểu thế gian  là thế đó. Chấp nhận nghịch cảnh, dù gặp nghịch cảnh, nhưng vẫn bình an.Thì đây, ta hãy nhìn vị tông đồ Phao-lô, dù gặp nghịch cảnh, nhưng ngài vẫn bình an.

Chuyện kể rằng: hôm ấy, ngài và các tù nhân trên con đường đến Phê-nich là cảng của đảo Cơ-rê-ta.  Phao-lô đã khuyên viên đại đội trưởng là không nên đi đường biển trong lúc này vì sẽ gặp bão tố. Nhưng, “viên đại đội trưởng tin tài công và chủ tàu hơn tin lời ông Phao-lô” (x.Cv 27, 11). Cuối cùng họ đã gặp bão dữ dội, và rồi vì chống lại gió không nổi, nên họ để mặc cho con tàu “cuốn theo chiều gió”.

Vâng, chúng ta hãy nghe tác giả sách Công Vụ mô tả: “Chúng tôi vẫn bị bão dự dội, nên hôm sau thủy thủ ném hàng hóa xuống biển, và hôm sau nữa, họ tự tay quăng  đồ trang bị của tàu đi. Đã từ nhiều ngày, chẳng thấy mặt trời hay một vì sao nào xuất hiện, còn bão vẫn thổi mạnh, nên chúng tôi mất dần hy vọng được cứu” (x.Cv 27, 18-20)

Tất cả những người trên tàu đều bất an, chỉ có Phao-lô là bình an vì ông tin cậy vào Chúa, ông khuyên họ: “Thưa các bạn, hãy vững lòng! Tôi tin tưởng nơi Thiên Chúa, sự việc sẽ xảy ra như lời đã phán với tôi”.

Trước đó, Phao-lô đã cho mọi người biết: “Đêm vừa rồi, một thiên sứ của Thiên Chúa là Chúa Tể của tôi và là Đấng tôi phụng thờ đã hiện ra với tôi và bảo: này Phao-lô, đừng sợ… vì thương ông, Thiên Chúa cho tất cả những người cùng đi tàu với ông được sống” (X.Cv 27, 25)

Phao-lô tin cậy vào Chúa và không đòi hỏi Chúa cho thấy những sự việc sẽ xảy đến như thế nào, rồi mới tin. Ông một lòng tin cậy rằng, Chúa sẽ đưa họ đến nơi bình yên, và thật đúng như điều Phao-lô đã tin, cuối cùng Chúa đưa mọi người trên tàu đến nơi bình an.

Tưởng chúng ta cũng nên nghe thêm câu chuyện sau đây, để không còn bối rối và sợ hãi khi phải đối diện với nghịch cảnh trong cuộc đời mình.

Vâng, chuyện kể rằng: “Tại một ngôi làng kia, ngày nọ, một cơn động đất thình lình xảy đến, ai nấy hoảng sợ kêu la thất thanh. Tuy nhiên, có một bà lão vẫn bình yên, ngồi trước cửa ngắm nhìn trời nghiêng đất lở, không một chút sợ hãi.

Sau khi cơn chấn động chấm dứt, ai nấy đều lấy làm ngạc nhiên tới chất vấn bà ta: -Thưa bà, bí quyết của bà là gì? Chúng tôi muốn biết điều gì đã giữ bà bình thản như thế trong khi đất rung chuyển dưới chân chúng ta? Bà không sợ sao?

Bà lão đáp cách đơn giản: -Không, tôi không sợ. Tôi chỉ mừng là tôi có một Thượng Đế mạnh đủ để làm rung chuyển cả thế giới! (nguồn:internet)

Bình an trong nghịch cảnh là thế đó. Cho dù bão tố, động đất hay bất cứ hoàn cảnh bi đát nào xảy đến, ta vẫn không hề sợ sệt hay nao núng, trái lại tâm hồn vẫn tươi tỉnh, thỏa vui và hy vọng.

Làm thế nào để chúng ta có thể  nhận được “Bình An của Thầy”? Làm thế nào để chúng ta có thể bình an trong nghịch cảnh? Thưa, chỉ có một phương án duy nhất, đó là: thiết lập được mối tương giao mật thiết với Đức Giê-su.

Tại sao phải thực hiện như thế? Thưa, vì nếu không làm như thế, chứng tỏ rằng, chúng ta không sống gần Ngài, không sống bên Ngài, không sống với Ngài. Mà, không sống gần Ngài, không sống bên Ngài, không sống với Ngài… làm sao Ngài có thể “ban cho (chúng ta) bình an của Ngài”!?

Một điều hết sức nguy hiểm mà chúng ta cần cảnh giác, đó là: chúng ta không thể thiết lập được mối tương giao mật thiết với Đức Giê-su, khi chúng ta sống ngập ngụa trong tội lỗi.

Nguyên tổ Adam và Eva như một điển hình. Khi chưa phạm tội, ông bà đã có được một mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa. Thế nhưng, sau khi phạm tội, chỉ mới “nghe thấy tiếng Đức Chúa… (ông bà đã) trốn vào giữa cây cối trong vườn”.

Rồi đến trường hợp người con của ông ta là Cain, cũng thế. Anh ta đã “phải trốn tránh để khỏi giáp mặt (Thiên Chúa)” cũng chỉ vì phạm tội. (x.St 4, …14).

Thế nên, để có thể nhận được Bình-An-của-Chúa, trước tiên là phải hòa giải với Chúa. Trước tiên là hãy đến với Bí Tích hòa giải. Tại đây, với sự ăn năn tội,  chúng ta sẽ thiết lập được mối tương giao mật thiết  với Đức Giê-su. Thiết lập được rồi, hãy tin, sự bình an của Ngài sẽ tuôn tràn vào đời sống của chúng ta, tuôn vào một cách nhưng không.

Sẽ rất là đáng tiếc nếu chúng ta không đón nhận. Bởi vì, sự bình an này là “Bình An của Thầy – Bình An của Chúa – Bình  An trong Thiên Chúa”.  Muốn có được sự bình an thật, vâng:  “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi”.

Petrus.tran

 

Trả lời