Cảm nhận cuộc hội thảo Léopold Cadière (3/3)

Cảm nhận cuộc hội thảo Léopold Cadière (3/3)
Ngày thứ ba : 09.09.2010

Đôi Dòng Ghi Nhận Nhân Tham Dự Hội Thảo:
“Thân Thế và Sự Nghiệp của Cha Léopold-Michel Cadière”,

từ ngày 7 đến 9.9.2010 tại TTMV TGP Huế
Lm. G. Đỗ Trung Thành, O.P

Cảm nhận cuộc hội thảo Léopold Cadière (3/3)

Thuyết trình 8: Bài tham luận của Nhà Nghiên cứu Bửu Ý, người đã từng dịch trên 20 tác phẩm Pháp, với tựa đề “Câu chuyện dịch thuật thông qua L. Cadière”, dựa trên một bài viết rất ngắn của Cha Cadière, nhưng qua đó, thấy được rằng Cha Cadière không chỉ là một dịch giả, nhưng mà là một nhà dịch thuật học (traductologue) sắc bén, thâm sâu.

Cũng qua nghệ thuật dịch của Cha Cadière, nhà nghiên cứu Bửu Ý đã rút ra được ba quy tắc về dịch thuật tiếng Pháp sang tiếng Việt, và ngược lại:

– Tiếng Pháp chú trọng đến mục đích hoặc là hành động, và đặt nó lên đầu. Td : Tôi trở về từ chuyến đi săn. Tiếng Việt chú trọng đến thứ tự thời gian. Tôi đi bắn về.

– Câu tiếng Pháp chủ (chuộng) danh từ, còn tiếng việt chuộng động từ.

Và diễn giả kết luận rằng “Cadière xuất chiêu trông bề ngoài có vẻ hời hợt mà nội lực thâm hậu khôn lường”.


Cảm nhận cuộc hội thảo Léopold Cadière (3/3)


Thuyết trình 9: Tiến sĩ Hoàng Dũng với tham luận:Đóng góp của L. Cadière vào phương ngữ học tiếng Việt qua tác phẩm “Ngữ âm tiếng Việt” (Phương ngữ Trung)”.

Diễn giả đã giới thiệu các phương pháp mà Cadière đã áp dụng để tìm hiểu và đối chiếu các phương ngữ các vùng ở Việt Nam, cách riêng vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Tuy có một số điều cần phát triển thêm trong công trình nghiên cứu của cha Cadière, nhưng diễn giả nhìn nhận rằng Cha là nhà phương ngữ học tiếng Việt đầu tiên.

Thuyết trình 10: nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan: “Cadière với cổ vật Huế”.

Chính Cadière đã có sáng kiến thành lập Viện Bảo tàng Khải Định năm 1923, để cất giữ cổ vật mang giá trị lịch sử và truyền thống văn hóa Huế, cũng như phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của xã hội. Chỉ một thời gian ngắn, số lượng cổ vật gia tăng không ngừng, do hiến tặng hoặc do mua lại. Đến năm 1927, thiết lập thêm Phòng Chăm (Section des Antiquités Cham). Cadière quan tâm đặc biệt đến cổ vật và có nhiều công trình khảo cứu đăng trên tạp chí BAVH. Nhờ vậy, Huế còn có một bảo tàng (nay là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế).

Buổi chiều cũng gồm ba bài tham luận,

Thuyết trình 11: với đề tài “Gia đình Việt Nam theo L. Cadière” do Tiến sĩ Hoàng Mai Khanh trình bày, theo đó, Gia đình Việt Nam mang đậm nét tôn giáo và có mối quan hệ chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình.

Thuyết trình 12 và 13: Hai tham luận cuối cùng của Hội thảo liên quan đến Mỹ thuật Huế, một do Họa sĩ Vĩnh Phối trình bày, với tựa đề “Mỹ thuật Huế dưới góc nhìn Cadière”, và bài kia do nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông trình bày, với tựa đề “Léopold Cadière với tác phẩm L’Art à Hué”.

Hai diễn giả cho chúng ta biết tài năng trong lãnh vực mỹ thuật của Cadière. Chính Cadière có những công trình nghiên cứu đầu tiên về Mỹ thuật ở Huế, trong đó, quan trọng nhất là tác phẩm “L’Art à Hué”, với rất nhiều thông tin phong phú, và cho đến ngày nay, vẫn còn giá trị hữu ích cho các nhà nghiên cứu vể mỹ thuật Huế.

Bên cạnh đó, trong phần thảo luận cả sáng lẫn chiều, đã có thêm 12 ý kiến phát biểu, bổ sung cho các tham luận; đồng thời, cũng khép lại ba ngày Hội Thảo về Thân Thế và Sự Nghiệp của Cha Leopold Cadière.

Kết thúc ba ngày hội thảo: Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể nêu cảm nhận về Hội thảo: ngắn về thời gian nhưng đồ sộ về khối lượng công việc và thông tin. Ngài phát biểu cám ơn mọi người đã tham dự và góp công cho Hội thảo được thành công tốt đẹp. Sau đó, mọi người đứng lên, với nến sáng trong tay, cùng nhau hát vang Kinh Hòa bình, như một lời từ biệt và một lời cầu chúc binh an, với niềm hy vọng.

 

Cảm nhận cuộc hội thảo Léopold Cadière (3/3)


Một vài nhận định :

Ngay từ những bài thuyết trình của ngày đầu tiên, bầu khí của hội trường đã dần dần ấm lên, không phải do khí trời của Huế (mặc dù có phần oi bức vì nóng), nhưng do những tham luận được trình bày, đã phác họa nên chân dung của một vị thừa sai quá ấn tượng, quá lý thú, quá đẹp và quá tài ba xuất chúng, nhất là quá gần gũi.

Đến Việt Nam vào lúc chỉ mới 23 tuổi, linh mục Cadière đáng kính đã cống hiến toàn bộ cuộc đời của mình để phục vụ con người Việt Nam, với tư cách là một nhà truyền giáo chứng tá cho Tin Mừng của Chúa Kitô và với tư cách là một nhà nghiên cứu khoa học.

Là nhà truyền giáo, Cha Cadière (Cố Cả) đã vượt trùng dương xa cách để đến sống nơi mảnh đất xa lạ, “trở nên người Việt với người Việt”. Khi đến miền truyền giáo được chỉ định là giáo phận Bắc Đàng Trong, nay là giáo phận Huế, Cha Cadière chẳng những đã chăm chỉ học tiếng Việt mà còn miệt mài tìm hiểu về đối tượng mà mình có trách nhiệm phục vụ. Ngài từng là giáo sư Tiểu chủng viện (An Ninh) và Đại chủng viện (Huế), từng là cha xứ (Vĩnh Lộc, Cù Lạc, Cửa Tùng, Tam Tòa) và là Hạt trưởng (Di Loan). Ngài từng xây dựng trường học, nhà thương, xưởng thợ (giúp phục hồi nghề lụa Di Loan) và cả một ngôi nhà thờ “đẹp đến nỗi người ta gọi là Vương cung thánh đường”. Ngài từng làm những công việc thường nhật của một thừa sai là “dạy dỗ, kiểm tra, lui tới những giáo đoàn mới để vực dậy sự dũng cảm của người yếu đuối và bảo vệ họ chống lại những điều phiền nhiễu, làm cho ra lẽ những vụ kiện cáo và những bách hại mà họ thường là mục tiêu; quan hệ xã hội với các viên chức để họ tôn trọng các quyền lợi chính đáng; viết thư khuyên răn, cổ vũ việc siêng năng kinh hạt cầu nguyện và ra tay giúp đỡ cả những người khốn khổ nữa”. (GM/ NTH).

Và với tư cách là nhà nghiên cứu khoa học, ngài đã để lại cho hậu sinh cả một công trình các tác phẩm đồ sộ và rất chất lượng về mặt học thuật khoa học (khoảng 250 tác phẩm, đa dạng về mọi lãnh vực như ta đã thấy ở trên).

Một trong những điểm chung nhất của các tham luận, được lặp lại nhiều lần, là tài năng đa dạng của Cadière trên nhiều lãnh vực, từ lịch sử, văn hóa đến ngôn ngữ học, nhân chủng học, mỹ thuật và cả thực vật học…Và nhất là lòng yêu mến và quý trọng mà Cha Cadière dành cho văn hóa Việt và người Việt. Nhiều diễn giả đã trích lại những lời này của Cha Cadière: “Tôi đã nghiên cứu các tín ngưỡng, những thực hành tôn giáo, những thói quen, những phong tục của họ… Tôi đã nghiên cứu lịch sử của họ…Khi đã nghiên cứu và đã hiểu người Việt Nam, tôi đã yêu mến họ. Tôi đã yêu mến họ vì tài thông minh và trí sắc sảo của họ…Tôi đã yêu mến họ vì những nhân đức luân lý của họ… Tôi đã yêu mến họ vì tính cách của họ… Sau hết, tôi đã yêu mến họ vì những đau khổ của họ”.

 

Cảm nhận cuộc hội thảo Léopold Cadière (3/3)


Qua các bài thuyết trình, có thể nhận thấy những điểm chính yếu sau:

– Chiều kích văn hóa của sứ vụ loan báo Tin Mừng. Ở đây, một mặt, Tin Mừng tự nó sống và không bị đồng hóa với bất cứ nền văn hóa nào, nhưng đất sống của Tin Mừng được biểu lộ nơi những nền văn hóa cụ thể. Điều đó cho thấy rằng Tin Mừng và công cuộc loan báo Tin Mưng không đồng nhất với nhau. Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II rằng đức tin chưa biến thành văn hóa thì chưa được trọn vẹn và Đức cố giáo hoàng đã mời gọi người Công giáo dấn thân vào những môi trường mới.

– Khởi đi từ nguyên tắc Do Thái với người Do Thái, Hy Lạp với người Hy Lạp của thánh Phaolô, đề cập đến nguyên tăc Á Đông với người Á Đông: người Việt với người Việt.

Trở nên người Việt với người Việt”: Đó là câu nói danh tiếng của cha Cadière. Rút kinh nghiệm từ những vị thừa sai yếu kém tiếng Việt, cha Cadière đã chọn cho mình một phương khác, đó là “trở nên người Việt với người Việt”. Ưu tư đầu tiên của ngài là học tiếng Việt. Không chỉ học, ngài còn suy tư thấy hiểu cái hồn của tiếng Việt, người Việt. Ngài không có định kiến sai trái nào của người Châu Âu. Ngài không dùng văn phạm tiếng Pháp để áp đặt cho người Việt, nhưng ngài nghiên cứu tiếng Việt dựa trên tiếng Việt. Ngài nói “trong chừng mực có thể, tôi làm sao đứng trên quan điểm của người Việt”. Ngài xin ở lại và chết ở Việt Nam, chứ không về lại Pháp. Tâm tình của ngài được gói ghém trong câu nói chân thành: “Tôi hiểu người Việt vì tôi nghiên cứu những gì liên quan đến họ. Tôi yêu họ vì họ thông minh…Tôi yêu họ vì họ bất hạnh”.

– Tôn trọng sự khác biệt niềm tin. Cha Cadière tìm hiểu ý nghĩa các tập tục của người Việt Nam, chứ không khinh thường hay chế giễu. Đối với Cố Cả, “con người Việt Nam là hữu thể tâm linh”, một con người tôn giáo từ khi chào đời cho đến lúc chết. Ngài nói: “Trong đời sống của người Việt Nam, chẳng có gì thoát khỏi tôn giáo”, ngay cả sau khi chết. “Dân tộc này là một dân tộc hết sức sùng đạo”.

– Nhà thừa sai và nhà nghiên cứu: Cha Cadière đã giữ được sự hài hòa giữa trách nhiệm mục vụ và công việc nghiên cứu khoa học. Thế nhưng, đôi khi nơi ngài cũng có một sự dằn vặt: vấn đề giữa công việc truyền giáo mục vụ và nghiên cứu khoa học. Ngài đã chu toàn được cả hai: nhà thừa sai gương mẫu và là nhà dân tộc học, ngôn ngữ học…

– Quyết định ra đi đến xứ người là một quyết định đức tin. Nhưng về sau, cha Cadière đã nhận ra rằng chính Thiên Chúa đã mở ra cho ngài một con đường trọn hảo. Ngài đến Việt Nam, trước tiên, không nhằm nghiên cứu, nhưng là chia sẻ cho người Việt Nam niềm hy vọng về Ơn Cứu Độ nơi Chúa Kitô. Tuy nhiên, một khi đến Việt Nam, nơi cha Cadière, đức tin này được trở nên phong phú nhờ những khám phá nhân văn tại Việt Nam.

 

Cảm nhận cuộc hội thảo Léopold Cadière (3/3)


Tâm tình nơi các nhà nghiên cứu, các thuyết trình viên ngoài Công giáo:

Điểm đầu tiên ai cũng nhận thấy, các thuyết trình viên này đều là những học giả làm việc rất nghiêm túc và rất am hiểu về các công trình tác ẩm của cha Cadière với lòng trân trọng đặc biệt; đồng thời, hầu hết, các thuyết trình viên này đều là người Việt gốc Huế.

Tuy nhiên, đáng chú ý hơn cả, các thuyết trình viên này đều có chung một tâm tình và nhìn nhận: những công trình to lớn của Cha Cadière để lại, đặc biệt liên quan đến Huế và đó là kho tàng vô giá mà họ được thừa hưởng. Cha Cadière đã chăm sóc và ghi lại những địa điểm lịch sử ở Huế. Những bảo tàng cổ vật Huế, hay thư viện Bảo Đại trước đây, đều do ngài khai sinh. Đối với cha Cadière, “Huế là một linh địa”, là “Đất Thần Kinh”.

Điều làm cho mọi người, nhất là những người Công Giáo không khỏi xúc động và ấm lòng, khi hầu hết các phần kết bài thuyết trình của các thuyết trình viên và bài tham luận của các học giả đều biểu lộ tâm tình kính trọng, cảm phục và tri ân sâu sắc dành cho Cha Cadière. Có vị nói rằng: “Đã đến lúc Huế phải tôn vinh Cadière”; vị khác đề nghị, “cần phải có con đường mang tên Cadière tại Huế” – vị khác thêm vào: “con đường đó phải là con đường xứng đáng, chứ không phải là những “hẻm hóc” ; rồi, một vài vị khác đề nghị: “cần phải có thư viện, nhà lưu trữ và giải thưởng mang tên Cadière”. Thật ra, cũng dễ hiểu, bởi vì, đối với Huế, Cha Cadière đã dành những tình cảm đặc biệt, như được Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan cảm nhận: “Cadière đã đến Huế, đã ở với Huế, đã nghiên cứu về Huế, đã hiểu biết sâu sắc về Huế, đã yêu mến Huế, đã bảo vệ Huế, đã giới thiệu Huế ra thế giới và cũng đã mong muốn được ở Huế cho đến ngày cuối cùng và được chết trên đất Huế”.

Lm. G. Đỗ Trung Thành, O.P


Cảm nhận cuộc hội thảo Léopold Cadière (3/3)

 

Trả lời