Bài Học Nhớ Đời

 

 

Bài Học Nhớ Đời

Bài Học Nhớ ĐờiBuổi trưa hè oi ả, tiếng ve kêu ran dưới tàn phượng vĩ trước nhà. Ngồi trong nhà lau từng chiếc bóng đèn để giao cho khách mà sống mũi tôi chợt cảm thấy cay cay. Bao kỷ niệm xưa lại ùa về trong tâm khảm.

 

 

Nhớ lại thời thiếu niên, trong thời gian nghỉ hè ba tháng, cha cho tôi đi học khóa học điện – điện tử. Tuổi 14, 15 không còn bé lắm, nhưng chưa phải đã lớn để có nhận thức đúng đắn về những việc làm của mình. Tôi và một người bạn chung xóm, cùng khóa học đó, rất nghịch ngợm và phá phách. Khi đã biết tháo ráp, câu nối bóng đèn, chúng tôi rất mê và thích thú.

 

 

Do muốn có nhiều bóng đèn để câu chế, tôi và bạn không dám xin tiền cha mẹ mua (vì cả hai gia đình đều nghèo) mà hè nhau đi canh rình, lấy trộm các loại bóng đèn xe của người ta để sơ hở. Công việc ”làm ăn” của chúng tôi được khoảng nửa tháng thì vô tình đứa em gái phát giác và báo với cha tôi.

 

 

Thế là cha tôi nổi trận lôi đình (vì nhà tôi nghèo nhưng rất gia giáo) và cho tôi một trận đòn nhớ đời về tội ăn trộm “làm xấu hổ tông môn”. Tôi còn nhớ mãi câu nói của cha:

 

 

– Nhỏ mà ăn trộm thì lớn lên làm ăn cướp đó con!

 

 

Tuy nhiên những ngọn roi vẫn không làm tôi đau đớn và đứt từng đoạn ruột bằng khi cha tôi bắt tôi tự tay cầm búa đập vỡ từng bóng đèn mà tôi và thằng bạn đã tốn biết bao công sức để lấy trộm. Dĩ nhiên người bạn nối khố của tôi cũng có một hậu quả chẳng kém gì tôi.

 

 

Rồi thời gian dần trôi, từ một thằng bé mê chơi bóng đèn, nay tôi đã là một ông chủ tiệm đèn trang trí nội thất. Qua tay tôi đã có hàng trăm loại bóng đèn lắp ráp cho khách, thỏa mãn ước mơ thời thơ ấu của mình.

 

 

Cha tôi đã mất từ lâu, nhưng bài học nhớ đời ngày đó đã giúp tôi trưởng thành hơn. Mỗi khi nhớ lại, tôi rất biết ơn sự dạy dỗ nghiêm khắc đúng lúc của cha tôi và vô cùng xấu hổ vì việc làm khờ dại ngày ấy của mình.

 

 

Trương Thế Vinh

 

 

————————-

 

 

 

Mùa Sầu Riêng

 

 

Bài Học Nhớ ĐờiTôi sinh ra trong một gia đình nghèo. Cha tôi làm thợ mộc, mẹ tôi buôn gánh bán bưng lo cho bốn chị em tôi ăn học.

 

 

Gia đình tôi đều rất thích ăn sầu riêng, nhất là cha tôi. Khi mùa sầu riêng đến, hôm nào mẹ tôi mang về một mớ sầu riêng dạt (sượng hay ôi) là hôm đó mẹ tôi khá tiền lời. Có hôm mẹ mang về mớ hột người ta ăn sầu riêng bỏ hột ngoài chợ. Chị em tôi vui mừng xúm lại giành nhau luộc. Hột sầu riêng ăn rất ngon, càng nhai càng dẻo.

 

 

Thời gian trôi nhanh, tôi theo chồng về quê ở Khánh Hòa. Rồi tôi có một cháu. Khi bế cháu về Sài Gòn thăm ngoại, đi ngang chợ Bà Chiểu tôi ghé mua hai trái sầu riêng làm quà cho gia đình. Tôi hỏi người bán: “Ngon không dì?”.

 

 

Bà bán trả lời: “Không cần phải hỏi, cứ thử đi”. Miệng nói tay bà ấy tách nhẹ trái sầu riêng cho tôi đưa ngón tay vào sờ và lấy một ít để nếm. Nếm xong tôi có cảm giác rất ngon và thơm.

 

 

Hồ hởi, tôi mang về cho cha và em (mẹ tôi ít ăn). Vậy mà khi bổ ra, trời ơi nó sượng ngắt, nhạt nhẽo. Người bán hàng dối trá đã nhét sẵn ít cơm sầu riêng ngon vào kẽ trái sượng và bán cho con mồi. Con mồi ấy là tôi! Cha và em tôi ăn cũng khen ngon, tôi buồn buồn tiếc tiền thì ít mà thương cha thì nhiều. Thấy vậy cha tôi nhẹ nhàng bảo: “Số mình nó thế!”. Ông an ủi tôi.

 

 

Bây giờ tôi đã có kinh nghiệm lựa được sầu riêng ngon thì cha tôi không còn nữa. Đôi khi đi ngang qua một gian hàng sầu riêng nào đó, tôi thường thầm nghĩ phải chi cha còn sống tôi sẽ mua vài trái sầu riêng thật to. Nhưng đó chỉ là ao ước… Mắt cay sè tôi thầm gọi “Cha ơi!”.

 

 

Nguyễn Thị Kim Loan

 

 

 

 

Trả lời