Bài giảng Đức Thánh Cha : Đêm Vọng Phục Sinh

Bài giảng Đức Thánh Cha trong Đêm Vọng Phục Sinh

Anh chị em thân mến,

Thánh Máccô kể cho chúng ta nghe trong Phúc Âm của ngài là trong khi các môn đệ hạ sơn từ núi Hiển Dung, họ tranh cãi với nhau xem “sống lại từ trong cõi chết” nghĩa là gì (x. Mk 9:10). Trước đó không lâu, Chúa đã tiên báo về cuộc thương khó và sự phục sinh ba ngày sau đó của Ngài. Phêrô đã chống lại tiên báo về cái chết này. Nhưng giờ đây, họ đang bàn cãi với nhau về ý nghĩa của từ “phục sinh”. Có thể nào chúng ta cũng thấy mình rơi vào hoàn cảnh tương tự như thế không? Trong lễ Giáng Sinh, cách nào đó, chúng ta có thể hiểu ngay tức khắc việc Hài Nhi chí thánh chào đời. Chúng ta yêu mến hài nhi, chúng ta có thể tưởng tượng ra cái đêm hôm ấy nơi Bêlem, và có thể hình dung được niềm vui của Đức Mẹ, của Thánh Giuse, của các mục đồng và lời tung hô của các thiên thần. Nhưng mà phục sinh thì thế nào? Điều đó không được hình thành như một phần trong kinh nghiệm của chúng ta, thành ra, thông điệp này ở mức độ nào đó vượt quá hiểu biết chúng ta, như một điều gì đó thuộc về quá khứ xa xăm. Giáo Hội cố gắng giúp chúng ta hiểu thông điệp đó, bằng cách trình bày biến cố mầu nhiệm này trong ngôn ngữ của các biểu tượng mà qua đó chúng ta có thể chiêm niệm phần nào biến cố đáng kinh ngạc này. Trong Đêm Vọng Phục Sinh, Giáo Hội chỉ ra ý nghĩa của ngày này chủ yếu qua các biểu tượng: ánh sáng, nước, và một bài tân ca – Alleluia.

Bài giảng Đức Thánh Cha :  Đêm Vọng Phục Sinh

Trước hết, là ánh sáng. Công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa – vừa được công bố cho chúng ta trong trình thuật Thánh Kinh – bắt đầu với lệnh truyền [của Thiên Chúa]: “Hãy có ánh sáng!” (St 1:3). Nơi nào có ánh sáng, sự sống nảy sinh, rối loạn được chuyển hóa thành trật tự. Trong thông điệp Kinh Thánh này, ánh sáng là hình ảnh trực tiếp của Thiên Chúa: Ngài là Ánh Quang tổng thể, Sự Sống, Sự Thật và Ánh Sáng.

Trong Đêm Vọng Phục Sinh, Giáo Hội đọc lại trình thuật sáng thế như một lời tiên tri. Nơi biến cố phục sinh, chúng ta thấy sự viên mãn toàn hảo nhất của điều đoạn văn này mô tả như là khởi nguyên của mọi sự. Thiên Chúa lại phán: “Hãy có ánh sáng!” Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu là sự bùng nổ của ánh sáng. Sự chết bị thống trị, ngôi mộ mở toang ra. Chính Đấng Phục Sinh là Ánh Sáng, Ánh Sáng của thế gian. Với biến cố phục sinh, ngày của Thiên Chúa xé toạc đêm đen của lịch sử. Khởi đi từ biến cố phục sinh, ánh sáng của Thiên Chúa lan tỏa khắp cùng thế giới và xuyên suốt lịch sử. Bình minh ló dạng. Chỉ duy một Ánh Sáng – Chúa Giêsu Kitô – là ánh sáng thật, là điều gì đó siêu phàm hơn hiện tượng ánh sáng vật lý. Ngài là ánh sáng thuần khiết: chính Ngài là Thiên Chúa, Đấng tạo ra một cuộc sáng thế mới nảy sinh từ giữa cái cũ, trong khi chuyển hóa rối loạn thành trật tự.

Chúng ta hãy cố hiểu điều này rõ hơn chút nữa. Tại sao Chúa Kitô là Ánh Sáng? Trong Cựu Ước, kinh Torah [5 cuốn sách của Môsê hình thành nên căn bản luật pháp (luật Môsê) và luân lý cho dân Israel – chú thích của người dịch] được hiểu như là ánh sáng từ Thiên Chúa gởi đến cho thế giới và cho nhân loại. Kinh Torah phân cách ánh sáng khỏi tối tăm bên trong thụ tạo, nghĩa là phân biệt giữa thiện và ác. Kinh ấy chỉ ra cho nhân loại con đường đúng đắn dẫn đến sự sống thật. Nó chỉ ra điều thiện, nó trình bày sự thật và dẫn dắt chúng ta đến tình yêu, là ý nghĩa thâm sâu nhất chứa đựng trong kinh Torah. Nó là “ánh đèn” cho bước chân ta, là “ánh sáng” soi đường (x Tv 119:105). Các tín hữu Kitô, khi đó hiểu rằng trong Chúa Kitô, kinh Torah hiện diện, Lời của Thiên Chúa hiện diện trong Ngài như một Bản Vị. Lời Chúa là ánh sáng thật mà nhân loại đang cần đến. Lời này hiện diện nơi Ngài, nơi Người Con. Thánh Vịnh 19 đã từng so sánh kinh Torah như mặt trời thể hiện vinh quang Thiên Chúa khi nó mọc lên để tất cả thế giới đều nhìn thấy. Các tín hữu Kitô hiểu rằng: đúng thật là nơi biến cố phục sinh, Con Thiên Chúa đã xuất hiện như Ánh Sáng thế gian. Chúa Kitô là Ánh Sáng vĩ đại từ đó mọi sự sống nảy sinh. Ngài khiến chúng ta nhận ra vinh quang của Thiên Chúa khắp cùng bờ cõi trái đất. Ngài chỉ cho chúng ta thấy con đường của chúng ta. Ngài là bình minh của Chúa đang tỏ dạng dần và tỏa lan khắp cùng trái đất. Giờ đây, sống với Ngài và cho Ngài, chúng ta có thể sống trong ánh sáng.

Trong Đêm Vọng Phục Sinh, Giáo Hội trình bày mầu nhiệm ánh sáng Chúa Kitô qua cây nến Phục Sinh với ánh lửa có cả ánh sáng và sức nóng. Biểu tượng của ánh sáng được liên kết với những gì thuộc về lửa: ánh quang và sức nóng, ánh quang và năng lực chuyển hóa chứa đựng trong lửa – là sự thật và tình yêu sóng bước với nhau. Cây nến Phục Sinh cháy và vì thế bị tiêu hao: Thánh Giá và phục sinh không thể tách rời. Từ Thánh Giá, từ việc ngôi Con tự hiến, ánh sáng được phát sinh, và một ánh quang chân thật chan hòa thế giới. Từ nến Phục Sinh, chúng ta thắp lên mọi ngọn nến của mình, đặc biệt nến của các tân tòng mới được rửa tội, những người mà ánh sáng của Chúa Kitô bừng lên thẳm sâu trong lòng họ trong Bí Tích này.

Giáo Hội tiên khởi đã mô tả bí tích Rửa Tội là “fotismos”, Bí Tích Ánh Sáng, một sự truyền đạt ánh sáng, và đã liên kết bí tích này một cách bất khả phân ly với sự phục sinh của Chúa Kitô. Trong bí tích Rửa Tội, Thiên Chúa nói với ứng viên: “Hãy có ánh sáng !” Ứng viên liền được đưa vào nguồn ánh sáng của Chúa Kitô. Chúa Kitô giờ đây phân rõ ánh sáng với tối tăm. Trong Ngài, chúng ta phân biệt được điều gì là chân thật điều gì là giả trá, điều gì là tỏa sáng, điều gì là tối tăm mờ mịt. Với Ngài, trong ta bừng lên ánh sáng và chúng ta bắt đầu hiểu rõ. Trong một dịp khi Chúa Kitô nhìn đám đông dân chúng tuốn đến lắng nghe lời Ngài, Ngài chạnh lòng thương họ, vì họ như đàn chiên không ai chăn dắt (x. Mc 6:34). Giữa những thông điệp đối chọi nhau vào thời buổi ấy, dân chúng không biết hướng về đường nẽo nào. Ngài còn chạnh lòng thương dân chúng trong thời buổi của chúng ta biết là chừng nào – vì những khuất lấp ẩn dấu đàng sau những cãi vã vô tận cứ được đưa ra trong khi thực tế họ hoàn toàn lúng túng lầm lẫn. Chúng ta phải đi đàng nào đây? Đâu là những giá trị chúng ta có thể đặt để đời sống mình? Đâu là những giá trị nhờ đó chúng ta có thể giáo dục người trẻ mà không cần phải thiết đặt những tiêu chuẩn không cho họ cưỡng lại hay đòi hỏi nơi họ những gì có lẽ không nên áp đặt trên họ? Ngài là Ánh Sáng. Cây nến rửa tội là biểu tượng soi sáng chúng ta nhận lãnh trong bí tích Rửa Tội. Vì thế trong giờ phút này, Thánh Phaolô nói với chúng ta thiết thực biết bao. Trong thư gởi tín hữu thành Philípphê, ngài nói rằng, giữa thế hệ xảo trá và cứng đầu, người Kitô hữu phải tỏa sáng trong thế giới (x. Pl 2:15). Chúng ta hãy cầu xin Chúa để ngọn lửa mong manh của ngọn nến Ngài đã thắp lên trong ta, ánh sáng của lời và tình yêu Ngài đang chập chờn giữa những lầm lạc của thời đại này, không tàn lụi trong ta, nhưng sẽ trở nên mạnh mẽ và sáng láng hơn bao giờ, để chúng ta, cùng với Ngài, có thể là dân của ban ngày, là những ngôi sao sáng soi thời đại chúng ta.

Biểu tượng thứ hai của Đêm Phục Sinh – Đêm của bí tích Rửa Tội – là nước. Nước xuất hiện trong Thánh Kinh, và do đó cũng trong cấu trúc nội tại của bí tích Rửa Tội, với hai ý nghĩa trá ngược. Một bên là biển cả, như một thế lực đối kháng với cuộc sống trên trái đất, liên tục đe dọa nó; nhưng Thiên Chúa đã đặt để giới hạn cho nó. Do đó, sách Khải Huyền khẳng định rằng trong thế giới mới sẽ không còn có biển cả nữa (x 21.1). Đó là một yếu tố của chết chóc. Và vì thế nó trở thành biểu tượng của cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá: Chúa Kitô đã bước xuống lòng biển, đã đi vào biển cả của cõi chết, như dân Israel đi vào trong lòng Biển Đỏ. Khi đã sống lại từ cõi chết, Ngài ban cho chúng ta sự sống. Điều này nghĩa là bí tích Rửa Tội không chỉ là phép thanh tẩy nhưng còn là một sự sống mới: với Chúa Kitô, con người cũ của chúng ta bước vào trong biển cả cõi chết để lần nữa trỗi dậy như những thụ tạo mới.

Đàng khác, chúng ta lại đối diện với nước dưới hình thức một nguồn suối mới mẻ đem lại sự sống, hay như một dòng sông cả từ đó sự sống phát sinh. Theo thực hành rất xa xưa thời Giáo Hội tiên khởi, bí tích Rửa Tội cần phải được thực hiện với nước từ một nguồn suối trong. Không có nước thì cũng chẳng có sự sống. Những giếng nước đóng một vai trò quan trọng đáng kinh ngạc trong Thánh Kinh. Chúng được đặt trong những bối cảnh nơi sự sống phát sinh. Bên cạnh giếng Giacóp, Chúa Kitô đã nói với người phụ nữ Samaritanô về giếng nước mới, nước của sự sống thật. Ngài mạc khải về mình cho chị ta như một Giacóp mới, hoàn hảo, Đấng mở ra cho nhân loại giếng nước đang được đợi mong: nguồn mạch không bao giờ khô cạn của nước ban sự sống (x Ga 4:5-15). Thánh Gioan tường thuật với chúng ta rằng một người lính đã lấy giáo đâm vào cạnh sườn Chúa Giêsu, và từ cạnh sườn bị xé ra, từ trái tim bị đâm thâu qua – máu cùng nước đã chảy ra (x. Ga 19:34).

Giáo Hội tiên khởi xem đây như là biểu tượng của bí tích Rửa Tội và bí tích Thánh Thể tuôn ra từ trái tim bị đâm thâu qua của Chúa Giêsu. Trong giờ chết của Ngài, Chúa Giêsu đã tự trở nên nguồn suối. Tiên tri Edêkien đã mục kích một thị kiến về một Đền Thờ mới nơi một nguồn suối đang tuôn trào như một dòng sông mang lại sự sống (x. Ezek 47:1-12). Trên một mảnh đất thường xuyên gánh chịu hạn hán và thiếu nước, đây thực là một thị kiến đầy hy vọng. Kitô giáo nguyên thủy cho rằng trong Chúa Kitô, thị kiến này được thành toàn. Ngài là Đền Thờ chân thật và sống động của Thiên Chúa. Ngài là nguồn mạch của nước hằng sống. Nơi Ngài dòng sông cả tuôn ra cuồn cuộn, trong đó bí tích Rửa Tội canh tân thế giới và làm cho nó sinh hoa kết quả; dòng sông cả của nước hằng sống, là Phúc Âm của Ngài, làm cho mặt đất mầu mỡ.

Trong một diễn từ dịp Lễ Lều [của người Do Thái], Chúa Giêsu còn tiên tri một điều còn lớn lao hơn nữa: “Hễ ai tin Ta … từ trong tim người ấy sẽ tuôn đổ những dòng sông nước hằng sống” (Ga 7:38). Trong bí tích Rửa Tội, Chúa khiến chúng ta trở nên không chỉ những con người của ánh sáng, nhưng còn là những nguồn mạch từ đó tuôn đổ ra nước hằng sống. Tất cả chúng ta đều biết rõ những con người như thế, những người để lại trong ta một mức độ mới mẻ và canh tân; những người như một nguồn suối trong. Chúng ta không cần phải nghĩ đến những bậc thánh cao cả như thánh Augustinô, thánh Phanxicô thành Assisi, thánh Têrêxa thành Avila, Mẹ Têrêxa thành Calcutta vân vân, là những người mà các dòng sông nước hằng sống của họ thực sự đã tuôn trào trong lịch sử nhân loại. Tạ ơn Chúa, chúng ta có thể thấy những người ấy thường xuyên ngay cả trong đời thường: những người như một dòng suối. Chắc chắn là chúng ta cũng thấy những người ngược lại: đó là những người đang tuôn ra chung quanh họ một bầu khí như một thứ ao tù chứa đầy nước hôi thối có khi còn độc hại nữa. Chúng ta hãy xin Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta hồng ân bí tích Rửa Tội, được ơn luôn luôn là những nguồn nước tinh khiết, mới mẻ, vọt lên từ nguồn chân lý và tình yêu của Ngài!

Biểu tượng trọng đại thứ ba của Đêm Vọng Phục Sinh là một điều khá là khác biệt; điều này liên quan đến chính con người. Đó là việc hát lên bài tân ca – bài Alleluia. Khi một người cảm nghiệm được niềm vui trọng đại, người ấy không tự đè nén được nữa. Người ấy phải biểu lộ ra, phải truyền đạt đi. Nhưng điều gì xảy ra khi một người rúng động bởi ánh sánh phục sinh, và vì thế tiếp cận được với chính Sự Sống, với Chân Lý và Tình Yêu. Anh ta không thể chỉ nói về điều ấy. Nói xuông không còn đủ nữa. Anh ta phải cất tiếng hát. Thánh Kinh đề cập lần đầu đến tiếng hát là sau khi dân Israel vượt qua Biển Đỏ. Israel đã thoát vòng nô lệ. Israel đã vượt lên từ thẳm sâu đáng sợ của biển cả. Israel đã được tái sinh. Israel sống còn và sống trong tự do. Thánh Kinh diễn tả phản ứng của dân chúng trước biến cố giải thoát lớn lao này với đoạn văn: “Dân chúng … tin tưởng vào Chúa và vào Môsê tôi tớ của Ngài” (Xh 14:31). Sau đó là phản ứng thứ hai, với một thứ nhu cầu nội tâm, theo sau phản ứng thứ nhất: “Rồi Môsê và toàn thể nhà Israel hát bài ca này dâng lên Chúa…” Trong Đêm Vọng Phục Sinh, hết năm này sang năm khác, chúng ta các Kitô hữu cất lên bài ca này sau bài đọc thứ ba, chúng ta hát lên bài ca ấy như là bài ca của chúng ta, vì cả chúng ta, nhờ quyền năng của Thiên Chúa, đã được kéo lên khỏi nước và được giải phóng cho một cuộc sống mới.

Có một sự song hành đáng ngạc nhiên giữa câu chuyện về bài ca của Môsê sau khi nhà Israel được giải phóng khỏi tay người Ai Cập sau khi đã lên khỏi Biển Đỏ, với chẳng hạn như trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan. Trước lúc bắt đầu bẩy tai ương cuối cùng trên mặt đất, người nhìn đã thấy một thị kiến về điều gì đó “giống như một biển trong vắt pha ánh lửa, và những người đã chiến thắng con thú, hình tượng của nó, và một số danh xưng của nó, đang đứng bên cái biển trong vắt ấy cầm trên tay họ những cây đàn cầm của Thiên Chúa. Và họ hát lên bài ca của Môsê, tôi tớ Thiên Chúa, và bài ca của Con Chiên…” (Kh 15:2f). Hình ảnh này mô tả hoàn cảnh của những môn đệ Chúa Giêsu Kitô ở mọi thời đại, và hoàn cảnh của Giáo Hội trong lịch sử thế giới.

Nhân loại thường tình mà nói, điều đó là một sự nghịch lý nội tại. Một bên, cộng đoàn được đặt trong hoàn cảnh Xuất Hành, giữa lòng Biển Đỏ, trong lòng biển cả đầy nghịch lý với cả băng tuyết và lửa cùng một lúc. Và không phải là có thể nói được là Giáo Hội không phải là luôn tiến bước trên biển cả vượt qua lửa và cái lạnh đó sao? Theo lẽ thường thì Giáo Hội phải chìm thôi. Nhưng trong khi Giáo Hội vẫn đang tiến bước trong lòng Biển Đỏ ấy, Giáo Hội vẫn không ngừng hát lên bài tụng ca thật chính đáng: bài ca của Môsê và của Con Chiên, trong đó Giao Ước Cũ và Giao Ước Mới quyện lẫn với nhau hài hòa. Trong khi, nói đúng ra, Giáo Hội phải chìm, Giáo Hội vẫn hát lên bài ca tạ ơn đã được giải thoát. Giáo Hội đang đứng trên biển chết của lịch sử nhưng Giáo Hội đã vươn lên. Trong khi hát vang lên, Giáo Hội nắm lấy tay Chúa đang vực Giáo Hội lên khỏi biển.

Và Giáo Hội hiểu rằng Giáo Hội được vực lên ra khỏi trọng lực của sự chết và sự ác – bởi một lực mà không có lực ấy thì không có cách nào thoát ra – và Giáo Hội được nâng lên và đưa vào trọng lực mới của Thiên Chúa, của sự thật và tình yêu. Ngay lúc hiện tại, Giáo Hội vẫn ở giữa hai từ trường. Nhưng một khi Chúa Kitô sống lại, lực hút của tình yêu thì mạnh hơn lực hút của hận thù; và lực hút của sự sống mãnh liệt hơn lực hút của sự chết. Có lẽ đó thực sự là hoàn cảnh của Giáo Hội ở mọi thời đại? Nó luôn luôn có vẻ là Giáo Hội phải chìm, nhưng rồi Giáo Hội lại được cứu. Thánh Phaolô minh họa tình trạng này bằng những lời sau: “Chúng ta như những người đang hấp hối, nhưng kỳ thực chúng ta vẫn sống” (2 Cr 6:9). Bàn tay cứu độ của Chúa kéo chúng ta lên, và vì thế chúng ta có thể hát bài ca của người được giải thoát, bài tân ca của những người sống lại: Alleluia! Amen

+ Pope Benedict XVI
J.B. Đặng Minh An dịch

Trả lời