Bà góa nghèo… tỷ phú của Chúa!

 

Bà góa nghèo… tỷ phú của Chúa!Ngày 30/04/2015 vừa qua, tờ USA TODAY có đăng tải một bài viết với tiêu đề “Homeless person donates priceless gift to church – một người vô gia cư dâng hiến một món quà vô giá cho nhà thờ”.

Bài viết cho biết, anh ta đã dâng hiến chỉ với 18 cents cùng một lời ghi chú giản dị trên một mảnh giấy nhỏ như sau: “Please don’t be mad I don’t have much. I’m homeless. God bless.” (tạm dịch: Vui lòng đừng giận, tôi không có nhiều. Tôi là người vô gia cư. Xin Chúa ban phước lành).

Nói tới dâng hiến, có lẽ ai trong chúng ta cũng đều biết, đó là một hành vi biểu lộ lòng tôn kính và biết ơn của con người đối với Thượng Đế. Việc dâng cúng đã có từ thời tạo thiên lập địa.

Thuở đó, con người thường dùng “hoa trái đầu mùa” như là lễ vật dâng lên Thượng Đế. Để biểu lộ lòng tôn kính và biết ơn, họ chỉ cần dâng cúng “con đầu lòng của bầy chiên” thì cũng đủ để được “Đức Chúa đoái nhìn” (St 4, 4)

Vào thời Cựu Ước, thời được gọi là đại pháp luật, luật pháp quy định, mọi con dân Do Thái phải dâng một phần mười về mọi thu nhập của mình. Sách Lê-vi ghi rằng: “Mọi thuế thập phân đánh vào đất, trích từ sản phẩm của đất và từ hoa trái của cây cối, đều thuộc về Đức Chúa” (Lv 27, 30)

Đáng tiếc thay! Theo thời gian, con người đã có cái nhìn phàm tục về sự dâng hiến. Một số người nghĩ rằng, dâng hiến như là một sự “hối lộ” Thượng đế, càng dâng hiến nhiều, thì càng chứng tỏ lòng hảo tâm cao, và rồi họ cho rằng, những người khá giả, giàu có, dễ dàng thực hiện việc dâng hiến hơn những người thiếu thốn nghèo khó.

Trở lại câu chuyện người “vô gia cư” nêu trên. Theo bạn, việc dâng hiến của người đó, có được “Đức Chúa đoái nhìn”? Thưa, chắc chắn là được. Được, là bởi, chính Đức Giê-su khi còn tại thế, Ngài đã hoan nghênh cách dâng hiến này. Thật vậy, câu chuyện “Tiền dâng cúng của bà góa” được ghi lại trong Tin Mừng Mác-cô, nói rõ  quan điểm của Ngài về sự dâng hiến. (x.Mc 12, 38-44)

Câu chuyện đó đã được ghi lại như sau: Giêrusalem hôm đó, hôm có sự hiện diện của Đức Giêsu, như một ngày lễ hội. Ngoài đường phố là những khuôn mặt hợm hĩnh của các ông kinh sư “xúng xính trong bộ áo thụng”. Các ông dạo qua dạo lại mong được người ta chào hỏi. Còn bên trong Đền Thờ là một dòng người đang tiến về thùng tiền dâng cúng. Trong dòng người đó, có một người phụ nữ. Người phụ nữ đó được mô tả là “một bà góa nghèo”.

Israel thời đó là một xã hội phân chia giai cấp rõ rệt. Những người bị bệnh truyền nhiễm như phong hủi, những người tật nguyền, các bà góa… tất cả đều bị gạt ra bên lề xã hội. Phụ nữ khi kết hôn phải chấm dứt liên hệ với gia đình ruột thịt. Điều tệ hại là nếu chồng chết cũng là lúc mất hết mọi quyền lợi vật chất từ nhà chồng. Bà góa nghèo hôm đó, phải chăng vì đã “mất hết mọi quyền lợi vật chất” của mình nên đã “lên Đền thờ” để cầu xin điều gì đó từ Thiên Chúa?

Thưa, không thấy thánh sử Mác-cô nhắc đến. Chỉ thấy ngài ghi lại rằng: Bà ta đã không diện đối diện “trước nhan Đức Chúa tay không” nhưng với của lễ là “hai đồng tiền kẽm”…

Từng bước, từng bước bà ta tiến đến thùng tiền, nơi luôn có những vị “cảnh sát tôn giáo” hiện diện canh chừng. Đây là thùng tiền dâng cúng cho Đền thờ. Và rồi, không một chút ngập ngừng, bà ta “bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm” một cách hân hoan vui vẻ theo đúng khả năng bà ta có. Rồi bà ta vội vã đi ra.

Bà ta đâu có biết, Đức Giêsu, lúc đó, đang “ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng” và sau khi “quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao”, Ngài kết luận rằng, “bà góa này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết”. Có nghịch lý không khi Đức Giê-su nói: “Bà góa này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết”, trong khi đó, còn “có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền”?

Thưa không, Mẹ Têrêsa Calcutta có nói: “Khi ta trao tặng một món quà, mà nếu là một mất mát hy sinh lớn đối với ta, thì đó mới thật là món quà”. Bà góa nghèo, như lời Đức Giê-su nhận định, đã “rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình”, thì quả đúng là một-mất-mát-hy-sinh-lớn đối với bà ta.

Để hiểu được điều này, hãy nhớ lại cái biến cố 30/04/1975. Có ai trong chúng ta mà không trải qua giai đoạn, trong nhà chỉ còn hai-lon-gạo, là tất cả những gì để nuôi sống mình! Và có ai trong chúng ta “dám” đem một lon gạo cho một ai đó, vào thời điểm đó, đang quằn quại trong đói khổ! Thế  nên, thật phải đạo khi Đức Giê-su nhận định, dù chỉ dâng có “hai đồng tiền kẽm” cũng kể như bà ta đã “bỏ vào thùng nhiều nhất”.

Này nhé, đứng nghĩ những suy tư sau đây là một sự  ngụy biện. Hãy tưởng tượng xem, nếu đem “hai đồng tiền kẽm” này, gửi ngân hàng, kỳ hạn một năm, với lãi xuất là 6,80%. Điều gì sẽ xảy ra, “sau hai ngàn năm”? Vâng, “bèo” lắm cũng phải thu về vài nghìn tỷ “đô”

Nhìn vào góc độ khác, góc độ “thuộc linh”, sự dâng hiến của bà góa này còn tạo ra một hiệu ứng dây chuyền rất ấn tượng. Thật vậy, hơn hai ngàn năm đã trôi qua, kể từ khi bà ta “bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm”, có biết bao nhiêu Ki-tô hữu nghèo trên khắp thế giới, (mà người nghèo bao giờ cũng nhiều hơn người giàu), sau khi nghe bài Tin Mừng này, có phần chắc,  họ đã có cảm hứng cho việc “dâng hiến”, dâng hiến  một cách đơn sơ, chân thành. Ai… ai có thể tính ra được số tiền đó, do cả tỷ người nghèo dâng hiến, sau hơn hai ngàn năm, là bao nhiêu?

Vậy, hôm nay, nên chăng, gọi bà góa này là “tỷ phú của Chúa”?

Là một Ki-tô hữu, bạn có muốn là “Tỷ phú của Chúa”? Nếu muốn, đừng bao giờ nghĩ rằng, đợi đến khi có của ăn của để, chúng ta mới thực hiện sự dâng hiến cho Thiên Chúa.

Câu chuyện sau đây, tuy đã cũ, thiết tưởng cũng cho chúng ta nhìn ra chân lý đó. Chuyện là thế này: Có một chàng thanh niên đến thăm Mẹ Têrêsa Calcutta. Sau khi chứng kiến những việc Mẹ cùng các cộng sự làm, chàng ta xúc động và nói “Thưa Mẹ, con có thể cộng tác vào công việc của Mẹ bằng cách nào? Mẹ Têrêsa từ tốn trả lời rằng “Chỉ cần cố gắng mỉm cười với người khác, vậy thôi”. Vấn đề, không phải là dâng ít hay nhiều. Điều quan trọng, đó là dâng hiến với sự tự nguyện trong tâm tình hy sinh.

Thì đây, khi nói tới việc dâng hiến, Đức Giê-su đã chẳng từng nói: “Ai cho anh em một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng”, đó sao!.

Chỉ là “một chén nước”, tất nhiên, nó không phải là chén nước mang hương vị Coca, Pepsi hoặc Trà xanh không độ, nào đó. Chén nước đó phải là chén nước mang hương vị  “bác ái, nhân hậu, từ tâm, hiền hòa, trung tín, nhẫn nhục” v.v…

Hãy tưởng tượng, mỗi ngày, ta rót cho người bạn đời của mình một chén nước mang một trong những hương-vị nêu trên, điều gì sẽ xảy ra? Thưa, điều sẽ xảy ra, đó là: gia đình chúng ta tuy là  một gia-đình-nhỏ nhưng nó sẽ là một “đại dương của hạnh phúc”, đúng không, thưa quý vị!

Hãy tưởng tượng, mỗi ngày, ta rót cho một người hàng xóm nào đó bên ta, một chén nước, mang một trong những hương-vị nêu trên, điều gì sẽ xảy ra? Thưa, có phần chắc, nơi ta ở sẽ là một thiên đàng láng giềng thân thiết.

Trở lại chuyện “dâng hiến”. Vâng, chúng ta tiến thân trong nghề nghiệp nhờ những mảnh bằng cấp. Vậy, sao chúng ta lại không xem việc dâng hiến như là một tấm bằng để tiến thân nơi “công sở Nước Trời”!

Thánh Phaolô đã nói “Hãy chú ý làm trổi hơn việc nhân đức dâng hiến này” (2Cor). Đừng quên, khi dâng hiến “Đức Chúa là Đấng thưởng công, sẽ trả lại cho con gấp bảy lần” (Hc 35, 10). Vâng, Ngài sẽ trả công, và sự trả công tuyệt vời nhất, đó là chúng ta được đứng trong hàng ngũ những “Tỷ phú của Chúa”.

Petrus.tran

 

 

Trả lời