Anh em cứ ngồi xuống đi…

 

 

Anh em cứ ngồi xuống đi…Quyền năng và lòng trắc ẩn, đó là những điều Đức Giê-su luôn thể hiện trong những ngày còn tại thế. Về quyền năng của Đức Giê-su, Tin Mừng thánh Luca đã ghi lại rằng: “Cả đoàn dân đều tìm cách chạm vào Ngài, vì quyền năng từ Ngài phát ra và chữa lành mọi người.” (Lc 6 , 19). Còn về lòng trắc ẩn ư! Vâng, phép lạ “Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều” được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gioan là một điển hình.

Câu chuyện đó đã được kể rằng:  Một ngày nọ, khi nghe tin Đức Giêsu sang bên kia Biển Hồ Galilê,  cả một rừng người trùng trùng điệp điệp đi theo. Họ đi theo vì “từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm”(Ga 6, 2).

Lúc đó “Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ”. Từ trên đỉnh núi, “Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình”.

Ngọn núi như bị rung chuyển bởi làn sóng người tuôn đến. Mười hai người môn đệ không thể không ngỡ ngàng, ngỡ ngàng là bởi, cứ sự thường, việc Thầy và trò “lên núi” không ngoài mục đích lánh riêng ra  một nơi để mà nghỉ ngơi đôi chút hoặc là để thinh lặng nguyện cầu.

Thế mà, giờ đây… một đoàn dân đông đảo như thế, còn đâu những giây phút để mà “gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa”! Có lẽ, có lẽ… một ai đó trong các ông đã phải cất tiếng “than ôi!”.

Nhưng với Đức Giê-su thì không, hình ảnh “đông đảo dân chúng đến với mình” đã nhiều lần khiến Ngài chạnh lòng thương xót, thương xót vì họ “như đàn chiên không người chăn dắt”.

Như Ngài thường nói “Ta là mục tử nhân lành” kia mà! Thế nên, hôm ấy, phát xuất từ lòng trắc ẩn, không chần chờ, Đức Giê-su hỏi ông Phi-lip-phê “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” (Ga 6, …5) Mua đâu ư! Chúa ơi! Phi-lip-phê nhăn nhó trả lời: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”.

Hai trăm quan! “Một quan là sáu trăm đồng”, đó là theo giá trị của tiền tệ xưa của Việt Nam, rất lớn. Có phần chắc, hai trăm quan thời Do Thái xưa, cũng không phải là nhỏ.

Không thấy thánh sử Gioan nói gì,  nhưng có lẽ trong số các môn đệ, có người sẽ lẩm bẩm rằng: Thầy sao vậy. Thầy  từng chỉ thị cho chúng con  không được mang gì… không mang bao bị, lương thực, tiền bạc v.v… nay lại bảo “mua đâu ra bánh” tiền đâu chúng con mua! Và có lẽ cũng có người rất mong đợi một lệnh truyền mới của Thầy Giêsu, rằng Ngài sẽ truyền cho họ “hãy xuống thuyền đi nơi khác”.

Thế nhưng, Đức Giêsu đã không nghĩ như thế. Bởi vì đó là “tư tưởng của loài người”. Với Ngài, bản chất của Con Một Thiên Chúa, là lòng trắc ẩn, là “Agape”, là tình yêu thương vô điều kiện.

Hôm đó, với một tâm tình yêu thương, với lòng trắc ẩn, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng, “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi” (Ga 6, 10)

***

“Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi”.  “Ngồi xuống đi”. Vâng, đối với các môn đệ, quả thật, đây là một lệnh… “lạc”. Lạc là bởi như ông An-rê đã cho biết rằng “ở đây… có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu” (Ga 6, 9).

Cả ba thánh sử Matthêu, Máccô và Luca đều cho biết các môn đệ đã gợi ý với Đức Giêsu rằng “xin Thầy cho dân chúng về…”

Ôi! Tệ thật. Chắc hẳn các môn đệ đã quên rằng, đối với Thiên Chúa, “trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối của Ta cao hơn của các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy”(Is 55, 9)

Đúng vậy, “nói như thế…” Đức Giêsu muốn “thử các ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi” (Ga 6, 6). Với quyền năng của mình, hôm đó, Đức Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó”. (Ga 6, 11)

Vâng, hôm đó, phép “thử” của Đức Giê-su đã có kết quả. Kết quả là “Nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn”, họ đã “ngồi xuống” và quả thật, “người ta (đã) ngồi xuống”, một biểu lộ của “lòng tin”, với lòng tin đó, họ đươc  ăn  “no nê”.

****

Qua biết bao mùa thường niên, chúng ta đã nghe rất nhiều lần câu chuyện “Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều”. Và chắc hẳn, lời khuyên được gửi đến mỗi chúng ta, đó là: hãy tiếp tục là cánh tay nối dài của Đức Giê-su. Hãy tiếp tục “bảo người ta ngồi xuống (và) phân phát cho những người ngồi đó”.

Vâng, đó là điều hợp đạo lý  của Đức Chúa Trời. Đạo lý “Thương xác bảy mối: Thứ nhất cho kẻ đói ăn. Thứ hai cho kẻ khát uống. Thứ ba cho kẻ rách rưới ăn mặc v.v…”

Tuy nhiên, còn cái đói, cái khát nguy hiểm hơn, đó chính là cái đói, cái khát “thuộc linh”, nói theo cách nói của ngôn sứ Amos, đó là “đói khát được nghe lời  ĐỨC CHÚA”(x.Am 8, 11)

Với nan đề này, Lm Pio Ngô Phúc Hậu, trong một bài viết, đã chia sẻ như sau: “Ai cũng biết rằng không nên cho con cá, mà nên cho cái cần câu và dạy người ta câu cá mà ăn. Nhưng hỡi ơi! Biết bao nhiêu cần câu đã ‘bốc hơi’. Các vị Giám Mục Mỹ  Châu La Tinh đã từng ‘cho cá’ rồi lại từng cho ‘cần câu’, mà người nghèo vẫn còn đó trùng trùng điệp điệp. Nơi gương Đức Giê-su, vừa buồn vừa thương. Buồn thì không muốn cho cá và cho cần câu nữa. Nhưng vì thương quá nên lại vẫn cho”.

Tiếp tục lời chia sẻ, ngài nói “Nhưng các ngài ý thức rằng, nếu không có Đức Giê-su, người giàu cũng khổ, người nghèo cũng khổ. Cứu khổ không phải là cứu đói, vì cứu đói xong rồi, thì khổ vẫn còn đó. Vẫn cho cá, vẫn cho cần câu. Nhưng đồng thời cũng cho ‘Đức Giê-su’. Cho cá và cho cần câu đều là chứng ta của Tin Mừng. Nhưng cho đúng nhất và đầy đủ nhất là cho Đức Giê-su”.

Kết thúc nan đề này, Lm Pio Ngô Phúc Hậu nói: “Có Đức Giê-su trong tim rồi, thì dù vẫn còn đói, nhưng chỉ đói mà không khổ.  Có Đức Giê-su trong tim rồi, thì người giàu sẽ đua nhau đem cơm áo tặng người nghèo và coi người nghèo là ân nhân của mình”.

Làm sao để mọi người “có Đức Giê-su trong tim” mình? Thưa, không gì tốt hơn là  thỏa mãn sự “đói khát được nghe lời  ĐỨC CHÚA” nơi con tim mỗi người. Và để thực hiện điều này, không gì tốt hơn là “phân phát cho những người ngồi đó” một quyển Kinh Thánh.

Tại sao đó lại là điều tốt nhất? Thưa, bởi, như lời Thánh Giêrônimô đã khẳng định: “Không biết Kinh Thánh là không biết Ðức Giê-su Kitô”. Không biết Đức Giê-su Ki-tô thì làm sao “có Đức Giê-su trong tim” mình?

Là một người Kitô hữu, có thể Chúa gọi tôi làm giám mục hoặc linh mục hoặc tu sĩ. Có thể Chúa gọi tôi làm cha, làm mẹ trong một gia đình v.v…

Dù là ơn gọi nào, chúng ta cũng đều cần “có Đức Giê-su trong tim” mình. Bởi, nhờ đó, chúng ta mới có thể là cánh tay nối dài của Chúa Giê-su “phân phát cho những người ngồi đó” môt bữa ăn no nê, no nê tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự nhẫn nhục và nhân từ. Bởi chỉ có như thế, chúng ta mới có thể mạnh dạn nói với những ai đến với ta hay ta đến với họ rằng “Anh em cứ ngồi xuống đi”.

Petrus.tran

 

 

Trả lời