Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án

Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án

Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên ánBa tuần của Mùa Chay đã trôi qua. Chúa Nhật hôm nay, chúng ta bước vào tuần thứ IV. Khác với ba tuần trước, ba tuần của lời mời gọi: “sám hối và tin vào Tin Mừng”. Của sự tìm biết Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và cung cách thờ phượng Ngài.

Với Chúa Nhật tuần này, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta sẽ nghe được một thông điệp, thông điệp nói đến ân huệ và tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Thông điệp đó được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gioan. (Ga 3, 14-21).

Tin Mừng thánh Gioan ghi lại rằng: Vào dịp lễ Vượt Qua, nhân cơ hội có Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem, trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do Thái. Ông ta đến gặp Đức Giê-su trong niềm tin vào Ngài như  là “một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến”. Tại sao ông ta lại tin như thế? Thưa, bởi, ông ta lập luận rằng: “chẳng ai làm được những dấu lạ (Đức Giê-su) làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy”.

Đúng vậy, Đức Giê-su, ngay khi bắt đầu ra đi loan báo Tin Mừng, Ngài đã làm rất nhiều dấu lạ, dấu lạ hóa nước thành rượu trong một bữa tiệc cưới tại Cana là một ví dụ điển hình. Còn chuyện Ngài  “được Thiên Chúa sai đến” ư! Thưa, cũng đúng . Đức Giê-su được sai đến không chỉ trong vai trò là một “tôn sư” mà còn trong vai “Con Một” của Thiên Chúa.

Hôm đó, sau những lời tranh luận với ông Ni-cô-đê-mô về sự tái sinh, Đức Giê-su đã khẳng định điều đó khi Ngài công bố một thông điệp, thông điệp rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

“Con của Người” sẽ làm gì để đem lại sự sống muôn đời cho nhân loại? Thưa, hôm đó Đức Giê-su cho biết: “như ông Mô-sê đã gương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được gương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”. (Ga 3, 14-15)

Không biết, hồi đó  ông Ni-cô-đê-mô có hiểu câu nói đó của Đức Giê-su không! Nhưng, có phần chắc, ông ta hiểu Đức Giê-su nói gì khi Ngài nói tiếp rằng “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”.

Sau này, quả đúng như lời Đức Giê-su nói, vào một buổi chiều ngày thứ sáu, trên đồi Golgotha, “Con của Người”, chính là Ngài, đã bị giương cao, giương cao trên cây thập giá. Cây thập giá đó, trở thành cây thánh giá, một cây thánh giá, nhờ đó, mà mọi người “được cứu độ”.

“Được Cứu Độ – Được Sống Muôn Đời”. Vâng, đó chính là kết quả từ cây Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô. Cây Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô như là cây trường sinh mới, một cây-trường-sinh-mới đã được tác tạo bằng chính thân xác của Ngài. Nó đã được gieo hạt tại miền đất Belem và đã trổ sinh hoa trái khi được “trồng xuống” tại đồi Golgotha …

Nếu như cây trường sinh ở vườn Eden năm xưa bị “các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng lóe canh giữ ” để ngăn chận con người “hái ăn và được sống mãi” (St 3, 24)  Thì hôm nay, cây Thánh giá Chúa Giêsu, cây trường sinh mới luôn “ở giữa thế gian. Và đó chính là “ân huệ của Thiên Chúa”.

Để được hưởng ân huệ này, thánh Phaolô nói, “chính do ân sủng và nhờ lòng tin”(Ep 2, 8). Ân sủng và nhờ lòng tin chính là chìa khóa, là “password” giúp chúng ta mở trang web mang tên “Nước Trời”, nơi có cây-trường-sinh-mới, ban “Ơn Cứu Độ và Sự Sống Muôn Đời”.

Vâng,  “Ơn Cứu Độ và Sự Sống Muôn Đời” đã có, và ân huệ này Thiên Chúa ban cho con người không bao giờ bị giới hạn bởi không gian lẫn thời gian. Vấn đề còn lại là “lòng tin”,  lòng tin của chúng ta, chúng ta có tin vào ân huệ và tình yêu của Người?

Khi nói tới lòng tin, có thể nói, đó là một thách thức đối với chúng ta, nhất là trong xã hội  hôm nay, một xã hội cổ võ cho một nền văn hóa sự chết, một xã hội dạy dỗ con người ta rằng, Thiên Chúa đã chết rồi, một xã hội ngạo mạn rêu rao rằng “Thằng trời đi chỗ khác chơi; Để cho nông hội tiến lên làm mùa” thì, ít nhiều gì, nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến “lòng tin” của chúng ta.

Ở một xã hội như thế, rất có thể, chỉ vì một phút yếu lòng, chúng ta gục ngã trước những mưu ma chước quỷ của Sa-tan và bè lũ của chúng. Rất có thể, chỉ vì một phút yếu lòng, chúng ta yêu thế gian đến nỗi “bán” Con Một của Người là chính Đức Giê-su, bằng cách này hay cách khác.

Thế nên, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi, tôi có “bán đứng” lương tâm mình chỉ vì một chút lợi lộc, của cải, tiền bạc thế gian ban cho? Tôi có “bán đứng” đồng nghiệp mình chỉ vì một chút danh vọng thế gian ban cho? Tôi có bán đứng đồng môn mình chỉ vì một chút quyền lực thế gian ban cho?

Đối với gia đình, tôi có bán đứng người bạn trăm năm của mình chỉ vì một phút yếu lòng để cho “hồn lỡ sa vào đôi mắt…” một em chân dài nào đó? v.v…

Nếu chúng ta có một phút yếu lòng! Hãy nhớ đến dụ ngôn “người cha nhân hậu”. (x.Lc 15, 11-32). Hãy tin vào lòng nhân hậu và sự bao dung của Thiên Chúa, như người con thứ trong dụ ngôn đã tin. Hãy đứng lên và đi về với Thiên Chúa, như người con thứ  đã “tin” rằng, người cha sẽ tha thứ và anh ta đã “đứng lên, đi về cùng cha”. Cuối cùng, hãy nhớ lời Chúa, qua miệng lưỡi ngôn sứ Isaia, có phán rằng “Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận. Tội các ngươi, dẫu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông” (x.Is 1, 18)

Hôm nay, chúng ta bước vào tuần thứ tư của Mùa Chay. Và cũng là lúc chúng ta  bước vào những ngày tĩnh tâm. Không gì tốt hơn là chúng ta hãy để cho tâm hồn tĩnh lặng và tự hỏi rằng tôi đã thật sự tin rằng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”? Không gì tốt hơn là chúng ta hãy để cho tâm hồn tĩnh lặng và tự hỏi rằng “tôi đã thật sự phó thác đời tôi vào Chúa?”

Vâng, câu trả lời là của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, đừng quên rằng, con người của chúng ta là “tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su”(x.Ep 2, 10), thế nên, cớ gì chúng ta không “tin vào Con của Người”? Đừng quên, Đức Giê-su đã nói “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án” (x.Ga 3, 18)

Petrus.tran

Trả lời