Ách Tôi êm ái và gánh Tôi nhẹ nhàng…

Ách Tôi êm ái  và gánh Tôi nhẹ nhàng…

Ách Tôi êm ái  và gánh Tôi nhẹ nhàng…Đời là bể khổ! Đúng vậy, cuộc sống của con người, có thể nói, là một chuỗi dài của những lao nhọc và đau khổ. Từ lúc mới chào đời, cất tiếng khóc “oa oa”, một tiếng khóc như báo cho con người biết rằng, rồi đây cuộc đời sẽ đầy đau khổ. 

Đau khổ là một sự thật hiển nhiên, dù không ai muốn, đau khổ vẫn cứ gắn liền với kiếp nhân sinh. Sống trên đời, từ lúc sinh ra, trưởng thành và cho đến ngày lìa thế, có ai mà chưa từng nếm trải mùi vị của lao nhọc và khổ đau!

Sinh ra là khổ, về già là khổ, bệnh tật là khổ và chết đi cũng là khổ. Cầu xin một điều gì mà không toại nguyện là khổ, thương yêu mà phải xa nhau là khổ, ghét nhau mà phải nhìn nhau cũng khổ…

Thế nhưng, thoạt kỳ thủy thì cuộc sống của con người không tệ như thế. Kinh Thánh cho biết rằng, lúc khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời đất, vũ trụ. Thiên Chúa còn sáng tạo con người. Đặt con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất. Một hồng phúc Thiên Chúa đã ban cho con người.

Chương thứ hai sách Sáng thế ký mô tả thêm, rằng: “Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Eden, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra…Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Eden, để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2, 8…15).

Tiếc thay! Nguyên tổ Adam và Eva đã làm mất đi địa vị cao quý đó. Nguyên nhân là do hai ông bà đã bất tuân lệnh truyền mà Thiên Chúa đã tuyên phán rằng: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn, nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn…”

Chính vì thế, đang ở địa vị bá chủ muôn loài, giờ đây nguyên tổ đã phải lãnh nhận một án phạt, một án phạt chỉ nghĩ đến cũng đủ “mệt mỏi và gánh nặng”. Đó là, con người, từ đây “phải cực nhọc mọi ngày trong đời mới có miếng ăn.”(x.Stk 3, …17)

Chưa dừng ở đó, con người còn bị trục xuất ra khỏi vườn Eden cùng với án phạt là sự chết. Để rồi từ đó, cuộc sống của con người như bị phủ trùm bởi một màn đêm, màn đêm của những ngày “dong duổi đường gió bụi” với những “gánh sầu thương mệt mỏi hai vai”.

Án phạt là thế, nhưng Thiên Chúa không vì thế mà để cho con người chìm đắm trong lao nhọc của sự sống và gánh nặng trước cái chết. Nếu xưa kia, Thiên Chúa “đuổi con người” ra khỏi vườn Eden thì hôm nay, qua các ngôn sứ Thiên Chúa lại gửi đến con người lời mời gọi, rằng: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dẫu không có tiền bạc, cứ đến… đến… không phải trả đồng nào” (x.Is 55, 1). Và cuối cùng, lời mời gọi đó được chính Con Một Người là Đức Giê-su cất tiếng kêu gọi.

Hồi ấy, Đức Giê-su đã kêu gọi rằng: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (x.Mt 11, 28).

Không chỉ mời gọi, Đức Giêsu đã cụ thể hóa lời mời gọi bằng hành động. Thật vậy, trong ba năm ra đi loan báo Tin Mừng, biết bao người khi đến với Ngài, họ đã được Ngài làm cho bao đau thương vơi đi, họ đã  có bánh ăn để sống và hơn thế nữa, họ đã được nhìn thấy “ánh sáng soi nẻo tối tăm nơi vực sâu trong bóng đêm”. Nói tắt một lời, Đức Giêsu đã làm cho con người “được sống và sống sung mãn”(x.Ga 10, 10).

“Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Vâng, hôm đó, như để cho lời mời gọi được trọn tình, Đức Giê-su nói thêm rằng: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” Và rồi Ngài quả quyết: “Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (x.Mt 11, 29).

“Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Phải chăng, lời mời gọi này cũng dành cho chúng ta? Thưa, đúng vậy.

Thế giới hôm nay, có thể nói rằng, là một thế giới đẫy dẫy tội lỗi. Mà tội lỗi chính là nguyên nhân gây ra sự bất ổn và bất an. Những bất ổn và bất an đó, ai dám phủ nhận rằng, nó không là nguyên nhân làm cho chúng ta “mệt mỏi và gánh nặng”?

Thật vậy, bao lâu chúng ta còn sống trên thế giới này, đời sống của chúng ta sẽ luôn phải hứng chịu những hệ quả của nó và  như lời thánh Phao-lô nói: “chúng ta rên siết, khổ tâm” (x. IICor 5,).

Cho nên, hãy thử hỏi, tôi có mang gánh nặng tài chánh, thiếu trước hụt sau vì đang trong cảnh thất nghiệp!? Tôi có mệt mỏi và gánh nặng trước một gia đình, vợ chồng luôn xung đột: ông nói gà bà nói vịt? Thử hỏi, gia đình tôi con cái có biểu hiện bất tuân? Hoặc ngay chính bản thân tôi đang phải mang gánh nặng về thể xác, bệnh hoạn yếu đau. Tuổi đời càng cao, ôi sao, sức khỏe càng yếu?

Chưa hết, về mặt tâm linh, hãy thử hỏi, tâm hồn tôi có đang vất va vất vưởng nặng lòng trong tội lụy?

Gánh nặng nào đang đè nặng trên cuộc đời tôi? Sầu thương nào đang làm mệt mỏi đôi vai tôi? Tôi sẽ làm gì để tháo bớt những gánh nặng sầu thương trên cuộc đời mình?

Hãy học nơi vua David. Vâng, là một người đã từng mang những gánh nặng sầu thương trên con đường đời của mình. Là một người đã từng vất vưởng nặng lòng trong tội lỗi, gánh nặng trị quốc, gánh nặng gia đình, con cái phản nghịch. Thế nhưng,  khi ông trao cho Đức Chúa những gánh nặng sầu thương của mình, ông đã được sự nâng đỡ của Đức Chúa.

Sự từng trải đó đã được ông chia sẻ rằng: “Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay Chúa. Người sẽ đỡ đần cho, chẳng để chính nhân phải nghiêng ngửa bao giờ” (Tv 55, 23).

Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta, Ngài để cho chúng ta lựa chọn. Ngài chỉ có thể đứng đó và nói: “Hãy đến cùng tôi… Vì ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng”.

Có thể Chúa không làm cho gánh nặng biến mất, không cất bỏ những nan đề trong đời sống chúng ta, nhưng Ngài đã khẳng định rằng: “Tâm hồn anh  em sẽ được yên nghỉ”. Ngài sẽ nâng đỡ chúng ta, làm cho gánh nặng của chúng ta trở nên “êm ái và nhẹ nhàng”.

Có một câu chuyện được kể lại rằng: tổng thống Abraham Lincoln, trong một ngày nọ, ông ta gặp một cô gái nô lệ, động lòng trắc ẩn trước tình trạng đáng thương của cô, ông ta bỏ tiền mua cô về.

Cô gái nô lệ, ngạc nhiên thay, lại tỏ ra giận dữ. Cô ta nghĩ rằng, cũng như những người da trắng khác, ông chủ mới này rồi cũng sẽ hành hạ và lạm dụng mình.

Thế nhưng, trên đường đi, tổng thống Lincoln nói với cô gái rằng: “Ta cho cô được tự do.” Cô gái nô lệ ngạc nhiên trả lời: “Ông nói gì vậy? Tự do như vậy có phải là tôi muốn làm gì thì làm không?” Tổng thống Lincoln trả lời: “Đúng, cô muốn làm gì thì làm.” Cô gái hỏi tiếp: “Có phải tự do là tôi muốn nói gì thì nói không?” Tổng thống trả lời: “Đúng, cô muốn nói gì thì nói.” Cô gái nô lệ hỏi tiếp: “Có phải tự do là tôi muốn đi đâu thì đi không?” Tổng thống trả lời rằng: “Đúng, cô muốn đi đâu thì đi.” Cô gái nô lệ cuối cùng trả lời: “Nếu vậy thì con muốn nói là con muốn đi với ông.” (nguồn: internet)

Vâng, sự chọn lựa đến với Chúa là một tự do lựa chọn, dù rằng, Ngài chính là người “cứu chuộc chúng ta”. Chúng ta sẽ không thể có được sự trải nghiệm “sẽ được yên nghỉ” thật sự mà Chúa hứa ban, nếu chúng ta chưa thật sự “gánh lấy ách của Ngài”. Đã bao nhiêu lần chúng ta đi nhà thờ, nhưng vẫn cảm thấy bất an, vẫn không bình an, vẫn cảm thấy cuộc đời mình như “sinh lầm thế kỷ”… tại sao? Thưa, là bởi, chúng ta đến nhà thờ theo tập quán, sợ lỗi luật giữ ngày Chúa Nhật mà không chịu gánh lấy “ách của Chúa”, chưa cùng bước đi trên con đường Chúa đã đi.

Cô gái nô lệ, sau khi được chuộc, đã tự do lựa chọn và cô ta đã “cùng bước đi theo” người đã chuộc cô ta, cô ta, chắc chắn cô ta sẽ cảm nghiệm được sự “yên nghỉ” khi đi theo người cứu chuộc cô.

Lời Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Giê-rê-mi, có nói: “Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi… kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng”(Gr 29, 11)

Bạn có tin không? Đươc bao nhiêu phần trăm? Một trăm phần trăm chứ?  Vâng, nếu chúng ta tin, hãy đến cùng Chúa, và nói với Ngài rằng: Con tin “ách Ngài êm ái… gánh Ngài nhẹ nhàng”.

Petrus.tran

Trả lời