8. Tấm lòng với người nghèo khổ

8. Tấm lòng với người nghèo khổ

Tin Mừng Lc 4, 16-22

8. Tấm lòng với người nghèo khổRồi Đức Giêsu đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.

Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.

Suy niệm

Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai với Thần Khí của Chúa Cha, Thần Khí tràn ngầp tâm hồn Đức Giêsu và đưa dẫn Chúa Giêsu thi hành sứ vụ đặc biệt của Chúa Cha :

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”(Lc 4, 18-19)

Thần Khí của Chúa Cha không phải là tinh thần, thái độ so sánh hàng ngang, người này với người kia, nhóm này với nhóm nọ; nhưng là sự bao bọc quảng đại từ trên cao nhìn xuống, giống như tấm lòng của cha mẹ ôm trọn tất cả mọi đứa con và đặc biệt lo lắng cho những đứa con khó khăn, yếu đau nhất.

“Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phương vô ân và quân độc ác” ( Lc 6, 35).

Lãnh nhận Thần Khí của Chúa Cha, Đức Giêsu không tìm cho mình những người ưu tú, không vun đắp cho nhóm của mình để hơn những nhóm khác, không lấy sự phân biệt tội lỗi và công chính như tiêu chuẩn để lọc lựa và loại trừ. Trái lại, Đức Giêsu thể hiện tấm lòng của Chúa Cha, Ngài yêu thương tất cả mọi người và đặc biệt chăm sóc những đứa con kém may mắn nhất hoặc tội lỗi lạc xa đàn chiên nhiều nhất :

“Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này : Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Lc 9,13)

Tinh thần đó Chúa Giêsu đã thể hiện trong suốt cuộc đời sứ vụ công khai và thể hiện như một nét căn bản của nhiệm cục mới của ơn cứu độ. Đức Giêsu luôn bày tỏ một tấm lòng cảm thông, yêu thương đặc biệt với những người nghèo khổ, bé mọn, tội lỗi và mang lại niềm hy vọng cứu độ cho họ. Đức Giêsu động lòng trắc ẩn trước những hoàn cảnh éo le, Đức Giêsu cảm thông với những người đói, Đức Giêsu hớn hở vui mừng vì nhận ra thánh ý yêu thương lạ lùng của Chúa Cha đang được thể hiện :

“Ngay bấy giờ, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói : “ Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, những lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10, 21)

Khi trả lời cho thắc mắc của Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu khẳng định lại sứ vụ của Đấng Mêsia :

“Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe : người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết chỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng …” (Lc 7, 22-23)

Do đó, tấm lòng đối với những người nghèo khổ tội lỗi không phải chỉ là một tình cảm của con tim đức Giêsu, nhưng chính là nguồn cội sâu xa trong lựa chọn của Đức Giêsu, biểu hiện nơi thái độ của của Đức Giêsu trong mọi hoàn cảnh và hơn nữa, đó chính là nét căn bản giải thích diễn tiến của lịch sử ơn cứu độ.

Ơn cứu độ của Thiên Chúa không phải là một bài toán thách đố con người để chỉ lọc lựa những người tốt; nhưng ơn cứu độ ấy bộc lộ tấm lòng yêu thương quảng đại của Thiên Chúa; ơn cứu độ của Thiên Chúa tràn xuống tận đáy xã hội, có khả năng nâng dậy những người hèn kém và tầm thường nhất, những người tội lỗi và bất chính nhất, miễn lã con người dám để cho Thiên Chúa đón nhận và yêu thương mình. Không một người nào lại bị loại bỏ khỏi tấm lòng quảng đại của Thiên Chúa, trừ khi chính họ muốn khước từ tình thương của Ngài.

Những yếu tố ấy lại chính là đường nét của thời đại Cánh Chung, thời đại Thiên Chúa hoàn tất chương trình sáng tạo và cứu độ con người. Đức Giêsu tuyên bố ứng nghiệm ngày hôm nay những yếu tố biểu lộ tình thương bao bọc của Thiên Chúa : ”Người sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19)

Điều đó có nghĩa là thời của Đấng Mêsia, thời gian của Giáo Hội, thời gian Cánh Chung cũng mang tính chất đặc biệt của Tin Mừng giải phóng, và Giáo Hội của Chúa cũng không thể là điều gì khác hơn một sự thể hiện lòng nhân lành quảng đại của Chúa đối với những người nghèo khổ.

Như thế, nét đặc trưng nhất của thời đại Đấng Mêsia không phải là điều gì khác hơn thời đại biểu hiện “Tấm Lòng Vàng” của Thiên Chúa; và Martin đã thể hiện được nét đặc trưng của Nước Chúa để cũng được gọi một cách thân thương : vị thánh “tấm lòng vàng”.

Lm Giuse Nguyễn Trọng Viễn OP
(Những trang tin mừng mở ra trên cuộc đời thánh Martinô)

 

Trả lời